60 tỷ đô đã bị 'đá ra chuồng gà' như thế nào? - Tất tần tật về cuộc sụp đổ của Terra Luna
Vụ thảm họa 60 tỷ, 'gạt giò' cả thị trường vào mùa đông 2022 đã xảy ra như thế nào?
Trước khi Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, nó đã từng tạo nên một vụ khủng hoảng tài chính vào đầu những năm 2000, cái sự kiện mà người ta gọi là bong bóng Dot-com. Vụ việc đã thổi bay hơn $5 nghìn tỷ đô, đồng thời tái định hình chặng đường phát triển tương lai của internet.
Một công nghệ mới xuất hiện có thể giúp cuộc sống của loài người dần trở nên dễ dàng hơn, nhưng đôi khi, nó cũng mang theo những thử thách, những đợt khủng hoảng mà chúng ta phải đương đầu. Bitcoin, crypto cũng mang sắc thái tương tự. Trải qua hơn 10 năm phát triển, có lẽ đây là thời điểm mà thị trường số này sẽ bước vào giai đoạn thử thách, giai đoạn để định hình rõ ràng hơn tương lai: là tất cả, hoặc không là gì cả.
Để thử được ‘vàng’, cần một ngọn lửa lớn. Hôm nay, hãy để mình kể cho bạn về một cuộc khủng hoảng trong thế giới crypto, là sự kiện mang tính lịch sử, thay đổi tương lai của toàn ngành tiền điện tử. Cái tên đó, không gì khác ngoài, sự sụp đổ của Terra Luna.
Cùng mình xem, Terra là blockchain như thế nào, lý do gì khiến nó đổ vỡ, và vết thương mà sản phẩm của Do Kwon để lại là lớn như thế nào nhé.
Terra là gì?
Terra là một blockchain được phát triển cùng thời với các blockchain 2.0 khác như Avalanche, Solana. Ban đầu, Terra được phát triển để hỗ trợ các ứng dụng thanh toán điện tử. Đến năm 2020, Terra chuyển mình khi mang smart-contract lên blockchain của mình, chính thức xây dựng một hệ sinh thái defi.
Trung tâm của Terra là các stablecoin (sẽ được giải thích ở phần sau) được neo giá với các đồng tiền pháp định hay tài sản. Chẳng hạn như TerraEUR (neo giá với đồng Euro), TerraGPT (neo giá với Bảng Anh),... đồng tiền nổi bật nhất phải nói đến TerraUSD hay chính là UST, là đồng coin được cố định với dollar Mỹ. Bên cạnh, hệ sinh thái Terra còn có một đồng coin quản trị khác gọi là Luna.
Đội ngũ đứng sau của Terra có sự chất lượng rất cao, đã làm việc tại nhiều công ty khác nhau như Apple, Microsoft và Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Nhân vật trội nhất là Do Kwon, vị CEO đã đưa Terra phát triển đến đỉnh cao. Ngoài ra, không thể không kể đến danh sách những quỹ đầu tư, công ty, hay sàn giao dịch khổng lồ chống lưng cho sản phẩm của Do Kwon (với Binance Labs, Pantera Capital, Galaxy digital,...)
Chung quy, trong làn sóng bull run 2021, Terra là một trong những blockchain dẫn đầu trong cuộc đua. Một hệ sinh thái hoàn chỉnh, một đế chế tài chính phi tập trung là hình ảnh mà Do Kwon đã dày công xây dựng cho Luna trong vài năm qua. Nó quá đẹp, quá thuyết phục, đến nỗi không ai tin vào một ngày blockchain này sẽ tan biến.
Những thứ có thể bạn cần biết
Sự kiện Terra bao gồm rất nhiều cơ chế, khái niệm mới mà có thể không thân thuộc với số đông chúng ta. Do đó, để hiểu được tường tận nguyên nhân, chuyện gì đã xảy ra, mọi người có thể cần biết đến một số kiến thức sau.
Stablecoin
Đúng như cái tên của nó, stablecoin có thể hiểu là ‘những đồng coin ổn định giá’. Ổn định ở đây có nghĩa là đồng coin này sẽ được neo giá với các loại tài sản (như vàng, dầu,...), hoặc các đồng tiền pháp định (Dollar Mỹ (USD), Bảng Anh (GBP)). Trong một thị trường hoạt động 24/7, giá chạy điên đảo, thì stablecoin đóng một vài trò tối quan trọng để các nhà đầu tư tìm đến khi họ muốn trú ẩn khỏi những cơn bão ngoài kia.
Hiện tại, mảng stablecoin đang có vốn hóa thị trường ở khoảng $128 tỷ, chiếm hơn 10% tổng vốn hóa của thị trường tiền điện tử ($1.17 nghìn tỷ). Miếng bánh này được chia làm 4 phần, tương ứng với 4 loại stablecoin khác nhau đang có mặt trên thị trường:
- Stablecoin được đảm bảo bởi tiền mặt
- Stablecoin được đảm bảo bởi kim loại hiếm
- Stablecoin được đảm bảo bởi tài sản crypto
- Và stablecoin thuật toán
Được sử dụng phổ biến nhất là loại đầu tiên mà mình kể ở trên, stablecoin được đảm bảo bởi tiền mặt. Tính chỉ riêng USDT và USDC, hai đồng coin neo giá với USD, tổng vốn hóa của cả hai đã chiếm đến 86% của toàn mảng. Cơ chế phát hành của các đồng stablecoin này khá đơn giản, cứ $1 được bỏ vào kho của các công ty, thì 1 đồng stablecoin sẽ được phát hành.
Tuy nhiên, điểm yếu chí mạng của USDT, USDC, hay các đồng coin backed bởi tiền mặt, kim loại hiếm nói chung, là về sự minh bạch. Chúng ta không thể nào tự kiểm chứng xem, liệu các công ty phát hành có đang giữ đủ tài sản trong kho tương ứng với lượng cung stablecoin mà họ đang phát hành hay không?
Vì vậy, chúng ta có sự nổi lên của các loại stablecoin phi tập trung, đại điện do bản chất của không gian crypto. Đối với loại stablecoin được đảm bảo bởi tài sản crypto, điểm khác của nó nằm ở cơ chế over-collaterized, nghĩa là bạn phải bỏ vào $1.5 tài sản để lấy về $1 đồng coin ổn định. Đây là cơ chế được tạo ra nhằm chống lại tính biến động cao của thị trường.
Tuy nhiên, nhân vật chính của chúng ta trong ngày hôm nay, phải là loại stablecoin cuối cùng, stablecoin thuật toán. Mình có thể nói trước, những đồng coin này có cơ chế hoạt động khác hoàn toàn so với 3 thí sinh ở trên. Còn khác như nào, hãy lấy ngay ví dụ của Terra.
Key takeaway:
Stablecoin đóng vai trò tối quan trọng trong không gian tiền điện tử, không chỉ với nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà còn với các dự án, hay quỹ đầu tư lớn.
Stablecoin được đảm bảo bởi tiền mặt đang thống lĩnh thị trường (USDT, USDC). Tuy nhiên, những nghi vấn về tài sản dự trữ luôn xuất hiện trong 10 năm qua.
Một lượng người dùng nhỏ rất bullish với stablecoin phi tập trung.
UST và Luna
Nếu như giá trị của USDT được neo bởi niềm tin vào tài sản mà Tether, công ty phát hành, cất giữ trong kho. Thì cách mà Terra giữ cho UST luôn ở mốc 1$ lại khá cổ điển, chính nằm ở quy luật cung-cầu. Để làm được điều này, Do Kwon đã sử dụng Luna như là đồng coin để nhận sự biến động giá, gián tiếp giữ cho UST ở mốc $1.
Cụ thể, cơ chế hoạt động như sau: Luna và UST, người dùng có thể chuyển đổi 2 đồng coin này với nhau. 1 UST sẽ có thể được đổi thành $1 theo giá trị của đồng Luna tại thời điểm đó.
- Nếu giá của UST lớn hơn $1, giả dụ ở mức $1.1. Người dùng sẽ ‘nhanh trí’ đổi $1 Luna sang 1 UST, vậy là họ đã lợi được $0.1 cho trên 1 UST. Lúc này, nguồn cung của UST tăng lên, và giá của nó sẽ lại trở về $1.
- Trong trường hợp giá của UST tụt về dưới $1 (ví dụ: 0.9$). Lúc này, phản ứng của người dùng là sẽ lấy 1 UST để đổi lấy $1 Luna vì sẽ lợi được $0.1. Nguồn cung trên thị trường giảm và UST sẽ tăng trở lại mốc $1.
Có thể thấy, cơ chế giữ giá của UST chủ yếu phụ thuộc vào sự tăng giảm của cung/cầu trên thị trường. Nhưng quan trọng hơn là vai trò của đồng coin Luna, khi UST biến động, Luna cũng vì thế mà bị ảnh hưởng theo:
- Ở giai đoạn UST có giá lớn hơn $1 là thời điểm có lợi cho Luna. Vì xu hướng người dùng sẽ mua vào Luna để swap sang UST, giúp làm giá của Luna tăng. Ngoài ra, lượng Luna thu được sẽ được phân bổ lại, một phần cho các validator và một phần được bỏ vào quỹ để phát triển hệ sinh thái. Nhìn chung, đây là pha có lợi.
- Ngược lại, khi UST ở thế dưới mốc $1. Kì vọng của người dùng lúc này là sẽ swap 1 UST sang $1 Luna để giao dịch chênh lệch. Tất nhiên điều này sẽ tạo lực xả và làm giảm giá của Luna.
Trên con đường mở rộng, UST đã được mang đến rất nhiều blockchain khác chứ không còn riêng mỗi Terra. Tức, nguồn cung của UST là tăng dần theo thời gian. Đồng thời, cái cơ chế đang được dùng để, lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hành vi của người dùng. Có thể, khi UST này chưa quá lớn, Do Kwon và cộng sự vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát được mọi chuyện. Nhưng có lẽ, anh đã không nghĩ tới viễn cảnh sau, khi chính cái cơ chế giữ giá kia lại trở thành cây kim chọc vỡ chiếc bong bóng UST này.
Tựu chung, ở phần này, điều chúng ta cần chú ý là: UST chính là trung tâm của hệ sinh thái Terra, và Luna sẽ là token hứng chịu mọi rủi ro biến động.
Anchor Protocol
Thực ra, nếu đặt lên bàn cân giữa UST (Stablecoin thuật toán) và USDT (Stablecoin được đảm bảo bởi USD), phần thắng dễ dàng nghiêng về USDT. Vì xét cho cùng, dù là stablecoin gì, giá trị sử dụng của nó cũng gần như nhau. Mặc dù trong suốt 10 năm hoạt động, USDT đã có nhiều FUD xuất hiện, tuy nhiên, kẻ khổng lồ này vẫn liên tục thống lĩnh thị trường kể từ khi xuất hiện. Câu chuyện về ‘bảo vệ người dùng’, ‘sự minh bạch’, hay ‘phi tập trung’ mà UST đang kể, là chưa đủ thuyết phục. Tuy nhiên, Terra hiểu điều này, do đó họ đã có cách để chế biến UST trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Anchor Protocol, một giao thức cho vay hoạt động trên blockchain Terra. Anchor hoạt động khá giống một ngân hàng, khi giao thức này cho phép người dùng có thể gửi tiết kiệm hoặc vay tài sản. Ví dụ, bạn có thể gửi vào Anchor $1.000 tài sản để nhận lãi suất, và vay ra tối đa 80% giá trị tài sản đó, trong ví dụ này là $800. À mà, đây là điều mà mọi dự án cho vay đều làm được. Cái đặc biệt chỉ có ở Anchor, đó là giao thức cho phép người dùng gửi tiết kiệm UST, với lãi suất 20%.
Bạn nghe không nhầm đâu, đó là 20% đấy. Stablecoin thường được mọi người xem là một dạng ‘tiền mặt’, vậy, tìm ở đâu ra một nơi cho phép bạn gửi tiết kiệm USD với lãi suất 20% cơ chứ? Đây chính là mấu chốt, giúp UST trở nên nổi bật, không chỉ trong mắt của người dùng mà còn là các quỹ đầu tư, dự án.
Thực tế, con số 20% mà Anchor cung cấp không phải là cố định. Đôi khi, nó có thể tụt xuống ~18 - 19%, tuy nhiên, với cơ chế thông minh, sự giao động là không hề lớn.
Kết lại, Anchor đã chiếm được lòng tin của rất nhiều người dùng. Mọi thứ đều minh bạch, cơ chế thông minh, lãi suất hấp dẫn. Nhờ vào đó, rất nhiều người đã mua UST để gửi tiết kiệm trên giao thức này. Anchor đã góp rất lớn trong việc làm tăng làm tăng độ phổ biến của UST.
Tổng kết.
3 phần mà mình nêu ra ở trên, sau cùng, chỉ có chung một mục đích. Đó là lí giải cho sức hút lớn của UST, Luna.
- Khi các stablecoin tập trung gặp vấn đề, UST nổi lên là như là lựa chọn nổi bật, an toàn nhất của thế giới phi tập trung.
- Cơ chế của UST là đặc biệt và hoạt động rất tốt, điều này đã được kiểm chứng qua những cơn sóng lớn trong năm 2021.
- Thêm vào đó, Anchor lại mang đến một mức lãi suất tiết kiệm quá mức hấp dẫn với mức rủi ro thấp.
Vào tháng 2 năm 2020, Terra đã thông báo thành lập quỹ Luna Foundation Guard nhằm hỗ trợ UST mỗi khi có biến động mạnh xảy ra trên thị trường. Mục tiêu của LFG chính là dự trữ được $10 tỷ giá trị BTC. Và có vẻ sức nóng của quỹ là rất lớn, kể từ khi thành lập, LFG đã kêu gọi được $1 tỷ dollar. Cho đến ngày 5/5/2022, đã có khoảng $3.5 tỷ dollar BTC được quỹ cất trong kho của mình.
Vậy, có bất kì lí do nào để chúng ta có thể nghi ngờ được Luna vào thời điểm đó cơ chứ? Một dự án có kho bạc đủ lớn, có sự hỗ trợ từ các gã khổng lồ trong thị trường như Binance, Three Arrows Capital,... có một cơ chế ‘bền vững’. Với những sự chống lưng hùng mạnh như vậy, Luna, nói không ngoa, đã trở thành một ‘định chế tài chính’ phi tập trung lớn nhất trong thế giới phi tập trung.
Những tưởng sản phẩm của Do Kwon đang ngồi trên một chiếc kiềng vững chắc, hóa ra, sự sụp đổ đã cận kề Terra. Nó đã gần và nhanh đến nỗi khó ai tin được.
Quá trình gục ngã của Terra
Tiền đề
Bước sang năm 2022, những chiếc ‘red flag’ bắt đầu lộ ra. Mà dấu hiệu xuất hiện đầu tiên chính là ở Anchor Protocol. Hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây.
Biểu đồ cho thấy tỉ lệ gửi tiết kiệm và cho vay của giao thức. Khi cả thị trường bước vào downtrend trong năm 2022, dường như người dùng chỉ muốn gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao, chứ không hề có ý định vay tiền ra đi đầu tư như những ngày tháng sôi động trước.
Vậy, bản thân Anchor đã không còn khả năng tự vận hành. Nếu vẫn muốn duy trì mức lãi suất cao này, trong bối cảnh mà mùa đông chỉ mới bắt đầu, thì Luna Foundation Guard sẽ phải ‘donate’ hàng trăm triệu để trả tiền lãi cho khách hàng. Nghe có vẻ điều này không vui vẻ gì mấy!
Ngày 22/3/2022, Anchor đã đưa ra “Đề xuất thứ 20” với tên “Hệ thống lãi suất động” (Dynamic Interest Rate System). Cụ thể, đề xuất này đưa ra giải pháp mới về tỷ lệ gửi tiết kiệm: thay vì giữ một tỉ lệ cố định quanh mốc 20%, nay, lãi suất sẽ tăng hoặc giảm đi 1.5% theo từng tháng dựa trên sự biến đổi của của tỷ suất tài sản dự trữ.
Đơn giản hóa: Nếu tháng này có nhiều người vay tiền → Lợi nhuận của Anchor tăng → Tỉ lệ dự trữ tăng → Lãi suất tiết kiệm tăng. Nhưng bạn có thể thấy, với tình hình thị trường tồi tệ ở 2022, đề xuất này đóng vai trò giống như một chiêu ‘hợp thức’ cho việc cắt giảm lãi suất, duy trì hoạt động giao thức. Thay vì một cú giảm đột ngột và sẽ gây panic cho người dùng.
Nhớ lại, Anchor đóng một vai trò tối quan trọng trong hệ sinh thái của Terra hay quá trình thích ứng của UST. Việc lãi suất 20% đã không còn, khiến UST sẽ dần trở nên kém hấp dẫn thoe thời gian. Trong khi phần lớn người dùng vẫn còn hoài nghi về đề xuất này, thì những con cá voi trong thị trường, đã hành động trước.
Cơn hỗn loạn bắt đầu
Ngày 8/5/2022: UST rơi khỏi mốc $1, giảm về $0.9857 trên thị trường.
Nguồn cơn của sự kiện này được cho là bắt nguồn từ Curve, một sàn giao dịch phi tập trung lớn nhất thị trường crypto. Lúc đó, UST đã bị mất một lượng thanh khoản lớn trên nền tảng này. Ngay khi sự cố xảy ra, founder của Terra, Do Kwon đã lên tiếng xác nhận Terra Labs đã rút 150 triệu UST khỏi bể thanh khoản trên Curve. Nhưng khi diễn biến xấu đi, anh đã đốt 100 triệu UST, giảm nguồn cung, nhằm đưa đứa con của mình ổn định ở mốc $1.
Đáng chú ý, có một ví cá nhân đã tiến hành bán ra $84 triệu token UST trên blockchain Ethereum, và $108 triệu UST khác trên sàn Binance. Trước đó 1 ngày, vào ngày 7/5, đã có khoảng 2,8 tỷ UST được rút khỏi Anchor. Điều này đã đặt ra câu hỏi: liệu, đây là hành động của một ví ‘cá voi’ nào đó, hay, đây là một cú tấn công thẳng mặt vào hệ sinh thái Terra của Do Kwon.
Để tình hình nhanh chóng được kiểm soát, các thế lực chống lưng cho Terra cũng đã phải ra tay. Quỹ đầu tư Jump Crypto đã phải chi ra đến $266 triệu để mua vào UST sau cú dump.
Justin Sun cũng nhảy vào cuộc ‘giải cứu’ khi bỏ ra $1 triệu đô để đỡ giá cho UST.
Sau những nỗ lực đến từ nhiều bên, đến cuối ngày, UST đã quay về gần mốc $1. Nhưng tất cả mọi người đều biết, đó chưa phải là tất cả.
Ngày 9/5/2022: Nỗ lực cứu vãn
Luna Foundation Guard đã phải xuất quỹ để cứu lấy tình hình. Cụ thể, khoảng $1.5 tỷ đô tài sản được được LFG cho ra thị trường, trong đó bao gồm $750 triệu là Bitcoin và $750 triệu UST. Thông báo của LFG gây ra sự khó hiểu khi họ lại dùng từ ‘cho vay’ (loan). Nhưng sau cùng, mục đích chính của đợt chi tiền này không gì ngoài làm giảm nguồn cung UST trong thị trường, đưa UST về giá neo, đúng với sứ mệnh mà LFG đặt ra.
Trong khi UST vẫn đang thoi thóp, thì đồng coin Luna còn rơi vào tình thế tệ hơn. Giá của Luna đã tụt không phanh từ đỉnh $116, về đến quanh khu vực $60. Nếu bạn nhớ, Luna là token hứng chịu mọi thiệt hại trong trường hợp UST tụt về dưới $1. Với bối cảnh mà UST đang chật vật, một dấu hiệu không lành là thứ ta có thể dễ dàng dự đoán cho Luna.
Đồ thị UST vào ngày 9/5/2022. Nỗ lực về giá neo vẫn bất thành:
Ngày 10/5/2022: Giằng co quyết liệt.
Những tưởng hàng tỷ đô được xuất ra từ Luna Foundation Guard, từ quỹ đầu tư Jump Crypto, hay Justin Sun trong những ngày qua sẽ có hiệu quả. Hóa ra, Terra đã không lường trước được sự nguy hiểm đến từ một cộng đồng đang chìm trong sự hoảng loạn, sợ hãi.
Quá trình bán tháo vẫn tiếp tục diễn ra, UST lần thứ hai tụt khỏi giá neo. Lần này, đồng stablecoin này còn chìm sâu hơn, lặn về mốc $0.6. Đồng Luna cũng liên tục lao dốc, chạm đáy $26. Đứng trước tình cảnh khó khăn này, LFG đã phải chuyển nốt số Bitcoin còn lại (tương đương ~$1.2 tỷ USD) lên sàn Binance để cứu lấy đứa con UST.
Lúc này, khủng hoảng của Luna đã vượt xa khỏi thế giới crypto. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phát biểu: "Tôi nghĩ rằng điều đó chỉ cho thấy sản phẩm này (stablecoin) đang phát triển nhanh chóng và có những rủi ro đối với sự ổn định tài chính, và chúng ta cần một khung pháp lý phù hợp,"
Cuối ngày, UST tạm quay về $0.9. Do Kwon vẫn đang loay hoay, tìm cách trấn an cộng đồng. Nhưng đã là quá trễ.
Ngày 11/5/2022: UST hấp hối.
Lại thêm một ngày mới, UST vẫn chưa chạm được $1 thì lại tiếp tục tìm về đáy $0.6. Kéo theo sự sụt giảm trầm trọng của Luna, thiết lập đáy mới ở ~$13, mất đi 81.2% giá trị tính từ ngày 8.5, cái ngày cơn khủng hoảng bắt đầu xảy ra.
Do Kwon và Terra Labs vẫn phải liên tục trấn an cộng đồng.
Nhiều nguồn tin đã cho rằng, Do Kwon tìm cách kêu gọi khoảng $1 tỷ USD để cứu lấy đế chế tài chính phi tập trung của mình. Tuy nhiên, đồng coin Luna mà anh đặt lên bàn đàm phán, đơn giản là không hề có giá trị. Không khó để nhận ra điều này, dù là một nhà đầu tư cơ bản. Ai lại muốn mua một đồng coin mất hơn 80% giá trị trong 3 ngày, và chính UST mới chính là trung tâm của Terra. Thương vụ giải cứu này, sau cùng, chỉ dừng lại ở mức tin đồn.
Chiều tối cùng ngày, án tử đã cận kề đứa con của Do Kwon. UST, thêm một lần nữa, lại chìm sâu về mức giá chỉ tương đương ⅕ giá trị gốc (~$0.22).
Những tiếng đồng hồ cuối cùng của ngày 11, Do Kwon cuối cùng đã đưa ra phương hướng. Đại khái, Do Kwon đã nhận thấy nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này, là do nguồn cung quá lớn của UST trên thị trường. Dẫn đến cơ chế cân bằng giữa UST-Luna không thể làm việc được, mà chính nó còn đang kéo cả 2 đồng coin này xuống mồ chung.
Cách giải quyết duy nhất hiện tại chỉ có một: Hấp thụ phần lớn lượng UST đang lưu hành trên thị trường, đưa UST quay trở lại giá neo $1.
Để làm được điều đó, Terra Labs sẽ tăng giới hạn số lượng coin chuyển đổi từ UST sang Luna trong một ngày. Sự cập nhật này chính nhằm để giải quyết ‘mớ’ UST đang bị bán tháo trên thị trường, giảm nguồn cung của nó. Nhưng, điều này cũng có nghĩa, Do Kwon đang phải hi sinh đồng coin quản trị của blockchain, chấp nhận tăng nguồn cung, phá giá Luna.
Ngày 12/5/2022: Tuyệt vọng
Giữa đám cháy đang thiêu rụi Terra, ai đó như tạt thêm một gáo dầu vào lửa khi tiết lộ rằng: Do Kwon là đồng sáng lập ẩn danh của Basis Cash, một dự án stablecoin tương tự như UST. Khởi chạy từ đầu 2020, Basis mang trong mình sứ mệnh tương tự với UST sau này, là phát hành một stablecoin thuật toán có thể neo giá với USD.
Hóa ra, Basis chính là con bài của Do Kwon, dùng để thử nghiệm cơ chế mà anh mang lên UST chính sau này. Không lâu sau khi Basis khởi chạy, dự án này đã thất bại toàn tập.
Quay trở lại thời điểm, dù đã công bố biện pháp giải cứu UST bằng cách hi sinh Luna. Song, tương lai của UST vẫn chỉ mang một màu xám. Lúc này, Do Kwon đã đề xuất thêm một giải pháp, đó là đốt đi một lượng lớn UST (ước tính khoảng 1,3 tỷ coin, chiếm khoảng 11% cung lưu hành). Số coin này sẽ được lấy từ các nguồn do chính Terra Labs sở hữu.
Với những nỗ lực được đưa ra, UST đã được níu lại ở mốc $0.6, vẫn còn một chằng đường gian nan để quay lại $1. Còn Luna, thì đã ra chuồng gà khi mất gần 100% giá trị chỉ trong vài ngày.
Ngày 13/5/2022: Dấu chấm hết?.
Luna, đứa con bị Do Kwon mang đi hiến tế, đã trở thành đồng coin siêu siêu lạm phát. Nguồn cung của Luna đã tăng từ khoảng 400 triệu lên đến 6.9 nghìn tỷ chỉ trong 48 giờ đồng hồ. Vậy, nếu tính từ giá đỉnh, Luna đã chia đến … hơn 106 triệu lần.
UST, đứa con mà Do Kwon đã tìm mọi cách để cấp cứu, sau cùng, vẫn hết cứu. UST chính thức tụt sâu vào hố bùn, lún xuống tận ~$0.037.
Vì mức giá của Luna quá thấp, Terra đã phải dừng blockchain đến 2 lần trong ngày vì rủi ro tấn công 51% quá cao.
Các sàn giao dịch đã bắt đầu quay lưng với Do Kwon và Terra, cặp giao dịch với UST và Luna bắt đầu bị hủy niêm yết. Bắt đầu với Binance, CoinBase, hay FTX. CZ đã bác bỏ thái độ trung lập trước đây, và có những chia sẻ: “Tôi rất thất vọng trước cách xử lý (hoặc họ đã không xử lý) vụ việc LUNA/UST của đội ngũ Terra. Chúng tôi đã yêu cầu họ khôi phục lại mạng lưới, đốt lượng LUNA đã phát hành ra và tìm cách nào đó để đưa UST về mức giá gốc. Đổi lại, chúng tôi không hề nhận được bất kỳ phản hồi tích cực nào, hay có thể xem đó là lời phản hồi từ họ.”
Ngày 15/5/2022: Endgame dành cho Do Kwon, Terra, Luna, và UST.
Thực tế, Do Kwon còn mang đến một món quà cuối cho Luna holders. Đó là sự ‘tái sinh’ với Terra phiên bản 2.0, bằng cách phân tách blockchain Terra ở thời điểm trước khi thảm họa xảy ra. Lúc này, trên thị trường xuất hiện 2 đồng coin Luna: đó là LUNC (của mạng lưới cũ) và LUNA (đại diện mạng lưới mới). Đồng coin mới sẽ được airdrop đến cho các nhà đầu tư xấu số, như là món quà đền bù. Dù vậy, sự chắp vá này không mang ý nghĩa gì nhiều so với những mất mát lớn lao mà khủng hoảng này đã tạo nên. Sau cùng, LUNA hay LUNC cũng biến thành đồng coin ‘meme’ bơm thổi.
Những bên chịu thiệt hại từ cuộc chơi của Do Kwon
Gọi đây là cuộc thảm họa, có lẽ, còn hơi nhẹ. Sự ra đi của đế chế Terra là vết dơ khó rửa, những thiệt hại mà nó đã gây ra, rất khó để nạn nhân có thể rủ bỏ được.
Những nạn nhân đầu tiên, chắc chắn phải kể đến những người dùng giao thức, những người đã tin vào UST. Vì cơ chế của Anchor, rất gần với gửi tiết kiệm ngân hàng. Nên không ít người dùng đã gửi tất cả số tiền mà họ đã để dành cả đời. Để rồi, mọi thứ đều đã bốc hơi. Đây là cú shock lớn, nó lớn đến nỗi một số người đã tự kết liễu cuộc sống của mình…
Một số nhà đầu tư khác, kể cả những người đã có kinh nghiệm, vẫn phải chịu cảnh lay lắt qua ngày vì lỡ ‘bắt đáy’ phải Luna, một đồng coin đã giảm vô cực.
Ấy mà, những bên bị thiệt hại nặng nề nhất, có lẽ chính là những gã khổng lồ từng bắt tay với Terra. Binance đã công bố khoản thiệt hại lên tới $1.6 tỷ USD do Luna gây nên. Theo sau, những quỹ đầu tư uy tín đều đã xác nhận thiệt hại như Galaxy Digital (~$554 triệu USD), Three Arrows Capital (~$200 triệu USD), Delphi Digital (~$10 triệu USD).
Luna, giống như một quân cờ domino đứng đầu. Sự ra đi của đế chế này đã xô đổ hàng loạt quân cờ khác. Câu chuyện đã diễn ra như thế này:
Three Arrows Capital (a.k.a 3AC): một trong những quỹ đầu tư uy tín hàng đầu trong thị trường tiền điện tử. Cho đến tháng 3/2022, 3AC vẫn đang quản lý một danh mục có giá trị lên đến 10 tỷ USD. Tuy nhiên, 3AC lại là một trong số ít quỹ đầu tư hỗ trợ Luna, UST mạnh mẽ nhất. Do đó, đã xuất hiện tin đồn rằng, 3AC đã lấy tiền của khách hàng, mua UST, và mang đi gửi tiết kiệm trên Anchor. Số tiền đó ước tính lên đến $600 triệu USD, và khi UST lụi tàn, nó chỉ còn khoảng $700.
