Theo nghiên cứu của Đại học Colorado Denver, học sinh học các kỹ năng từ các khóa học online được game hóa đạt điểm cao hơn 14% so với các học sinh theo phương pháp truyền thống.
Nhưng liệu đây có phải game hóa hay học qua game (game-based learning hay GBL)? Hiện nay nhiều người vẫn lầm tưởng giữa hai khái niệm này với nhau và trong bài ngày hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu và phân biệt hai phương pháp này. Đặc biệt, đối với những người làm trong ngành giáo dục thì việc phân biệt rất quan trọng trước khi đem nó áp dụng vào trong hệ thống.
Thực chất, có một sự khác biệt thú vị nếu ta để ý kĩ. Theo một cách ngắn gọn: Game hóa học tập là biến quá trình học thành game, còn GBL là sử dụng game là một phần trong quá trình học.  Với định nghĩa như trên, cũng có thể coi game hóa tạo ra một tựa game lớn mang tính giáo dục, nên nó và GBL cũng không khác nhau là mấy. Theo Karl Kapp, tác giả cuốn “Gamification of Learning and Instruction”:
“Khi bạn đào sâu vào nó, mục tiêu của cả hai đều giống nhau. Game giáo dục (serious game) và game hóa đều cố gắng để giải quyết chung một vấn đề, thúc đẩy và tạo hứng thú trong học tập bằng việc sử dụng phương pháp và tư duy game.”
Đó có thể là nhận định đúng. Nhưng sẽ có vài điểm khác biệt vô cùng tinh tế giữa hai khái niệm này mà bạn cần biết nếu muốn triển khai ý tưởng về game hóa hay GBL.

Game hóa học tập

Game hóa biến cả quá trình học tập thành game. Nó cần các cơ chế và yếu tố game để áp dụng vào quá trình và nội dung học tập nhằm cải thiện và gây hứng thú cho người học. Một số ví dụ về cơ chế phổ biến bao gồm:
- Huy hiệu
- Điểm
- Bảng xếp hạng
- Thanh tiến độ
- Cấp độ
Theo lý thuyết, bạn có thể game hóa bất cứ hoạt động nào chứ không chỉ là học tập. Thật vậy, tất cả mọi thứ từ các ứng dụng sức khỏe cho đến hồ sơ cá nhân trên Linkedin có thể và đã được game hóa để cải thiện trải nghiệm người dùng. Trong giáo dục khác với kinh doanh nên có vẻ trải nghiệm học sinh đã bị phớt lờ khiến họ chán học, do đó việc game hóa giáo dục là khá lý tưởng để giải quyết vấn đề quan trọng này.

Ví dụ

Quest to Learn: Một hệ thống giáo dục được game hóa hoàn toàn, Q2L là trường liên cấp đầu tiên tại Mỹ sử dụng các yếu tố trong thiết kế game như cấp độ và nhiệm vụ để giúp học sinh giữ hứng thú với các tài liệu học tập. Việc kiểm tra cuối kỳ cũng được thay với tên gọi “Màn trùm cuối” với các thay đổi về phương pháp kiểm tra giúp học sinh gạt đi nỗi lo sợ của bao thế hệ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để tìm hiểu rõ hơn về ngôi trường này bạn có thể đọc thêm ở bài viết “Tại sao nên tổ chức trường học giống game?
Khan Academy: Đây là trang web nổi tiếng trong việc dạy học đa dạng các môn học từ toán, ngữ văn, sử địa hay thậm chí các bài thi chuẩn hóa của Mỹ như SAT. Việc tiếp thu kiến thức của học sinh không có gì thay đổi so với truyền thống, thay vì ngồi nghe giảng trực tiếp thì học sinh học qua các video được giải thích chi tiết. Nhưng điểm khác biệt đó là hình thức kiểm tra và hệ thống theo dõi tiến độ. Sau khi có kết quả, học sinh sẽ có thống kê về dữ liệu kết quả để so sánh với các lần làm trước. Cùng với thiết kế bắt mắt thì thanh theo dõi tiến độ hiển thị cấp độ, kinh nghiệm (EXP) và huy hiêu của học sinh qua thời gian học, đem tới sự say mê và cố gắng khi trong học tập.
Hồ sơ của một học sinh trên Khan Academy
Hồ sơ của một học sinh trên Khan Academy

Học qua game

Trong khi game hóa lấy quá trình học tập và áp dụng các yếu tố game vào nó, thì học qua game (game-based learning hay GBL) lấy game áp dụng cho học tập. GBL hướng đến việc giảng dạy một kỹ năng chuyên môn hoặc cho một đầu ra cụ thể thay vì game hóa cho một quá trình giáo dục hoàn chỉnh nào đó.
GBL được coi như một công cụ hiệu quả để dẫn nhập người học một khái niệm mới thông qua đặc tính tương tác của game nên cũng có tên gọi khác là serious game (game giáo dục).

Ví dụ

Flight Simulator: Một tựa game mô phỏng hoạt động điều khiển máy bay. Tất cả những thao tác trong game đều được mô phỏng một cách cực kỳ chính xác như một chuyến bay thật diễn ra ở ngoài đời, từ việc đưa máy bay ra đường băng, những thao tác của cơ trưởng... Ngay cả việc cất và hạ cánh cũng phải được thao tác một cách vô cùng chính xác.
Darfur is Dying: Trong tựa game nền flash này, bạn sẽ đóng vai một người tị nạn tại Darfur, Sudan. Công việc hàng ngày của bạn sẽ là cố gắng lấy được thực phẩm, nước uống từ những tổ chức nhân đạo để có thể sống sót tại trại tị nạn đang bị nạn đói hoành hành. Ngay sau khi ra mắt, Darfur is Dying đã nhận được không ít những nhận xét tích cực về giá trị thông tin mà nó mang lại cho những người sống bên ngoài cuộc khủng hoảng.
Kahoot!: Ngoài việc học tập qua các ứng dụng khác, chúng ta có thể tương tác với giáo viên hay chính bạn bè trong một lớp bằng Kahoot!, một công cụ học tập trực tuyến trên nền tảng trò chơi. Kahoot! được sử dụng trong hệ thống lớp học tương tác, và câu hỏi sẽ được chiếu trên một màn hình chung. Tất cả người chơi sẽ sử dụng thiết bị của họ ( điện thoại, PC,...) để trả lời các câu hỏi do giáo viên đưa ra. Những câu hỏi này có thể được tính điểm và người chơi nhanh nhất sẽ được cộng điểm thưởng. Điểm sau đó sẽ hiển thị trên bảng thành tích sau mỗi câu hỏi!
Đồ họa sống động và gameplay chân thực trong Filght Simulator
Đồ họa sống động và gameplay chân thực trong Filght Simulator
Hiện nay còn có rất nhiều các game giáo dục phổ biến được phát hành để giúp học sinh ôn luyện như giải toán hay học lịch sử. Tuy nhiên bài viết liệt kê một số các game mang tính giáo dục vượt ngoài khuôn khổ môn học thông thường để củng cổ cho tính áp dụng linh hoạt và rộng rãi của GBL cũng không kém phần game hóa trong mảng giáo dục.

Đều là một?

Việc phân biệt giúp bạn hiểu rõ hơn để tìm ra phương pháp phù hợp trong từng quá trình học tập cụ thể. Nên nhớ, mục tiêu cuối cùng vẫn là học tập hứng thú và hiệu quả. 
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: