“Bạn ấy cứ thế biến mất khỏi cuộc sống của mình thôi. Không một dấu hiệu, không một cuộc cãi vã. Cũng không có lời tạm biệt nào cho nhau cả. Chỉ là một ngày mình thức dậy và biết rằng bạn ấy đột ngột cắt đứt toàn bộ liên lạc rồi. Mình đã khóc nhiều lắm.” - đó là câu chuyện của một khách mời kể cho chúng mình về nỗi tổn thương mà bạn ấy chưa thể vượt qua được trong tình yêu.
Dạo gần đây, mọi người hay đùa rằng đây là thời đại của những mối quan hệ “quen nhanh, bỏ vội”. Người ta không còn kiên nhẫn hay nghiêm túc đầu tư cho một mối quan hệ nữa mà chỉ đặt nhau vào những mối quan hệ “mập mờ” (situationship), và kết thúc của những mối quan hệ đó luôn là sự biến mất bất ngờ trong im lặng.
Có một khái niệm để gọi tên hành vi đó: Ghosting (tạm dịch: bóng ma) - khi một người nào đó bỗng dưng cắt đứt liên lạc với một người khác sau một thời gian qua lại với nhau. Hành động biến mất này điển hình là việc ngừng trả lời tin nhắn, điện thoại của một người mà họ đã từng hẹn hò, gặp gỡ vài lần; hoặc chặn hết mọi liên lạc mà không đưa ra bất cứ lý do hay lời tạm biệt nào với người còn lại. Họ cứ thế mà biến mất khỏi thế giới của người khác.
Nỗi đau này có lẽ rất nhiều người đã từng trải qua khi ở trong một mối quan hệ “mập mờ”. Việc người mình quan tâm bỗng dưng biến mất thực sự khiến ta rơi vào hoang mang. Đầu tiên, ta sẽ lo sợ rằng không biết có chuyện tồi tệ gì đã xảy ra với người kia khiến họ không trả lời tin nhắn của mình, rồi khi sự im lặng bao trùm kéo dài, ta lại hoài nghi rằng không biết mối quan hệ này đã thực sự kết thúc hay chưa, liệu ta có nên cố chấp đi tìm một lời giải thích hay phải đợi chờ thêm bao lâu nữa?
Và rồi sự tuyệt vọng đến. Khi những cố gắng níu kéo không thành, ta chẳng hiểu bản thân mình đã làm sai điều gì? Tại sao họ không nói để ta thay đổi? Nó khiến người ở lại nghĩ rằng vì mình không tốt, không đủ tiêu chuẩn nên người kia đã thích người khác tốt đẹp hơn. Việc rời đi trong im lặng để lại một người lạc lõng chỉ biết miên man trong những hoang mang và tự trách, nó khiến người bị bỏ lại tổn thương lòng tự trọng, khiến họ nghĩ bản thân thực sự vô giá trị và không xứng đáng được yêu thương.
Các nhà trị liệu tâm lý cho rằng “chiến thuật im lặng” như ghosting là một trong những hình thức cực kỳ tàn nhẫn về mặt tình cảm. Trong các nghiên cứu tâm lý, việc bị từ chối bởi xã hội (social rejection) có khả năng kích hoạt một nỗi đau tương tự như cơn đau lên thể xác. Những người có lòng tự trọng thấp có xu hướng tiết ra ít opioid (chất giúp giảm đau khi bị chấn thương) bên trong não hơn sau khi bị từ chối (Krossa et al, 2011). Nếu một người đã từng bị “ghost” nhiều lần trước kia, hay lòng tự trọng của họ vốn đã thấp vì các vấn đề đau thương từng xảy ra trong quá khứ; họ sẽ cảm thấy đau đớn hơn gấp bội khi bị từ chối và sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để vượt qua nó.
Những “ghoster” - người rời đi - cho rằng việc im lặng biến mất là một cách tạm biệt đầy ý tứ khi họ không còn muốn tiếp tục, họ mong người kia sẽ tự hiểu rằng đó là dấu chấm hết cho mối quan hệ giữa hai người. Nhưng với những người ở lại, hành vi này giống như một cách cư xử h-èn nh-át và thiếu tôn trọng với đối phương, thể hiện sự vô trách nhiệm trong mối quan hệ và xem nhẹ sức khỏe tinh thần, xem nhẹ cảm xúc của người còn lại.
Đây là lời nhắn tới những người luôn chọn cách ghosting để kết thúc một mối quan hệ: Việc nói rõ vấn đề rằng bạn đã hết hứng thú với người khác đôi khi thật khó khăn, nhưng đừng vì bảo vệ cảm xúc của bản thân mà chọn cách làm tổn thương một ai đó. Chỉ cần thẳng thắn và đưa ra một lời giải thích/ một lời tạm biệt đơn giản như: “Anh đã rất vui khi gặp được em, nhưng anh không còn cảm xúc với mối quan hệ này” hoặc “Em không nghĩ rằng mình thực sự hợp nhau, vậy nên chúng ta hãy dành thời gian cho một ai khác thuộc về mình”. Có thể điều đó vẫn sẽ khiến người ở lại rất buồn, nhưng ít nhất thì họ cũng hiểu họ không phải nguyên nhân của sự đổ vỡ, và sự rời đi của bạn không khiến họ phải tự dằn vặt rằng rốt cuộc họ đã làm sai điều gì.
Dẫu sao cả hai đã từng có những khoảnh khắc thật đẹp bên nhau, vậy thì hãy cứ thẳng thắn và tử tế ngay cả khi tạm biệt, nhé.