Facebook đã quá thành công khi nó khiến cho người dùng ngày càng muốn phơi bày nhiều thông tin của mình lên chính nó, bằng cách khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ dù tích cực hay tiêu cực của chính chúng ta. Và đó là cách Facebook họ kiếm tiền từ bạn, khi bạn chấp nhận đồng ý những cam kết sử dụng dịch vụ để tạo cho mình một tài khoản tại đây, là bạn đã chấp nhận cung cấp hầu như toàn bộ thông tin của mình cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. Ở đây chúng ta ko bàn đến khía cạnh an ninh thông tin hay những vấn đề liên quan, mà chỉ nói đến cách chúng ta thể hiện mình trên facebook, điều đó hình thành nên một bộ hồ sơ công khai cho tất thảy mọi người thấy được ta là thế nào, hay ít nhất ta trông thế nào.
    Tính năng Newsfeed của Facebook tuyệt vời nhưng cũng chính là sợi dây thòng lọng khiến bạn hao mòn từng ngày nếu bạn không để ý. Nó ưu tiên hiện lên những hình ảnh/status những người bạn mà chúng ta thường xuyên tương tác, những bài viết của các Page từ miễn phí đến có phí mà ta hứng thú (like), hoặc ít nhất là những thứ ‘’nó’’ nghĩ là ta sẽ hứng thú. Khi bạn thể hiện những cảm xúc tiêu cực thông qua những cuộc hội thoại, những status, những bài chia sẻ, vô tình bạn đang tạo một vòng khép kín bản thân mình vào những người bạn, bài viết, fanpage nó nội dung mang cảm xúc tương tự. Rồi ngày qua ngày, bạn cũng chỉ tiếp xúc với những nội dung đó, cảm xúc tiêu cực ngày càng tích tụ và lớn dần cho đến khi gây ra những hậu quả khó lường (dù thực sự chúng ta cũng chưa chứng kiến được nhiều vụ việc đáng tiếc từ đó, nhưng vẫn là một mối nguy hại tiềm tàng).
    Ở một khía cạnh khác, bạn bè của bạn trên Facebook trông thấy những bài đăng, chia sẻ tiêu cực với tần suất dày đặc từ chính bạn, sẽ có hai trường hợp xảy ra. Thông thường một bộ phận không nhỏ sẽ bình luận, nhắn tin với nội dung an ủi, chia sẻ, hỏi thăm, nhưng những người đó ko thể mãi an ủi bạn hoài được, và cũng không có nhiều khả năng giúp được bạn với những vấn đề bạn gặp phải. Số còn lại chỉ ‘’like’’ đôi lần, rồi sau đó họ sẻ lướt qua thôi vì ngày nào cũng thấy bạn chia sẻ những nội dung đó cả. Và đáng ngại hơn nữa, họ sẽ ‘’phớt lờ’’ bạn đi bằng cách dùng tính năng ‘’ignore’’ của Facebook để rồi họ hầu như không còn ‘’kết nối’’ (trên Facebook) với bạn nữa. Đây mới chính là điều nguy hiểm bởi những người đó lại là những người mang năng lượng ‘’tích cực’’, thái độ sống ‘’tích cực’’ hoặc ít nhất họ có những cách giải quyết riêng mà đáng lẽ ra sẽ giúp ích bạn với những thứ bạn đang gặp phải.
Thái độ sống tiêu cực của bạn chỉ đang nuôi sống (theo nghĩa đen) Facebook và những Fanpage chuyên thu hút lượt view/like thông qua những bài đăng/hình ảnh bề ngoài những tưởng rất đúng với tâm trạng của bạn, nhưng thực sự là họ đang lợi dụng cảm xúc mạnh mẽ của bạn lúc đó , với mục đích mời chào bạn bình luận và chia sẻ, hướng tới cái đích cuối cùng là tăng like/view. Những cái đầu quản trị các Page đó họ tính toán hết cả, những nội dung như vậy thường hiệu quả gấp trăm ngàn lần so với những Page đầu tư nghiêm chỉnh về mặt nội dung khác, và tính lan tỏa của nó cực kỳ lớn. Điều này vô tình tạo ra một cuộc đua không ngừng nghỉ của rất nhiều Fanpage có nội dung vô thưởng vô phạt như trên bởi cảm xúc tiêu cực người dùng là mỏ vàng khai thác không bao giờ cạn kiệt, và cũng là một cuộc đua không cân sức cho các Fanpage đầu tư nghiêm tục vào mặt nội dung (như Page: facebook.com/truongbavietnhan chẳng hạn). Hành vi sử dụng của bạn cùng với công cụ quảng cáo vô cùng hiệu quả của Facebook khiến cho Trang tin (Newsfeed) và cả Trang chủ (Homepage) của bạn tràn ngập những thông tin u ám, mệt mỏi và hoàn toàn không có chút niềm tin vào cuộc sống. Điều đó khiến những người khác (bao gồm cả gia đình, bạn bè và nhà tuyển dụng cũng như đối tác) đánh giá rất thấp về bạn, và rồi bạn lại càng lún sâu hơn vào mớ cảm xúc hỗn độn và tiêu cực đó nữa. Liệu chúng ta có thích những người dành nhiều thời gian than vãn về việc hết tiền, việc làm không ưng ý, hay những vấn đề gia đình riêng tư,...trên Facebook?
    Suy cho cùng, ai cũng có quyền tự do thể hiện cảm xúc của mình và những người gặp phải các vần đề trong cuộc sống cần được nhiều sự cảm thông từ chúng ta, nên chúng ta không có quyền phán xét họ, chỉ là chúng ta nên làm sao để tránh sa vào cái bẫy tưởng chừng ngọt ngào nhưng lại lắm u ám và khó dứt ra mang tên ‘’Thể hiện cảm xúc tiêu cực trên mạng xã hội’’. Trước khi anh than vãn về việc phải đi làm thứ 7 mà lương không đủ mua chiếc xe mới hãy biết rằng ngoài kia có người làm việc từ 7h sáng tới 10h khuya và không có khái niệm ngày nghỉ, trước khi chị đánh đồng đàn ông lúc nào cũng chỉ biết nhậu nhẹt, hãy nhớ rằng đâu đó vẫn còn rất nhiều ông chồng làm kinh doanh những vẫn vừa chăm con từ A-Z. Thỉnh thoảng dành thời gian xem lại trang cá nhân của mình, liệu nó có ‘’đẹp’’ với hàng loạt bài viết/chia sẻ mà đọc lại ta thấy có gì đó ‘’sai sai’’ không? Cuộc sống còn nhiều người mang năng lượng tích cực lắm, hãy kết nối với họ, bạn sẽ thấy màu cầu vồng mới là màu chủ đạo của cuộc sống này, chứ hoàn toàn không phải màu đen!
# Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
# Mượn ảnh minh họa từ: https://humanhumor.wordpress.com/laugh-a-little-more-its-o…/