HỘI THÁNH CÔNG GIÁO: Thành lập, bí tích Giải tội và Vạ tuyệt thông.
"Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội."
Lời đầu tiên, mình xin tuyên xưng rằng mình là một người Công giáo, và tất cả những gì mình sẽ viết dưới đây đều là dưới góc nhìn của một người Công Giáo. Có thể sẽ có vài chi tiết chưa được chính xác, nhưng mình sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành bài viết một cách tốt nhất.
Có lẽ, các bạn hoàn toàn không xa lạ gì với hai từ "Công giáo". Ở Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng có nhà thờ. Từ những nhà thờ lớn, mang tính chất lịch sử và tôn giáo như Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Phát Diệm,... Và sẽ còn thân thuộc hơn, khi đến dịp lễ Giáng sinh, mọi người từ không có đạo đến có đạo đều đổ về các xóm đạo hay các nhà thờ. Vậy, nhân dịp lễ Giáng sinh sắp đến 25/12/2023, mình xin được phép viết bài viết này để làm rõ và cung cấp một vài điều mà có lẽ nhiều người vẫn chưa được dịp tìm hiểu, hoặc chưa biết rõ.
Lưu ý: Bài viết sẽ sử dụng nhiều từ ngữ thông dụng của đạo Công giáo, và bài viết sẽ được viết dưới góc nhìn của một người Công giáo.
I. Công Giáo do ai sáng lập?
Không cần nói quá nhiều, chắc chắn đa số chúng ta đều biết rằng Chúa Giêsu chính là Người sáng lập nên Công giáo. Nhưng Chúa Giêsu đã sáng lập như thế nào?
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, khi Adam và Eva phạm tội thì tội lỗi đã tràn ngập vào thế gian. Nhưng Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót dân Ngài, và Ngài đã hứa ban một Đấng Cứu Thế để cứu chuộc con người. Như ngôn sứ Isaia có chép rằng:
“Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel”
Ngày nay, người ta hay gọi ngày Giáng sinh là Nô-en, cũng xuất phát từ chữ Emmanuel, có nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Chúa Giêsu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria qua quyền năng của Chúa Thánh Thần tác động, Ngài sống ẩn dật với gia đình cho đến năm 30 tuổi. Ngài bắt đầu rao giảng và làm nhiều phép lạ trong suốt 3 năm.
Cuối cùng, theo đúng như lời tiên báo, Ngài đã chịu chết trên thập giá như một lễ tế để đền tội cho loài người, hoà giải tội lỗi của Adam Eva xưa với Thiên Chúa. Và cũng đúng như lời hứa, sau 3 ngày Ngài đã sống lại.
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ. Trước khi về trời, Ngài đã nói với Thánh Phê-rô rằng:
"Con là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi."
Ngoài việc chọn Phê-rô làm thủ lĩnh và khẳng định sức mạnh của Giáo Hội do Chúa lập nên, Ngài còn hứa giao cho ông quyền phán quyết như sau:
"Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Và Thánh Phêrô đã trở thành Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng dưới ánh nhìn của Hội Thánh Công Giáo, thì ý tưởng về Hội Thánh đã có ngay từ trong kế hoạch của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng thế giới. Thế giới này không phải là sản phẩm của mù quáng hay may rủi, nhưng được Thiên Chúa tạo dựng và mong muốn.
Dù trong suốt tiến trình lịch sử 2000 năm, Giáo Hội đã trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm, có những thành công và có cả những sai lầm, điều đó ít nhiều dẫn đến việc có những tín đồ đã tách mình ra khỏi Giáo Hội và lập nên một Giáo Hội khác không còn hiệp thông với Toà Thánh Vatican.
Nhưng Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Kitô – Hội Thánh Công Giáo – vẫn là ngôi nhà chung của mọi người. Giáo Hội vẫn thủy chung gìn giữ nguyên vẹn mọi giáo huấn và truyền thống của các tông đồ (hay còn gọi là tông truyền). Giáo Hội không ngừng làm cho giáo lý ấy thêm sáng tỏ và thích nghi theo từng thời đại, vẫn trung thành tuân phục quyền bính các đấng kế vị các tông đồ mà Chúa Giêsu đã đặt. Đặc biệt Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn hiệp thông với Đức Giáo Hoàng là Đấng kế vị thánh Phêrô, thay mặt Chúa Kitô ở trần gian.
II. Xưng tội
Đầu tiên, chúng ta cần phải biết Giáo Hội Công Giáo có tất cả 7 bí tích, và việc một giáo dân đến toà giải tội để xưng thú tội lỗi mình đã phạm là 1 trong 7 bí tích đó - Bí tích Hoà giải (hay còn gọi là Xưng tội).
Tội là gì?
Tội là sự thiếu vắng tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình, vì sự quyến luyến lệch lạc với một số điều tốt đẹp nào đó. Cách cụ thể, tội được định nghĩa là “một hành vi, lời nói, hoặc ước muốn trái nghịch với Lề luật vĩnh cửu”.
Tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, “yêu mình đến mức khinh chê Thiên Chúa”, bất tuân và nổi loạn chống Thiên Chúa.
Truyền thống Hội Thánh vẫn phân biệt tội trọng và tội nhẹ.
Để là tội trọng, phải hội đủ ba điều kiện:
(1) Tính nghiêm trọng của tội. Mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau, VD: giết người, gian dâm, ngoại tình, chối đạo,...
(2) Nhận thức đầy đủ, hiểu biết hành vi của mình là tội.
(3) Chủ ý ưng thuận chứ không vì ép buộc.
Tóm lại, một người Công giáo sẽ phạm phải tội trọng khi có ý thức đầy đủ về tội lỗi mình sắp làm, nhưng vẫn cố tình và cố ý thực hiện.
Người ta phạm tội nhẹ khi:
(1) Không tuân giữ những điều nhẹ của luật luân lý.
(2) Không tuân giữ luật luân lý trong điều nặng, vì không có nhận thức đầy đủ hoặc không hoàn toàn ưng thuận.
Theo Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1035 thì:
Hậu quả của tội trọng là phá hủy hoàn toàn đức ái và cắt đứt mọi tình thân đối với Chúa vì đã chống lại Người cách quá nặng nề. Do đó, nếu ai chết trong khi đang mắc tội trọng mà không kịp xin tha qua bí tích hòa giải thì sẽ chịu hình phạt hỏa ngục.
Liên quan đến việc rước Mình Máu Chúa Kitô khi tham dự Thánh lễ, Giáo Hội dạy rằng: “Ai muốn rước lấy Chúa Kitô trong hiệp lễ Tạ Ơn (Eucharistic communion) thì phải ở trong tình trạng có ân sủng. Ai biết mình có tội trọng thì không được làm lễ (nếu là linh mục) và bước tới Bàn Tiệc Thánh Thể để rước Mình Thánh Chúa, nếu trước đó đã không nhận được ơn tha tội qua bí tích hòa giải( xưng tội ).” (x SLGHCG, số 1415; giáo luật số 916).
Vậy, nếu một người Công giáo muốn rước Mình và Máu Thánh Chúa trong Thánh Lễ mà họ tham dự thì người đó phải hoàn toàn sạch tội trọng, nếu phạm tội trọng thì phải xưng tội nhưng nếu vẫn mang tội trọng để rước lễ thì phạm phải tội Phạm Sự Thánh.
Vậy xưng tội như thế nào, và ai là người tha tội?
Ăn năn. Trước khi hối nhân đến xin nhận bí tích Hoà Giải, họ phải ăn năn tội. Hối nhân cần ý thức rõ, nhận biết mình đã hành động xấu, hối hận, “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa”(x. CÐ Trentô : DS 1676).
Có hai cách ăn năn tội:
(1) Ăn năn tội cách trọn: Khi hối nhân ăn năn vì lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Nhờ việc ăn năn này, họ được xoá bỏ các tội nhẹ và cũng đem lại ơn tha các tội nặng, nếu họ quyết tâm đi xưng tội càng sớm càng tốt (x. CĐ Trentô, DS 1677).
(2) Ăn năn tội cách chẳng trọn: Khi hối nhân thấy việc xấu xa của tội lỗi mình đã phạm hoặc vì sợ hình phạt đời đời cũng như những khổ hình khác mà kẻ phạm tội phải chịu.
Xưng tội. Lời thú tội với linh mục là phần cốt yếu của bí tích Hoà Giải. Khi xưng tội, hối nhân nói hết các tội trọng mình nhớ được sau khi xét mình cẩn thận. Nếu hối nhân cố tình giấu giếm tội mình đã phạm khi đang xưng tội thì bí tích sẽ không thành sự.
Đền tội. Bí tích Giải Tội tha thứ tội lỗi, nhưng không xoá bỏ những hậu quả xấu do tội gây nên (x. Giáo Luật, điều 914). Do đó, sau khi được tha thứ, hối nhân còn phải phục hồi hoàn toàn sức sống thiêng liêng qua việc phải làm gì đó để sửa lại lỗi lầm của mình: phải đền bù cân xứng nhưng tội đã gây thiệt hại cho tha nhân, hoặc phải đền tạ tội lỗi của mình.
Điều quan trọng của bí tích này chính là việc hối nhân thật sự chân thành nhận ra tội lỗi mà mình đã phạm là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa và khiến họ xa lìa với ân sủng của Ngài và hứa sẽ dốc lòng chừa cải mà không phạm tội nữa.
“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, thì Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính”. 1Ga 1,8-9
Vậy, tại sao linh mục có quyền tha tội?
Đây có lẽ là điều khiến nhiều người hiểu lầm nhất về bí tích Hoà giải của người Công giáo. Câu trả lời chính là: Không ai có thể tha tội, nếu Thiên Chúa không ban quyền và năng lực để tha tội nhân danh Người. Vậy, Người tha thứ tội lỗi của con người chỉ có thể là Thiên Chúa mà thôi, nhưng qua người linh mục, Thiên Chúa thực hiện ý muốn và quyền năng của Ngài.
Khi một giáo dân xưng tội với một linh mục, linh mục ấy sẽ ban ơn tha tội và đọc rằng:
Thiên Chúa là Cha hay thương xót đã nhờ sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Thiên Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con (ông, bà, anh, chị) ơn tha thứ và bình an. Vậy tôi tha tội cho con (ông, bà, anh, chị) Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Có nghĩa là, linh mục không ban ơn tha thứ nhưng nhân danh Thiên Chúa mà vị linh mục sẽ ban ơn tha thứ cho hối nhân.
Linh mục có được phép tiết lộ tội của hối nhân không?
Giáo luật của Hội Thánh Công Giáo năm 1983 khoản 983 ghi:
(1) Ấn tích giải tội là điều bất khả vi phạm; do đó, tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được tiết lộ về hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì.
(2) Nghĩa vụ phải giữ bí mật buộc cả những người thông ngôn nếu có, và mọi người khác, vì một cách nào đó, đã nghe biết các tội khi hối nhân xưng trong tòa.
Trong tinh thần cẩn trọng nhằm bảo vệ bí mật tòa giải tội, khoản 984 dạy thêm rằng:
(1) Tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được xử dụng những điều biết được trong tòa giải tội để làm hại hối nhân, cho dù không có nguy cơ tiết lộ.
(2) Những người cầm quyền không bao giờ được dùng vào việc cai trị ở tòa ngoài những điều nghe biết trong tòa giải tội bất cứ vào thời gian nào.
Giáo luật khoản 1388 quy định hình phạt cho những ai vi phạm luật cấm trên như sau:
(1) Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Còn ai chỉ vi phạm gián tiếp, sẽ bị phạt tùy theo mức nặng của tội phạm.
(2) Thông dịch viên và những người khác nói ở điều 983, triệt 2, nếu vi phạm bí mật, phải bị phạt hình phạt xứng đáng, kể cả vạ tuyệt thông.
Như vậy, luật của Giáo Hội cấm tiết lộ mọi tội, dù là tội nhẹ hay nặng, do hối nhân xưng thú trong tòa giải tội, cho dù việc xưng thú tội có thể bị từ chối đi nữa. Đây là một bí mật và không một luật của quyền bính dân sự nào có thể chuẩn chước.
III. Vạ tuyệt thông là gì?
Đối với Hội Thánh Công Giáo, vạ tuyệt thông là hình phạt nặng nhất được ban ra dành cho những "giáo sĩ" hay "giáo dân" phạm tội trọng và ngoan cố không chịu sửa đổi hay sám hối.
Vậy, để hiểu rõ về vạ tuyệt thông, chúng ta cần biết và làm rõ 2 điều:
1. Các Thánh thông công. 2. Vạ tuyệt thông.
Vào mỗi thánh lễ ngày Chúa nhật, mọi tín hữu tham dự Thánh lễ sẽ cùng nhau tuyên xưng đức tin và trong đó có câu rằng:
"Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế nầy, các Thánh thông công."
Vậy các Thánh thông công là như thế nào?
Trên nguyên tắc, tất cả những ai được rửa tội, đều là thánh, vì đã được sạch tội tổ tông và tội riêng (từ khi sinh ra cho tới lúc lãnh nhận bí tích rửa tội, nếu là người lớn), được gia nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Trong Nhiệm Thể nầy, mỗi chi thể thông hiệp với nhau, vì cùng chung một Nhiệm thể của Chúa Kitô, Người là Đầu (x.GLCG. 92, 947).
Hội Thánh Công giáo được chia làm 3 Hội Thánh:
1. Hội Thánh lữ hành: là chỉ các tín hữu còn sống trên trần thế, vẫn đang tiếp tục con đường lữ hành trở về nhà Cha - tức Thiên đàng.
2. Hội Thánh khải hoàn: chỉ các tín hữu đã kết thúc cuộc đời trần thế và đang sống trong ân sủng cùng Thiên Chúa trên Thiên đàng - hay còn gọi là các Thánh.
3. Hội Thánh thanh luyện: chỉ các tín hữu đã qua đời trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng, dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Các Thánh thông công nghĩa là:
Các tín hữu tôn kính, cầu xin Các Thánh. Còn Các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa.
Các tín hữu làm việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn. Còn các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu còn đang sống.
Các tín hữu đều thông công với nhau: mỗi người đều có quyền hưởng nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của tất cả những người khác (x. SGL CG 92, 946-959).
Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.
Hiểu như vậy, từ đây, chúng ta đi sang phần vạ tuyệt thông.
Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo hoàn vũ dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội và ngoan cố không chịu sửa đổi hay sám hối. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người đó bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội.
Theo Giáo luật có hai hình thức vạ tuyệt thông:
Vạ Tuyệt thông tiền kết và Vạ Tuyệt thông hậu kết.
1. Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ (ipso facto), không cần Giáo hội phải ra công bố, nhưng nếu có công bố thì đó là một tội phạm công khai, để ngăn chặn những hệ luỵ xấu đi kèm. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết. Các vạ đó là:
1. Người bỏ đạo, rối đạo hay ly khai khỏi Giáo hội, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết (đ.1364§1).
2. Ai ném bỏ Mình Máu Thánh Chúa, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ. 1367).
3. Người nào hành hung Đức Giáo hoàng sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1370§1).
4. Người phá thai trực tiếp (đ.1398), hay người đồng lõa: như chỉ chỗ, giúp phương tiện và việc phá thai có kết quả (đ.1329§2), sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
Những tội mà một giáo sĩ có thể vi phạm:
5. Giải tội cho người đồng phạm chiếu theo điều 977, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1378§1).
6. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1388§1).
7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư Giáo hoàng mà phong chức Giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do Giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (đ.1382).
Trong bảy quy định vạ trên đây, có năm loại vạ tuyệt thông chỉ được giải do chính Tòa thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do Giám mục giáo phận hay những linh mục được ủy thác.
2. Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội sau khi vi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố hay phán quyết.
Quyền phạt và tha vạ tuyệt thông.
1. Vạ tuyệt thông hậu kết chỉ ràng buộc phạm nhân sau khi vạ được tuyên án. Một Giám mục có thể ra vạ tuyệt thông hậu kết cho người ngoan cố không chịu sửa lỗi nặng đã được cảnh cáo. Nếu chịu hối lỗi thì Giám mục có thể tha vạ này.
2. Vạ tuyệt thông tiền kết nghĩa là đương nhiên bị vạ này khi phạm một trong những tội hay lỗi nghiêm trọng ghi trên đây, chỉ có Giáo hoàng hay những người được luật quy định mới giải vạ này.
Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử thì bất cứ linh mục nào cũng được phép tha mọi tội và giải vạ tuyệt thông tiền hay hậu kết.
Giáo luật nói rõ những hậu quả của vạ tuyệt thông như sau:
- Không được cử hành hay lãnh nhận mọi bí tích kể cả á bí tích của Giáo hội.
- Đối với giáo sĩ và tu sĩ: không được hành xử mọi chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào cũng như bị cấm hưởng dùng các đặc ân đã được ban cấp trước đó.
Người mang vạ tuyệt thông là người tự tách mình ra khỏi mọi hiệp thông với Giáo hội. Cho nên, chính họ không được lãnh nhận hay cử hành mọi bí tích là nguồn cội của sự thông hiệp vào Nhiệm Thể Chúa Kitô trong yêu thương và hiệp nhất. Vì thế, họ tạm thời ở bên ngoài Giáo hội cho đến khi vạ được tha bởi người có thẩm quyền trong Giáo hội.
Vạ tuyệt thông, dù là hình phạt nặng nhất của Giáo hội, nhưng không có nghĩa là lời kết án vĩnh viễn cho ai phải ra khỏi sự hiệp thông với cộng đồng Dân Chúa. Mà chỉ là hình phạt dược hình (phương thuốc chữa bệnh). Nghĩa là Giáo hội vẫn mở rộng cửa để đón nhận trở lại những ai phạm tội có thiện chí ăn năn, và xin được tha tội. Vì thế, theo Giáo hội hình phạt này chỉ tạm thời cho những người ngoan cố không chịu ăn năn, sửa lỗi.
Trên là những điều mà có lẽ ít người biết về các bí tích và vài chi tiết của Hội Thánh Công Giáo.
Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết và mình xin dâng bài viết này như một hy lễ cho Thiên Chúa nhân dịp Chúa Giáng sinh.
Mình biết rằng bài viết về tôn giáo thường sẽ xuất hiện những bình luận tiêu cực, mình hy vọng các bạn có thể góp ý một cách văn minh. Nếu không yêu thì xin đừng nói lời tổn thương nhau :<
Lần nữa, cảm ơn mọi người!
Tài liệu tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất