Một trong những điều ngăn cản mình khi bắt đầu viết lách đó là SỢ BỊ ĐÁNH GIÁ. Mình biết rằng có nhiều người hơn mình ở khả năng tư duy từ vựng , ở kiến thức chuyên môn, ở chiều sâu trải nghiệm để kể những câu chuyện hấp dẫn. Thế nên mỗi khi nghĩ ra ý tưởng mới thì việc sợ bị đánh giá khiến mình rụt lại. Ý tưởng của mình đến rất nhiều nhưng số lượng bài viết lại rất ít vì mình bị ngăn cản bởi cái tâm lý sợ bị đánh giá “chết tiệt” đó. 
Nhưng rồi sau này khi tiếp xúc với nhiều người viết tốt và tình cờ đọc được những bài viết trước đây của họ, mình thấy rằng câu chữ của họ ngây ngô và lập luận không chặt chẽ như hiện tại. Mình thấy rằng không phải ai sinh ra đã giỏi mà trải nghiệm từ thực hành sẽ mài dũa và đem lại kết quả. Nhiều người cho rằng sự khác biệt giữa một người thành công và không thành công quyết định bằng CHĂM CHỈ. Điều đó không sai nhưng từ phía bản thân mình, mình nghĩ rằng một yếu tố liên quan đến tâm lý cũng rất quan trọng đó là SỰ CAN ĐẢM. 
Trong một video của Ted Talk có nói rằng "mất 10 000 giờ để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực, tương đương công việc full-time 8 tiếng/ngày trong 5 năm". Vậy nếu con đường để bạn thành công trong lĩnh vực đam mê là đường thẳng thì bạn chỉ mất 5 năm. Nhưng trên con đường đó lại có rất nhiều thử thách để bạn phải dừng lại. Và một trong những thử thách đó là bảo vệ niềm đam mê của mình trước ý kiến của người khác.
Sự công nhận của mọi người có tác động rất lớn để một người quyết định theo đuổi đam mê. Bởi, bạn không thể trở thành ca sĩ nếu chỉ hát cho mình nghe, không thể trở thành đầu bếp nếu chỉ nấu cho mình ăn.
Vì vậy theo đuổi đam mê cần sự can đảm nhất định để đối diện với mọi phản hồi của công chúng. Với mình, mình không không quá để tâm đến sắc thái tiêu cực những lời chê mà chỉ để ý đến lý do tại sao họ chê mình. Mình cho rằng họ chê mình vì 2 lý do: họ không thuộc trường phái của mình hoặc mình còn thiếu kĩ năng để thể hiện idea.
Mình mạnh dạn bỏ qua những người không thuộc trường phái, điều đó như kiểu một người ăn thịt chê bai người ăn chay hay ngược lại. Điều đó thật vô nghĩa và nó sẽ giết chết cảm hứng của mình. Thế nên mình chỉ tìm cách khắc phục điểm yếu ở lý do thứ 2.
Dưới đây sẽ là một câu chuyện của mình để làm rõ hơn luận điểm trên.
Trong lớp Basic Art, có một lần thầy để mẫu là một quả chuối cạnh một kim tự tháp. Thầy không đặt đề bài mà để bọn mình tự do sáng tạo, nghĩa là bạn có quyền được thêm nhiều quả chuối, thay đổi bố cục, thay đổi format chủ thể,...
Sau một hồi quan sát mình cảm thấy rằng quả chuối bên cạnh kim tự tháp có một cái gì đó tách biệt và không ăn khớp. Cấu tạo nên quả chuối là những đường cong mềm còn kim tự tháp là những hình tam giác nhọn và cứng. Quan sát kĩ hơn mình cảm thấy rằng, quả chuối như thân mình của một con chim và kim tự tháp có thể thay đổi sang nét mềm thành đôi cánh. Vậy là mình đã biến quả chuối và kim tự tháp từ 2 vật không liên quan trở thành 2 bộ phận tương tác với nhau để tạo nên một con chim bay trên bầu trời.  Thầy lướt qua bàn mình và nhận xét rằng cách liên tưởng của mình khá thú vị. Tuy nhiên thầy hỏi” Tại sao em không giữ nguyên khối kim tự tháp, giống như một chú chim muốn bay lên nhưng bị cầm tù” Mình “Wow” bởi ý tưởng của thầy nhưng mình say “No” với việc thay đổi Idea. Tại sao? Bởi vì mình không định truyền tải ý nghĩa đó trong bài của mình. Idea của mình là biến những thứ khó hiểu thành những điều đơn giản. Còn idea của thầy là khiến bài của mình ngụ ý và phức tạp hơn. Nó có thể tạo nên độ tò mò và thu hút người xem hơn idea của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng mình sẽ thay đổi để CÓ ĐƯỢC SỰ CHÚ Ý CỦA NGƯỜI KHÁC. Mình có thông điệp riêng và việc của mình là cố gắng hết sức đẻ thể hiện thông điệp đó. 
Trước một người có chuyên môn như vậy, mình vui rằng mình đã tự tin bảo vệ “cái tôi” của mình khi sáng tạo. Và mình vui rằng thầy tôn trọng khi nghe ý kiến của mình. Thầy nói rằng ý tưởng của mình để cho con chim được bay lên sẽ nhân văn hơn là con chim bị cầm tù. 
Qua câu chuyện này mình muốn nói rằng, cái hay, cái đẹp trong quan điểm của từng người là rất khác nhau. Thế nên hiểu rõ bản thân mình muốn gì và một chút chai mặt thì mình mới có thể khẳng định cái riêng của bản thân trong đám đông.
Tại sao mình lại thích những người có đam mê? Bởi họ tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực và mình luôn cảm thấy được truyền cảm hứng khi ở bên cạnh họ, họ sẽ dạy bạn nhìn thấy vẻ đẹp của công việc mình đang làm. Đó là sự khác biệt của một người có đam mê so với những người khác. Mình rất thích cảm giác mà tình yêu mang lại, chính vì thế trong mọi việc mình làm mình sẽ học cách để yêu công việc đó, và cách của mình là tìm đến những người có niềm đam mê trong mọi lĩnh vực.
Hãy can đảm chấp nhận những lỗi sai khi là một newbie, tìm đến những người có chuyên môn để nâng cao năng lực thay vì bị ám ảnh bởi những lời chê bai không có tác dụng. Thêm nữa, những tác phẩm đầu đời, dù vụng về, dù run rẩy thì nó vẫn là đứa con của bạn, “hãy trân trọng và cho nó một chỗ đứng tử tế, khách hàng sẽ nhìn vào cái cách bạn đưa sản phẩm đầu tiên chứ không phải là sản phẩm.” Đó là lời nói của thầy giáo dạy vẽ trong buổi đầu mình đi học. 
Bạn biết đấy, việc can đảm thể hiện cái tôi của bản thân trong một xã hội yêu cầu sự hòa hợp và đồng tình là rất khó. Nhưng mình nhận thấy rằng, cần tách biệt 2 thứ và lúc nào cũng nên tỉnh táo để duy trì sự sáng tạo mà vẫn làm được việc, đó là: đề bài và điều mình muốn. Nếu đề bài chặt chẽ, và bạn muốn win đề bài đó, thì hãy follow giá trị của người ra bài. Còn khi đề bài mở, nghĩa là họ muốn có nhiều idea. Vậy hãy thể hiện thật sắc bén idea của mình để win đề bài đó. Kể cả bạn đã cố gắng hết sức mà không thành công thì điều đó có nghĩa rằng người ra đề bài không thích idea của bạn. Nhưng điều đó là hết sức bình thường vì không có một chuẩn mực chính xác để đánh giá sự sáng tạo và cái đẹp. Đến khi gặp đúng người, đúng thời điểm thì bạn sẽ tỏa sáng. Chính vì vậy, hãy lạc quan và can đảm lên nhé những người luôn mang trong mình một tầm nhìn khác biệt, trải nghiệm sẽ nâng cao kĩ năng, học hỏi sẽ giúp bạn tìm cách chạm đến trái tim mọi người.

Nguồn ảnh: Unsplash