HÔM NAY CÔNG BỐ ĐIỂM SÀN ĐẠI HỌC
Xin chào mọi người, mình là Thảo xki. Đây là bài viết đầu tiên của mình trên Spiderum. Bài viết của một cá nhân năm nay thi THPT QG nên không tránh được sự chủ quan và sai sót, mong mọi người thông cảm ạ ^^
Đêm qua một loạt trường Đại học công bố điểm chuẩn, trên newfeed Facebook của mình người người nhà nhà set logo trường. Cả đời có một lần mà, và mình học trường chuyên nên kết quả của các bạn xung quanh nhìn chung là ổn, toàn trường top cả nên update Facebook tí cho chanh xả =)) Nhưng có một số trường hợp bất ổn như hơn 26 điểm vẫn trượt đại học hay một số bạn không học gì vẫn được điểm cao, thậm chí đỗ vào trường F, trường N với số điểm cao chót vót như những bạn đã cày ngày cày đêm để học. Sau khi theo dõi những trường hợp xung quanh mình, mình có đúc kết được năm nay có bốn kiểu điểm thi và kết quả đại học như sau.

1. Kết quả vô cùng may mắn khi so với năng lực và nỗ lực thực sự

Tại sao mình lại để những bạn này lên đầu? Vì thực sự mình khá bất ngờ khi nhiều bạn  vô cùng may mắn khi có được kết quả tốt như vậy. Không cần phải quá thông minh, cũng không nỗ lực quá nhiều nhưng vẫn được số điểm tròn trĩnh vượt quá năng lực thực sự rất nhiều. Ở đây mình không đề cập đến những bạn ngày chơi đêm học hay có một sự nỗ lực thần kỳ trước những ngày về đích. Và đương nhiên kết quả là các bạn may mắn này vào được những trường đại học vô cùng tốt (so với năng lực thật, cũng có thể là so với mặt bằng chung, hoặc cả hai).

2. Những bạn đã nỗ lực, điểm thi phản ánh “đúng” năng lực

Tại sao chữ “đúng” mình lại để trong ngoặc kép. Bởi đề thi năm nay được đa số nhận xét là không phân hóa được học sinh nên phần nào sự “đúng” này cũng mang tính chủ quan. Có một số bạn thuộc số cực kỳ giỏi đề nào cũng ngốn được thì đương nhiên sẽ vẫn có kết quả vô cùng tốt trong đề thi năm nay. Nhưng phần này liệu có nhiều bằng những bạn học tầm trung - chưa chạm đến xuất sắc nhưng vẫn trên trung bình, những bạn có điểm thi tương đối đúng năng lực nhưng vì năm nay đề không mang tính phân hóa cao nên vô tình bị đánh đồng với những bạn có học lực kém hơn. Vậy nên một bộ phận không nhỏ điểm thi phản ánh “đúng” năng lực nhưng chưa chắc được đặt chân vào trường Đại học như ý.

3. Hài lòng vì kết quả đánh giá đúng năng lực hoặc không quá quan tâm

Mình tạm thời bỏ qua những bạn này nha^^

Vậy vấn đề xảy ra là gì?

Những bạn vào đại học theo con đường may mắn > năng lực thì mình vẫn xin chúc mừng các bạn vì xưa nay các cụ vẫn có câu “học tài thi phận”. Mình nghĩ nếu đó là phận, và điều này vô cùng may mắn và vui vẻ thì thực sự không có điều gì chê trách ở đây cả. Và điều đó cũng là lời nhắn nhủ tương tự của mình với các bạn dù không may mắn lắm trong kỳ thi này lắm nhưng cuối cùng vẫn được đặt chân vào cánh cửa đại học. Năm nay các cậu đã vất vả nhiều rồi.
Nhưng điều mình muốn đề cập đến là có rất nhiều bạn chủ quan vì số điểm năm nay của các cậu thực sự tốt dẫn đến vấn đề nằm ở việc xếp nguyện vọng và: TRƯỢT ĐẠI HỌC hoặc vào những trường ở nguyện vọng cuối mình không thực sự ưng ý. Có rất nhiều suy nghĩ trong đầu xảy ra như: tại sao đứa này bình thường học dốt hơn mình, sao lại vào được trường F? Tại sao đứa này đi thi may thế khoanh được đúng cột có nhiều đáp án? Sao đứa này số đỏ thế nhà giàu nên điểm thấp vẫn được trường ngon, sao điểm dân tộc cộng nhiều thế, sao vùng lại có tận 0.75…. Mình biết các bạn đang rất buồn, vì mình cũng từng trượt mà, đặc biệt là cảm giác bất lực khi rõ ràng mình học không đến nỗi nào lại chẳng bằng một đứa ăn may. Đặc biệt với tình trạng đề thi không phân hóa tốt như năm nay dẫn đến có một số ngành điểm chuẩn tăng quá nhiều, một ví dụ nổi bật là Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có ngành Luật tăng tới 9 điểm so với năm 2020 nên cũng không thể tránh khỏi trường hợp để nguyện vọng lót “trượt”.

Vậy điều chúng ta cần phải xem xét là gì?

Đời có nhiều pha như Xuân Tóc Đỏ trong “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng), than trách người ra đề không phân hóa, than trách bản than đặt nguyện vọng? Đời là chuỗi những sự bất công, ta cần chấp nhận. Đề thi là yếu tố bên ngoài ta không thể điều khiển, hãy tập làm quen và sống chung với nó. Còn về những lỗi sai thuộc bản thân ta thì nó đã nằm trong quá khứ, ta chẳng thể quay lại được. Mình đã từng trượt, và mình từng không tin cũng chẳng muốn làm theo những con chữ mình vừa viết ra nhưng có thể chấp nhận thực tại là cách tốt nhất để vượt qua. Hãy chấp nhận có những chuyện chỉ với một sức nhỏ bé của một cá nhân không thể thay đổi, hãy chấp nhận đây là một bài học trường đời ta phải vượt qua. Nó khó và chắc chắn rất đau lòng, nhưng ngoài chấp nhận ta đã thất bại để biến nó thành động lực ta cố gắng hơn thì còn có lựa chọn nào tốt hơn vậy? Chấp nhận để xem xét lại bản thân còn thiếu sót gì, có thực sự phù hợp với con đường này và ta có thực sự thích nó như ta tưởng? Thất bại đem lại cho ta nhiều thứ hơn ta tưởng, nó là nấc thang để đến gần hơn với thành công bới nó giúp ta nhận ra mình đang hỏng chỗ nào mà.
Tại sao ta lại khó chấp nhận thất bại đến thế? Mình nghĩ có nhiều lý do nhưng ở đây mình muốn nhắc đến vấn đề quá trình và kết quả. Phải chăng vì quá quan trọng kết quả nên trong lúc học bạn cảm thấy áp lực, trong khi làm bài thi cũng ảnh hưởng tâm lý và khiến bản thân không thể hiện được tốt phong độ? Phải chăng vì quá quan trọng kết quả nên khi kết quả không đúng như ý nguyện bạn không thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng này và cho rằng mình đã mất tất cả, giờ mình chẳng còn lại gì. Mình nghĩ rằng dù kết quả không được như mong muốn nhưng những chuỗi ngày nỗ lực không ngừng nghỉ, quá trình đấu tranh để ngày càng cố gắng hơn thì lúc đó bản thân cũng tốt hơn rồi chứ. Nếu quá quan trọng kết quả, bạn sẽ coi đây là dấu châm hết: đỗ đại học là thành công và trượt/ đỗ trường không như ý là thất bại? Nhưng nếu đây chỉ là một cột mốc trên hành trình cuộc đời thì sao? Thành công là bàn đạp và thất bại cũng là bàn đạp, điều quan trọng nằm ở thái độ và hành động của bạn đối với sự việc như thế nào.
Mình muốn khép lại với một đoạn văn nho nhỏ mình từng viết: “Như lão chài Santiago trong "Ông già và biển cả" đã vất vả vật vã bao nhiêu mới bắt được con cá kiếm khổng lồ, rồi lại phải đối mặt với đàn cá mập hung dữ để thương tích đầy mình, con cá kiếm cũng chỉ còn lại bộ xương. Ông đã nỗ lực vô cùng và đó là một kỳ tích nhưng nếu chỉ nhìn vào bộ xương kia ta sẽ thấy ông đánh cá thật tầm thường. Ông chưa thực sự thành công về việc bắt một con cá khổng lồ và bảo vệ nó nhưng điều đó không có nghĩa là năng lực của ông bằng với người chỉ nhặt được bộ xương cá. Không thành công ở việc này chưa chắc trải nghiệm đó đã là vô ích, mà điều căn cốt là ta đã trở nên tốt hơn. Và ông lại tiếp tục ra khơi, chinh phục những kỳ tích mới phải chăng bởi cuộc đời không phải một đích đến mà là một quá trình”?
Dù quan điểm của mình hơi khác so với những bạn cùng tuổi, nhưng khi bắt đầu một hành trình và ai đó hỏi mình chọn tập trung vào “quá trình” hay “kết quả” hơn, mình vẫn sẽ chọn “quá trình” vì mình từng là một học sinh thi trượt.