Review IELTS và PTE Academic
Với các bạn ở VN, cũng như các bạn có ý định đi du học thì IELTS có lẽ IELTS đã không còn xa lạ gì. Khoảng 3-4 năm trở lại đây thì...
Với các bạn ở VN, cũng như các bạn có ý định đi du học thì có lẽ IELTS đã không còn xa lạ gì. Khoảng 3-4 năm trở lại đây thì ngoài IELTS ra, rất nhiều trường ở các nước nói tiếng Anh cũng chấp nhận cả bằng PTE Academic như một lựa chọn khác cho IELTS. Ở VN thì không nhiều bạn biết tới PTE, mặc dù cũng có rải rác 1 vài trung tâm ở SG với HN rồi. Mình thì từng thi qua cả hai, sắp tới cũng nhiều bạn qua Úc nhập học nữa nên mình sẽ viết bài này để mọi người tham khảo nhé. Trong bài viết này, mình sẽ không giải thích nhiều về IELTS, mà tập trung vào PTE và sự khác biệt giữa hai cái nhé :D
PTE là gì?
PTE viết tắt của Pearson Test of English. Đây là chứng chỉ tiếng Anh có giá trị toàn cầu như IELTS, TOEFL, TOEIC. Chứng chỉ này thường được sử dụng cho mục đích du học, định cư nước ngoài, đặc biệt là ở Úc và New Zealand. Ngoài 2 nước này ra thì còn rất nhiều các trường đại học ở Anh, Mỹ, Canada và nhiều nước khác cũng đã bắt đầu chấp nhận PTE. Cũng giống IELTS, PTE cũng có PTE Academic, PTE General, ngoài ra có cả PTE cho trẻ em nữa. Theo lẽ thường, bạn sẽ cần PTE Academic để nộp hồ sơ đi du học.
Ai chấp nhận PTE?
Để biết được trường bạn đang muốn du học có chấp nhận PTE không thì các bạn có thể vào trang chính thức của PTE: Who Accepts PTE?, gõ tên trường bạn muốn vào. Nếu có thì tức là họ chấp nhận.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lên thẳng trang web của trường, vào khóa học bạn muốn học và xem điều kiện nhập học xem họ có chấp nhận PTE không.
PTE Academic trông thế nào?
Câu hỏi này thì chỉ cần vài đường Google cơ bản thì bạn sẽ ngay lập tức ra rất nhiều bài giải thích chi tiết, cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Ở đây thì mình chỉ nói qua qua thôi. Cấu trúc bài thi PTE Academic như hình dưới:
Chính bởi hiểu rõ rằng cấu trúc đề và dạng câu hỏi của PTE khác rất nhiều so với những bài thi chứng chỉ tiếng Anh phổ biến từ trước tới giờ, nên PTE đã tạo ra hẳn 1 phần mềm giả lập giúp các bạn chưa thi bao giờ làm quen với việc đi thi thực tế. Các bạn có thể download ở đây. Ngoài phần giới thiệu cụ thể từng loại câu hỏi, phần mềm còn cho bạn 3 bài luyện tập cùng đồng hồ bấm giờ với giao diện giống với khi thi thật luôn.
PTE là bài thi trên máy, chấm cũng bằng máy (AI). Bạn sẽ chỉ tiếp xúc với người giám thị khi họ dẫn bạn vào phòng máy. Còn từ đầu tới cuối bài thi, thậm chí tới lúc biết điểm, bạn sẽ không gặp một examiner nào. Max điểm cho mỗi kĩ năng là 90. Score Report (bảng điểm) của PTE sẽ không có bản cứng gửi về nhà hay trung tâm thi, mà đăng trên tài khoản PTE của bạn khi bạn đăng ký thi. Bạn có thể download bảng điểm về dạng PDF từ đó. Bảng điểm của PTE trông cũng rất khác, chi tiết, cụ thể hơn so với IELTS:
Dưới đây là bảng điểm chuyển đổi giữa IELTS Academic và PTE Academic (đã được update mới nhất):
Như các bạn có thể thấy thì theo bảng chuyển đổi mới nhất, PTE Academic max điểm cũng chỉ tương đương với IELTS 8.5 chứ không lên được 9.0. Mình nghĩ điều này khá là công bằng, và tại sao thì lát mình sẽ giải thích sau.
