Giải mã 5 định kiến về Đại Học Ngoại Thương - từ góc nhìn cựu sinh viên
“Ngoại Thương” được biết đến như một cái tên rất danh giá, một ngôi trường đại học nổi tiếng với những con người tài giỏi xuất chúng. Mong rằng qua bài viết ngắn này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về những cái nhãn mà mọi người hay gắn vào dân Phờ tu nhe.
(Định nghĩa: Ngoại Thương viết tắt của Đại học Ngoại Thương, tên tiếng anh là FTU - Foreign Trade University, tên dân dã là Phờ tu)
Lúc còn học cấp 3, “Ngoại Thương” được mình biết đến qua lời kể của thầy cô, bạn bè là một cái tên rất danh giá, một ngôi trường đại học nổi tiếng với những con người siêu nhân, tài giỏi xuất chúng. Đây là một ngôi trường mà bao nhiêu người khao khát muốn vào được, rồi còn rất nhiều lời đồn về ngôi trường này mà mình đã (vô tình hay cố ý) được nghe.
Với suy nghĩ non nớt lúc đó của mình có chút background là “con nhà người ta” trong 1 cái ao làng, mình đã phấn đấu “cày bừa” suốt 3 năm cấp 3 để giành được 1 suất học ở ngôi trường danh giá này. Và sau bao cố gắng thì niềm vui vỡ òa khi có kết quả mình sẽ chính thức trở thành 1 FTUer tại cơ sở HCM vào mùa thu năm ấy, năm mình mới 18 chủi còn tươi xanh mơn mởn (giờ đỡ nhiều rùi :D). Sau khi trải qua 4 năm học ở đây thì dần dần mình cũng đã giải mã được một vài những lầm tưởng hay định kiến mà mọi người đang nghĩ về ngôi trường FTU này.
1. Ở Ngoại Thương ai cũng là “siêu nhân”? 🦸🏻 👽
Ngày xửa ngày xưa khi chưa vào trường mình có thời gian rất lo lắng và hoảng sợ vì nghĩ khi đó mình sẽ học chung với toàn là siêu nhân hay người ngoài hành tinh với năng lực siêu phàm nào đó mà mình hong bao giờ với tới được (trong khi mình là một đứa nhà quê lần đầu lên thành phố Sài Gòn hoa lệ này hụ hụ). Nhưng khi vô học thì sau một vài cú sốc rùi mình cũng dần thích nghi được với môi trường ở đây.
Mình thấy FTUer thì đúng là có một số ít bạn là siêu nhân thật nhưng phần lớn mọi người cũng chỉ là những người bình thường như mình thui nên không có gì phải lo lắng quá mức í. Tụi mình cũng có nhiều điểm tốt, chưa tốt, nhiều lúc tuột mood, peer pressure, hay cúp họp, trễ deadline, rớt môn như thường thoy :3
Điều kiện để vào được trường là thi kỳ thi THPT Quốc gia được điểm cao, nhưng nếu chỉ đánh giá 1 con người có giỏi hay không dựa vào 1 kỳ thi thì phiến diện lắm ó, vì còn nhiều khía cạnh khác hông thể hiện qua điểm số nè.
Bài học rút ra được:
Không phải ai vào FTU cũng giỏi và không phải ai giỏi cũng vào FTU.
2. Cái mác Ngoại Thương có xịn như lời đồn? 🏆 ✨
Một cuộc đối thoại quen thuộc mà mình nghĩ không ít người đã gặp được diễn ra như sau:
- Bạn học trường gì á? - Tui học Ngoại Thương nè - (trầm trồ) Ui giỏi dữ vậy ta - Hì hì cũng bình thường hoy …
hoặc
- Ráng học có cái bằng Ngoại thương sau này đi xin việc dễ dàng hơn
Mọi người ai cũng mặc định là dân học Phờ tu rất xịn xò (giống như mình nghĩ ở phần 1 í) hoặc là chỉ cần cầm tấm bằng FTU ra ngoài là có thể làm bá chủ thiên hạ. Thật ra như mình có giải thích ở trên, ở đâu cũng có người this người that nên mình đánh đồng như vậy thì không đúng lắm.
Gần đây, nếu bạn có để ý thì rất nhiều nhà tuyển dụng không còn quá đề cao bằng đại học như thế hệ của ba mẹ chúng ta nữa. Thực tế cá nhân mình và rất nhiều bạn cùng trang lứa với mình đã có một công việc parttime hay fulltime mà chưa có bằng đại học. Mình có công việc fulltime đầu tiên vào năm 4 đại học, mình đi làm được 1 năm thì mới chính thức làm lễ tốt nghiệp. (và từ đó đến giờ tấm bằng của mình nằm gọn gàng trong tủ kính mà rất ít công ty yêu cầu nộp)
Mình không phủ nhận hoàn toàn giá trị của việc học đại học vì hiện giờ ở Việt Nam, đôi lúc bạn vẫn cần một tấm bằng để làm giấy thông hành dễ dàng hơn, xem như là yêu cầu đầu vào của việc nộp đơn. Một tấm bằng Đại học thể hiện là bạn đã trải qua thời gian đào tạo của một ngôi trường hay đơn vị đào tạo giáo dục nào đó. Việc học ở một trường có tên tuổi sẽ giống như 1 quyển sách có bìa được thiết kế đẹp, còn nội dung sách có hay không thì phải đọc mới biết được.
Tuy nhiên, nếu bạn xem ngành và trường là yếu tố quyết định, là nguyên nhân giúp bạn dễ tìm việc làm thì nó chưa đủ. Vì để có việc làm và làm tốt công việc đó phụ thuộc phần lớn là ở bản thân bạn chứ không phải ngành/trường bạn học. Ngoại trừ những ngành yêu cầu đặc thù bằng cấp về chuyên môn như bác sĩ, giáo viên, công an... thì khi nộp đơn vào một công việc, những yếu tố giúp bạn có được công việc đó chính là sự phù hợp về 3 yếu tố Thái độ, Kỹ năng, Kiến thức của bạn (Attitude - Skills - Knowledge) chứ không chỉ dừng lại ở việc bạn có học trưởng top hay không.
3. Chương trình "Chất lượng cao" là có cao dữ chưa? 🎓
Nếu bạn nào chuẩn bị nhập học FTU thì sẽ nhận được 1 hoặc nhiều thông tin quảng cáo về chương trình chất lượng cao của trường và lúc đó bạn sẽ có suy nghĩ là nên học CLC hay học chương trình thường?
À thì mùa thu năm ấy ba mẹ mình bấm bụng dành dụm cho mình đăng ký học CLC, và mình thấy CLC cũng có “cao” (đặc biệt là học phí) nhưng sản phẩm thực tế thì hong được như trường marketing á.
Chương trình CLC lý tưởng:
- Hầu hết các môn được giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh, đào tạo các cử nhân có nền tảng kiến thức chuyên ngành vững vàng và khả năng làm việc tốt bằng tiếng Anh.
- Cơ sở vật chất phục vụ cho học tập hiện đại: phòng đa năng (có điều hòa nhiệt độ và trang thiết bị hiện đại), thư viện điện tử…
- Sĩ số lớp học hợp lý, ý kiến phản hồi của sinh viên được thu thập định kỳ để không ngừng cải thiện môi trường học tập, nâng cao chất lượng giảng dạy.
- Trên bằng tốt nghiệp có ghi rõ sinh viên tốt nghiệp Chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.
Chương trình CLC thực tế:
- Có những môn phải học bằng tiếng Việt như thường (quân sự, mác lê nin, chủ nghĩa v.v) nhưng học phí là của CLC
- Trình độ tiếng Anh các giảng viên: Không phải quá chuẩn và vip pro đâu nè, có nhiều lúc giảng bài bằng tiếng Anh rất khó hiểu nên phải giảng tiếng Việt 80% - 100% đối với những môn học này.
- Về cơ sở vật chất: Không khác gì mấy so với chương trình chuẩn, chất lượng các phòng học khá tương đồng và đều có máy lạnh.
- Sĩ số lớp học vẫn đông (75 bạn) so với lớp thường khoảng >100 bạn
- Học phí x2 so với chương trình tiêu chuẩn (nhưng chất lượng ko hơn quá nhiều so với chương trình thường, khác biệt nhất là giáo trình giảng dạy, slide và bài thi).
4. Ai tốt nghiệp Ngoại Thương rùi cũng lương ngàn đô phải hem? 🥺 💵
Mình không biết vì sao có cái vụ này :)) nhưng mình xác nhận là khum phải cứ Ngoại Thương thì auto lương 1000$/tháng nha các bạn ơi.
Tụi mình cũng phải trầy trật đi làm thêm với những công việc như dạy gia sư 50k/h, đi bưng bê tiệc cưới 20k/h,… (thậm chí vài người mình còn thấy vướng vào đa cấp nữa hic). Rồi đa số fresher đi làm công việc đầu tiên, chưa có kinh nghiệm gì thì lương 7-10 triệu là mừng gớt nước mắt rồi đó mụi người. Mình hông nói tất cả các FTUer đều vậy, có những bạn giỏi và có kinh nghiệm nhiều thì tự tin deal được mức lương cao vút, chứ phần đông thì nhiều bạn vẫn chật vật như bao người thoy à.
5. Học Ngoại Thương đi làm dễ bị đồng nghiệp ghét?
Hông hề. Bị ghét hay không là do ăn ở nè 😢
Nói chứ cái này là tùy vào mỗi người à, mình thấy khi đi làm thì nên tập trung vào những điều mình có thể kiểm soát được như kỹ năng chuyên môn, thái độ của mình với những người xung quanh, kỹ năng cộng tác với đồng nghiệp, kỹ năng giao tiếp, v.v
Còn việc người khác có ghét mình hay không thì việc này nằm ngoài sự kiểm soát của mình, và mình không thể nào làm cho tất cả mọi người đều yêu quý mình được (nếu được thì xem như là mình may mắn, còn không thì cũng bình thường hoy).
Mong rằng qua bài viết ngắn này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về những cái nhãn mà mọi người hay gắn vào dân Phờ tu nhe. Nếu bạn muốn đọc thêm những chia sẻ mới nhất của mình - một cựu sinh viên FTU đang sống và làm việc ở TpHCM thì bạn có thể ghé thăm mình tại blog Be20Again nhóe.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất