Thấm thoắt mà đã hơn hai mươi năm trôi qua kể từ mùa Trung Thu năm ấy, tôi không nhớ là năm nào nhưng có lẽ là khoảng năm 1998-99. Đó là một đêm rằm tháng tám thật náo nhiệt ở Sài Gòn, mọi con đường đều sáng rực với các cửa hàng bán đèn lồng và bánh Trung Thu tấp nập khách ra vào. Từng chiếc đèn lồng với đủ màu sắc sặc sỡ đập vào mắt tôi, nào là đèn lồng hình ông sao có những cạnh làm bằng nan tre, đèn lồng điện tử hình chiếc thuyền có đèn chớp thật thích mắt. Tôi đang cùng với dượng Hai đang đi dọc con đường bày bán rất nhiều lồng đèn ở Chợ Lớn, chợt thấy một chiếc lồng đèn rất ưng ý nên tôi đã vòi dượng mua cho bằng được. Phải nói là tôi thích cái lồng đèn ấy lắm, mua về là cứ bật suốt giống như tìm được vật tri kỷ vậy. Nhớ thời đó Trung Thu thật vui, buổi tối cả nhà leo hết sân thượng, bật các bản nhạc có chủ đề rằm tháng tám và cùng nhau phá cỗ bánh Trung Thu. Ánh trăng trên cao chiếu xuống làm cho đêm rằm có một dư vị thật đặc biệt, náo nhiệt và cũng tràn đầy bầu không khí truyền thống.
Tôi rất thích tết Trung thu vì mỗi lần nó đến đều gợi lại cho tôi những nỗi niềm tiếc nhớ về truyền thống, mặc dù đây là một dịp lễ tiết có nguồn gốc Trung Quốc. Song Trung thu ở Việt Nam có một phong cách rất riêng mà chỉ có người Việt mới cảm được, cũng giống như cách mà người Nhật Bản đã "bản địa hóa" tết Trung thu vậy. Điều lý thú là người Nhật còn lập ra hàng loạt những quy tắc rạch ròi cho một buổi thưởng trăng nữa, như nơi ngắm trăng, trang hoàng phải bằng cỏ lau, phải cúng bằng bánh dango.
Dần dà theo thời gian không chỉ Trung thu mà các lễ hội cũng dần mất đi bản sắc vốn có của nó. Mỗi khi một dịp lễ lạc đến thì người ta không còn cảm nhận được cái bầu không khí của chúng nữa, tất cả những gì người ta làm là tái hiện những hình thức của lễ lạc một cách máy móc. Mùa Trung thu 2020, đèn lồng vẫn được bán, bánh Trung thu vẫn rục rịch phủ kín nhiều con đường, nhưng vắng vẻ đìu hiu, tựa hồ như ngày nay người ta không còn quan tâm nhiều đến ý nghĩa của mùa Trung thu nữa. Có lẽ những chiếc lồng đèn kia chỉ được mua về để mấy đứa nhóc quăng ném rồi hư hỏng sau nửa ngày, những chiếc bánh ngon lành kia được gói ghém cẩn thận rồi đưa đến nhà một vị quyền thế nào đó cùng xấp phong bì dày cộm. Mùa dịch kinh tế khó khăn, ai cũng chạy ăn từng bữa còn ai dám chú tâm đến những chiếc bánh đắt đỏ có giá đến cả trăm nghìn một cái. Không chỉ riêng bản sắc của Trung thu là bị mai một, đó chỉ là thứ diễn ra cùng lúc của mọi thứ mai một khác, như sự mai một về đạo đức, sự xuống dốc về kinh tế, hay sự giá băng của lòng người. 
Bầu không khí Trung thu lạnh lẽo, cô quạnh của năm 2020 làm tôi luyến tiếc biết bao mùa Trung thu của hơn hai mươi năm trước, khi cả nhà còn quây quần bên nhau cùng thưởng thức hương vị ngon lành của từng chiếc bánh dưới ánh trăng, bên chung trà nóng hổi vừa được mẹ pha. Ánh trăng trên cao hòa quyện cùng với ánh sáng ấm cúng từ những chiếc đèn lồng treo bên chái nhà làm bừng lên một phong vị đậm chất Việt Nam. Trung thu của thời đó chúng ta không phải là đang thưởng thức bánh, mà là đang tận hưởng sự nồng ấm của tình thân, hòa cùng việc thưởng lãm vẻ đẹp của thiên nhiên. Nay thì tất cả những nét đẹp ấy đã lùi vào dĩ vãng. Thật kỳ lạ, dù đời sống vật chất đã tốt hơn ngày xưa nhiều, nhưng chúng ta dần lạnh lùng đi, khô héo đi, mỗi ngày trôi qua lại càng tàn lụi hơn ngày hôm trước. Con người thơ ngây của quá khứ đã qua đi nhường chỗ cho một con người của sự lo âu, vất vả và toan tính. Chúng ta như những cành hoa đẹp đẽ xanh tươi mọc nơi hoang dã, nhưng khi mang về trồng trong những chậu sứ sáng bóng, đặt nơi cao sang thì chợt khô héo đi.
Chiếc lồng đèn dượng mua năm xưa không biết tôi đã bỏ mất ở góc nào. Có lẽ giờ này nó đã vỡ ra thành nhiều mảnh vụn tan lạc ở khắp nơi. Dượng thì cũng đã trở thành người thiên cổ được nhiều năm. Ví như dượng có còn sống thì chắc ông cũng không còn nhớ chút gì về đêm Trung thu của hơn hai mươi năm trước, chỉ còn lại tôi ngồi đây với từng dòng hồi ức nhạt nhòa.
Hưng Lê