Game show Rap Việt và chuyện của "rap fan"
Ý tưởng viết bài này khá bất chợt, vì rap không phải là lĩnh vực mà mình chuyên sâu, nhưng mình có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ về...
Ý tưởng viết bài này khá bất chợt, vì rap không phải là lĩnh vực mà mình chuyên sâu, nhưng mình có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ về bộ môn nghệ thuật này cũng như những thứ bên lề của nó sau khi theo dõi gần hai mùa của một game show rất hot đó là Rap Việt.
Trước khi đi sâu hơn về những thứ khác, thì mình nghĩ chúng ta nên nói về nguồn gốc của rap, vì mọi thứ đều có sự bắt đầu của riêng nó.
Nguồn gốc của rap
Nhạc rap là thể loại âm nhạc xuất thân và phát triển ở những khu ghetto ở Hoa Kỳ, là những nơi ở tập trung của những người nghèo, người da màu, nơi thường gắn liền với nhiều tệ nạn xã hội và băng đảng. Những người sống dưới đáy đã sử dụng nhạc rap như một thứ thay lời muốn nói, tố cáo thực trạng bất công, phân biệt chủng tộc, v.v. của xã hội Mỹ thời bấy giờ, cũng là cách mà các băng đảng tôn vinh họ lên (những người trong băng đảng thường gọi nhau là homie). (Wikipedia)
Như ta có thể thấy, khởi nguồn của rap được xem giống như là thứ công cụ để con người ngoài xã hội kể câu chuyện của riêng họ. Và nó đã trải qua chặng đường thực sự dài để trở thành một trong những thể loại nổi bật nhất của thế giới âm nhạc.
Độ real trong Rap
Không giống với những dòng nhạc khác, đối với mình độ real của một bài rap là yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo nên một sản phẩm thu hút. Nhưng chẳng lẽ không trải qua nhiều chuyện đau khổ thì không thể làm rapper?. Câu trả lời chắc chắn là không. Cái real ở đây không chỉ là câu chuyện, nó còn là cảm xúc và cách truyền tải. Bạn hoàn toàn có thể kể câu chuyện của một người khác nhưng mà là với cảm xúc thật của bản thân.
Chuyện game show Rap Việt, rap fan và rap fan tháng 8 (a.k.a rap fan tháng 10)
Rap vốn là một dòng nhạc khá chìm và không quá nổi bật ở Việt Nam cho đến khi nó được phát nổ nhờ quả bom Rap Việt. Chưa bao giờ rap lại tràn lan khắp các trang mang xã hội như hiện tại, nhưng vô tình nó mang đến một cụm từ không được hay cho lắm là rap fan tháng 8. Cho những bạn tối cổ vẫn chưa hiểu được định nghĩa này thì nó xuất phát từ việc một bộ phận tự nhận mình là rap fan sau khi xem chương trình Rap Việt dù trước đó chẳng biết gì về bộ môn này.
Nhóm người này trái ngược hoàn toàn với rap fan lâu năm, nơi hội tụ những người có đầy đủ kiến thức và theo dõi lịch sử đổ bộ của rap vào Việt Nam kể từ những ngày đầu tiên. Và khi rap fan bắt đầu mọc lên như nấm, họ cảm thấy cái danh xưng rap fan của mình bị coi nhẹ. Điều này dẫn đến những cuộc tranh cãi từ hai bên, và tạo ra những trận chiến vô nghĩa trên internet.
Đối với mình, rap fan tháng 8 chả có gì sai, vì họ đến với rap nhờ tính chất của game show, nên thiếu hụt kiến thức là chuyện đương nhiên. Bạn không cần phải hát hay để đi bàn luận về một ca khúc. Nhưng...
Khi mùa hai của Rap Việt diễn ra, thì những tay chơi máu mặt trong rap game đã lộ diện, và nó đã cho thấy một vài phản ứng kỳ lạ của những "rap fan". Điều đó có thể thấy rõ nhất trong tập 5 với hai tiết mục được cho là hay nhất thời điểm nó ra mắt là "Lucky Boy" của Dlow và "Còn thở còn gỡ " của Lil Wuyn. Chất lượng của hai sản phẩm này không có gì phải bàn cãi cho đến khi nó được những người theo dõi chương trình đem lên bàn cân để so sánh. Lúc này, câu chuyện kiến thức mang một vai trò vô cùng quan trọng. Mình không tự tin mình đủ kiến thức để nhận định, nhưng nếu bạn nghe rap đủ lâu, thì có lẽ cũng sẽ thấy beat, flow và chủ đề Lil Wuyn sử dụng cho bài thi khó hơn so với Dlow, nhưng đáng tiếc đó là điều không phải ai cũng có thể cảm nhận. Nó cũng tương tự việc V-POP đã mắc kẹt với ballad lâu như thế nào, vì cái gì nhẹ nhàng và an toàn chả dễ ngấm hơn, phải không?
Có thể bạn nghĩ mình đang phán xét, nhưng bản thân mình không nghĩ vậy. Trọng tâm mình muốn nói ở đây là trong chúng ta, mỗi người đều có những góc nhìn khác nhau về chung một sự vật, sự việc.
KẾT:
Rap Việt vốn cũng chỉ là một game show, mà đã là game show, thì mục đích cuối cùng cũng chỉ là để giải trí, nó không đại diện cho một cộng đồng lớn và đang phát triển như rap fan. Bỏ qua những luật ngầm, thì những sản phẩm, và cảm xúc mà nó mang lại cho khán giả sẽ còn mãi. Như mình đã đề cập ở đầu bài, rap vốn dùng để thể hiện bản thân, mà đã là bản thân, thì nó đương nhiên sẽ mang tính cá nhân. Mình nghĩ Rap Việt sẽ không chỉ dừng lại ở một hay hai mùa, vì nó là bệ phóng hoàn hảo để các nghệ sĩ đánh bóng tên tuổi. Kể có là rap fan tháng 8, tháng 10 hay rap fan mười năm, thì hãy cứ tiếp nhận những thứ mà bạn có thể cảm nhận.
Nếu bạn muốn trải nghiệm sự góc cạnh, thì cứ tận hưởng những âm thanh đến từ thế giới ngầm.
Nếu bạn muốn một sự nhẹ nhàng, chào mừng tới với melodic rap.
Nếu muốn shout out, thì cứ làm như Wowy, thế thôi :)))
Có lẽ con người nói chung hay rap fan nói riêng cần kiềm chế sự tức giận, và thừa nhận tất cả chúng ta đều có một sự nông cạn nhất định để có thể tận hưởng mọi thứ một cách trọn vẹn nhất. Peace!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất