Note:
+ Giới được dùng trong bài viết là giới tính sinh học (biological sex)
+ Trong bài có ghi kèm một số thuật ngữ tiếng Anh nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về chủ đề này bằng Tiếng Anh (bởi chưa có quá nhiều dữ liệu về đề tài trên ở Tiếng Việt)
Nếu có dịp theo dõi tin tức thế giới, hẳn bạn đã nhiều lần nghe được cụm từ “Equal pay for equal work” khi nhắc tới các vấn đề về chênh lệch thu nhập (wage gap). Cụm từ đó đề cập đến việc nữ giới được trả ít hơn so với nam giới để cùng làm một công việc. Điều đó có nghĩa là nữ giới được trả ít hơn bởi vì chính giới tính của họ. Chính xác, đó là sự phân biệt đối xử (discrimination).
Nếu như trong quá khứ, có vô vàn lý dẫn tới sự chênh lệch này như mức độ giáo dục, vai trò giới, định kiến xã hội và việc chưa có các chính sách bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay những vấn đề trên phần nào đã được giải quyết và chúng ta đã có đủ nhận thức để có thể đưa ra giải pháp.
Chính vì thế, tôi xin phép trả lời câu hỏi tại sao nữ giới được trả lương thấp hơn nam giới trong bối cảnh xã hội hiện đại. Tôi xin khẳng định rằng phân biệt đối xử chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong vấn đề nêu trên. Vậy nếu không phải là phân biệt đối xử thì điều gì là nguyên nhân chính? Có rất nhiều lý do dẫn tới sự chênh lệch trong thu nhập giữa hai giới có thể kể đến như:
1.     Giới tính
2.     Độ tuổi
3.     Nghề nghiệp
4.     Sở thích
5.     Tính cách
6.     ….
Giả dụ một người phụ nữ làm cũng lĩnh vực với một người đàn ông nhưng vẫn được trả lương thấp hơn. Bình đẳng giới khi đó khó có thể được cho là một lý do chính để thu hẹp khoảng cách ấy lại. Ở đây, tôi không phủ nhận rằng sự chênh lệch thu nhập giữa hai giới là không tồn tại mà tôi phủ nhận bất bình đẳng giới là nguyên nhân chính dẫn tới điều đó.
Xét trên phương diện tính cách, có một loại tính cách đó là sự hòa đồng (agreeableness) - một trong 5 tính cách của mô hình Big Five. Người hòa đồng thường giàu lòng trắc ẩn, lịch sự và vị tha. Vì lẽ đó, họ được trả lương thấp hơn những người kém hòa đồng hơn. Nữ giới lại có xu hướng hòa đồng hơn nam giới và do đó tạo nên một trong những lý do khiến họ được trả lương thấp hơn. Tôi sẽ chứng minh điều này trong phần ví dụ dưới.
Vậy tại sao chúng ta không khuyến khích nữ giới đi ngược lại với những điều trên để nhận được một mức lương ngang bằng với nam giới? (Dĩ nhiên là vẫn tồn tại những người phụ nữ với những tính cách và sở thích phù hợp với những mức lương rất cao)
Tôi xin phép chứng minh điều trên qua các quốc gia với những chỉ số tốt nhất về sự chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ giới. Đó chính là Rwanda và Iceland.
<i>Bảng xếp hạng sự chênh lệch thu nhập dựa trên giới tính toàn cầu 2016</i>
Bảng xếp hạng sự chênh lệch thu nhập dựa trên giới tính toàn cầu 2016
Rwanda là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Vài thập kỉ trước, phụ nữ thậm chí bị từ chối những quyền cơ bản nhất như mở một tài khoản ngân hàng mà không có sự cho phép của người chồng. Sau vụ thảm sát năm 1994, 60 tới 70% dân số Rwanda là phụ nữ. Điều đó phá vỡ hoàn toàn cấu trúc xã hội. Sự thiếu hụt nam giới dẫn tới việc nữ giới phải “trám vào những lỗ hỏng” ấy, đồng nghĩa với việc họ tham gia vào những lĩnh vực vốn không giành cho phụ nữ như cảnh sát, quân sự và chính trị.
Nhìn kĩ lại, thì điều này đã tác động tới một yếu tố được nêu trên – sở thích. Họ không còn làm việc theo sở thích mà họ phải làm tất cả các nghề nghiệp còn thiếu như một cơ chế sinh tồn nhằm duy trì xã hội sau nạn diệt chủng. Từ đó thu hẹp sự chênh lệch trong thu nhập giữa nam và nữ giới tại quốc gia này.
Iceland, ngược lại, lại là một quốc gia phát triển đồng đều và bậc nhất thế giới về mặt xã hội. Những quốc gia Bắc Âu như Iceland đã đảm bảo được những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con người. Họ tiến hành áp dụng chính sách nghỉ thai sản cho cả cha và mẹ (maternity and paternity leave)- tước đi nguyên nhân dẫn tới sự phân biệt đối xử dưới góc độ kinh tế. Iceland tạo điều kiện bình đẳng cho những người phụ nữ hướng tới công việc nhiều hơn hay những người đàn ông hướng tới gia đình nhiều hơn. Họ đã thành công trong việc thu hẹp sự chênh lệch trong mức lương giữa nam và nữ giới.
Tuy nhiên, điều hai đất nước trên chưa làm được và khó có thể làm được chính là xóa bỏ hoàn toàn sự chênh lệch thu nhập giữa hai giới. Bằng chứng là ngay tại những quốc gia phát triển nhất trên thế giới - các nước Bắc Âu - chênh lệch trong thu nhập giữa nam và nữ giới vẫn tồn tại. Các nước Bắc Âu là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc dù được tạo những điều kiện tốt nhất để hướng tới một mức lương ngang bằng, điều đó vẫn không thể đảm bảo được một kết quả ngang bằng. Một lần nữa, điều này hoàn toàn không phủ nhận rằng nữ giới không có khả năng kiếm tiền ngang và thậm chí là nhiều hơn nam giới.
Dưới phương diện giới tính, điều đó là vì vẫn luôn tồn tại những khác biệt trong tính cách giữa nam và nữ bắt nguồn từ sự khác nhau về sinh học. Tác động xã hội đúng là vẫn có tác động nhất định nhưng ví dụ từ những nước Bắc Âu đã cho thấy rằng với một chính sách xã hội bình đẳng nhất, sự khác biệt vẫn tồn tại. Điều đó chứng tỏ rằng giới tính (hay phân biệt đối xử) không đóng vai trò quá quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ giới.
Chính vì thế, điều chúng ta cần phải hướng đến là bình đẳng về cơ hội (equal of opportunity) chứ không phải là sự giống nhau ở kết quả (equal of outcome), hay ở trường hợp này có thể hiểu là một mức lương ngang bằng cho cả nam giới và nữ giới.
Nguồn tham khảo:
Explained | Why Women Are Paid Less | FULL EPISODE | Netflix