Giải ảo Airdrop - cơn mưa tiền tỷ đô chỉ có ở crypto
Không phải trong Money Heist nhưng vẫn có người phát tiền cho chúng ta ư?
“Không có bữa ăn nào là miễn phí”. Ấy thế nhưng tuần vừa qua, đã có một túi tiền trị giá $1.2 tỷ đô rơi vào đầu một số người một cách miễn phí. Đó là sự kiện airdrop token của Arbitrum, một nền tảng layer2 được xây dựng trên blockchain Ethereum.
Trang CoinDesk từng nói rằng: “Crypto là thứ thay đổi nền văn hóa mạnh mẽ nhất kể từ sự xuất hiện của Hip Hop”. Nếu đúng là như vậy, thì airdrop ắt hẳn là biểu hiện văn hóa nổi bật nhất của không gian mới nổi này.
Nhiều người đã đổi đời từ những chương trình phát thưởng như trên, và đây không phải là chuyện hiếm gặp ở trong thị trường. Tuy nhiên, airdrop xứng đáng có một bài viết dài hơn để giải thích lí do vì sao nó tồn tại. Lí do nào khiến các dự án chi hàng trăm triệu, hay cả tỷ đô để phân phát cho người dùng?
Bài viết sẽ bao gồm những thông tin cơ bản về airdrop. Sau đó, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích một sự kiện airdrop vừa mới diễn ra. Cuối cùng, mình sẽ đưa ra thêm nhiều góc nhìn khác về cái được xem là biểu tượng của crypto này. Cùng đến với bài viết ngay nhé.
Ảnh: Coin98
Airdrop là gì? Sự ra đời của airdrop.
Airdrop là từ ngữ miêu tả hành động phân phát các đồng coin một cách miễn phí, đến một lượng người dùng (địa chỉ ví) phù hợp với một số điều kiện nhất định. Chủ thể của hành động này là các giao thức, dự án phi tập trung. Có thể xem, chính không gian Defi đã khai sinh ra airdrop. Và airdrop cũng trở thành một biểu tượng của nơi đây.
Airdrop xuất hiện với 3 mục đích chính:
Trao thưởng cho những người dùng trung thành của giao thức. Những ứng dụng sàn giao dịch phi tập trung (dex) ở những năm đầu của crypto thường “cắn” một lượng phí khá lớn khi người dùng giao dịch. Do đó, những đợt airdrop có thể xem là một phần quà “tri ân khách hàng” vì đã sử dụng những sản phẩm của họ.
Là phương pháp marketing nhằm thu hút thêm nhiều user, tạo độ hype trong cộng đồng. Đương nhiên rồi, ai mà chẳng thích tiền miễn phí chứ?
Cuối cùng, airdrop token sẽ giúp giao thức phi tập trung hóa sản phẩm của mình (tức những người nắm giữ token có thể bỏ phiếu để điều khiển giao thức). Ngoài ra, có một lượng holder lớn cũng sẽ giúp token của dự án được niêm yết hay sử dụng trong các giao thức Defi khách nhanh hơn.
Ông tổ đã khai sinh ra cách thức marketing độc đáo này là dự án AuroraCoin hồi năm 2014. Tuy nhiên, đầu tàu của defi, Uniswap mới chính là dự án đã phất ngọn cờ airdrop một cách mạnh mẽ nhất.
Là một trong những giao thức xuất hiện đầu tiên trên Ethereum và trong cả thế giới phi tập trung. Uniswap đã là lựa chọn của nhiều Defi-maxi kể từ những ngày đầu của Defi summer. Vì vậy, để tri ân lượng lượng người dùng trung thành của mình đó. Đồng thời khẳng định vị trí dẫn đầu ở mảng giao dịch phi tập trung. Vào ngày 17 tháng 11 năm 2020, Uniswap đã quyết định sẽ ra mắt token và airdrop đến tất cả người dùng đã tương tác với giao thức trước đó.
Và theo thống kê do Dune thực hiện, đa số người dùng khi nhận được airdrop UNI đều đã bán ra thị trường. Chỉ 2% tổng người dùng không bán ra và 1% người dùng đã mua thêm UNI vào.
Vậy, câu hỏi tiếp theo chúng ta sẽ khám phá là: Đối tượng nào sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất từ airdrop? Dự án lấy đâu cả trăm triệu dollar để airdrop cho người dùng? Và khi hành vi của người dùng cho thấy họ chỉ muốn nhận tiền rồi bỏ đi, vậy phải chăng mục tiêu marketing của chiến dịch airdrop có thất bại?
Phân tích case Arbitrum
Bỏ qua Uni, chúng ta hãy cùng phân tích chiến dịch airdrop tỷ đô mới nhất từ Arbitrum cách đây chỉ hơn 1 tuần. Dưới đây là một số thông tin bạn cần biết về “cơn mưa tiền” này:
- Số token được airdrop đến người dùng là 1.162 tỷ $ARB
- Có tổng cộng 625.143 địa chỉ ví được xác nhận là hợp lệ
- Trung bình mỗi người nhận được khoảng 1859 token $ARB
- Tính với giá token $ARB ở thời điểm viết bài là $1.4, thì cơn mưa tiền mang tên Arbitrum đã có giá trị hơn $1.6 tỷ dollar. Và trung bình mỗi người dùng được nhét vào ví của mình khoảng $2.6k
(nguồn thông tin: https://dune.com/blockworks_research/arb-airdrop )
Đây là một điều điên rồ mà mình tin chắc bạn không thể tìm thấy ở bất kì nơi nào ngoài crypto. Vậy, ai sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất từ đợt airdrop trên?
Người trải nghiệm giao thức
Tất nhiên, những người hào hứng nhất chắc chắn là chúng ta, những người dùng nền tảng. Đó có thể xem là món quà tri ân ý nghĩa mà Arbitrum foundation đã gửi tặng đến những người đã tích cực tương tác với mạng lưới.
Thực tế, đã có nhiều lời đồn đoán về sự ra mắt token $ARB hồi cuối năm 2022. Điều này dẫn đến một lượng người dùng đông đảo đã kéo đến và “cày” nát các ứng dụng trên Arbitrum.
Có thể thấy rõ hơn ở biểu đồ thể hiện lượng giao dịch hằng ngày trên Arbitrum dưới đây. Con số đã gia tăng đáng kể khi tin đồn về airdrop được lan rộng trên twitter.
Vậy, phải chăng chỉ có mỗi người dùng là được hưởng lợi hoàn toàn từ các chiến dịch airdrop? Câu trả lời tất nhiên là không, Arbitrum hay các dự án chắc chắn phải tạo được lợi thế từ chính chiến dịch mình tạo ra.
Dự án
Như đã đề cập ở trên, các dự án sẽ quyết định airdrop cho cộng đồng với 3 mục đích chính: tri ân người dùng cũ, thu hút người dùng mới, và phi tập trung hóa dự án (biến dự án thành một DAO/sub-DAO). Và cả 3 mục đích trên, sau cùng, đều dẫn đến một mục đích tối thượng khác: tăng doanh thu cho giao thức.
https://tokenterminal.com/terminal/projects/arbitrum
Biểu đồ trên đây cho thấy doanh thu của Arbitrum đã tăng vọt lên $1.5m khi đợt airdrop diễn ra. Lưu ý rằng, nguồn doanh thu trên được tính dựa trên phí giao dịch nền tảng của mạng lưới (gas fee). Arbitrum còn có một sản phẩm “cá kiếm” khác chính là Arbitrum bridge chưa được liệt kê vào biểu đồ này.
Và nếu bạn thấy những con số trên là chưa ấn tượng. Thì còn có một thuyết âm mưu rằng, chính các dev của Arbitrum cũng nắm một lượng lớn token $ARB airdrop. Giả thuyết này không phải là không hoàn toàn có cơ sở.
Đầu tiên, blockchain vốn không định danh nên ta hoàn toàn không xác nhận được toàn bộ danh sách nhận airdrop có phải là users hay không.
Thứ hai, vài ngày sau khi Arbitrum chính thức thông báo về chương trình airdrop, một tài khoản twitter tên X-explore thông báo rằng Arbitrum foundation đã để lọt rất nhiều sybil address (nhiều địa chỉ ví nhưng do 1 người sở hữu). Bản thân Arbitrum cũng đã có cách để chống sybil cho campaign của họ.
Tuy nhiên, nên nhớ Arbitrum là một dự án đã mất đến 4 năm để xây dựng và được xem là king of layer-2 trên Ethereum. Do đó, ta thừa sức hiểu rằng đội ngũ phát triển có dư khả năng để loại bỏ hoàn toàn các địa chỉ ví sybil trên. Trừ khi, họ cũng góp một phần nho nhỏ ở trong đấy.
Lập luận này càng được khẳng định hơn vào cái ngày mà sự kiện claim $ARB airdrop diễn ra (khoảng 8h tối ngày 23/3 theo giờ Việt Nam). Thời điểm đó, toàn bộ hệ thống của Arbitrum đã “tắt điện” khi website chính thức sập, trang explorer on-chain sập, và mạng lưới cũng không phản hồi lại giao dịch của người dùng.
Vậy mà, bằng một cách thần kỳ nào đấy, vẫn có những người dùng có thể claim được token mình vào tình trạng đó. Chẳng phải là không có cơ sở để chúng ta nghi rằng đó chính là dev của dự án nhỉ?
(cập nhật lúc 20:38 ngày 23/3 - khi mà cả Arbitrum vẫn đang tắt điện)
Hẳn thấy, Arbitrum có vẻ đã có cơ cấu đâu đó một lượng địa chỉ ví nhất định cho người nhà của mình. Điều này cũng có phần hiển nhiên thôi nhỉ?
Vậy, ngoài hai đối tượng người dùng và dự án, những đợt airdrop kiểu như thế này có mang lại lợi ích cho ai ngoài nữa hay không?
Các bên thứ 3
Ngoài hai đối tượng đã được đề cập trên, chúng ta còn có những bên lớn khác góp mặt vào cuộc vui này. Chẳng hạn như các quỹ đầu tư, tất nhiên rồi, họ là những người đã invest rất nhiều tiền vào Arbitrum. Do đó, những đợt airdop như thế này cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến khoản đầu tư của họ.
Các sàn giao dịch rất hứng thú với những đợt airdrop kiểu như Arbitrum này. Với một khối lượng mua/bán lớn, họ có thể kiếm được khoản hời khổng lồ từ phí giao dịch của người dùng nền tảng.
Ngoài ra, chúng ta còn có “tổ đội lái giá”, các tổ chức Market maker mà cụ thể cho Arbitrum đó là WinterMute.
https://twitter.com/lookonchain/status/1642579605684101120
Cụ thể Wintermute sẽ chịu trách nhiệm về tính thanh khoản của ARB trên thị trường. Nói một cách dân dã, đây chính là “lái giá” mà chúng ta thường thấy. Sau khi gom được token ở mức giá thấp, các market maker sẽ đẩy giá token lên ở mức cao và bán ra để thu về lợi nhuận.
Ở trường hợp này, Arbitrum có vẻ như đã hợp tác với Wintermute để thực hiện việc đỡ giá cho token $ARB. Điều này thể hiện ở việc, mặc dù đã có tới gần 90% $ARB airdrop được bán ra, nhưng $ARB không hề có tình trạng “gãy chart” mà bật lên ngay ở mức giá $1.
Một địa chỉ ví được cho là của Wintermute đã và đang gom về $ARB trên thị trường: https://debank.com/profile/0xdbf5e9c5206d0db70a90108bf936da60221dc080?chain=arb
Arbitrum đã được bắt đầu xây dựng từ những năm 2019. Và mất đến 4 năm xây dựng để hệ sinh thái này mới đạt tới thời kỳ “hưng thịnh” như hiện tại. Và chính dịch airdrop này được xem như bước chuyển mình mạnh mẽ, chính thức đưa ARB sang một trang mới.
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng tỉ mỉ như Arbitrum, do đó, không phải đợt airdrop nào cũng mang hiệu ứng mạnh mẽ đến vậy. Liệu, có một tiêu chuẩn, một định lượng nào để xác định xem một chiến dịch airdrop có thành công hay không?
Đánh giá một chiến dịch airdrop
Đối với người dùng
Về góc độ user, không quá phức tạp để bản thân họ đánh giá xem đợt airdrop này có “ưng cái bụng’ của họ hay không. Money talks, độ lớn của đợt airdop chính là các để xoa dịu cộng đồng một cách hiệu quả.
Ấy thế, chưa đầy 24 tiếng sau, khi mà Aptos foundation quyết định airdrop cho những người đã tham gia vào phase testnet của blockchain này. Những câu nịnh thần như “blockchain đỉnh cao, siêu công nghệ,..” được dùng để nói về Aptos xuất hiện khắp trên twitter.
Ta mới nhìn từ phía góc độ người dùng, vậy còn từ lăng kính của các dự án. Airdrop sẽ trông như thế nào?
Góc nhìn từ dự án
Đứng từ phía bên này, việc đo lường sự thành công của một chiến dịch airdrop (bản chất là chiến dịch marketing) là quan trọng hơn, và có thể được thể hiện qua một số chỉ số cơ bản như: Số lượng người tham gia, tỷ lệ tương tác sâu với blockchain/ dự án, số liệu từ các social platform, hành vi người dùng và ROI. Tuy nhiên, đến cuối ngày, điều quan trọng nhất cần xem xét là: đợt airdrop này có ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của dự án.
Để mình lấy về một campaign airdrop đình đám bậc nhất mùa tăng trưởng năm 2021, ParaSwap với token $PSP. Hãy để mình chia sẻ cho bạn những số liệu mà Para đã đạt được, và hãy thử đánh giá xem, $PSP có là chiến dịch thành công hay không nhé:
- Số địa chỉ ví nhận airdrop: ~20.000
- Số token PSP được phân phát: 150 triệu PSP
- Trung bình, mỗi địa chị ví nhận được 7500 token (Min 5.200 PSP và, max 10.400 PSP)
- Với giá list khoảng $1.4, vậy trung bình mỗi địa chỉ ví nhận được khoảng $10.400 (min $7.280 và max $14.560).
Một chiến dịch ấn tượng, cho thấy sự chịu chơi, đầu tư từ team ParaSwap. Ấy nhưng số phận của Para cũng chỉ kéo dài một vài tháng, trước khi dự án bị người dùng rời bỏ, sống lay lắt qua ngày.
Rõ ràng, airdrop là một con dao hai lưỡi với những dự án sử dụng. Chiến dịch này có thể mang lại nhiều lợi thế tức thời cho các nền tảng, tuy nhiên, không nhiều bên có thể tận dụng được những lợi thế trên.
Optimism (OP) hay Uniswap (UNI) có thể xem là những dự án có chiến dịch airdrop thành công. Họ vẫn sống mạnh sau chương trình kết thúc, biết cách để giữ chân và gắn kết người dùng. Hoặc một cách khác không ngoan hơn, đó là chia airdrop thành nhiều đợt, vẫn với mục đích níu kéo người dùng ở lại hệ sinh thái.
Để thấy, cùng một công cụ nhưng không phải ai cũng có thể tấu lên một bản nhạc hay. Cùng airdrop nhưng số phận của những dự án chưa chắc đã được đảm bảo. Nếu có gì đó để phản biện lại nhận định này, chúng ta có thể cho rằng: Vòng đời của một dự án crypto vốn ngắn. Nên có thể, các dự án chỉ cần airdrop để thu hút user lần đầu → Kiếm thật nhiều phí giao dịch rồi cuốn gói chạy xây dựng dự án khác. Với mình, đây là sự biến tướng của một trong những biểu hiện đẹp nhất mà crypto đang gầy dựng.
Airdrop và sự biến tướng
Những gì mà các cuộc phát tiền tạo nên, trông có vẻ, mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, phần thưởng, tài nguyên thì có hạn, nhưng lòng tham của con người thì không như vậy. Dần dà, airdrop đã tạo nên những thế lực chống lại các hoạt động của mình.
Airdrop hunters
Họ tự gọi mình là airdrop hunters, những người chuyên dành thời gian để săn các đợt airdrop trong thị trường. Hiển nhiên, mục tiêu duy nhất của những người này là tiền, càng nhiều tiền càng tốt. Do đó, sự xuất hiện của nhóm người này đã phá nát đi mục tiêu ban đầu của các chiến dịch airdrop, vốn là tưởng thưởng cho real user, những người dùng thật sự trải nghiệm sản phẩm.
Hmmm. Không ai cấm họ làm những điều như này cả, vì crypto hay defi là không gian permissionless. Tuy nhiên, những hành động này sẽ hủy hoại các dự án crypto một cách trực tiếp, và gián tiếp làm chậm lại tốc độ phát triển của các dApp, làm họ ngại chi tiền hơn vì sự hiệu quả rõ rệt.
Airdrop hint
Nếu như airdrop hunters xuất phát từ lòng tham vô đáy của người dùng, thì các dự án cũng có “chiêu thức” để đáp trả lại. Skill này có tên là “Airdrop hint”, nói dễ hiểu, các dự án sẽ “nhá” trước cho cộng đồng rằng: Này, tụi tao có thể có airdrop đấy. Tụi mày biết phải làm gì chưa?
Đáp lại tiếng gọi đầu cầu bên đó, người dùng và có cả các airdrop hunter sẽ đổ bộ vào dự án, cày cuốc, trải nghiệm các sản phẩm và mong chờ một ngày sẽ nhận được airdrop. Vậy, người dùng nhận được gì? Các NFT từ dự án, và niềm tin sẽ sớm có airdrop. Còn phía dự án, thứ họ nhận được là tiền, rất nhiều tiền đến từ chi phí người dùng sẵn lòng bỏ ra.
Ví dụ nền tảng Guild.xyz, cho phép dự án tạo các nhiệm vụ để người dùng trải nghiệm sản phẩm. Hãy nhìn số lượng người tham gia xem, bạn sẽ hiểu họ đang bán niềm tin cho cộng đồng hiệu quả như thế nào.
Tóm cái váy lại, Airdrop nên được tiếp cận như thế nào?
Có lẽ, góc nhìn của mình sẽ tương tự với các dự án gần đây. Rõ ràng, một chiến dịch airdrop có thể mang lại lợi ích cho nhiều bên. Ngoài ra, chưa một thị trường nào lại có một thể loại marketing thú vị đến thế. Vì vậy, airdrop thật sự góp một vai trò tối quan trọng trong crypto space.
Tuy nhiên, cũng như bất cứ thứ gì khác, airdrop sẽ bị thách thức bởi nhiều tác động tiêu cực. Dẫn đến, các campaign độc đáo có thể sẽ phải thay đổi bản chất của mình để thích nghi trong tương lai. Dù là gì, mình tin nó sẽ khó để biến mất trong thế giới phi tập trung mới nổi này.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
1> Theo như bạn nói thì khi air drop đa số mọi người sau khi nhận sẽ bán và sàn giao dịch sẽ được phí giao dịch, nhưng thế thì ai sẽ là bên mua vào nếu sau 1 thời gian mọi người đều exit (trong bài mình có thấy nhắc đến các tổ chức đứng ra đảm bảo thanh khoản và sẽ bán lại với giá cao hơn, nhưng sau khi mua vào thì ai sẽ mua lại với giá cao hơn ấy)
2> Theo mình được biết thì để tạo ra 1 crypto thì người dùng phải "đào", vậy đội dev phải tự đào trước mỗi đợt air drop hay họ có thể tự 'biến' ra 1 lượng nhất định để air drop, và nếu có như vậy thì có ảnh hưởng đến cung cầu sẵn có của thị trường không?
Xin lỗi bạn nếu câu hỏi có phần hơi "ngô nghê" vì đây là 1 khái niệm còn tương đối mới mẻ với mình.
Chúc bạn 1 ngày tốt lành :>
1/ Ai sẽ là người mua lại với mức giá cao hơn?
Đây là câu hỏi thú vị, và có cả 1 cái meme mà mình tin là bạn sẽ nhìn thấy đâu đó nếu BTC tăng mạnh. (Đại khá là họ sẽ chê BTC ở giá 15k và xếp hàng mua BTC ở giá 70k).
Chuyện này khá bình thường ở crypto nói chung và cả các thị trường tài chính nói riêng. Vì để ra quyết định bỏ tiền đầu tư, sẽ có rất nhiều yếu tố quyết định. Nào là phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản,... Và kể cả là cảm xúc. Do đó, việc bạn thấy đồng coin này ở giá a là quá hời để bán ra, đôi khi người b lại thấy đó là một món hời. Chưa kể đến market luôn xảy ra tình trạng bất cân xứng thông tin, tức sẽ có những người có được thông tin mật.
Một case airdrop thú vị mà bạn có thể thử search là đồng TIA của Celestia, airdrop vào khoảng tháng 10 11 năm ngoái. Khi token được list lên sàn, gần như những người dùng nhận được airdrop đều mang token đi bán (trong đó có cả mình). Hồi đó giá listing giao động quanh 3$, và cộng đồng thì bảo rằng đây là nước mưa. Để rồi sau khoảng 3 tuần, giá tăng điên cuồng lên gần 20$. Lúc đó cộng đồng lại đồn nhau là mua lại TIA đi, nó có công nghệ abc, có khả năng được airdrop xyz,... Và rất nhiều người mua lại thật, và giờ bạn check giá nó xem để biết kết quả nhé =))
2/ Yup, cũng như bạn, đây là một câu hỏi mà mình cũng từng thắc mắc. Để trả lời được nó thì chắc ta sẽ phải biết về 1 số khái niệm sau:
Đầu tiên là đào, một thuật ngữ thường được dùng, tiêu biểu là từ đào coin. Nhưng ở đây, khi nói về crypto, về mặt kỹ thuật, mình có thể chia ra làm 2 loại crypto bạn nhé: Thứ nhất là coin, và thứ 2 là token. Mình nghĩ bạn có thể tìm được các bài viết giải đáp sự khác nhau của 2 loại này, nên mình sẽ không đi sâu vào nha.
Quay trở lại, điểm khác nhau cơ bản của coin và token có liên quan đến câu hỏi của bạn là coin là đồng crypto do 1 blockchain phát hành, còn token là đồng của 1 dự án xây trên 1 blockchain phát hành. Và từ đào thường được dùng với loại "coin".
Do đó, khi dự án airdrop, họ đúng thật là đã "biến" ra 1 lượng token mà họ muốn để airdrop cho người dùng. Thuật ngữ gọi là mint token. Một keyword bạn chắc chắn gặp khi đọc các tin tức airdrop đó là tokenomic, nói về thông tin cụ thể của 1 token: tổng nguồn cung, % phân bổ, thời gian unlock,... (bạn có thể search thêm keyword tokenomic để tìm hiểu nhé).
Đối với dạng token này, số lượng đã được cố định sẵn (trừ 1 số trường hợp có thay đổi như mint thêm hoặc đốt bớt đi). Ở thời điểm đầu, chỉ có một % nhỏ tổng nguồn cung được mở khóa, số còn lại sẽ được mở khóa dần theo thời gian. Do đó, không có việc "đào" với các token này.
Và cuối cùng, khi dự án mint thêm token ra thì cũng không ảnh hưởng gì đến các dự án khác. Hoặc nếu có thì cũng chỉ là ngoại tác vô tình.
Nếu bạn có thêm thắc mắc gì thì hãy comment nhé, mình sẽ trả lời bạn asap