Xin chào,, và mình lại quay lại rồi đây. Series về chặng đường du học của mình cũng gần đến hồi kết rồi. Và bài viết lần này, mình sẽ nói về những điều mình thích và không thích trong hơn một năm mình sinh sống và học tập ở Hà Lan. Bắt đầu nào!

👍 THÍCH 1: KHÍ HẬU

Điều đầu tiên phải nói đến chắc chắn là khí hậu rồi, vì đấy là điều mình cảm nhận được đầu tiên khi đặt chân đến nước bạn.
Cùng là tháng 8, nhưng nếu ở Việt Nam lúc đó vẫn đang khá nóng nực, nhiệt độ thường là 30 độ C trở lên, thì ở Hà Lan, lúc mình tới, nhiệt độ chỉ khoảng tầm 18-19 độ C. Với một đứa dễ bị đổ mổ hôi khi trời nóng, thì việc chọn một quốc gia ôn đới để du học quả thực là lựa chọn tuyệt vời.
Điểm khác biệt thứ hai, và cũng là điểm ấn tượng hơn cả về khí hậu, đó là sự trong lành. Nếu ở Việt Nam, hay chính xác hơn là Hà Nội, tiết trời mùa hè nóng nhưng sẽ đi kèm theo độ ẩm hơi cao, kết hợp với bụi bặm, sẽ tạo nên kiểu khí hậu khá khó chịu. Thế nhưng, khi mình tới Hà Lan (và khi đi du lịch ở các nước châu Âu khác nói chung), mình cực kỳ thích sự trong lành nơi đây. Với một đứa bị viêm mũi dị ứng như mình, đáng ngạc nhiên là ở trời Âu khoảng hơn một năm, mình không một lần bị nghẹt mũi, sổ mũi, bất kể trời có lạnh đến -1 hay -3 độ C.
Vậy nên, nếu nói về điều mình thích đầu tiên, chắc chắn không thể bỏ qua khí hậu rồi.

👎KHÔNG THÍCH 1: TÌM NHÀ

Khỏi phải nói, đây đích thị là điều mình oải nhất khi nói về thời gian mình ở đây. Nó là cả một quá trình đau khổ từ ngày trước khi mình sang, cho đến tận giữa học kỳ 2 của mình.
Quá khứ đau thương, nên mình sẽ để lại 4 phần mình nói về việc tìm nhà để các bạn có thể phần nào hiểu được trải nghiệm của mình nhé!

😍 THÍCH 2: CON NGƯỜI THÂN THIỆN

Mình có đi du lịch ở một vài nước châu Âu rồi, và tổng thể, mình vẫn thích con người Hà Lan nhất. Ở đây, người Hà Lan nói chung (đương nhiên là ở đâu cũng có người this người that), dù nhiều lúc có ngáo cần thật, nhưng họ thực sự thân thiện và tốt bụng.
Dễ nhất là kể đến Max, người đã giúp bọn mình tìm nhà trong thời gian đầu (mọi người có thể đọc lại ở đây và ở đây). Việc tìm nhà không phải là nhiệm vụ của bạn ý, nhưng bạn ý đã giúp đỡ các sinh viên quốc tế rất nhiệt tình, hỗ trợ xử lý vụ nhà cửa một cách thuận lợi nhất có thể để bọn mình có thể yên tâm có chỗ ở.
Chỉ đơn giản ở việc, một ngày nọ, xe đạp của mình bị hỏng, mình phải đi bộ và vác theo cái xe đó một quãng đường tầm 30 phút đến gần 1 tiếng để trở về nhà. Trên đường về, ít nhất có hai người bản địa dừng lại để hỏi chuyện mình, hỏi xem mình có cần giúp không, và chỉ dẫn cho mình những điểm sửa xe gần nhất mà mình có thể tìm (dù mình không hỏi).
Hay như hôm mình trở về từ Hy Lạp, hôm đó đã mất ví nên không có tiền mặt để mua vé xe buýt. Đang loay hoay tìm cách thì có một người đàn ông đến hỏi chuyện, và biết việc mình không có tiền mặt để mua vé, ông ý mua hộ mình luôn, và mình chỉ việc chuyển khoản cho ông ý. Xong, lên xe, ông ý ngồi tận hàng cuối, lúc gần đến bến của ông ý, người này còn lên chỗ mình để hỏi thêm là mình có cần giúp gì nữa không, có cần vay tiền hay mua vé gì nữa không thì ông ý sẽ giúp. Quá là đáng nể với sự tốt bụng của người đàn ông này.
Ngoài ra thì trong quá trình mình đi làm thêm ở nhà hàng, những bạn nhân viên bản địa cũng giúp đỡ mình rất nhiều để mình có thể hoàn thành được công việc của mình.

😠 KHÔNG THÍCH 2: KHÔNG PHẢI KHÍ HẬU, NHƯNG LÀ THỜI TIẾT

Mặc cho khí hậu rất trong lành, mát mẻ, nhiệt độ vừa phải, làm con người ta cảm thấy khoan khoái, thì có thể nói, thời tiết ở Hà Lan nói chung khá là dị.
Một ngày đẹp trời, nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng, bạn đang đạp xe tận hưởng tiết trời man mát, nắng ráo, thì bỗng, mây đen ùn ùn kéo đến. Gió bắt đầu nổi quật bạn gần như văng khỏi chiếc xe đạp second-hand mà bạn mới cất công tốn nước bọt để thương lượng giá. Sau đó là một cơn mưa ầm ầm ào ào như chưa từng được mưa, đến độ mà bạn không thể nhìn thấy gì phía trước để mà tiếp tục đạp xe, để rồi phải mò vào một trạm xe buýt gần đó trú tạm. Và cũng chỉ 5 phút sau khi bạn đã trú mưa, thì trời tạnh, và lại nắng.
Đấy chính xác là những gì mình trải qua trong một ngày mình có việc phải lên trường. Và đấy cũng là kiểu thời tiết tương đối điển hình ở Tilburg. Bạn có thể đang tận hưởng một ngày nắng, nhưng rồi mưa gió kéo đến chỉ trong vài phút, thậm chí là kèm theo cả mưa đá.
Nên, một lưu ý, mua sẵn một cái ô, hoặc một cái áo mưa thủ sẵn trong balo, vì bạn sẽ không biết mưa đến lúc nào đâu.

😊 THÍCH 3: XE ĐẠP

Hẳn mọi người đã biết đến “văn hoá xe đạp” ở Hà Lan phải không? Nhưng thật sự trải nghiệm nó là một trong những điều mình ấn tượng ở đất nước này. Hà Lan có quy hoạch đường xá rất ổn và thích hợp cho việc đi xe đạp khi họ có hẳn một làn đường riêng cho người đi xe đạp.
Lợi ích của việc đạp xe? Đầu tiên, chắc chắn là về mặt sức khoẻ rồi. Việc đạp xe hàng ngày đã giúp nâng cao sức khoẻ của mình rất nhiều trong quãng thời gian mình ở Hà Lan, bao gồm cả việc giảm cân. Ngoài ra đạp xe còn giúp bảo vệ môi trường. Dĩ nhiên, chạy bằng nhiên liệu cơm sẽ chỉ thải ra mồ hôi hoặc đốt calo, chứ sẽ không tạo ra khí thải đâu đúng không?
À nhưng mà cũng cẩn thận nhé, bên này cũng có những màn trộm xe đạp đấy, nên khóa xe phải cẩn thận vào. Như mình, xe của mình mua là hàng secondhand, nên rẻ và trong khá cùi, không phải mục tiêu ưa thích của đội trộm xe.

😥 KHÔNG THÍCH 3: ĐỒ ĂN KHÔNG ĐA DẠNG

Với một đứa thích ăn uống, thích tìm kiếm món ăn ngon như mình (và mình tin là nhiều bạn cũng giống mình), thì Hà Lan quả thực không thể gọi là thiên đường ẩm thực. Mà nhìn tổng thể, đồ ăn ở các nước châu Âu nói chung khó có thể bì được với Việt Nam và các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hay Thái Lan về độ đa dạng.
Nếu gọi là món ăn truyền thống của Hà Lan, bạn không cần dùng đến hết một bàn tay để liệt kê đâu. Thật đấy! Dù mình cũng là đứa dễ nuôi, dễ sống, thích ăn uống ngon nhưng đương nhiên cũng dễ ăn, thì sự đa dạng trong đồ ăn ở đây làm mình khá nản. Có món ăn ngon (theo cảm nhận của mình), nhưng không thể ngày nào cũng ăn món đó.
Và thực tế, nhờ sự đa dạng này mà kỹ năng nấu ăn của mình cũng được nâng cấp hơn nhiều so với ở nhà (vì chủ yếu là phải tự nấu).

🥰 THÍCH NHẤT: TIỆN NGHI

Nói về tiện nghi, trước hết là sự tiện nghi trong việc di chuyển. Với hệ thống tàu cao tốc, chỉ cần ngồi tàu khoảng tiếng rưỡi đồng hồ là mình có thể di chuyển được từ Tilburg đến Amsterdam (khoảng cách giữa hai thành phố là khoảng 110 km). Bên cạnh đó, bạn có thể dễ dàng tìm mua vé, kiểm tra lộ trình các chuyến tàu chỉ bằng việc sử dụng một ứng dụng của hãng tàu bên này tên là NS.
Tiện nghi tiếp theo là về việc mua hàng online. Nếu ở Việt Nam, việc mua đồ online đôi khi sẽ khiến chúng ta lăn tăn một chút, vì có thể sẽ không được hỗ trợ để đổi trả, thì ở bên kia, xuống tiền rất dễ dàng. Vì sao? Khi mua hàng về, bạn có thể kiểm tra hàng, thử hàng (đối với quần áo). Các hãng sẽ luôn có sẵn một phiếu yêu cầu đổi trả hàng (return label) trong kiện hàng để nếu bạn không hài lòng sản phẩm, bạn có thể dùng phiếu đó, mang ra các đại lý gần nhất của đơn vị vận chuyển (khá nhiều) và trả hàng. Rất nhanh gọn, không tốn quá nhiều thời gian, mà bạn có thể yên tâm hơn trong việc đặt hàng.
Thứ ba, đó là về việc thanh toán. Thanh toán trực tiếp thì hoàn toàn dùng thẻ ATM để chạm (tap) vào máy. Chỉ trừ khi bạn đi chợ, thì một số quầy hàng sẽ chỉ cho phép thanh toán thẻ với giao dịch ở mức tiền nhất định, thường là 5 EUR. Thẻ ngân hàng này còn có thể sử dụng để thanh toán ở các nước khác trong phạm vi châu Âu, nhưng cần lưu ý trước để kiểm tra xem nước nào có thể dùng được nhé!
Cuối cùng (mặc dù mình thấy cũng còn khá nhiều điều để nói), đó là các cửa hàng đồ cũ. Tại Tilburg (và theo mình biết thì các thành phố khác cũng có), có một số cửa hàng bán đồ secondhand, đủ loại, từ quần áo, giường tủ, bàn ghế, bát đĩa dĩa. Gần như là muốn tìm gì thì có cái đó. Tùy nhu cầu mà người mua có thể lựa chọn mặt hàng phù hợp với giá cực rẻ so với việc mua mới. Mà chất lượng thì không hề tồi, vì các cửa hàng này cũng có chọn lọc để thu gom đồ cũ từ người dân. Với sinh viên thì đây là lựa chọn không hề tồi khi bắt đầu một cuộc sống mới.
Vậy thôi, đó là tổng quan những điều mình yêu thích và không thích nhất ở Hà Lan.
Phần sau, và cũng là phần cuối của toàn bộ Series, sẽ là về khoảng thời gian một tuần trước khi mình lên chuyến bay "cứu trợ" để về nước.
Tạm biệt và hẹn gặp lại.