Ưu điểm của PTE so với IELTS
* Trả điểm rất nhanh: thời gian trả điểm của PTE thường là 24h kể từ khi kết thúc bài thi (xem ở bảng điểm bên trên), và muộn nhất là 5 ngày. Gần đây với format đề mới thì nhiều bạn chỉ mất 1-2h là có điểm. Việc trả điểm nhanh thế này giúp cho bạn có thể nhanh chóng thi lại nếu sớm biết được mình chưa đạt số điểm mình mong muốn, thay vì phải chờ tới 2 tuần như IELTS. (IELTS thi trên máy cũng mất ít nhất là 3 ngày). Ngoài ra, cũng liên quan tới việc trả điểm thì bảng điểm chính thức của PTE được trả online. Rất tiện cho việc bạn nộp đơn xin việc hay du học vì giờ mấy cái đó kiểu gì cũng phải scan ra bản mềm cả. IELTS thì bảng điểm giấy mới được công nhận là chính thức, và bạn sẽ phải chờ người ta gửi tới tận nhà, hoặc mất thời gian lên tận trung tâm để nhận, rồi mất cả thời gian scan nữa.
* Thời gian tổ chức ngắn: khi đi thi IELTS truyền thống (không thi trên máy), bạn sẽ phải chờ xếp hàng vào phòng thi lớn, rồi chờ mọi người ổn định hết chỗ ngồi, chờ được phát đề, rồi chờ được thu bài v..v.... khiến tổng thời gian kể từ lúc bạn dự thi tới lúc bạn ra được khỏi phòng có thể lên tới nhiều giờ đồng hồ (thường khoảng 3 tiếng). Trong khi đó, với PTE, mỗi phòng thi sẽ chỉ có một lượng máy nhất định. Nhiệm vụ của người giám thị là dẫn bạn vào máy, giải thích vài câu ngắn gọn về luật thi, và sau đó là mình bạn "chiến đấu" với cái máy.
Tổng thời gian cho một kì thi PTE Academic là 2 giờ 15'. Tuy nhiên, đó là tổng thời gian cho phép. Vì là thi trên máy nên khi hoàn thành xong một câu trước cả thời gian cho phép của câu đó, bạn hoàn toàn có thể bấm next và chuyển ngay sang câu tiếp theo, thậm chí là phần thi tiếp theo mà không phải chờ hết thời gian cho phép. Bạn cũng không phải bắt đầu hay kết thúc mỗi phần thi của bạn cùng lúc với các thí sinh trong phòng. Điều này có nghĩa trong cùng 1 phòng thi, có người sẽ làm xong sớm hơn và được ra về sớm hơn, có người thì sẽ chọn ở lại tới phút cuối cùng. Đợt mình thi thì mình mất có 1 giờ 20' là ra rồi. Nhờ vậy, 1 ngày thì người ta có thể tổ chức được nhiều ca thi PTE Academic hơn so với IELTS, đem lại nhiều lựa chọn/cơ hội hơn cho người đi thi.
* Dễ có điểm cao hơn so với IELTS: thực ra điều này vừa có lợi mà vừa có hại, nên mình sẽ nói về điều này cả ở hai mặt. Do PTE được chấm bằng máy, nên chúng ta hoàn toàn có thể....lừa máy để có được điểm cao, ngay cả khi chất lượng câu trả lời của chúng ta hoàn toàn không tốt. Ngoài ra, do PTE là một chứng chỉ thi còn rất rất trẻ so với IELTS hay TOEFL nên chỉ cần thi vài lần là bạn sẽ nhận ra có rất nhiều câu bị trùng lặp. Nhờ đó mà rất nhiều người đã tụ tập lại với nhau, cùng share lại những câu hỏi họ đã từng gặp và xây dựng nên ngân hàng đề PTE có thể nói sát tới gần 100% so với khi đi thi. Các trung tâm luyện thi PTE tốt thường sẽ có cả những mẹo để lừa máy, bộ ngân hàng đề, thậm chí là phần mềm AI chấm không khác gì AI của PTE luôn, khiến cho rất nhiều bạn khả năng tiếng Anh chỉ khoảng 3-4.0 IELTS nhưng lại có thể đạt 90/90 ở tất cả các kĩ năng ở PTE Academic, tương đương 8.5 IELTS lận. Nhờ vậy mà PTE đang dần được nhiều người tìm đến hơn.
* Chi phí học thi ít đắt đỏ hơn so với IELTS: Vì là thi trên máy nên mọi tài liệu học PTE đều là bản mềm và hoàn toàn có thể được chia sẻ ở trên mạng, nhờ vậy mà không mất tiền mua sách. Thường thì các khóa học PTE hiện nay đều có dạng "bao thi đến bao giờ đỗ thì thôi", tức là đóng tiền 1 lần (bao gồm cả học phí và học liệu), và nếu phải thi lại thì sẽ lại học tiếp mà không phải đóng thêm. Ngoài ra, việc học PTE không phân biệt mục tiêu bạn muốn giành lấy. Dù bạn muốn lấy 40 hay 90, bạn vẫn sẽ được cung cấp cùng những kĩ năng và mẹo, được truy cập vào cùng 1 ngân hàng đề. Vì vậy, về mặt kinh tế mà nói thì học ôn PTE sẽ rẻ hơn so với IELTS.
Lệ phí thi của PTE cũng rẻ hơn chút so với IELTS. Lệ phí thi sẽ khác tùy vào quốc gia bạn thi. Ở VN theo như mình tra được thì khoảng 3tr9 nếu bạn đăng ký thi trước 48h kể từ lúc thi, và cao hơn xíu nếu bạn đăng ký thi trước 24h.
Nhược điểm của PTE so với IELTS:
* Không phản ánh đúng trình độ tiếng Anh của người thi: Như đã nói ở trên thì PTE dễ lấy điểm cao hơn so với IELTS, và điều này vừa có lợi vừa có hại. Nếu như ở IELTS, do phần thi Writing và Speaking vẫn là người chấm, nên yêu cầu về ngữ pháp, văn phong, phát âm rất khắt khe. Ngay cả khi bạn kết thúc khóa học/kỳ thi với số điểm không được như ý muốn, bạn vẫn sẽ học được một cái gì đó có ích như ngữ pháp chắc hơn, học được nhiều từ mới hơn, khả năng phát âm tốt hơn. Ở PTE, bạn chưa chắc có được những điều đó. Do AI ở PTE không hoàn thiện và lẽ đương nhiên là không được chính xác như người chấm, nên những phần thi yêu cầu người thi nói vào mic sẽ được chấm không chính xác. Dựa vào nhược điểm đó, người học thi PTE sẽ được dạy chủ yếu nhờ vào mẹo phát âm, mẹo nói, cốt sao để có được điểm từ AI, chứ không được dạy câu trả lời đúng. Những phần thi đòi hỏi người thi gõ vào máy thì cũng đã có ngân hàng đề cực sát với đề thi thật, nhiều khi chỉ cần thuộc mặt chữ là đã có thể làm được chứ không cần phải hiểu. Phần viết Essay thì người học cũng chỉ cần học thuộc khuôn mẫu chính, thay vài từ khóa có liên quan tới đề thi (cũng đã được dự đoán từ trước) vào là hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa từ AI. AI của PTE không chấm được đạo văn. Ngay cả khi có 100 thí sinh viết 100 bài essay giống hệt nhau do cùng 1 lò ra thì họ vẫn có thể được chấm điểm tối đa. Vậy nên mới có chuyện rất nhiều người thậm chí ngữ pháp cơ bản còn không biết, nhưng hoàn toàn có thể đạt điểm PTE tương đương với IELTS 7.0, thậm chí 8.5 (như trước kia sẽ là 9.0)
Vì vậy bên trên mình mới nói, sẽ là công bằng khi PTE update lại bảng điểm chuyển đổi và thừa nhận rằng max điểm PTE sẽ không thể bằng max điểm của IELTS. Nếu bạn thuộc trường hợp chỉ thiếu 0.5 IELTS ở 1 kĩ năng nào đó, thi mãi không được và đang cần gấp chứng chỉ IELTS để kịp đi du học chẳng hạn, thì PTE có thể là một lựa chọn không tồi. Tuy nhiên, đừng để kết quả điểm PTE làm mờ mắt hoặc ảo tưởng về khả năng tiếng Anh của mình. Nếu bạn nhận thức được nhược điểm này của PTE, sau khi có kết quả rồi vẫn liên tục trau dồi tiếng Anh thì không sao. Nhưng nếu bạn có đủ kết quả để xin học thẳng vào bậc ĐH ở nước ngoài, nghĩ rằng khả năng của bạn cũng tương ứng với số điểm và không cần học nữa, thì rất có thể bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo kịp trường lớp bên này đấy. Tiếc rằng, PTE thường được tìm tới bởi những người chỉ muốn có cái chứng chỉ cho xong việc, chứ không thực sự có ý thức học tiếng Anh cho tử tế, nên những trường hợp kiểu như trên trở nên khá nhiều.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng tới việc đánh giá đúng trình độ của người thi trong PTE là chất lượng cơ sở vật chất. Bạn sẽ phải ngồi chung phòng thi với vài người nữa, và khi họ làm tới những phần yêu cầu phải nói vào mic, rất có thể bạn vẫn nghe được những gì họ nói khiến bị phân tâm, hoặc tiếng của họ chui được vào mic của bạn và ảnh hưởng bài thi của bạn. Nếu mic của trung tâm tổ chức thi không được tốt, hoặc bạn kề mic quá cao/thấp hoặc quá gần so với miệng, hoặc giọng bạn hôm đó bị khàn, thì điểm số của bạn cũng bị kéo xuống rất thậm tệ. Hoặc như bạn lỡ mồm nói to quá, đang dở bài nói mà bị giám thị vỗ vỗ vào vai, bạn ngưng lại thì cũng coi như bài nói đó bị hỏng.
*PTE gần như không thể tự học được: Trường hợp AI chấm người đang có IELTS 8.0 xuống còn có 40/90, tương đương IELTS 6.0 xảy ra khá nhiều. Điều này xảy ra là do những người này đang thi theo đúng những gì đề bài yêu cầu theo cách của riêng họ, thay vì theo đúng cách thức của AI chấm điểm. Mặc dù ở IELTS, bạn cũng cần phải làm bài thi Writing và Speaking giống với những yêu cầu của IELTS thay vì làm kiểu freestyle, nhưng barem điểm của IELTS khá là rõ ràng và được công bố rộng rãi trên mạng. Nhờ vậy, bạn biết rõ mình cần làm gì để có điểm cao, từ đó hoàn toàn có thể tự học IELTS với vô vàn nguồn tham khảo miễn phí. PTE, đương nhiên, sẽ không công bố cách AI của họ vận hành, từ đó bạn sẽ không thể tìm thấy được những mẹo, những kĩ năng hay ngân hàng đề thi PTE ở trên mạng nếu không tới các trung tâm ôn thi PTE. Ngay cả phần mềm chuẩn bị cho kỳ thi do chính PTE cung cấp cũng chỉ có thể chấm được những gì bạn gõ vào là đúng hay sai, chứ cũng không thể chấm điểm của các kĩ năng như AI được.
*PTE không được coi lại câu trả lời cũ: ở tất cả các phần thi, một khi bạn bấm next sang câu tiếp theo, bạn sẽ không được quay trở lại phần thi cũ nữa. Vậy nên một lần lỡ tay click chuột vội vàng là có thể làm bạn mất điểm.
*Các phần thi của PTE có liên quan tới nhau: Ở IELTS, mỗi kĩ năng được chấm riêng biệt, không bị ảnh hưởng chồng chéo lên nhau. Nhưng ở PTE, phần thi ở Speaking có thể ảnh hưởng tới điểm Reading, và đủ các loại chồng chéo khác. Cùng nhìn vào cơ cấu chấm điểm của PTE nhé:
Như bạn có thể thấy thì ở Enabling Skills có rất nhiều thành phần. Và một phần thi ở Speaking như Read aloud (bạn sẽ được thấy 1 đoạn văn bản ngắn và được yêu cầu đọc to vào mic trong 1 khoảng thời gian nhất định) sẽ ảnh hưởng tới cả Speaking lẫn Reading. Hay như điền vào chỗ trống ở Reading có thể ảnh hưởng tới cả Reading lẫn Writing. Về mặt logic mà nói thì điều đó khá là công bằng, tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi bạn làm rất tốt ở 3 kĩ năng và không tốt lắm ở kĩ năng còn lại, điểm số của cả 4 kĩ năng của bạn vẫn sẽ bị ảnh hưởng đồng đều.
Vậy thì thi IELTS hay PTE?
Nếu bạn cần chứng chỉ tiếng Anh gấp, hoặc thi IELTS mãi không đạt đủ kết quả mong muốn, không quan trọng chất lượng việc học, và thành thạo gõ chữ tiếng Anh thì PTE sẽ là một sự lựa chọn tốt.
Nếu bạn có nhiều thời gian để học, muốn xây dựng một nền tảng tiếng Anh vững chắc, có thể tự tin về bảng điểm mình đạt được, và muốn đi dạy tiếng Anh sau này thì bạn nên thi IELTS (trừ phi bạn tính đi dạy PTE ^^).
P/S: Bài viết không mang tính chất xúc phạm hay coi thường những bạn thi PTE. Bản thân mình cách đây 4 năm cũng từng chọn thi PTE khi mình đã có IELTS 8.0 nhưng chưa đạt đủ điều kiện 8.0 ở tất cả các kĩ năng (điều kiện để xin định cư). Bài viết muốn nhấn mạnh về sự khác nhau về mục đích cũng như những gì đạt được giữa hai kỳ thi mà thôi :D
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất