Dạo này tôi quan sát thấy được kha khá các cặp "tiêu chuẩn kép" của cộng đồng mạng, nên tôi ghi chép lại, quan sát và thử đưa ra cảm quan riêng. Đây cũng chỉ là những "tiêu chuẩn kép" đặt ra bởi một nhóm người, chứ không phải toàn bộ cộng đồng (đặc biệt là "cộng đồng mạng") đều như vậy.
1. Chuyện COVID 19, nếu số liệu các ca nhiễm ít:
- Nếu là ở nước ngoài: "Phương Tây/tư bản chống dịch tốt thật, phải thế chứ lại, tiền thuế để làm gì?"
- Nếu là ở Việt Nam: "Chính phủ giấu dịch!"
Tôi nghĩ: Đây là một tiêu chuẩn kép cực kỳ thiên vị, được một số người không ngại ngần đưa ra vì họ chỉ luôn nhìn vào mặt tối của nước nhà, nên nếu có điều gì tốt đẹp xảy ra, họ không tin, hoặc không chịu tin. Mong rằng sau các thành công chống dịch vừa rồi, nhóm này sẽ nghĩ khác.
2. Chuyện COVID 19, nếu thực hiện giãn cách xã hội một cách gắt gao:
- Nếu là ở nước ngoài: "Phương Tây/tư bản họ nghiêm chỉnh thế chứ!"
- Nếu là ở Việt Nam: "Chính phủ muốn chặn đường sống của dân, không cho kinh tế phát triển!"
Tôi nghĩ: Như 1.
3. Chuyện COVID 19, nếu không thực hiện giãn cách xã hội gắt gao:
- Nếu là ở nước ngoài: "Phương Tây/tư bản họ tính hết cả rồi, họ khéo léo làm vậy để không gây thiệt hại kinh tế."
- Nếu là ở Việt Nam: "Chính phủ lơ là, tham nhũng, không lo cho người dân, để mặc dịch bệnh lây lan!"
Tôi nghĩ: Như 1.
4. Chuyện Sơn Tùng M-TP hay bất cứ ca sĩ nào khác:
- Nếu dính nghi án đạo nhạc: "Thằng đạo sĩ, ăn cắp, đạo nhái, V-Dragon".
- Nếu có sản phẩm thành công: "Quản lý nó làm hết chứ nó có phải làm gì đâu", "Không có ê-kíp thì còn lâu".
Tôi nghĩ: Tại sao cộng đồng mạng chỉ trích một mình ca sĩ khi có ồn ào, và phủ nhận công sức của họ khi có thành công? Đừng quên rằng, để làm ra một sản phẩm âm nhạc như hiện nay, rất nhiều người cùng phải chung tay, từ quản lý, stylist, nhạc sĩ, quay phim và dựng phim. Liệu có vô lý không, khi có ồn ào xảy ra, thì một mình ca sĩ chịu tất, những người trong ê-kíp không liên quan, còn khi nào có thành công, thì lại coi như anh ta chỉ là "con rối thừa hưởng thành quả" do công lao của ê-kíp? Họ là một đội cơ mà?
5. Chuyện bày tỏ cảm xúc khi nhận giải Đường Lên Đỉnh Olympia:
- Nếu nhà vô địch ấy là con trai hoặc một cô gái rất xinh: "Dễ thương quá, chân chất quá."
- Nếu nhà vô địch ấy là một cô gái, và nhan sắc bình thường: "Vô duyên, quá khích, ghét cái thái độ, công dung ngôn hạnh thế à?"
Tôi nghĩ: À à, vẫn là vấn đề muôn thủa của "bình đẳng giới" thôi. Tôi thấy nó thể hiện rõ nhất đối với phái nữ. Tôi biết là người nào có vẻ ngoài xinh xắn thì thường dễ gây thiện cảm hơn, dễ nhận được sự bảo vệ của người khác hơn. Nhưng điều đó nên thay đổi đi chứ nhỉ? Bạn có chắc chắn bạn đủ xinh đẹp để ra đường gặp chuyện sẽ được cả thế giới bênh không? Nếu câu trả lời là không, thì hãy đối xử với người khác công bằng hơn. 
6. Chuyện chính trị gia làm gì đó đời thường hoặc có một cuộc sống "thường dân":
- Chính trị gia nước ngoài: "Đấy người ta liêm chính thế chứ", "Ông ấy gần gũi với dân ghê, giản dị ghê".
- Chính trị gia nước mình: "Trông thế thôi tiền giấu ở nước ngoài hết rồi", "Giả tạo làm màu để lên ảnh thôi chứ có gì đâu".
Tôi nghĩ: À, như số 1. Tôi thì thấy bất cứ người của công chúng nào, dù là hoa hậu, ca sĩ hay chính trị gia, đều có một mục quan trọng trong quá trình xây dựng hình ảnh, đó là mục "thân thiện". Ai cũng phải làm một cái gì đó để xây dựng hình ảnh thôi. Cá nhân tôi thấy những hành động "giản dị" này chỉ là yếu tố thêm mắm thêm muối thôi, không phải là những yếu tố trọng điểm để đánh giá họ.
7. Đa tình, nhiều người yêu, có cuộc sống thoáng về sex:
- Nếu là nữ: "Đĩ thõa, ổ khóa hỏng!"
- Nếu là nam: "Sát gái, bad boy, tay chơi!"
Tôi nghĩ: Vẫn là câu chuyện muôn thủa về "bình đẳng giới", phải từ từ mà giải quyết thôi chứ không vội ngay được. Điều này cần phải thay đổi, nó quá hiển nhiên rồi, nên tôi cũng không buồn phải giải thích tại sao nữa. Cá nhân tôi khi thấy một cô gái thay người yêu như thay áo, hay thậm chí có một cuộc sống tình dục rất thoáng, tôi chỉ "Kệ người ta, đó là đời sống riêng tư của họ". Tôi thấy cách xử lý như vậy đơn giản và dễ thở hơn nhiều so vớiviệc moi móc và phán xét, nhưng sao nhiều người cứ thích "tự làm khó bản thân" vậy ta :D
Còn nhiều nữa. Tiêu chuẩn kép có cả mặt lợi và mặt hại, thì rõ rồi! Nhưng đa phần các tiêu chuẩn kép tôi quan sát được hiện nay đều mang tính thiên vị một cách cực đoan. Trước một sự việc đang lan truyền trên mạng, sao chúng ta không gõ chậm lại và nhìn sự việc từ nhiều góc độ hơn rồi hãy kết luận nhỉ? Tờ giấy nào cũng có hai mặt mà?
__________
Nếu bạn không đồng tình với tôi, hãy phản hồi theo cách phù hợp với "netiquette". Xin cảm ơn!