Sau cuộc thua lỗ trên, 3AC có vẻ hơi cay, nên đã tìm mọi cách để nhanh chóng ‘lấy lại’ tiền của mình. 3AC đã tìm đến các nền tảng cho vay để vay thêm tiền, đồng thời sử dụng đòn bẩy để gia tăng tỉ suất lợi nhuận cho mình. Mà theo lời của Danny, trưởng phòng trading từ 8Block Capital, 3AC đã mở rất nhiều vị thế long ở các sàn giao dịch. Đồng thời 3AC cũng đầu tư rất nhiều vào ETH, sử dụng các hoạt động defi để kiếm lợi. Tuy nhiên, thị trường diễn biến cứ xấu đi, Three Arrows đứng trước làn sóng rút tiền của các nhà đầu tư. Đến ngày 2/7/2022, quỹ đã mất thanh khoản và phải tuyên bố phá sản.
Lúc này, thị trường mới tá hỏa khi phát hiện ra Three Arrows Capital đang nợ số tiền gần … $3,6 tỷ USD. Góp mặt trong danh sách chủ nợ là các quỹ đầu tư, các sàn giao dịch, và dự án như Genesis Trading, Celcius, Voyager, BlockFi,... Cú ra đi của 3AC đã châm ngòi quả bom ‘thanh khoản’, tạo nên một cuộc khủng hoảng tín dụng trên toàn thị trường.
Voyager, một nền tảng cho vay hàng đầu thị trường, đã cho 3AC vay $657 triệu USD với rất ít tài sản thế chấp. Và rồi, 3AC phá sản, $657 triệu này cũng bị cuỗm theo. Số tiền mặt mà Voyager còn lại là quá ít. Đứng trước áp lực thanh khoản từ người dùng, nền tảng này đã phải nộp đơn phá sản vào ngày 6/7/2022.
Những dự án/công ty khổng lồ khác cũng bị lôi theo trong chuỗi Domino này như Celcius, BlockFi,... đều cùng vì lí do đã cho vay quá mức.
Tình cờ, những tổ chức trên lại có mối quan hệ mật thiết với Alameda Research, cụ thể là con nợ của quỹ đầu tư này. Trong bối cảnh mà Alameda vừa chịu tổn thất lớn từ cú sập của Terra, các con nợ lại phá sản, để đối mặt với vấn đề thanh khoản. Sam Bankman-fried (cựu CEO của quỹ) đã lấy $10 tỷ USD của người dùng trên sàn FTX để lấp liếm. Và đó là cách cơn sóng thần thứ 2 được tạo nên trong năm 2022.
Sự liên đới còn kéo dài đến những tháng đầu của năm 2023, và chạm tới cả ngành tài chính truyền thống. Silvergate (đối tác của FTX), Silicon Valley Bank (đối tác của USDC, các start-up công nghệ), và Signature Bank (hỗ trợ mạng lưới thanh toán tiền điện tử) đã sụp đổ.
Không quá khi nói, sự kiện mà Do Kwon đã gây nên, sự ra đi của Terra, UST, Luna vào cái ngày 15/5 đó, đã thay đổi hoàn toàn tương lai của thị trường tiền điện tử.
Tổng kết - Sau một năm nhìn lại, ta thấy gì?
Một sự kiện, có lẽ, luôn mang cả hai mặt xấu và tốt, lợi và hại. Câu chuyện chọn lựa góc nhìn sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả thời gian. Một năm qua đã cho chúng ta thời gian đủ lâu để nhìn vào sự kiện này, cái sự kiện mà người ta sẽ còn nhắc đến mãi như là ví dụ của rủi ro khi đầu tư vào crypto.
Cú lụi tàn của Luna Terra đã giúp phanh phui những gì xấu xí nhất mà 2 năm bull run đã che dấu rất kĩ. Dù gì, không sớm thì muộn, đây là những chuyện chắc chắn sẽ xảy đến.
Terra đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của một bộ khung pháp lý với thị trường số mới mẻ này, rằng những gã khổng lồ cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa. Xu hướng mới của sự phát triển, nên được chuyển dịch từ ‘thần tốc’ sang ‘bền vững’. Và quan trọng nhất, là bài học về niềm tin và sự hiểu biết.
Một năm sau, người dùng cũng có một ánh nhìn ít gay gắt hơn với Do Kwon. Vì ít nhất, nguyên nhân cốt lõi gây ra là vì mô hình, chứ không xuất phát từ ý định xấu như SBF với FTX. “Do Kwon đã có ý tưởng đúng đắn, nhưng lại thất bại khi thực hiện nó (một cách quá nhanh)”.
(Bài viết được tham khảo thông tin từ các trang: Coin68, Coin98, Coindesk, The New York Times,...)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất