Theo Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 của Quốc hội, mại dâm là một tệ nạn xã hội cần phòng, chống “để góp phần bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển con người Việt Nam”. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, khi toàn cầu hóa kinh tế kéo theo toàn cầu hóa trong văn hóa, tư tưởng thì quan điểm của một bộ phận người Việt Nam về mại dâm trở nên cởi mở hơn. Vấn đề hợp pháp hóa mại dâm hay không nóng lên sau đề xuất lập “phố nhạy cảm” tại Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cho đến nay, vẫn có rất nhiều quan điểm trái chiều xoay quanh vấn đề này.
Theo số liệu Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2018, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, chủ yếu là nữ giới. Đối tượng và hình thức mại dâm chủ yếu dưới dạng sugar baby-daddy, gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet. Thực trạng này gây nên nhiều vấn đề tội phạm, các bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS. Trên thế giới, đã có rất nhiều các quốc gia, khu vực hợp pháp hóa hoạt động mại dâm: Singapore, bang Nevanda của Mỹ, Úc, Hà Lan (Thủy Nguyễn, 2020).
Tại Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm này. Lí do đầu tiên là, đưa hoạt động mại dâm trở thành một đặc khu kinh tế khiến các khoản thu chi sẽ được kê khai để đóng thuế, mang lại ngân sách cho Nhà nước, thu hút khách nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam. Theo Lena Edlund và Evelyn Korn, hai nữ giáo sư tiên phong trong nghiên cứu về mại dâm: "Mại dâm là một ngành công nghiệp nhiều tỉ USD và là công việc thường xuyên của hàng triệu phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Một khảo cứu gần đây của Văn phòng Lao động quốc tế cho thấy ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan có tới 0,25-1,5% phụ nữ tham gia hoạt động mại dâm và nghề này đóng góp từ 2-14% tổng thu nhập nội địa (GDP)".
Thêm nữa, theo thạc sĩ Phạm Văn Chung (2018), việc hợp pháp hóa mại dâm giúp sự quản lí trở nên dễ dàng, từ đó giảm thiểu tỉ lệ vi phạm các tệ nạn xã hội khác như buôn người, hiếp dâm, v.v. Đồng thời bảo vệ người thực hiện hoạt động mại dâm nhờ có sự quản lí, khám sức khỏe và đóng bảo hiểm. Hơn thế nữa, nhà báo Trần Đình Thu (2015) cho rằng: có “cầu” thì ắt sẽ có “cung”, tình dục là nhu cầu cơ bản của con người, cũng như ăn, ngủ, thiếu thì sẽ chết, chẳng phải những vụ hiếp dâm giết người đều là hậu quả của việc thiếu thốn tình dục đó sao?
Xét trên khía cạnh nhân văn, đưa mại dâm trở thành hoạt động hợp pháp khiến những người thực hiện được công nhận nghề nghiệp, được đào tạo, cấp giấy phép hành nghề, có lương, hợp pháp hóa đồng tiền họ kiếm được bằng mồ hôi công sức mà không phải chịu sự dè bỉu, khinh bỉ của những người xung quanh, không còn là ngành nghề chui lủi “trong bóng tối” (Trần Đình Thu, 2015).
Ngược lại, những người phản đối hợp pháp hóa hoạt động mại dâm cũng đưa ra rất nhiều lí do. Ở đây, tôi muốn đề cập đến những lập luận trên phương diện văn hóa để giải thích tại sao các quốc gia phát trên thế giới hợp pháp hóa mại dâm, còn Việt Nam lại không. Trong cuốn Interlectural Communication for Everyday life, nhóm tác giả John R. Balwin nói tới thuyết tương đối văn hóa (Cutural relativism), rằng niềm tin, giá trị và thực hành của một người nên được hiểu dựa trên văn hóa của chính người đó, thay vì được đánh giá theo các tiêu chí của người khác. Đồng thời nhấn mạnh các bối cảnh xã hội khác nhau làm nảy sinh các giá trị và tiêu chuẩn khác nhau. Bởi vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể áp dụng các chuẩn mực xã hội (Social norm) của các quốc gia khác vào thực tế xã hội ở Việt Nam.
Khác với tư tưởng văn hóa phương Tây (Western culture) - tình dục chỉ là nhu cầu sinh lí, người Việt quan niệm rằng tình dục là kết tinh của tình yêu, nó gắn rất sát với tình cảm, hạnh phúc gia đình (An Nguyên, 2018). Chính vì vậy, phụ nữ Việt thường giữ “cái ngàn vàng” để trao cho người mình yêu, thuần túy là yêu thương, không bị mục đích nào khác ràng buộc. Trong bài viết của bộ môn Công tác xã hội - trường Đại học Đồng Tháp, xét theo xã hội học và tội phạm học, mại dâm là việc trao đổi sự thỏa mãn tình dục lấy tiền bạc, vật chất, hay quyền lợi, là sự cung cấp tình dục ngoài phạm vi vợ chồng. Nếu hợp pháp hóa mại dâm, người ta coi việc “đổi gió”, “ham của lạ” như một lẽ thường, có thể chấp nhận được. Theo đó, mại dâm có thể là mầm mống phá hoại hạnh phúc lứa đôi, quy chuẩn một vợ một chồng thủy chung son sắt của gia đình Việt – là tế bào của xã hội, gặm nhấm, khiến xã hội trở nên thối rữa (Tifosi, 2020).
Thêm nữa, mại dâm làm suy đồi những phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay, khiến họ bị chà đạp cả về nhân phẩm và giá trị. Khi người bán dâm là hàng hóa, họ phải đè nén tình cảm, lòng tự trọng, và những mong muốn về phẩm giá để thỏa mãn khách hàng. Hợp thức hóa mại dâm, chính là coi việc buôn bán trên thân xác phụ nữ là điều hiển nhiên, biến phụ nữ trở thành công cụ thỏa mãn dục vọng cho nam giới (Thuy Phong, 2017). Việc hợp pháp hóa mại dâm còn ảnh hưởng tới sự phát triển của phụ nữ nói chung (Đạo sĩ, 2020). Cụ thể, mại dâm sẽ trở thành lựa chọn ngành nghề của những cô gái trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn, gặp khó khăn về vấn đề kinh tế. Việc chưa hình thành sự nhận thức đúng đắn trong hành vi, suy nghĩ để rồi bước vào thế giới đầy rẫy cạm bẫy sẽ dễ dẫn đến sự lệch lạc trong đạo đức, hành động. Mà như tác giả cũng có chia sẻ: “Khi rào cản pháp lý biến mất, các rào cản xã hội và đạo đức cũng không còn. Việc hợp pháp hóa mại dâm giống như lời nhắn gửi tới thế hệ trẻ rằng phụ nữ là hàng hoá tình dục và mại dâm là trò đùa vô hại.”
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Việt Nam không nên hợp pháp hóa mại dâm. Nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam hiện tại sẽ thấy được khâu quản lí còn yếu kém, có quá nhiều vấn đề, tệ nạn xã hội chưa được giải quyết triệt để: quan liêu, ma túy, buôn lậu, v.v. Việc đưa “phố đèn đỏ” vào hoạt động, mại dâm trở thành nghề sẽ khiến tình trạng trở nên rối ren hơn, có quá nhiều khâu cần xử lí: mở trung tâm đào tạo, cấp chứng chỉ, có thang bảng lương, v.v. Thêm nữa, về quan điểm hợp pháp hóa mại dâm để kích cầu du lịch, du khách nước ngoài đến với Việt Nam để trải nghiệm những giá trị độc đáo, riêng biệt cùng nên ẩm thực phong phú, cảnh quan đẹp đẽ chứ không phải để trải nghiệm du lịch tình dục. Mặc dù, việc ủng hộ hợp pháp hóa nghề mại dâm thể hiện suy nghĩ tích cực, tư tưởng tiến bộ của người dân Việt Nam hiện tại, song cần xét theo thuần phong mĩ tục, bối cảnh xã hội Việt Nam để đưa ra những giải pháp, quyết định phù hợp.
Nguồn tham khảo:
Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 của Quốc hội : Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 10/2003/PL-UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 phòng, chống mại. (2020). Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Truy xuất từ: http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=80891
Hải Nam (2015). Lập “phố nhạy cảm”. Thanh niên. Truy xuất từ: https://thanhnien.vn/thoi-su/lap-pho-nhay-cam-599685.html
Đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở các tỉnh phía Nam. (2018). Truy xuất từ: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=27758
Thủy Nguyễn (2020). Mại dâm dưới góc nhìn kinh tế và luật pháp ở các quốc gia. Nhịp sống kinh tế. Truy xuất từ: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/mai-dam-duoi-goc-nhin-kinh-te-va-luat-phap-o-cac-quoc-gia-420201578231684.htm
Dự Trần (2012). Kinh tế học về mại dâm. Tuổi trẻ. Truy xuất từ: https://tuoitre.vn/kinh-te-hoc-ve-mai-dam-499259.htm
An Nguyên (2018). Quan niệm khác nhau về tình dục giữa người Viêt và người phương Tây. Truy xuất từ: https://benh.vn/quan-niem-khac-nhau-ve-tinh-duc-giua-nguoi-viet-va-nguoi-phuong-tay-5303/
Tifosi (2020). Tại sao Việt Nam không hợp pháp hóa mại dâm?. Truy xuất từ: https://www.facebook.com/tifosi.hpo/posts/342623000467033
Đạo sĩ (2020). Nên hay không hợp pháp hóa mại dâm?. Truy xuất từ: https://www.facebook.com/daosisapcuoivo/photos/a.421586884561303/2724432337610068
Trần Đình Thu (2015). Công nhận mại dâm, hãy có cái nhìn công bằng!. Thanh niên.  Truy xuất từ: https://thanhnien.vn/toi-viet/cong-nhan-mai-dam-hay-co-cai-nhin-cong-bang-599901.html
Thuy Phong (2017). Bôi bẩn tình dục bằng hợp pháp hóa mại dâm. Dan Luat. Truy xuất từ: https://danluat.thuvienphapluat.vn/boi-ban-tinh-duc-bang-hop-thuc-hoa-mai-dam-158276.aspx
Phạm Văn Chung (2018). 5 lý do nên công nhận mại dâm là hợp pháp. Người đưa tin. Truy xuất từ: https://www.nguoiduatin.vn/5-ly-do-nen-cong-nhan-mai-dam-la-hop-phap-a364885.html
Baldwin J.R, Colman R.R.M, Gonzalez A., Shenoy-Packer S. (2014). Intercultural Communication for Everyday Life. UK: Wiley Blackwell, 29.