Give your soul a break
Dừng bước và lắng đọng những gì thân thương, đời thường nhất của cuộc sống
Cuộc đời là một chuỗi những sự kiện to nhỏ kết hợp lại với nhau mà thành. Chập chững bước chân ra khỏi nhà, đứng giữa ngã rẽ của nhiều những cám dỗ đâu ai biết chúng ta sẽ bị chìm đắm bởi thứ gì. Ngày hôm đó, một buổi chiều tà nhá nhem, âm thanh còi xe của Hà Nội đông đúc không khỏi khiến cho con người ta dù đang thong dong cũng trở nên vội vã. Tôi vác chiếc túi nilon to bự toàn những đồ linh tinh, lỉnh kỉnh của con gái sang nhà mới sau khi tạm biệt mẹ để mẹ ra sân bay. Nước mắt nóng hổi khi nãy đến giờ vẫn dính khô trên gương mặt buồn thiu. Mẹ và em trai đã dọn vào Sài Gòn từ lâu, chỉ còn mình tôi ở đây để học nốt những năm cuối Đại học. Sự cô đơn bủa vây lấy tâm hồn, vác chiếc túi lên yên sau xe rồi cầu nguyện rằng nó sẽ không rơi xuống. Không may thay cứ đi được một đoạn là chiếc túi lại nghiêng ngả sang hết bên này đến bên khác. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, đi được một lúc thì tôi nghe một tiếng rầm to tướng, tay lái nhẹ hẳn. Chiếc túi rơi ngay trước một quán bia, đằng trước có một chú chó giật mình sủa rất to. Đồ trong túi đã rơi ra ngoài hết, chiếc túi rách tơi tả. Giữa khung cảnh đó, buổi chiều tà, ai nấy đều vội vã, tiếng còi xe inh ỏi, con đường nho nhỏ cạnh hồ nước suýt chút nữa vì túi đồ của tôi mà tắc. Tâm trạng tôi hoảng loạn và hoang mang, có lẽ là vì tiếng chó sủa, có lẽ là vì xấu hổ hay vì sợ làm phiền đến mọi người đi đường, có cả vì sợ mất đồ, mất xe nữa. Tôi luống cuống dừng xe chạy lại ra sau thì có một anh nhân viên quán bia đang cúi xuống nhặt mấy thứ linh tinh đó của tôi. Nếu lúc đó có cái hố nào thì tôi sẽ kéo cái túi chui xuống triệt để. Vội vàng ngăn lại hành động đó của anh nhân viên thì anh lại hỏi tôi cái điện thoại cũ này có dùng nữa không. Trời ạ, đương nhiên là có thì tôi mới mang theo chứ, thực chất thì điện thoại đó không dùng được nữa nhưng trong đó có nhiều thứ kỷ niệm của tôi nên tôi nhất quyết phải mang theo. Sau đó tôi ngồi xuống lúi cúi nhặt một mình nhưng thực sự không biết phải để đống đồ to đùng đó ở đâu nữa. Từ phía sau lưng tôi nghe thấy tiếng của một bà cụ:“Có cần bao tải không? Bà đi lấy cho”. Tôi vội vàng quay đầu lại lí nhí nhờ bà lấy giúp cho chiếc bao tải. Bà lưng đã còng, tôi đoán đã ngoài 80, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, bà mang 2 chiếc bao tải ra cho tôi rồi cùng tôi nhặt đống đồ đó. Tôi vì lúng túng nên nhặt không hiệu quả cho lắm, bà thấy thế liền bê cả túi đồ đã rách rất nặng cho vào chiếc bao cho tôi. Khoảnh khắc đó đã chạm vào trái tim nhỏ bé nhiều dòng tâm trạng này. Sau đó, tôi hỏi anh nhân viên quán bia có cầm chiếc điện thoại cũ của tôi không thì anh bảo không nên tôi ra lục bao tải tìm lại. Chủ quán bia thấy vậy cũng sốt sắng, hình như sợ anh đó lấy trộm của tôi nên cũng giúp tôi tìm nhưng tôi nói không sao vì tôi tự tìm được rồi. Bà cụ thấy vậy cũng lo lắng đi đi lại lại quanh tôi xem tôi có tìm thấy không. Cuối cùng cũng tìm ra, tôi quay đầu lại cảm ơn bà và bác chủ quán nhiều lần. Nhanh chân bước lên xe, tôi không biết phải cảm ơn họ bằng gì, chỉ là những người lạ chưa gặp bao giờ mà có thể thân thương đến vậy. Lòng tôi bồi hồi xen lẫn những xuyến xao, tôi vừa cảm kích nhưng trong long lại dâng lên chút gì đó khó tả. Từng giọt nước mắt men theo hàng mi mà chảy xuống. Tôi nhớ bà ngoại rồi! Bóng hình của bà cụ hồi nãy làm tôi nhớ bà ngoại da diết, từ dáng đi cho đến cách nói chuyện, rồi cả cách bà giúp đỡ tôi. Tôi xa bà ngoại đến giờ cũng đã được hơn 2 năm. Tôi đã không về thăm bà lần nào trong khoảng thời gian đó, không phải vì Covid, cũng không có lý do đặc biệt nào khác, chỉ là tôi lười và mải chơi mà quên đi mình còn có một người luôn ngóng chờ và yêu thương. Suốt dọc đường đi về tôi không thể ngừng khóc, cho đến khi viết ra câu “tôi nhớ bà ngoại rồi” nước mắt vẫn tiếp tục rơi. Hiện lên trong đầu là bàn tay gầy gò, nhăn nheo của bà. Đó là minh chứng cho sự tần tảo, vất vả trong những năm tháng nuôi nấng các cháu nên người. Tôi vẫn còn nhớ, hồi tôi chỉ là đứa trẻ mới lên ba, bà ngoại tay hơi run run bóc cho tôi từng quả nho chín mọng, đút cho tôi từng thìa cơm, chăm bẵm tôi từng chút một. Lớn hơn một chút, mỗi khi tôi đói buổi đêm bà lại lọ mọ dậy nhóm lửa nấu gì đó cho tôi. Mỗi lần tôi phải xa bà để về Hà Nội bà lại đứng ở sân chắp tay sau lưng nhìn tôi xa dần khỏi tầm mắt bà. Cả tuổi thơ ấu tôi gắn bó với bà ngoại, vậy mà khi lớn khôn tôi lại vô tâm mà quên mất đi những ký ức ấu thơ ấy. Hồi thi vào lớp 10, vì thương bà mà tôi viết văn bài “Bếp lửa” được 8 điểm, nhờ những yêu thương mà vẽ lên trong ký ức non nớt ấy mà những bài văn tôi viết về bà hầu như đều được điểm rất cao. Vậy mà lên đại học tôi lại quên đi những thứ đó. Thực ra nó vẫn âm thầm mà tồn tại, chỉ là đang nhen nhóm đợi ngày tôi có thể nhận ra. Tết cận kề, tình yêu đối với gia đình mãi là thứ chiếm trọn lấy tâm hồn của chúng ta, chỉ là vì đôi khi bận rộn, vô tâm mà quên đi mất điều đó.

Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất