Cổ Long thường không miêu tả rõ ràng cảnh giới. Phải đọc mới cảm được cái thâm thúy trong kiếm của ông. Tôi đánh giá là "kiếm đạo" của Cổ Long hoa mỹ và thiếu ý tổng kết như Kim Dung. Có lẽ cũng 1 phần tại số lượng tác phẩm của Cổ Long quá nhiều, nhân vật cũng quá đa dạng nên muốn tổng hợp thật quá khó. Nhưng sự đa dạng, vạn biến ấy luôn khiến tôi ưa thích hơn. Tự do hơn, không đi theo con đường của tiền nhân. Dài dòng rào trước đón sau để nói cho bạn là tôi biết phần sau sẽ có rất nhiều lỗi sai nhưng tôi sẽ viết bằng "cảm" của mình.
Kiếm với Người
Đã gọi là Kiếm thủ đương nhiên cần một thanh kiếm, một thanh kiếm tốt, thích hợp với bàn tay, cánh tay, chiều cao, sức mạnh của bản thân và rồi dựa vào đó tìm ra phương pháp rèn luyện phù hợp với mình và với thanh kiếm. Nhưng khi kiếm thủ còn nhỏ, chưa định hình hoàn toàn hoặc không có khả năng có một thanh kiếm thích hợp với mình thì thanh kiếm mà họ dùng cũng khá quan trọng nhưng chỉ là một loại giàn giáo. 
Kiếm của A Phi là do gã định hình. Người đời có gọi đó là kiếm hay không, không quan trọng. Vì kẻ nào coi thường thanh kiếm-không-ra-kiếm đó đều chết cả rồi.
Hạch tâm vẫn là ở người có đủ quyết tâm, đủ yêu kiếm, liên tục suy tư về phương pháp sử dụng thanh kiếm ấy. Không ngừng rèn luyện, nếu đủ kiên nhẫn để hiểu từng thanh kiếm mình dùng cũng như từng người mình tiếp xúc, từng yêu, từng "trải nghiêm". Đến khi đủ "cảm", đủ "nghiệm" sẽ tìm thấy thanh "kiếm" thích hợp với mình - nghe cái này cứ quen quen thế nào ấy nhỉ.
Vâng. Kiếm đạo với Cổ Long đời không thể tả. Từ ngữ nghe có lẽ mơ hồ nhưng cái mà cá nhân tôi tổng kết được là thứ được gọi là "kiếm đạo" ấy chả khác gì "nhân đạo" cả. Vậy nên việc luyện tập luôn là yếu tố quan trọng của "kiếm đạo" Cổ Long. Thậm chí là trong mọi môn võ công, yếu tố rất đời, rất thực tế ấy của cuộc sống luôn là thứ quan trọng nhất.
Không phải thứ tuyệt thế thần công nào, mà là con người mới là thứ "tuyệt thế" nhất.
Một lần nữa, xin lấy A Phi làm điển hình. Từ nhỏ đến lớn, không có ai dạy cậu một chiêu kiếm nào, nhưng bằng vào nghị lực và tư duy thật bản năng mà "kiếm" của cậu thành hình tự nhiên như hơi thở. Trải qua ngày ngày luyện tập, mục đích là săn thú để có cái ăn lấp đầy bụng, rồi thăng lên kết liễu trong một đòn tiết kiệm sức hơn, rồi (có lẽ) giữ lại da thú để bán mà yêu cầu vị trí cần chuẩn xác, ít phá hoại da lông nhất... Cho đến khi thành hình thì kiếm của cậu cũng đơn giản như con người và mục đích của cậu vậy: Đâm. Chuẩn hơn. Không vào sâu quá, tiết kiệm biên độ duỗi tay. Không nông quá để phải tốn sức đâm lầm nữa... Sự tằn tiện đến cả hơi thở cũng không muốn lãng phí ấy, mọi thứ đều phải được sử dụng hợp lý ấy đến từ cuộc sống bấp bênh từ thuở nhỏ nhưng làm nên con người - dùng từ vĩ đại thì thật sự quá - nhưng rõ ràng là có hiệu quả đáng ngưỡng mộ. Thực dụng tối thượng không phải thứ tôi muốn theo đuổi nhưng hãy thừa nhận đó là một lối sống đáng trân trọng. Và đó là một hướng đi trong "nhân đạo" của Cổ Long.
Từ nhỏ đến lớn trui rèn ý chí trong khó khăn cuộc sống và luyện tập thực hành nên là quen tay làm việc thì đương nhiên là ổn, là tự nhiên.  Hơi khó nắm bắt ý này nhưng gợi ý ở khắp nơi.  Nếu ai đã từng nhìn thấy những người thợ lành nghề làm việc sẽ "cảm" được sự tự nhiên như hơi thở ấy. Hay nghệ hơn tý là những cái đảo chân (tôi không biết cách gọi thế nào trong chuyên môn nên tạm thế) hay xoay người của dancer chuyên nghiệp.
Lại xin lan man một chút về vũ khí. Đa phần mọi kiếm thủ hay đao thủ hay bất cứ kẻ nào dùng vũ khí đều tìm sự cân bằng của vũ khí (đến Thanos còn lấy sự cân bằng của một con dao để đánh giá phẩm chất của con dao mà) Nhưng với Cổ Long đôi khi sự cân bằng không phải tất cả. Đôi khi do người có khuyết tật, đi đứng khác người, hay tâm tính khác biệt mà kiếm của họ cũng bỏ qua cái cân bằng đa số quan tâm để lấy cái tự nhiên dị thường của mình luyện ra phi thường trong kiếm. Tôi từng vô cùng ấn tượng với miêu tả của Cổ Long về 1 cặp nhân vật phụ (không nhớ tên đâu- trong Lục Tiểu Phụng), một cặp cao thủ là anh em sinh đôi, mỗi người dùng song kiếm một dài một ngắn và bản thân mỗi người cũng mang khiếm khuyết khi hai tay hay chân có chiều dài không đều nhau... Miêu tả của Cổ Long không dài, không chi tiết nhưng trong từng câu chữ dù không nói rõ cũng vẫn thể hiện sự khâm phục về nghị lực và tài năng của bản chất con người. Mỗi khi tôi nhớ đến đoạn văn này tôi lại hay nghĩ đến đôi chân dài ngắn không đều nhau của cầu thủ Thành Lương và... òa... chuyện ấy có thật đấy chứ nhỉ... quá tuyệt vời, quá thực tế ấy chứ nhỉ!
Hay một truyện khác miêu tả một vị thợ rèn có vấn đề về sức khỏe tinh thần muốn rèn một thanh kiếm lại có kết quả là một thanh - kiếm không ra kiếm, đao không ra đao - và rồi áp dụng một bộ kiếm pháp tàn khuyết (thiếu chiêu thức, không đầy đủ) để "chế biến" thành một bộ "câu pháp" - cũng không phải không thể nhỉ? Chúng ta có thể đánh giá 1 thanh kiếm không ra kiếm như vậy liệu có thể dùng làm ví dụ biểu trưng cho "kiếm đạo". Mỗi người có một thước đo, tôi không có nhận xét. Tôi chỉ đang cố nêu ví dụ về cái giá trị của một thanh kiếm trong phác họa của Cổ Long không nằm ở hình hài dài ngắn hay cong thẳng mà nằm ở điều mà kiếm thủ ấy - người ấy làm gì, có thể làm gì với thanh kiếm bất thường kia...
Khi cảm được những điều ấy tâm trí tôi khắc sâu cái tư tưởng tôn vinh nhân loại đáng quý xuyên suốt trong mọi phần truyện hay nhất của Cổ Long.
Người với Kiếm
Phần đầu tôi có vẻ đã làm chữ kiếm trở nên không quá quan trọng nhưng phần này tôi phải nói về những kẻ đắm mình trong kiếm để tìm "kiếm tâm".
Những kẻ này dùng kiếm luôn rất chú trọng. Chỉ từ việc chăm sóc thanh kiếm của bản thân. Cách kẻ đó đối xử với kiếm coi kiếm là bạn, là người tình. Sự chân trọng đó rõ ràng là cách cực đoan để họ cảm kiếm và hiểu kiếm của mình. Có thể coi những kẻ làm thế khá... tự kỷ. Đó là thế giới của họ và kiếm. Là đối thoại không lời của 2 kẻ cô độc không người hiểu rõ. Lối luyện kiếm này dễ thấy nhất trong giang hồ Cổ Long. Kẻ luyện kiếm kiểu này đa phần thể hiện cái sắc nhọn, cái lạnh lẽo vô tình của kiếm. Bọn họ trân trọng kiếm hơn người, hơn đa phần nhân loại.
Đa phần những kẻ "luyện" tâm vào trong kiếm kiểu này đều khá trầm lắng, tĩnh lặng và chết chóc. Kiếm xuất là thấy máu, không thắng thì chết.  Lối suy nghĩ "Kiếm đoạn nhân vong" chính là xuất phát từ phương thức dùng "kiếm" làm "tim" trên đây. "Kiếm" cũng là "tim". "Kiếm đoạn" đương nhiên "tim ngừng". Người đã ngưng tim thì có sống được không? (nghe quen nhỉ).
Phương pháp phát triển này về bản chất là khá cực đoan. Coi một vật vô tri vô giác làm gốc tọa độ cho mọi hệ quy chiếu, làm "tim" cho mình. Chém đứt hết thảy tình cảm để "nhân tâm" càng ngày càng gần "kiếm tâm". Người ta sẽ hỏi: Đến cuối cùng còn lại gì? - Trả lời: Không biết. Người biết thì đã không thể trả lời. Hoặc chết trên đường "tầm đạo" mà không trả lời được. Hoặc vượt qua thì khinh thường trả lời. Có 1 điều - nhỏ thôi- là: "cực đoan" là người đời đánh giá. Người trong cuộc nghĩ gì thì đâu ai biết. Lúc này cũng xin trích lời cố nhạc sĩ "Trần Lập": Bên kia đỉnh dốc, người ta đồn thế thôi... Hơi "cưỡng từ đoạt lý" và rời xa ngữ cảnh 1 tý. Nhưng tôi cho là thích hợp khi nói sơ về cái ta không biết...
Nói thế không có nghĩa là cổ vũ hay khuyến khích vì tôi nghĩ ai cũng đã biết các trường hợp cực đoan nhất cũng là tình tiết người đời thường thấy nhất trong truyện kiếm hiệp: Trảm sát tất cả người thân, không còn là gần như nữa mà là: hiến tế tất cả mình có cho "kiếm" để đổi lại cảnh giới cao hơn. Nhưng hãy hiểu rõ, hình thức "hiến tế" này không chỉ là cho kiếm, đôi khi còn là "đao", là "võ"... Đây là cũng là biểu hiện của "tẩu hỏa nhập ma" thường thấy nhất nên đôi khi tình tiết kiểu đó dễ bị nhòe mờ và lẫn lộn với nhau. Chỉ là nhìn chung, ai có một chút cảm ngộ cũng sẽ đồng ý rằng: làm bất cứ việc gì mà không chú tâm thì tất nhiên là không thể đạt đến đỉnh cao được. Vậy, trên lí thuyết: đỉnh cao của bất cứ ngành, nghề, kỹ thuật, kỹ năng nào cũng cần sự tập trung tuyệt đối nên là loại bỏ sự mất tập trung liệu có sai...
Người dùng phương pháp "luyện tâm nhập kiếm" kiểu đó có thể không theo lẽ thường nhưng đó là cách thuần khiết nhất để bỏ qua phù hoa và chuyên chú nhìn vào nguyên bản để phân định đúng sai cho bản thân. Họ thuần khiết và chuyên chú nên biết mình muốn gì, cần gì, phải làm gì mới có thể đạt đến mục đích. Phương hướng phát triển thật rõ ràng. Đó chẳng phải những điều mà đa phần người trẻ (và rất nhiều người hơi đứng tuổi nữa) còn đang mông lung, đang loay hoay, chật vật tìm kiếm hay sao. Là một kẻ còn chưa bỏ qua phù hoa thế gian, chưa thể hết mình, vẫn nhiều mông lung. Cá nhân tôi không dám đánh giá.
Từ góc độ người đọc thì thứ "kiếm đạo" kiểu này còn mang đến cho câu chuyện rất nhiều thú vị từ cả góc nhìn cuộc sống lẫn phát triển tình tiết. Tây Môn Xuy Tuyết chính là thành công lớn nhất của loại kiếm đạo này của Cổ Long (dù sau này có những biến chuyển trong "kiếm" và "tâm". Rồi gần như thoát khỏi cái cô ngạo, lãnh liệt của "kiếm" và chạm đến cảnh giới cao hơn trong quá trình phát triển nhưng hắn hầu như là biểu tượng cho lối luyện kiếm này của Cổ Long)
Kiếm Tùy Tâm Sử (tùy ý sử dụng kiếm theo suy nghĩ bản thân)
Không quá rõ cái tên của cảnh giới sơ kỳ của kẻ luyện kiếm nhưng. Người dùng kiếm mà không làm được 'kiếm tùy tâm sử' thì luyện kiếm cũng như không.
Kẻ đạt tới cảnh giới này thì kiếm đã là một phần thân thể. Vung kiếm lên không khác gì vẫy một phần cánh tay kéo dài của mình vậy. Hắn phải hiểu từng ly từng tý trong thanh kiếm của mình. Chỗ nào nặng, chỗ nào nhẹ. chỗ nào sắc bén, chỗ nào cùn lụt. Chỗ nào cứng, chỗ nào mềm. Chỗ này trơn trượt, chỗ nào sần sùi... Hiểu rõ kiếm rồi thì rèn luyện vận dụng nó tự nhiên và hoàn thiện như cách người thường vươn tay vuốt tóc, dùng móng tay xỉa răng... Hay duỗi tay hết cỡ với móc chìa khóa bằng phần thịt mềm đầu ngón tay như trong phim ấy. Những hành động ấy kẻ luyện kiếm dùng kiếm làm cũng phải nhẹ nhàng hoặc phức tạp với họ tương đương cấp độ bạn dùng tay mình làm.  Đương nhiên họ luyện dùng kiếm không để làm những việc đó nhưng cái quan trọng là mối liên kết của họ khi các ngón tay chạm đến chuôi kiếm cũng phải là mối liên hệ nhịp nhàng và tự nhiên của hai đoạn gân cơ bọc nối quanh một khớp xương.
Để đạt được cảnh giới này ban đầu phải hiểu rõ kiếm của bản thân mình. Sau khi 'hiểu' rõ thì có thể đánh giá thật chính xác kiếm trong tay có thể làm được những việc gì. Khi đối địch, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi hơn cả giây thì đưa ra được phương án xử lý chính xác nhất dựa trên tương quan tương ứng của mình và đối thủ. Rồi thì kiếm sẽ thực thi chính xác và hoàn mỹ hành động kiếm thủ muốn làm.
Biểu hiện dễ thấy nhất của 'kiếm tuỳ tâm' là những hành động thu kiếm đúng lúc, dễ dàng trong những tình huống ngặt nghèo khi kiếm thủ 'đổi ý' trong tích tắc sau khi xuất kiếm. 'tâm biến' thì 'kiếm biến'.
'kiếm tuỳ tâm sử' cần hiểu kiếm, cần đánh giá rõ năng lực của kiếm biết được điểm mạnh và hạn chế của kiếm để sử dụng nó một cách chính xác. Vô hình chung, bản thân những hạn chế của kiếm trở thành hạn chế của kiếm thủ.
Nhân Kiếm Hợp Nhất
nhân kiếm hợp nhất' là cảnh giới mà đa phần các kiếm thủ đỉnh cấp võ lâm phải chạm đến thì mới đáng được gọi là 'đỉnh cấp'.
Đa phần nhân loại chúng ta đều mang theo quá nhiều tư duy hay suy nghĩ trước, trong và cả sau mỗi hành động, lời nói. Bất kể yêu, ghét, lấy, bỏ,... đều là một phần - thậm chí là phần dễ nhận diện nhất - trong vô vàn suy nghĩ của người trong một thời điểm. Mỗi một cử động, dù nhỏ nhất, của ta đều đi cùng hằng hà mảnh vụn tư duy và điều đó 'tự nhiên' - theo một góc độ nào đó.
Đôi khi có người nhận rõ điều đó và có những rèn luyện loại bỏ suy tưởng, để tập trung tư duy trong những tình huống quan trọng nhất định. Họ chỉ giữ lại mục tiêu cốt lõi và tất cả trí não hoặc cơ bắp đều được điều động và sắp xếp hợp lý để hoàn thành mục đích cuối cùng, không bao giờ được có sự thừa thãi. Điều đó không phải vì muốn 'tiết kiệm' tài nguyên năng lượng mà là sự tự nhiên khi cả một thớ gân, cơ đều có mục đích của nó. Và từng tế bào cũng trong cơ thể cũng hoạt động theo mục đích duy nhất, biết mình phải làm gì mà không cần bắt ép hay sự mệnh lệnh từ trung khu thần kinh. Tất cả đều có hành động và đóng góp để hướng đến 'mục đích' cuối cùng.
Và đó, cái 'mục tiêu', cái 'ý định' trực quan nhất của kiếm khách 'nhân kiếm hợp nhất' luôn nối thẳng đến kiếm trên tay hắn. Lúc này đây kiếm không còn là sự kéo dài của cánh tay hay cao hơn một chút là một phần của thân thể. Kiếm lúc này là một hiện thân thực tế, có thể nhìn thấy, có thể chạm tới của "trái tim" kiếm khách. Hắn nghĩ gì kiếm trong tay sẽ thể hiện ra. Không có quanh quất, bối rối hay hỗn loạn của những mảnh nhỏ ý niệm đan xen. Kiếm là câu trả lời của mọi câu hỏi, cũng là lời chất vấn tốt nhất của kiếm khách. Tư duy sáng rõ và tỏ tường trong mỗi hành động và lời nói.
Lý do sự vượt trội của 'nhân kiếm hợp nhất' so với 'kiếm tùy tâm sử' đó là chủ thể trong mối liên hệ tương quan giữa người và kiếm. 'nhân kiếm hợp nhất' lấy chữ "người" làm đầu. Nhìn sâu hơn là lấy "trái tim", lấy tư tưởng của kiếm khách làm chủ thể cho hành động của kiếm. Vượt qua 'hạn chế' hình dáng của kiếm mà vẫn tôn trọng kiếm. Kiếm tự nhiên là một phần không thể thiếu trong tâm linh của kiếm khách. Là tấm gương phản chiếu và soi rọi những suy nghĩ, tâm tư khó nắm bắt trong bản thân kẻ cầm kiếm.
Hành động, cách cư sử, lời nói, cách tư duy đều chân thật biểu hiện ra 'kiếm đạo' của bản thân. Đây là cấp bậc cao hơn khi mũi nhọn, lưỡi sắc cũng là 'người', không có sự phân biệt. Để đánh giá hay 'ngẫm' về một thanh kiếm đã 'nhân kiếm hợp nhất' thì điều ta nên để ý là tính cách, những hành động, suy nghĩ của kiếm khách. Những 'nét' tư duy kẻ đó biểu hiện thì chắc chắn sẽ là điều mà 'kiếm' của hắn 'biểu lộ'.
Bỏ Kiếm - Nhặt Kiếm
- 'bỏ kiếm . nhân kiếm bất phân'
Có thể đánh giá đây là một phần của sự 'thoát xác'. Bỏ qua cái thực thể hiện hữu mà tập trung mài dũa 'tâm linh' của bản thân kiếm giả. Đây cũng là lúc mà thứ quan trọng nhất không phải chiêu thức, góc độ, phương hướng trực quan dần nhoè mờ.
'bỏ kiếm' không phải vì 'kiếm' không còn quan trọng mà ngược lại, vượt qua bức tường phân chia như hai chủ thể khác biệt giữa người và kiếm của 'nhân kiếm hợp nhất'. Không còn và không cần sự "phản chiếu" giữa kiếm và người vì tất cả đều đã là 'người'. Là 'một' Lúc này đây khi tất cả "đặc điểm" bao gồm từ hình thái biểu hiện đến phương thức tư duy của người và kiếm đều đã không có sự khác biệt. Vậy người và kiếm không phải là hai cá thể, vậy có kiếm hay không không còn quan trọng nữa. 
- 'nhặt lại kiếm'
Như đã nói, có kiếm hay không không quan trọng nên gọi là 'nhặt lại' cho dễ hình dung như một sự tương đối với động tác 'bỏ kiếm' mà thôi.
Đây giống như là một loại tâm thái vượt trên, nhìn nhận rõ ràng cái vòng luân hồi có đầy đủ khởi đầu cũng như kết thúc rồi vượt trên và nắm giữ hoàn toàn tâm thái của bản thân.
Để cho dễ hiểu thì tổng thể tôi "cảm nhận" đây là một thứ cảm ngộ gần giống triết lý thiền tông hay hội hoạ mà Cổ Long đưa vào kiếm đạo.
-Nhìn núi là núi, nhìn nước là nước. Tức là dùng hình, dùng cảnh mà cực hạn trong hình ảnh. -Nhìn núi không là núi, nhìn nước không là nước. Không còn bị khoá cứng trong cảnh vật mà vẽ ra dòng chảy của núi và cái kiên cường của nước. -Nhìn núi lại là núi, nhìn nước lại là nước. Khi thật sự không câu nệ gì nữa thì núi hay nước cũng vẫn vậy. Chỉ có người là thăng hoa.