* Lưu ý: Bài viết chỉ là quan điểm cá nhân của người viết, không hề có ý đả kích, xem thường hay đánh đồng bất cứ ai. Nếu bài viết có điểm gi sai sót, mong mọi người góp ý một cách văn minh.
Vài ngày trước, tôi có đọc một bài viết trên facebook về ra đi của cụ Hoàng Thị Thìn – một người chiến sĩ cách mạng từng thực hiện nhiệm vụ đưa cơm cho Bác Hồ thời gian Người ở Pác Bó. Và nó khiến tôi chợt nhận ra một sự thật rất phũ phàng rằng. Những con người đi cùng năm tháng đang dần trở về với thế giới của người Hiền song phần lớn thế hệ trẻ chúng tôi – những người đang hưởng thành quả từ sự hi sinh của họ lại dường như đang lãng quên một thế hệ anh hùng. Phải thừa nhận một sự thật là không phải tất cả những người trẻ đều dửng dưng như vậy. Song, phần lớn trong số họ khiến tôi tự hỏi rằng: “Hiện đại là phát triển hay lãng quên?”

1) Đất nước chúng ta đã phát triển ra sao?

Lịch sử Việt Nam trong thế kỉ XX là một bản hòa ca mang đầy âm hưởng hào hùng. Từ một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu, dân trí thấp, đã đứng lên giành chính quyền làm nên cuộc Cách mạng tháng 8 lịch sử và sau đó là những thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc.
Nhưng đi cùng với những thắng lợi đó là một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, bao vây cấm vận và chế độ bao cấp. Bằng chứng là vào năm 1986, thời điểm nước ta tiến hành công cuộc đổi mới Việt Nam GDP chỉ đạt 446 nghìn tỉ đồng nhưng đến năm 2020, tức hơn 30 năm sau, GDP nước ta đã đạt 3847 nghìn tỉ đồng. Gấp gần 9 lần so với trước khi tiến hành đổi mới và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới. Kí kết nhiều hiệp định thương mại và tham gia vào các tổ chức kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Chất lượng cuộc sống từ đó cũng được nâng cao, những nhu cầu về giải trí, ăn uống, trang phục ngày càng được đáp ứng.
Sự phát triển của nền kinh tế đã kéo theo sự phát triển của khoa học công nghệ. Gần 10 năm về trước, những chiến smartphone có lẽ là những vật dụng của người ngoài hành tinh đối với người dân Việt Nam, vào thời đó việc mua được một chiếc Iphone 6 cũng là một điều xa xỉ. Nhưng hiện tại thì sao? Người người nhà nhà thậm chí những đứa trẻ chỉ mới tập đi cũng đã có cho mình một chiến điện thoại thông minh, máy tính hay laptop. Việt Nam từ một nước đi sau trong cuộc chơi công nghệ nay đã lột xác trở thành một trong những quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G, sánh vai với các ông lớn như Mĩ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong công cuộc chinh phục công nghệ.
Những bằng chứng thực tế đó, đã chứng minh đất nước ta đã vươn mình mạnh mẽ như thế nào trong thời kì hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là một thế hệ chỉ biết cúi đầu.

2) Một thế hệ chỉ biết cúi đầu

Hẳn mọi người vẫn còn nhớ vào ngày 4/10/2021 tròn 8 năm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Thay vì tiếc thương cho một con người đã thay đổi lịch sử dân tộc thì phần lớn thế hệ trẻ lại đi tiếc thương cho sự ra đi của một thanh niên lái xe vượt quá tốc độ không màng tới tính mạng của bản thân và những người khác. Điều đó khiến tôi tự hỏi, liệu những người đang tiếc thương cho cái chết "vô nghĩa" đó, họ có bao giờ nghĩ mảnh đất mà họ đang đứng, cuộc sống mà họ đang có, niềm vui mà họ đang hưởng thụ tới từ đâu không? Câu trả lời chỉ có một. Nó tới từ máu xương của một thế hệ sẵn sàng gác lại tình riêng xông lên chiến trường với một khát vọng duy nhất là mang tới hòa bình độc lập cho đất nước, cho thế hệ mai sau. Vậy mà thế hệ mai sau trả ơn họ bằng quên đi sự hi sinh đó vì một hành động đáng lên án. Họ - một thế hệ coi chiếc smartphone là một vật tri âm tri kỉ nhưng lại quên đi lý do nhờ ai mà họ mới có thể cầm những chiến điện thoại đó trong một kỉ nguyên hòa bình.
Một cựu chiến binh đã từng nói: “Họ chỉ chết khi bị người đời sau lãng quên” tôi đã từng nghĩ đó là điều không thể cho đến khi phải ngao ngán trước các bài viết về những lập luận kiểu: “Nghệ thuật không liên quan tới chính trị” của các Mị Châu thời 4.0. Tôi nghĩ đó không phải là một câu nói tự bộc phát khi thấy thần tượng bị xúc phạm mà là suy nghĩ từ sâu trong tâm khảm của họ về cán cân giữa độc lập và tự do so với những trai xinh gái đẹp.
Tôi sẽ không nói tới nguyên nhân của vấn đề này tới từ nền giáo dục hay tới từ chính nhận thức của một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay. Chỉ là điều đó khiến tôi suy nghĩ phải chăng sự phát triển chính là lãng quên, phải chăng công nghệ là lớp bụi có thể xóa nhòa đi mọi thứ và liệu có một hướng đi nào khác cho vấn đề này hay không?…