Ảnh: Nathan Wang.
Đây là một bài viết rất cá nhân của một cá nhân mà có thể bạn chưa hề đọc và chưa hề gặp.
Bạn hữu Spiderum đọc Đi qua những phóng túng hình hài inbox hỏi tôi: "Bạn là thợ xăm à?". Việc này làm tôi ngớ người.
Số là, tôi đã viết nhiều truyện hư cấu như Hai nạn nhân của những ngụy tín, Tôi đi nghe nhạc quán Văn, Bi kịch tâm - vật hay Chuyện của Đại. Mỗi bài đều ghi rõ hai chữ "bịa tạc". Thế nhưng với bài Đi qua những phóng túng hình hài, tôi lại sót mất.
Hôm nay, gặp tôi ngoài đời bằng xương bằng thịt, có người bảo tưởng tôi cao to phong độ, hóa ra trông tầm thước trung bình. Điều này khiến tôi vừa buồn lại vừa vui.
Buồn vì tôi là một người chú trọng (nếu không muốn nói là bị ám ảnh tiêu cực bởi) ngoại hình. Đọc Bi kịch tâm-vật, hẳn sẽ nhận ra điều này. Nhiều tình tiết trong truyện không hề bịa, mà là những gì tôi thực sự trải qua. 
Đó là lý do mà tôi đọc Beauty pays, The picture of Dorian Gray hay Xấu của Natsuo Kirino; là lý do mà tôi xúc động khi xem 200 Pounds Beauty, manga Homunculus và manhwa Lookism; là lý do tôi ghét nhân tướng học; và là lý do tôi viết Cơn tuyệt vọng mang tên hẹn hò trực tuyếnLife on Mars và Is my selfie for myself

Những ai không hiểu sẽ thấy tôi ủy mị, yếu đuối, quan trọng hóa vấn đề. Điều này lý trí tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng đó có thể là tôi, trong yếu tính. 
Tôi không rõ mình có mắc phải Body Dysmorphic Disorder hay không. nhưng vấn đề ngoại hình cùng với vấn đề giới/tính dục đã khiến tôi nhiều năm qua đào sâu vào khía cạnh bản thể (identity).
Khi nghe được bình luận về ngoại hình của mình, hiển nhiên lòng tôi chùng xuống, bởi cái thân xác, phong thái và giọng nói của tôi ngoài đời đây là một phiên bản kém hơn cái chân dung mường tượng của người ta khi họ đọc câu chữ tôi viết ra.
Và đó lại là cái khiến tôi vui. 
Trước hết, cần làm rõ một điều. Cái "tôi" của tôi khi viết khác với cái "tôi" của tôi khi gặp gỡ, trò chuyện với mọi người ngoài đời thực. Tôi tin như vậy. 
Đây là ý của Proust, khi phản biện lại phương pháp phê bình văn học của Sainte-Beuve, trong cuốn Contre Sainte-Beauve [1]:

Trong một đoạn khác:  
Thực ra, cái mà ta trao cho công chúng, chính là cái mà ta viết một mình, cho ta, là tác phẩm của ta. Còn những điều mà ta kể lể trong vòng thân mật, là những câu chuyện hàn huyên (dù có tế nhị đến thế nào, và cái tế nhị nhất, lại là cái tồi tệ nhất, bởi vì nó giả mạo đời sống tinh thần bằng cách cách làm như nó là một phần đời sống tinh thần). Những sản phẩm [tâm sự] dành cho vòng thân mật này, thường bị thu nhỏ lại cho hợp với cái gu của một vài người, nó chỉ là câu chuyện hàn huyên viết lại, là tác phẩm của cái tôi bề ngoài, không phải cái tôi sâu lắng, mà ta chỉ bắt gặp khi đã loại bỏ những kẻ khác và loại cả cái tôi [bề ngoài]mà người khác quen biết. Khi ta ở với kẻ khác, thì cái tôi [sâu lắng] này ngồi đợi, chỉ có nó mới là thực...
Tôi vui vì cái "tôi" của tôi khi viết, trong ấn tượng của người đọc tôi, là một thứ gì đó tốt hơn sự thật.
Tất nhiên điều này không chỉ phụ thuộc vào tôi, mà còn phụ thuộc vào khung nhận thức sẵn có của người đọc và những gán ghép ý niệm - hình ảnh của truyền thông đại chúng. 
Vậy rốt lại, với những ai đã chiếu cố đọc bài này, có điều gì hữu ích để rút ra? Theo tôi, đó là sự chấm dứt kỳ vọng hoặc giả định (nếu có) rằng cái "tôi" ngoài đời của người viết là một thực thể tương đương với cái "tôi" mà họ thể hiện qua câu chữ, nhất là trong những văn bản mang tính sáng tạo hoặc biểu cảm.
Phan Ngọc khi viết phê bình Nguyễn Tuân đã chọn đứng ra xa Nguyễn Tuân, không tiếp xúc với ông để thấy rõ được văn của ông [2]. Đó là thái độ khách quan nhất của đọc hiểu, và cũng là thái độ khách quan nhất của tiếp xúc trực tiếp sau khi đọc.
Lại một lần nữa, có lẽ tôi đã phóng đại lên một vấn đề hết sức vặt vãnh. Nhưng chung quy lại, đây là cần thiết để chúng ta xua tan đi những ảo tượng về nhau.
Trịnh Nhật Tuân
[1] Thụy Khuê, 2018. Phê bình văn học thế kỷ XX. Nxb Hội Nhà Văn.
[2] Phan Ngọc, 2008. Quá trình chuyển biến của một phong cách