Generalist & Specialist : Họ định hình sự nghiệp như thế nào ?
Thường có vài người khuyên rằng trong sự nghiệp có lẽ chúng ta nên học càng nhiều chủ đề nhất có thể, thậm chí có thể "bẻ lái" sang...
Thường có vài người khuyên rằng trong sự nghiệp có lẽ chúng ta nên học càng nhiều chủ đề nhất có thể, thậm chí có thể "bẻ lái" sang lĩnh vực nghiên cứu y học mà gần như không liên quan gì tới kiến thức của Marketing, cho rằng nó sẽ tăng khả năng tuyển dụng trong những công ty, tập đoàn lớn mà đang cần chiêu mộ những cá nhân sở hữu đa kiến thức.
Mặt khác, có lẽ chúng ta nên thu vào một góc trong phạm vi lĩnh vực của mình, bởi những kiến thức thừa thải sẽ không giúp chúng ta đi tới đâu mà chỉ làm xao nhãng, trong khi kiến thức chuyên môn của mình sẽ khiến chúng ta trở thành chuyên gia đầy đặn kinh nghiệm và là một thành phần không thể thiếu trong sự nghiệp nghiên cứu, tạo ra những phần mềm có thể thay đổi cán cân kinh tế toàn cầu.
Hai thành phần này theo thứ tự có thể chia ra thành 2 nhánh : Generalist & Specialist, và họ là một trong những cá thể chiếm đa số hầu hết trong các công ty, tập đoàn, agency and các tổ chức thế giới. Và con đường sự nghiệp, hay cách thức họ tiếp thu kiến thức khá là độc đáo, nên trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn một chút về tính cách bọn họ.
GENERALIST - Những Kẻ Biết Tuốt
Những đặc điểm và lợi ích mà Generalist thường hay có là :
- Họ là những người sở hữu những kiến thức rất là đa dạng, và nhờ thế những ý tưởng và sự sáng tạo của họ trong công việc gần như là vô hạn.
- Gần như có thể thích ứng trong môi trường hay lĩnh vực nào.
- Họ có thể làm nhiều công việc từ những chủ đề khác nhau (multitask) dựa vào những kinh nghiệm họ đã làm với nhiều department trước đó. Chúng ta thường thấy những cá thể này trong các vị trí lãnh đạo chẳng hạn.
Một trong những lợi ích lớn nhất của một generalist là con đường sự nghiệp của họ vô cùng linh hoạt, không bị gò bó trong bất kì môi trường nào. Sự đa dạng trong kinh nghiệm của họ có thể giúp họ không lo bị thất nghiệp, không phải lo âu họ sẽ bị đào thải, tụt hậu sau những người cùng lứa.
Một nhà khảo cổ học có trình độ Thạc sĩ ở một trường quốc tế chứng kiến cơ sở của mình bị đóng cửa vì đại dịch Covid, hay tệ hơn là đến bờ vực phá sản và không còn đủ kinh phí để duy trì, nhưng đó không phải là kết thúc! Người đó vẫn tấm bằng Thạc sĩ và có trình độ tiếng Anh khá vững chắc, và anh ta có thể nộp CV cho những trường dạy tiếng Anh hoặc cơ sở giáo dục nào đó với trình độ cao học, hoặc anh ta có thể nộp đơn vào những toà báo, viết copywriting, viết sách và phối hợp với công ty truyền thông nào đó tạo ra những content hay về lịch sử. Và anh ta vẫn có thể sống an nhàn.
Biết Nhiều Quá Chắc Cũng Không Tốt
Generalist mặc dù sở hữu nhiều kiến thức độc đáo, nhưng hầu hết đều là những kiến thức không chuyên sâu, họ chỉ nhìn vào bề nổi của tảng băng mà không chúi sâu xuống nước xem nó sâu cỡ nào. Một Generalist có thể biết cách code Python cơ bản, chơi đàn piano và edit những video thú vị, nhưng nếu như anh ta muốn tạo ra một phần mềm riêng biệt, trở thành một nhạc sĩ tài năng hay ấp ủ làm đạo diễn tạo nên những kịch phim sống động, anh ta sẽ phải cần nhiều kinh nghiệm và sự chuyên sâu hơn là những khoá học online rải rác trên mạng. Và nhiều khả năng các công ty sẽ phải tạo những buổi training tốn kém về chi phí và thời gian để huấn luyện thêm kĩ năng cứng.
Hơn nữa, con đường sự nghiệp của Generalist thường đa dạng, nhưng cũng dễ mông lung bởi họ không định hình được kỹ năng chuyên sâu của họ. Và họ có thể dễ dàng bị thay thế bởi những Generalist khác, bởi họ cũng không rảnh để nghe những khái niệm cơ bản mà họ đã biết.
Specialist - Giáo Sư Có Một Không Hai
Như mình đã đề cập, Specialist là những cá nhân dành rất nhiều thời gian để thành thạo trong một lĩnh vực cụ thể (field of study). Nhiệm vụ chính của họ là tập trung cao độ vào nhiệm vụ trong chính lĩnh vực mà họ có kiến thức về chiều sâu so với những người có kiến thức chung chung như quản lý chẳng hạn.
Mặc dù chỉ tập trung vào một chuyên môn, nhưng kiến thức của họ quả thật rất là vô giá, ví dụ như những lập trình viên có trình độ chuyên sâu về Python rất có giá trị đối các tập đoàn lớn nhỏ chuyên về phát triển phần mềm. Hoặc nếu như bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý, chắc chắn bạn sẽ không đời nào sẽ gặp ban quản lý về công ty tài chính, mà bạn sẽ tìm đến những vị bác sĩ tâm lý được đào tạo nghiêm khắc để giải quyết những nỗi lo âu đang dằn vặt mình.
Đây cũng là một trong những lý do ý kiến của Specialist thường được trọng dụng hơn trong những vấn đề phức tạp, hầu hết ý kiến đàm phán về những đề xuất mới của họ sẽ mang lại nhiều giá trị so với một Generalist, và dĩ nhiên họ sẽ được nhận những công lao xứng đáng với chất xám họ đã mài giũa.
"Học cái này rồi ra đời cũng có làm được gì đâu mày ?"
Nhược điểm của một Specialist chắc các bạn cũng đoán được rồi chứ gì! Không giống như Generalist, Specialist thật sự không có được sự đa dạng trong quá trình tìm kiếm được nhiều vị trí trong sự nghiệp, bởi họ bị giới hạn trong lĩnh vực của họ. Hơn nữa, cho dù các tập đoàn có tuyển dụng, các vị trí của Specialist thường được cạnh tranh rất khốc liệt, và họ phải chắc chắn rằng họ phải nổi bật hơn so với những Specialist khác.
Ý kiến của những Specialist sẽ rất quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề về máy tính bị BSoD, họ sẽ giải quyết nó một cách triệt để và... chỉ như vậy thôi. Những ý kiến của họ thường không có giá trị khi đem vào giải quyết campaign bên Marketing hay giảm lãi suất để khách hàng có thể vay mượn dễ dàng hơn, nên một số cho rằng công việc của Specialist khá là nhàm chán.
Với đại dịch đang tàn phá cuộc sống của mọi người, vai trò của bác sĩ và nhà kinh tế học đang được khẳng định rõ ràng hơn trong việc cứu mạng sống và đảm bảo cán cân tài chính không bị sụp đổ. Nhưng giả sử khi đại dịch kết thúc, hay xa hơn một chút, khi trong một tương lai gần đó, xã hội loài người đạt đến một trạng thái gần như là hoàn hảo, gần như không bệnh tật, không phải uống Paracetamol khi bị đau đầu và tiền tệ sẽ không còn là thứ thống trị xã hội loài người, không phải lo âu tài nguyên sẽ không bao giờ cạn kiệt, thì vai trò của những người trong lĩnh vực này sẽ là gì trong thế giới mới đó ?
Vậy ai sẽ sống sót tốt hơn ?
Thật sự vai trò của Generalist và Specialist cũng tuỳ thuộc vào họ chọn con đường sự nghiệp như thế nào. Hiện tại các công ty trên toàn thế giới đang có xu hướng chọn những cá nhân sở hữu các kĩ năng theo hình chữ T (T Shaped Skills), nghĩa nhân viên biết càng nhiều càng tốt và cũng phải biết sâu đáy một lĩnh vực nào đó. Cơ bản nó giống như là một sự pha trộn giữa 2 cá thể Generalist & Specialist.
Nghe có vẻ bất khả thi bởi sức chịu đựng của chúng ta có giới hạn, nhưng bù lại, con người cũng là một giống loài cực kì tò mò, và không gì có thể ngăn cản chúng ta học học hỏi những thứ được cho là thú vị và bổ ích, và cho dù là Generalist hay Specialist, xã hội ngày nay đang thay đổi một cách nhanh chóng, và các tổ chức dù lớn hay nhỏ cũng cần những kiến thức quan trọng để giúp họ sống sót qua những giai đoạn biến động. Sẽ rất là uổng phí nếu chúng ta coi thường kiến thức của 2 nhân cách này, bởi khi các tổ chức cho họ thôi việc, họ coi như đã mất đi một lượng chất xám cực kì đáng giá.
Vậy bạn thấy mình giống với nhân cách nào nhất thông qua bài viết trên ? Là một kĩ sư, bác sĩ hay một nhà lãnh đạo, quản lý nhân sự ? Generalist hay Specialist ? Hãy chia sẻ với mình dưới comment thử!
Đây là bài thứ 2 mình viết trên Spiderum, nên mình cũng không nghiên cứu nhiều cho lắm với toàn viết theo cảm tính từ suy nghĩ tuôn ra, nên mong mọi người nương tay =))
References :
Luenendonk, M 2019, 'The Ultimate Career Choice : Generalis vs. Specialist", Cleverism, blog post, 27 March, viewed 1 June 2021, <https://www.cleverism.com/ultimate-career-choice-generalist-vs-specialist/>.
Wardynski, DJ 2020, 'Specialist Versus Generalist In Today's Businesses: An Evaluation', BrainSpire, blog post, 2 June, viewed 1 June 2021, <https://www.brainspire.com/blog/specialist-versus-generalist-in-todays-businesses-an-evaluation>.
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất