Hàn Phi sống cách chúng ta hơn 2000 năm trước, ông không chỉ là một nhân vật mang giá trị lịch sử mà trong tư tưởng của ông còn để lại cho nhân loại những giá trị thời đại cốt lõi về tinh thần pháp luật.

1. Hàn Phi Tử là ai ?

Hàn Phi xuất thân là công tử nước Hàn, sống cuối thời kì Chiến Quốc trong giai đoạn nước Tần đang thực hiện mưu đồ thống nhất đất nước. Chứng kiến từ bé, Hàn Phi đã nhìn thấy rõ các mối quan hệ giữa vua tôi và cách trị nước. Sau đó, ông bái Tuân Tử làm thầy và kế thừa tư tưởng nhìn nhận bản tính người sinh ra vốn đã ác “nhân chi sơ tính bản ác”. Đặc biệt, Hàn Phi đã kế thừa và phát triển không chỉ các tư tưởng của các nhà Pháp gia đời trước mà còn dung hoà những cái hay của Đạo giáo, Nho giáo. Trước đà suy vong của nước Hàn, ông đã đưa nhiều chủ trương cải cách dâng lên vua Hàn nhưng không được chấp thuận. Qua một lần đi sứ sang Tần, ông đã viết bản “tồn Hàn” để khuyên Tần không nên đánh Hàn nhưng ông lại nhận về lời gièm pha của Lý Tư nên đã bị bỏ tù và giết hại. Vì vậy, Hàn Phi là người có công lao lớn nhất của trường phái Pháp gia và nội dung trong tác phẩm “Hàn Phi Tử” đã diễn giải toàn bộ học thuyết đầy giá trị này.
<i>Hàn Phi (280 - 232 TCN)</i>
Hàn Phi (280 - 232 TCN)

2. Bối cảnh xã hội sống của Hàn Phi

Về bối cảnh xã hội, Hàn Phi sống trong cuối thời kì Xuân Thu – Chiến Quốc. Tình hình xã hội ngày càng hỗn loạn, quyền lực của Thiên tử nhà Chu đã bị băng hoại và sự trỗi dậy của tập đoàn chư hầu tiếm quyền xưng vương, xưng đế. Lúc đó, các mối quan hệ rường cột của Nho giáo đã dần bị biến chất. Tình trạng tôi giết vua, cha con tranh giành quyền lợi với nhau, anh em xung đột vì lợi ích. Thời kì này, sự loạn lạc của xã hội khiến cho các tư tưởng chính trị của các học giả phát triển nở rộ nhằm giải quyết nhu cầu ổn định xã hội, được gọi là “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”.

3. Năm giá trị xuyên thời đại về pháp luật của Hàn Phi

Về tư tưởng pháp luật của Hàn Phi, ông định nghĩa về Pháp như sau:
"Pháp luật là mệnh lệnh ban bố rõ ràng ở nơi cửa công, hình phạt chắc chắn đối với lòng dân, thưởng cho những kẻ cẩn thận giữa pháp luật, nhưng phạt những kẻ làm trái lệnh. Đó là điều những bầy tôi phải tuân theo”.
Có thể thấy, Hàn Phi đề cao pháp luật trong việc điều chỉnh các quy tắc, chuẩn mực xã hội và coi nó là hạt nhân quan trọng trong tư tưởng Pháp gia. Hàn Phi chủ trương xây dựng một xã hội với tinh thần thượng tôn pháp luật dựa trên sự kế thừa tư tưởng của những thế hệ đi trước. Ông tiếp thu những tư tưởng của các nhà triết học Pháp gia trước, Hàn Phi là người đầu tiên đã kết hợp cả ba yếu tố:  “thế” của Thận Đáo, “thuật” của Thân Bất Hại, và “pháp” của Thương Ưởng trong phép trị nước của ông. Trong đó, "pháp" là nội dung của chính sách cai trị được thể hiện bằng luật lệ; "thế" là công cụ, phương tiện tạo nên sức mạnh, còn "thuật" là phương pháp, cách thức để thực hiện nội dung chính sách cai trị. Tóm lại, những giá trị cống hiến lớn nhất trong tư tưởng pháp luật của Hàn Phi có thể tóm gọn thành năm luận điểm như sau:
            Thứ nhất, pháp luật phải hợp với thực tiễn. Hàn Phi đã có cái nhìn thấu đáo trong mọi hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, khi mà mỗi nước đều có pháp luật riêng biệt. Ông nhận thấy, pháp luật của từng quốc gia cũng phải thay đổi theo từng thời kì, tiến trình lịch sử luôn thay đổi. Chính vì vậy, không có một pháp luật nào có thể trở thành “khuôn vàng thước ngọc” để noi theo. Ông khẳng định việc đối chiếu thực tiễn để xây dựng và sửa đổi pháp luật sao cho phù hợp với bối cảnh thời đại hoặc từng quốc gia là điều đúng đắn.
"Pháp luật thay đổi theo thời trị vì, việc cai trị thích hợp theo thời thì có công lao. Cho nên nếu dân chất phác mà lấy cái danh để ngăn cấm thì trị an, còn đời khôn ngoan thì chỉ có dùng hình phạt dân mới theo".
            Thứ hai, pháp luật phải được phổ biến rộng rãi. Hàn Phi nhận thấy rằng việc pháp luật không công khai đối với nhân dân thì lúc đó pháp luật sẽ trở thành công cụ để làm lợi cho giai cấp thống trị. Đặc biệt, trong thời kì phong kiến, một số pháp luật khởi nguồn từ khẩu lệnh của nhà vua cũng được áp dụng đối với xã hội. Vì vậy, nếu pháp luật không được chép lại thành văn bản cụ thể và ban bố khắp dân chúng thì khó có thể thực thi như một quy tắc chung. Đến khi những cải cách của Thương Ưởng đã có việc công khai pháp luật nhưng chỉ để giáo dục nhân dân. Từ đó, Hàn Phi cũng đã kế thừa và phát triển nguyên tắc này thành việc xây dựng luật pháp thành văn bản và công khai khắp nhân dân
"Pháp luật là cái chép ở trong sách vở, đặt nơi cửa công, ban bố trăm họ".
            Thứ ba, pháp luật phải đơn giản và dễ hiểu. Hàn Phi đã chú tâm tới đối tượng nhân dân của việc công khai pháp luật. Ổng hiểu rằng, phần lớn nhân dân không thể có đủ trình độ để hiểu những lời nói hoa mỹ, ẩn dụ theo lối quan trường. Cho nên, pháp luật được ban bố rộng rãi thì đồng nghĩa là nội dung phải mang tính phổ quát, đơn giản mà ai cũng có thể đọc được. Ngoài ra, tránh tình trạng pháp luật với lối ngữ văn mập mờ để tạo kẽ hở cho những kẻ lách luật.
"Những lời nói vi diệu thì đến bậc thượng trí cũng khó biết. Nay làm pháp luật cho dân chúng mà lại dùng những lời nói đến bậc thượng trí còn khó biết thì dân không có cách nào hiểu được".
            Thứ tư, pháp luật phải thống nhất và ổn định. Theo Hàn Phi, pháp luật cần phải thống nhất trong phạm vi cả nước và khi bổ sung một luật mới ra đời cần thiết phải xoá bỏ luật cũ để tránh tình trạng chồng chéo, mập mờ. Thêm vào đó, ông cũng xem trọng tính ổn định của pháp luật và việc thay đổi pháp luật phải thực sự cần kíp đối với bối cảnh xã hội.
"Pháp luật không gì bằng thống nhất và chắc chắn, khiến cho dân biết nó".
            Thứ năm, pháp luật phải công bằng. Đây là thuyết “hình danh” của Hàn Phi đối nghịch với thuyết “chính danh” của Khổng Tử. Hàn Phi khởi sắc nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật vượt lên trên rào cản của xã hội lúc bấy giờ. Trong thời kì phong kiến mang nặng tính giai cấp, Hàn phi đã phát triển một luận điểm mới trong pháp luật là tính bình đẳng. Không kể ở địa vị hay giai cấp nào, đứng trước pháp luật đều bị thưởng phạt như nhau.
"Pháp luật không hùa theo theo người sang. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu".
Có thể thấy, năm luận điểm vô cùng quý giá trong tư tưởng pháp luật của Hàn Phi đã có những giá trị vượt thời đại có ảnh hưởng sâu sắc tới việc định hình khung móng cho pháp luật hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, tư tưởng pháp luật của Hàn Phi vẫn còn một điểm hạn chế cực lớn đến từ cách xây dựng pháp luật để làm lợi cho nhà Vua chuyên chế. Nhưng nhìn chung, cống hiến của Hàn Phi đã có đóng góp vô cùng to lớn đối với hệ thống pháp luật nói riêng và triết học phương Đông nói chung.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết, nếu bài viết có sai sót thì mong các bạn đóng góp ý kiến với mình ở phần bình luận phía dưới để mình cố gắng xây dựng bài tốt hơn. Trong các phần tới mình sẽ viết thêm về các nhà tư tưởng chính trị lớn nữa.....