Những kinh nghiệm cho lứa tuổi 18, 20
Hãy bắt đầu bằng từ khóa “ tự nhận thức”, đó là một nhu cầu và là một áp lực thường bị phớt lờ, nhất là trong tâm thế “ trời sinh...
Hãy bắt đầu bằng từ khóa “ tự nhận thức”, đó là một nhu cầu và là một áp lực thường bị phớt lờ, nhất là trong tâm thế “ trời sinh voi sinh cỏ”, cha mẹ, nhà trường, xã hội và bản thân những bạn tuổi mới lớn, đôi mươi vẫn sống như trước giờ họ đã từng với những nhu cầu thiết yếu và nghĩ chỉ bấy nhiêu đó đã ổn rồi nhưng thực ra vẫn luôn tồn tại một cơn sóng ngầm đòi hỏi chúng ta dù là ai thì cũng cần phải có một định nghĩa về bản thân, hay nói cách khác đó là một cuộc khủng hoảng hệ giá trị biểu hiện đặc trưng bằng tâm trạng vô vị trong hiện tại, mông lung, thậm chí là sợ hãi và né tránh khi nghĩ về tương lai, sự trăn trở đó có khi âm ỉ, cồn cào, có khi dữ dội khiến nhiều lúc mình có cảm giác xa lạ với bản thân hoặc kiểu như bắt buộc chiến đấu với một mối đe dọa vô hình, từ đó ta rút ra " tự nhận thức" là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu dù có được công nhận và nhận thức hay không. Thế hệ Gen Z theo tôi là một nạn nhân tiêu biểu chứ không phải thủ phạm như một số nguồn truyền thông độc hại quy chụp nếu nhìn với con mắt vĩ mô, bởi các bạn đang sống trong môi trường có quá nhiều giá trị được truyền tải một cách chóng mặt, vấn đề là chúng hiện ra một cách rất rối rắm và đôi khi chúng xung đột lẫn nhau khiến niềm tin của các bạn bị dao động dữ dội, có vài bạn nhận ra sự khủng hoảng đó và muốn thay đổi một theo chiều hướng tốt hơn thông qua hướng dẫn từ nhiều nguồn, song cũng gặp khá nhiều khó khăn và thất bại bởi cảm thấy bản thân chưa thực sự kết nối được với giá trị mình đang hướng tới, mà theo tôi, các bạn đang cần " sự hiểu có nội hàm", nghĩa là kết nối trọn vẹn đến mức tình nguyện thiết lập cam kết với một giá trị nào đó một cách bền chặt. Để giải quyết triệt để vấn đề trên, tôi có một số kinh nghiệm sau đây hi vọng sẽ giúp các bạn đứng vững hơn trước nhiều thử thách:
1. Đừng sợ hãi:
Xã hội tồn tại đầy những thứ khó lường không thể chỉ nói suông là có thể vượt qua, đồng nghĩa sẽ có lúc bạn cảm thấy hùng tâm tráng chí có thể càn quét mọi mục tiêu nhưng cho đến khi va vấp mới hiểu rằng dường như mình đã tự tin thái quá hay bất chợt khựng lại “ thì ra mình không thật sự hiểu rõ vấn đề ABC nào đó như minh từng nghĩ“, tiếp sau đó là một làn sợ hãi thấp thỏm kéo đến dồn dập và nôn nao khiến bạn nghi ngờ mọi thứ đang diễn ra, cũng đúng thôi, bởi ngay lúc đó hệ thống quan điểm và giá trị của bạn đang lung lay dữ dội, thậm chí trong lúc kinh động bạn có thể sẽ trở nên vô lý nhưng hãy lập tức nhắc nhở bản thân tỉnh táo lại. Sau khi trải qua giai đoạn trên, tôi rút ra ba điều sau:
1.1. Không có gì là khi không:
Đừng dễ bị thuyết phục bởi những thành kiến hay những câu chuyện vô căn cứ dù tích cực hay tiêu cực, mọi hành động đều có lý do đằng sau giật dây, động cơ chính thường là lợi ích cá nhân, dù đâu ai muốn nhưng đã sinh ra kiếp người thì chủ định phải tự biết khôn ngoan nhìn nhận và tranh đấu cho mình bởi không thứ gì có giá trị mà lại bâng quơ từ trên trời rơi xuống, nhất là sống trong xã hội phức tạp, không hại người nhưng phải biết nhìn người và phòng người, song song đó, hãy khéo léo và dũng cảm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân và gia đình, rộng ra là cho mọi người nếu có thể vì bất hạnh hôm nay giáng vào người khác nhưng biết đâu ngày mai có thể đến lượt mình, hơn nữa, nhẹ nhàng và cởi mở chia sẻ cũng là cách tương hỗ nhau vượt qua khó khăn, hiểu được điều này để tư duy mạch lạc hơn, tôn trọng, thông cảm cho quyền lợi chính đáng của các bên nhằm tránh va chạm không đáng có cũng như tránh việc bản thân bị dắt mũi bởi mục đích xấu từ người ngoài, nhất là trong thời đại PR, người ta sẵn sàng bất chấp để có được sự chú ý và tin tưởng từ cộng đồng, chụp mũ, bóc phốt Gen Z cũng là một cách gây chú ý trên truyền thông thuộc dạng này.
Ngoài ra, chúng ta không khó bắt gặp trường hợp theo góc nhìn của mình thì người đối diện có vẻ " lệch pha" nhưng khác biệt không đồng nghĩa với việc có thể khẳng định họ tốt hay xấu, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng và quyền tự do riêng, theo tôi, ai cũng xứng đáng được tôn trọng và đối xử công bằng vì đó là tối thiểu lễ phép giữa người với người.
1.2. Giải quyết va chạm xã hội:
Đây là một vấn đề nhạy cảm bởi bị đụng chạm quyền lợi thì tự động ai cũng sẽ “ xù lông” lên, đó là một phản ứng tự vệ bình thường, đừng bị nó đánh lừa, cho nên khi xung đột xảy ra thì phải thật bình tĩnh và đầu tiên là khách quan đánh giá lại mọi khía cạnh nhằm nắm rõ bản chất câu chuyện trước khi có động thái tiếp theo, đừng chỉ vì cảm giác khó chịu mà vội tung ra những lời lẽ và hành động không hay, cũng đừng vội mặc định đối phương là kẻ ác rồi sinh ra thù ghét, nói rộng ra thì sự thù ghét vô căn cứ chính là mầm móng của thù ghét xã hội khiến mọi người dần mất niềm tin rồi quay lưng lại với nhau. Mâu thuẫn đôi khi đơn giản đến từ việc không tìm được tiếng nói chung, vì vậy hãy tôn trọng những luật lệ thỏa đáng đã được đặt ra bởi nó chính là lằn ranh phân định đúng – sai trong tình huống cụ thể một cách đáng tin cậy nhất, đặc biệt, nên rèn luyện cho mình thói quen làm việc dựa trên quy trình chuẩn hóa và bằng chứng cụ thể, đừng sợ mất công hay đụng chạm nếu bởi vì đó chính là căn cứ xác lập nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng cho các bên, nó bảo vệ các bên khi xảy ra tranh chấp thay vì cãi nhau tay đôi hoặc tung ra những ngụy biện. Mặt khác, giao tiếp rất quan trọng và cần sự chú ý trong âm lượng, nhấn nhá, cách sử dụng từ ngữ, phát âm, cách biểu đạt và cả ngôn ngữ cơ thể, hãy học điều này để những cuộc trò chuyện được diễn ra một cách đầy thiện chí.
Nhắc lại lần nữa, trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần trang bị hiểu biết luật lệ vận hành của tất cả mọi thứ từ thành văn đến bất thành văn, từ đó mà có chính kiến biết tính toán xa gần, đừng có ai nói gì cũng gật đầu, ai đưa giấy gì cũng ký.
Ngày nay, có thể do ảnh hưởng của những bộ phim giang hồ mạng hoặc những bộ phim Tàu như Thủy Hử, tổng tài, chủ tịch, các loại anh hùng tô vẽ,... nên một số thành phần có xu hướng bảo vệ chính nghĩa ( hay nói đúng hơn là những thứ theo họ đánh giá là " chính nghĩa") bằng đường lối khá là cực đoan thể hiện trên lời nói ngang tàng, suồng sã thậm chí là bạo lực vô căn cứ và không cần thiết, vì thế, chúng ta phải tuyệt đối tỉnh táo phân định lằn ranh kịch tính giữa phim ảnh và đời thực, đừng nên tự luyến mang cái góc nhìn " nhân vật chính" rồi hăng tiết nghênh ngang hành động theo cảm tính bởi vì một hành động bất hợp lý gây ảnh hưởng xấu đến người khác dù sao đi nữa thì vẫn là vô pháp vô thiên kiểu luật rừng " mạnh được yếu thua", " lấy thịt đè người" chứ không hay ho gì cả.
1.3. Đừng phớt lờ quá trình gia tăng chiều sâu nội tâm:
Sợ hãi chủ yếu đến từ việc bị đe dọa bởi một nguy cơ không thể kiểm soát, để khắc phục thì trước tiên về mặt tâm lý, đừng chấp nhận đầu hàng, đừng ám thị bản thân nhỏ bé và bất lực. Thứ hai về mặt trình độ, không chỉ kiến thức mà nhận thức cũng cần trao dồi, đừng bao giờ thỏa mãn với thứ nhận thức mơ hồ " hình như là...", hãy liên tục mở rộng thế giới quan nhằm nhận diện và đánh giá chính xác vấn đề mình đang gặp phải và quan trọng hơn là lập kế hoạch hành động cụ thể ( có thể dựa vào tiêu chí SMART) nhằm thực sự thoát khỏi khủng hoảng, trong quá trình này cần tránh rơi vào chủ quan, ngạo mạn, duy ý chí nhất là khi tâm trạng phấn khích vì khám phá ra nhiều thứ thú vị mà trước nay chưa hình dung được. Nếu bạn quá mệt mỏi với sách vở thì cũng không phải là một trở ngại tuyệt đối bởi cái chúng ta cần là thông tin và chúng cũng có thể được tiếp cận qua phim ảnh, âm nhạc,… đây là một hình thức vừa học vừa giải trí, đặc biệt, trong âm nhạc ta còn tìm được sự đồng cảm mà chữ nghĩa, ngôn từ khó có thể truyền tải, chính sự đồng cảm này sẽ hình thành sợi dây kết nối con người với nhau, nó hỗ trợ quá trình thẩm thấu các giá trị đạo đức tập trung vào ý nghĩa cốt lõi cho nên nền tảng đạo đức từ đó cũng trở nên bền bĩ hơn trước thách thức. Có thể lúc đầu học hỏi bạn dễ cảm thấy rối bời vì không biết bắt đầu từ đâu nhưng cứ thử bắt đúng tần số rồi thì sẽ tự động lôi cuốn không thôi, càng học lại càng thấy mình cần phải học nhiều hơn nữa, từ đó dần hình thành thói quen học tập, tư duy, đồng nghĩa với việc thói lười biếng và tâm lý tự ti tự động bị đẩy lui.
2. Thực tế:
Đừng sống trong thực tế mà lại sợ chính nó hoặc mơ màng khi được hỏi về nó. Tôi không hiểu tại sao nhiều người lại có thói quen lòng vòng né tránh khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến lợi ích và tiền bạc, thậm chí một số còn không dám nhắc đích danh cặp phạm trù “ giàu – nghèo” bởi vì nó… nhạy cảm. Lạ thay, “ nghèo” từ một thứ tính từ đơn giản nay bị biến dạng bởi thành kiến rồi trở nên nhạy cảm, “ nghèo” không còn biểu thị sự thiếu thốn đơn thuần mà dưới con mắt dè bỉu của người đời, nó bị ngầm hiểu là hèn mọn, hạ đẳng rồi gắn với việc đương nhiên bị đối xử tệ bạc! Thay vì dìu dắt và cảm thông cho nhau vì đều là thân phận con người thì với cái tôi quá lớn rồi lại bị dằn xé bởi lương tâm và quy chuẩn đạo đức chung, nhiều người cứ thế tranh giành địa vị, tiền tài, danh vọng không chỉ để phục vụ nhu cầu vật chất mà còn vì cái sĩ diện động chút là tự ái, vấn đề là không ai dám đứng ra thừa nhận điều đó cả! Họ chối quanh chối co bằng trăm ngàn lý do để hơp thức hóa mọi điều họ làm, song vẫn đều đều rêu rao giáo điều nhân nghĩa tha thiết, dường như trong nội tâm họ đang bị giằng xé giữa ba thế lực: lợi ích cá nhân, lương tâm ( liêm sỉ) và đạo đức ( điều tiếng) xã hội, cần chú ý ở đây, với mục tiêu trao dồi nhận thức thì tôi càng không thể để sự xung đột này xảy ra.
Ở chiều hướng lệch lạc khác, có thành phần còn một mực đòi hỏi mọi người phải “ trọng nghĩa khinh tài” thì mới công nhận là người tốt, nếu không muốn nói thẳng ra là một số lợi dụng điều đó để ép người khác cống hiến nhằm trục lợi bản thân với cái tâm lý “ thích miễn phí” mặc dù hoàn cảnh họ đâu đến mức khó khăn, lúc nào họ cũng mượn đồng tiền vô tri vô giác làm lý do cho lựa chọn tha hóa và phán xét người khác, ngoài miệng họ khinh đồng tiền nhưng thực chất trong tâm họ đội tiền lên đầu bởi họ hiểu sự cần thiết của nó đặng chiếm ưu thế trong cuộc đua sinh tồn, đồng tiền từ một vật trao đổi ngang giá trớ trêu thay lại bị nhận thức của con người xé thành nhiều lớp hiểu khác nhau và chúng đều vô dụng nếu bỏ đi những lời than oán hay ca tụng được cấu thành từ mâu thuẫn giàu – nghèo, chung quy lại người ta khổ vì cực khổ kiếm tiền nhưng càng khổ vì thành kiến xoay quanh đồng tiền, dường như sự lệch lạc trên đến từ quan niệm đầy xung đột “ nghèo mà có tình thì cao quý hơn”, nói thế là lúc bình yên chứ thử động chuyện thì khéo lại “ mạnh được yếu thua”, đó là chưa xét về mặt logic, bạn hãy để ý kĩ câu “ nghèo mà có tình thì cao quý hơn” là một dạng ngụy biện bẻ lái cực mạnh bởi “ nghèo” và “ có tình” không hề liên quan gì nhau, nó không nhằm giải quyết được vấn đề nào hết, không có căn cứ để nói đây là một sự thật hiển nhiên và từ đó nó càng không khẳng định được cái gì là “ cao quý hơn”.
Sau khi nêu ra những vấn đề trên, Có thể bạn thấy điều tôi nói tương tự trong bài "Béo phì" tinh thần và sự bạc nhược của phản tri thức mà tôi từng viết, tuy nhiên, ở đây chúng ta sẽ tập trung làm rõ liệu có sự xung đột nào xảy ra giữa quyền lợi, lương tâm và đạo đức không? Như vậy cũng là cách để xóa bỏ triệt để những cái cớ bào chữa ngụy biện cho sai lầm vậy.
Quyền lợi đến từ công sức chân chính là một thứ không ai có thể xuyên tạc hay tước đoạt, đó mới chính là thực tế và là một sự thật hiển nhiên.
Đầu tiên, thực tế và thực dụng là hai khái niệm khác xa nhau, không nên lầm lẫn, tại sao lại không đơn giản nhìn nhận đồng tiền hay lợi ích chính đáng với vai trò đảm bảo đời sống cơ bản ( ăn uống, nhà ở, di chuyển, học tập, y tế, làm việc) và sâu xa hơn là nâng cao đời sống cá nhân kéo theo xã hội ngày càng sung túc thông qua chi tiêu tạo sinh cơ cho người khác ( mua sắm, trải nghiệm,…).
Thứ hai, Nếu xét về những cái cớ bào chữa cho sai lầm thì phải tự vấn thành thật rằng liệu có thứ gì hay ai vô lý ép mình vào đường cùng chưa mà vội đánh đổi lương tâm vậy? Liệu bản thân đã cố gắng hết sức chưa? Nếu hiện tại bí bách quá thì có dám bước ra khỏi vùng an toàn không? Có dám đương đầu để sống đúng nghĩa con người và chết đi thanh thản không? Bình tĩnh, khách quan nghĩ kĩ lựa chọn tiếp theo sẽ được và mất gì? Bạn sẽ thấy có những người hạ thấp sĩ diện xuống để kiếm cơm khi bước đường cùng, ừ thì sĩ diện của họ thì họ có quyền quyết định, NHƯNG, lương tâm lại là một phạm trù khác vì nó còn dính tới chuyện gây ảnh hưởng lên những người xung quanh vì thế nó không nên tùy tiện bị hạ thấp như sĩ diện cá nhân được, sĩ diện nói cho cùng thì cũng chỉ là bề ngoài của một người nên không thể đánh đồng được với lương tâm thuần túy, bởi lương tâm là ranh giới ngăn chặn những sự xâm phạm thú tính phá nát đời sống của cộng đồng dù trực tiếp hay gián tiếp, cố tình hay vô tình! Từ đó ta thấy được mình không phải lúc nào cũng là nạn nhân và việc vì lợi ích đen tối mà đánh đổi lương tâm là một lựa chọn có chủ đích đến từ lòng tham chứ không thể đổ lỗi cho bất kỳ điều gì, đồng nghĩa không thể nói " lương tâm" và " quyền lợi" chỉ có thể chọn một, đây là một dạng nguy biện trắng - đen, đánh vào cảm xúc. Vậy, lương tâm và lợi ích chính đáng là hai thứ có thể song hành chứ không phải xung đột lẫn nhau, và chính đáng ở đây được hiểu theo nghĩa sở hữu chính danh hoặc phần thưởng xứng với công sức bỏ ra!
Mặt khác, cũng chính tâm lý thực dụng đã gây chia rẽ mối quan hệ giữa người với người cực kỳ mạnh mẽ, người giàu thấy người nghèo thì khinh bỉ, người nghèo thấy người giàu thì ganh tỵ, cay cú. Nó thậm chí còn lan sang nhận thức về nghề nghiệp rằng nghề này sang nghề kia hèn, có thể thấy tâm lý này biểu hiện ở những người khinh bỉ, nạt nộ những cô chú bán vé số, bảo vệ, phục vụ bàn, shipper, buôn bán vỉa hè hay những người lao động tay chân nói chung mặc dù ai cũng có lòng tự trọng cả!
Để loại bỏ dạng tâm lý biến thái trên tôi đã từ bỏ khái niệm ai “ ngon” hơn ai, đồng nghĩa với việc từ bỏ luôn thành kiến sang – hèn bởi tôi không muốn mình bị cuốn vào một cuộc chiến vô nghĩa với những cá thể khác đều sinh ra vô tội, biết vui buồn như tôi nhưng đều khó lòng được chọn lựa số phận khi buộc lao vào trò chơi biển dâu đầy vô thường và cam go mang tên “ cuộc đời”. Nói thế chứ không phải bi quan, bởi vẫn còn nhiều sự sáng suốt và hi vọng chờ đón, ai trải qua khổ sở rồi thì chắc hiểu rõ hơn, tôi tập sống một cách trung dung với mọi thứ, dù sung túc hay khó khăn thì đáng ra phải được quy định bởi năng lực cạnh tranh sòng phẳng, sau mỗi buổi chiều thì ai về nhà nấy sống một cuộc đời hạnh phúc, tự do, bình an, thế không tốt hơn việc ngày này qua tháng nọ đấu đá nhau để khẳng định “ tôi là số một” hay sao.
Cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy mệt mỏi chỉ muốn làm đại xong việc mình còn mọi thứ cứ để mặc ra sao thì ra, nhưng ĐỪNG, tuyệt đối không nên buông thả bởi có lần một thì sẽ dễ có lần hai, hậu quả của việc này có thể xảy ra với chính bạn nhưng cũng có thể trút lên đầu người khác, bạn vô trách nhiệm thì người khác cũng có thể làm thế, trong cái vòng tuần hoàn đó ai cũng có thể là nạn nhân, ngay cả bạn!
Còn một trường hợp sống thiếu thực tế khác, chính là những người có tật xấu thích nói chuyện xã hội và tranh cãi tầm phào nhiều hơn là để tâm đến những chuyện liên quan đến bản thân, tôi nghĩ chúng ta đừng tự hành hạ bản thân vì hạnh phúc của người khác nữa!
Cuối cùng, tự trọng là sống thực tế với những giá trị có nội hàm chặt chẽ chứ không phải mù quáng tự ái và càng không nằm trong định kiến hay con mắt dò xét của thế nhân, thế nên cần bỏ luôn cái tật hay tự ái rồi dùng cái lòng tự ái đó hơn thua từng ly từng tí, chà đạp người khác nhằm tìm cảm giác thỏa mãn nhu cầu được công nhận, khỏa lấp đi những yếu kém và sợ hãi từ nội tâm, có thể thấy lòng tự ái thái quá được ví dụ ở những gã đàn ông không bao giờ nhận lỗi hoặc dùng phụ nữ như một công cụ chứng tỏ độ nam tính của bản thân, rằng bên trong họ là những tự ti và sợ hãi mất đi sự công nhận từ xã hội lẫn cái thế thống trị phụ hệ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất