Bạn đã bao giờ tự hỏi mình là ai giữa thế giới rộng lớn hơn 8 tỉ người này? Mình sinh ra trên đời này có ý nghĩa gì? Bạn có từng nghĩ về kiếp con người và tự hỏi rằng linh hồn mình sẽ như thế nào sau khi chết đi?
Tôi đoán là bạn... chúng ta đều đã từng có những câu hỏi như vậy. Ý nghĩa cuộc sống, giá trị con người là một khái niệm trừu tượng mà bất kì ai cũng đều muốn đi tìm.
Tạm bỏ qua những khái niệm, sự thật về linh hồn, về kiếp luân hồi, tôi chỉ muốn bàn về “kiếp” mà mỗi người chúng ta đang sống, vì nó là thực tế hơn cả. Chúng ta sinh ra trong cuộc đời này đều có một giá trị, ý nghĩa nào đó. Không một ai là vô dụng cả. Một người tỷ phú sẽ mang sứ mệnh phát triển một lĩnh vực nào đó, tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Bên cạnh đó cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác. Một người nông dân, tuy có tầm ảnh hưởng nhỏ hơn, nhưng cũng mang một giá trị đặc biệt là góp phần tạo ra lương thực, cung cấp cho 10, 100, hay 1000 người để họ có thể yên tâm làm công việc mà họ đang làm. Ngay cả những người mang khiếm khuyết bẩm sinh, luôn mặc cảm về bản thân thì sự tồn tại của họ cũng ít nhiều có ý nghĩa đối với người thân, gia đình và là nguồn động lực của họ. Có những người “thành công” hơn, không chỉ tìm được ý nghĩa của bản thân mà còn mang đến ý nghĩa sống cho nhiều người khác. Câu chuyện về Nick Vujicic là một ví dụ điển hình.

Chẳng phải hành trình sinh ra, sống và làm việc cho đến khi chết đi của chúng ta chính là hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời sao?

Tìm ra ý nghĩa cuộc đời chính là tìm được hạnh phúc. Nhưng, liệu có phải hầu hết chúng ta đang đi sai hướng trên con đường đi tìm hạnh phúc? Chúng ta vật lộn với công việc hàng ngày. Chúng ta chịu áp lực, căng thẳng mỗi ngày với chỉ một mục đích: kiếm thật nhiều tiền. Tiền sẽ mang lại cho bạn một cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất. Tiền giúp bạn làm được nhiều điều mình muốn.
Đúng vậy, có tiền sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu về hạnh phúc thế giới, những quốc gia giàu có nhất như Mĩ, Trung Quốc, Nhật Bản lại không có chỉ số hạnh phúc cao nhất. Thậm chí Trung Quốc chỉ đứng vị trí trung bình (83 trên tổng số 157 nước - theo bảng xếp hạng năm 2016). Vì vậy, tiền không phải là tất cả.
Có một câu chuyện về tờ tiền mệnh giá 20$ thế này: tờ 20$ được in ra với giá trị mà ngân hàng và nhà nước đặt cho nó, tất cả người dân trên thế giới đều công nhận giá trị ấy. Dù cho nó có bị rơi xuống đất, bị người ta giẫm đạp lên, hay bị vò nhàu nát thì giá trị của nó vẫn không thay đổi, bởi vẻ bề ngoài không phải thước đo giá trị của một tờ tiền (miễn là nó còn nguyên vẹn).
Ảnh bởi
Elsa Olofsson
trên
Unsplash

Chúng ta cũng vậy.

Con người cũng có những giá trị sẵn có và những giá trị được hình thành dần dần trong quá trình sống, học tập, làm việc. Chúng ta có thể trải qua cay đắng cuộc đời, bị vùi dập, nhưng những giá trị ấy không thay đổi. Đừng đánh giá một con người bằng những thước đo không nằm trong giá trị của họ. Và cũng đừng cố xây dựng giá trị của bản thân mình bằng cách học theo những giá trị người khác nếu bạn chưa hiểu chính mình.
Không phải vật chất ta sở hữu mà chính những việc ta làm mới là thứ tạo nên giá trị con người chúng ta.
Vẫn biết là ai trên đời này mà chẳng muốn đi tìm hạnh phúc, nhưng người trẻ bây giờ có vẻ như đang sống vội quá. Chúng ta vội vàng học, vội vàng đi làm, lập gia đình... mà không để ý rằng mình đang đi theo một con đường của một ai đó. Để rồi, năm tháng trôi đi chỉ còn lại sự tiếc nuối và những câu nói "giá như"...
Để chạm được vào chiều sâu của ý nghĩa cuộc đời là rất khó. Thỉnh thoảng hãy chậm lại một nhịp, để quan sát cuộc đời này, để tự hỏi "mình muốn gì?". Một khi xác định được giá trị của bản thân (đang và sẽ trở thành) và lựa chọn đúng con đường, hạnh phúc sẽ xuất hiện. Cũng thật may mắn là hạnh phúc có thể sẽ đồng hành cùng bạn ngay trên hành trình ấy.
I'm just a guy...