Lưu ý: Tất cả những điều mình chia sẻ chỉ là kinh nghiệm cá nhân, không phải ý kiến chuyên khoa. Các bạn nên đi khám để biết rõ tình trạng bản thân để có hướng điều trị phù hợp.
Mình bắt đầu bị mụn từ cấp 2 kéo dài đến khi tốt nghiệp đại học. Chắc cũng phải chữa mụn 10 năm ròng với vô số lần thất bại. Và rất nhiều lần mình đã bỏ cuộc mặc kệ cho đám mụn tự mọc. Mình bị gần đủ các thể loại mụn ở khắp mặt: Mụn viêm, mụn bọc, mụn mủ, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn ẩn, vết thâm mụn nhiều vô số kể nữa. Nhưng cuối cùng mình đã tự chữa khỏi mụn của bản thân được 2 năm.
Mình đã đổi kha khá bác sĩ da liễu, phòng khám, bệnh viện, thẩm mỹ viện. Mình sẽ không nêu tên bất kì ai vì có thể chỉ đơn giản là mình không phù hợp với phương pháp của họ thôi. Kinh nghiệm của mình là nếu bạn thấy không phù hợp hay không đồng ý hãy mạnh dạn nói KHÔNG và bỏ qua những cơ sở khám chữa bệnh hay bác sĩ làm bạn không thoải mái. Sau đây là một số kinh nghiệm lựa chọn cơ sở khám bệnh của mình:
1. Nên chọn nơi sạch sẽ, hợp vệ sinh, cơ sở vật chất đầy đủ, bác sĩ có bằng cấp chuyên khoa. Bạn có thể tra giấy phép hoạt động do Sở Y tế cấp để biết phạm vi hoạt động và người chịu trách nhiệm chuyên môn, đọc các review thực tế của khách hàng (hãy tỉnh táo để phân biệt với review PR). Dấu hiệu không ổn là cơ sở mất vệ sinh, không tìm được giấy phép hoạt động, hoạt động, dịch vụ mà họ quảng cáo cho bạn không có trên phạm vi hoạt động đã đăng ký hoặc khi bạn yêu cầu người chịu trách nhiệm chuyên môn ghi trên giấy phép khám nhưng bên cơ sở kia bảo không có bác sĩ đó.
2. Nên chọn nơi mà bạn được lắng nghe. Dấu hiện của việc nên chạy ngay đi là khi bác sĩ không nghe kĩ về tình trạng của bạn, không giải đáp thắc mắc, tư vấn lối sống, sinh hoạt mà chăm chăm vào việc kê đơn hay cố gắng hướng bạn sang một liệu pháp nào đó. Vì nếu họ không sát sao với bệnh nhân thì việc điều trị cũng sẽ không hiệu quả. Bác sĩ mình từng điều trị đã không dặn mình cách chăm sóc da sau khi kết thúc liệu trình trị mụn, kết quả là sau 2 tháng mụn của mình tái phát như chưa hề có cuộc chia ly luôn.
3. Không nên mua thuốc, Thực phẩm chức năng, Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc do cơ sở khám cung cấp. Mình đã từng mua phải rượu thuốc, kem trộn với giá cắt cổ và bị hỏng da. Những sản phẩm này có dấu hiệu là bao bì đóng gói nhìn khá rởm, không có số đăng ký, hạn sử dụng, ngày sản xuất in mơ hồ hoặc không có. Không có tên cơ sở sản xuất và phân phối. Mấy sản phẩm này làm bạn đẹp lên rất nhanh nhưng sẽ làm mỏng da, nổi mụn khắp mặt nếu ngưng sử dụng hoặc sử dụng lâu.
4. Không nên mua thuốc, Thực phẩm chức năng, Mỹ phẩm do cơ sở khám cung cấp. Kể cả thuốc, TPCN, Mỹ phẩm rõ nguồn gốc, của các hãng nổi tiếng thì thường giá sẽ cao hơn khá nhiều so với ở ngoài (Mình từng mua mỹ phẩm đắt hơn so với giá bán của Guardian đến 200k). Không nên mua thuốc Đông Y không có bao bì, nhãn mác hay các thuốc Tây Y bị để viên trần hoặc cắt cho bạn không nhìn rõ tên thuốc, hạn sử dụng. Vì thường như vậy các bạn sẽ không biết mình đang uống thuốc gì, có tác dụng phụ như thể nào. Mình đã từng nói với bác sĩ mình có cơ địa dị ứng và mình dị ứng rất nghiêm trọng nên mình từ chối uống thuốc không rõ tên và thành phần. Và nếu các cơ sở khám chữa bệnh hay bác sĩ tỏ ra khó chịu với lựa chọn này của các bạn thì các bạn cũng nên suy nghĩ lại nhé.
5. Không nên vội vàng đồng ý làm các liệu pháp được tư vấn khi chưa được giải thích rõ hay tìm hiểu kĩ về các phương pháp này. Bạn nên tìm hiểu kĩ trước khi làm bất cứ liệu pháp nào, tốt nhất là bạn nên yêu cầu họ cho xem quá trình làm của các bệnh nhân khác nếu được. Mình đã từng được tư vấn nặn mụn nhưng sau khi xem họ nặn mụn cho bệnh nhân khác mình đã không đồng ý làm (Người nặn mụn không khử khuẩn đầu kim sau mỗi lần lấy nhân mụn mà đưa kim hết nốt mụn viêm này sang nốt mụn viêm khác. Như vậy sẽ làm lây nhiễm vi khuẩn khắp mặt bệnh nhân, làm tình trạng mụn nặng thêm).
Hẹn gặp lại các bạn ở phần 2 nơi mình sẽ chia sẻ về cách xem review, đọc các tài liệu nghiên cứu, chọn mỹ phẩm phù hợp.