[Tập hiểu sâu]: Định luật Murphy – Tâm lý học nói gì?
Khi nhắc đến "định luật" người ta thường liên tưởng đến các ngành khoa học tự nhiên, đặc biệt là ngành vật lý. Trong đó, định luật...
Khi nhắc đến "định luật" người ta thường liên tưởng đến các ngành khoa học tự nhiên, đặc biệt là ngành vật lý. Trong đó, định luật mô tả và dự đoán rất chính xác cách mà các sự kiện sẽ xảy ra.
Một trong những tựa đề sách tâm lý học ứng dụng đang bán chạy tại Việt Nam, “Định luật Murphy” có thật sự hấp dẫn và khoa học như tên gọi của nó? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về quyển sách này!
1- Nguồn gốc và độ phổ biến:
Đầu tiên có thể khẳng định, dù với tên gọi mang đậm màu liên tưởng nhưng Định luật Murphy không thuộc về vật lý học mà chính xác thuộc về tâm lý học, đặc biệt hơn là Tâm lý học của sự ngẫu nhiên hài hước.
Quyển sách “Định luật Murphy” được viết bởi Từ Thính Phong, một tác giả đã xuất bản nhiều đầu sách về tâm lý học ứng dụng được yêu thích tại Trung Quốc. Nhiều người dễ nhầm lẫn giữa tác giả sách và tác giả của những tiên đề sách đề cập. Từ Thính Phong không phải là người khởi xướng định luật Murphy mà vai trò của ông khi viết quyển sách này là tập hợp, thống kê và trình bày lại các quy luật tâm lý học đã tồn tại trước đó với phong cách ứng dụng để các bạn đọc hiện đại dễ dàng tiếp cận.
Câu chuyện thật sự bắt đầu vào năm 1949, khi Edward Murphy - một kỹ sư hàng không của Hải quân Hoa Kỳ, thất bại trong một thí nghiệm kỹ thuật bởi dây cảm biến của hệ thống bị ngẫu nhiên nối ngược. Ông thốt lên trong bất lực: “Anything that can go wrong, will go wrong” (tạm dịch “Chuyện xấu có khả năng xảy ra, nó sẽ xảy ra”).
Khi bạn quên mang ô thì hôm đó trời lại mưa, khi bạn đang không vui thì sẽ có một chuyện không vui khác cùng lúc xuất hiện. Bạn nghĩ tất cả tình huống như vậy trên đời có thể được giải thích một cách thỏa đáng hay không? Câu trả lời là: “có và không”. Nghĩa là đôi khi sự xui rủi có thể giải thích được bằng khoa học tuy nhiên cũng có khi không thể giải thích được vì đơn giản đó chỉ là sự ngẫu nhiên.
Một nghịch lý có thật, khi bạn càng lo sợ về một điều xấu có thể xảy ra thì chắc chắn nó sẽ xảy ra, thậm chí có khả năng sẽ xảy ra với mức độ tệ nhất. Đây chính là định luật Murphy.
Từ nền tảng đó, Từ Thính Phong bày tỏ quan điểm, nếu có thể chấp nhận sự xui rủi ngẫu nhiên của định luật Murphy như một điều hài hước, tất yếu của cuộc sống bạn sẽ có thể dự phòng và có những cách ứng phó thông minh. Đó cũng chính là lý do ông viết quyển sách này.
Định luật Murphy được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi tại các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Canada, Úc và các nước châu Âu. Riêng một số nước châu Á, khi tìm kiếm tên định luật này trên Google bằng ký tự Hoa ngữ (墨菲定律) sẽ được trả lại rất nhiều đầu sách liên quan đã được xuất bản, thậm chí có phim truyền hình mang tên chủ đề này, chứng tỏ định luật này đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng tại đây. Ngược lại, khi tìm kiếm bằng Nhật ngữ (マーフィーの法則) thì không có nhiều đầu sách liên quan. Và nếu tìm bằng Việt ngữ thì gần như chỉ có duy nhất quyển “Định luật Murphy” của Từ Thính Phong đã được dịch và xuất bản.
Giá trị của việc hiểu được nguồn gốc và độ phổ biến của quyển sách này bạn sẽ biết được chính xác khởi điểm và tầm ảnh hưởng của nó. Khi có cơ hội bàn luận với người khác bạn cũng sẽ tự tin hơn rất nhiều đúng không.
2- Hơn 50 định luật đã được đề cập trong quyển sách đều thuộc “Định luật Murphy”?
Cầm quyển sách trên tay các bạn có thể sẽ cảm thấy “hơi ngộp” vì đếm sơ có tận 50 hiệu ứng, quy luật, nguyên tắc, định luật, định lý được đề cập (tôi sẽ gọi tắt chung là “định luật”).
Cùng với tựa đề quyển sách, chúng ta dễ hiểu nhầm 50 định luật này đều thuộc định luật Murphy. Thực tế không phải vậy. Như đã định nghĩa, định luật Murphy chỉ nhằm nói đến sự xui rủi hài hước. 50 định luật riêng lẻ được phát triển riêng bởi các nhân vật khác nhau và hoàn toàn không liên quan đến Edward Murphy. Từ Thính Phong chỉ muốn thông qua 50 định luật này để giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về cuộc sống, từ đó có thể dự trù và tránh được những rủi ro.
Trong đó sách có đề cập đến những định luật, quy tắc khá phổ biến và nổi tiếng như:
Quy luật Eisenhower (được đề xuất bởi Cựu Tổng thống mỹ Eisenhower) về nguyên tắc phân chia công việc theo thứ bậc: quan trọng – không quan trọng, gấp – không gấp. Ứng dụng quy luật này sẽ giúp bạn tăng năng suất và hiệu suất công việc.
Hoặc, hiệu ứng Zeigarnik (được đề xuất bởi nhà tâm lý học Zeigarnik) nói về cảm giác khó chịu đến mức bị ám ảnh khi chúng ta chưa làm xong một việc gì đó. Loại ám ảnh này sẽ dẫn đến hai thái cực hành vi: trì trệ và bỏ cuộc hoặc làm việc điên cuồng cho đến khi hoàn thành được chúng.
Hay, hiệu ứng quỷ dữ Lucifer (được đề cập bởi nhà tâm lý học Philip Zimbardo) về những góc tối trong tâm hồn mỗi con người. Không ai là hoàn toàn lương thiện hay ác độc, lằn ranh đó được chuyển dịch trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau.
50 định luật, với số lượng nhiều như vậy, việc nhớ được rõ ràng tên từng chỉ mục là không cần thiết, bạn đọc chỉ cần nắm được tinh thần chung để áp dụng vào các khía cạnh phù hợp trong cuộc sống là được.
3- Tất cả mọi thông tin được đề cập đều đáng tin cậy?
Trước tiên, chúng ta hãy cùng hệ thống lại một số thuật ngữ đã được tác giả liên tục sử dụng trong xuyên suốt quyển sách. Về cơ bản chúng hoàn toàn khác nhau về mặt định nghĩa nhưng lại không được tác giả mô tả hay trình bày.
Bỏ qua phần định nghĩa này sẽ là một thiếu sót lớn vì đây là nền tảng để bạn phát triển khả năng tư duy phản biện trong lúc đọc. Do đó, tôi sẽ đúc kết súc tích nhất hiểu biết của mình về các thuật ngữ này, nhằm hỗ trợ bạn liên tưởng nhanh đến các tầng bậc khái niệm.
_ Hiện tượng (Phenomenon) là sự kiện có thể quan sát hoặc cảm nhận. Hiệu ứng (Effect) là sự thay đổi của hiện tượng khi gặp yếu tố tác động.
_ Quy luật (Rule) là mối quan hệ không thay đổi giữa các hiện tượng. Nguyên tắc (Principle) là quy luật tổng quát nhằm giải thích cho hiện tượng.
_ Định luật (Law) là quy luật cụ thể, đã được quan sát, kiểm chứng là đúng, bất biến, không thay đổi. Định lý (Theorem) là phát biểu được chứng minh bằng lý luận, suy ra từ những nguyên tắc đúng.
** Lưu ý: Các định nghĩa được cô đọng nhằm hỗ trợ bạn đọc hệ thống các tầng bậc khái niệm, không mang tính chất đầy đủ tuyệt đối.
Theo đó, những nội dung được đề dẫn, bắt đầu từ các từ “định luật” và “định lý” sẽ là hai khái niệm có độ tin cậy cao trong khi đọc, vì nó được xây dựng dựa trên nhiều công đoạn như quan sát hiện tượng và hiệu ứng, thành lập quy luật và nguyên tắc, và còn chứng minh bởi thực nghiệm. Cái ít tin cậy hơn sẽ là “hiện tượng” và “hiệu ứng” vì đó chỉ là những sự kiện được nhận định thông qua quan sát hoặc cảm nhận.
Ví dụ: Định lý Bliss (trang 137) nói về việc càng lên kế hoạch chi tiết thì càng dễ thành công. Tác giả dẫn chứng khá ổn khi đề cập đến thí nghiệm của nhà Tâm lý học hành vi Ed Bliss về vấn đề này. Kết luận của thí nghiệm có những số liệu cụ thể khá hấp dẫn: người có khả năng lập kế hoạch có khả năng thành công cao gấp 35 lần so với người không có kế hoạch; người thường xuyên thay đổi kế hoạch chỉ có 16% khả năng thành công.
Một ví dụ khác về Hiệu ứng cá da trơn (trang 75) nói về việc cạnh tranh kích thích sự phát triển. Khi quan sát trong tự nhiên, người ta thấy cá mòi thường rất dễ chết sau khi bị đánh bắt, do chúng rất lười vận động. Người ta nghĩ ra cách thả cá da trơn (là thiên địch của chúng) vào cùng khoang chứa. Vì sợ cá da trơn nên cá mòi liên tục bơi lội và vẫn còn sống đến khi tàu cập bến. Từ đó khái quát rằng, con người cũng cần có cạnh tranh thì mới tồn tại tốt được. Tác giả có dẫn chứng thêm câu chuyện về Lôi Quân (người sáng lập hãng công nghệ Xiaomi) như một tấm gương thành công của hiệu ứng này. Nhưng rõ ràng không có một thí nghiệm chuyên môn nào về hiệu ứng này được tổ chức, mọi kết luận chủ yếu qua quan sát và khái quát hóa.
Với cách thức phân tích như trên, chúng ta sẽ biết cách cân nhắc đặt niềm tin phù hợp tùy vào mức độ chất lượng thông tin mà tác giả cung cấp. Từ đó, các bạn có thể tự tìm kiếm các tài liệu chính thống để tiếp tục kiểm chứng và phát triển. Cởi mở, có chọn lọc và có tư duy là cách tiếp cận tốt nhất với quyển sách này.
4- “Định luật Murphy” có khoa học hay không?
Mọi điều trở nên thú vị rồi đây!
Mặc dù đã được lý luận, nghiên cứu và được nhiều nhà khoa học công nhận tuy nhiên một sự thật bạn cần biết, định luật Murphy và không ít những hiệu ứng, quy luật, nguyên tắc, định luật, định lý được đề cập trong quyển sách này không được công nhận chính thống trong cộng đồng khoa học, nghĩa là vẫn còn gây tranh cãi bởi thành phần các nhà khoa học không đồng tình.
Câu hỏi của bạn chắc chắn sẽ là: “Nếu đã không phải là khoa học chính thống thì chúng ta còn quan tâm làm chi nữa!?”
Đúng vậy, khoa học là rất quan trọng, chúng ta không bao giờ có thể phủ nhận tính đúng đắn của khoa học. Tuy nhiên, có thể bạn đã biết (hoặc chưa) rằng rất nhiều trường phái tâm lý học lớn, thậm chí cả Triết học, Đạo Phật,… cũng được đưa lên bàn thảo luận với câu hỏi “Đó có phải là khoa học hay không?”. Lý do cơ bản dẫn đến các nghi vấn này là do mục tiêu và phương pháp khác nhau trong việc nghiên cứu về thế giới và cuộc sống. Tất nhiên còn rất nhiều lý do khác và đây là một đề tài lớn mà chúng ta sẽ không bàn luận trong bài viết này.
Khoa học vẫn luôn làm đúng nhiệm vụ của nó là chứng minh sự thật, nhưng không phải tất cả mọi sự thật đều đã được khoa học chứng minh. Nếu một định luật, định lý, học thuyết,… chưa được giới khoa học hoàn toàn công nhận, nhưng có ích trong thực tiễn, không phản khoa học, không ngụy khoa học nhằm mục đích thao túng hay tư lợi thì đều có thể được cân nhắc chấp nhận. Khi đó, bạn sẽ có thêm một lăng kính mới để chiêm nghiệm về thế giới và cuộc sống.
5- Vị trí của định luật Murphy ở đâu trong bản đồ ngành tâm lý học?
Quay lại câu chuyện về định luật Murphy, nếu hình dung ngành tâm lý học hiện đại như một bó kẹo to với rất nhiều thanh kẹo nhỏ, mỗi một thanh kẹo đại diện cho một trường phái tâm lý khác nhau như: Tâm lý học Thần kinh (liên quan đến sinh học), Tâm lý học Nhận thức (liên quan đến giác quan, cảm giác, cảm xúc con người), Tâm lý học Hành vi (liên quan đến kích thích từ môi trường và phản ứng của cá nhân), Tâm động học (liên quan đến hoạt động vô thức của con người),… thì Định luật Murphy như một lát cắt ngang của bó kẹo, nghĩa là nó là một thuộc phần nhỏ nhưng phủ rộng mọi lĩnh vực liên quan.
Bởi lát cắt đó, nên đây sẽ là một quyển sách tâm lý học có tính thường thức cao, phù hợp với phần đông bạn đọc đặc biệt là người mới tập làm quen với các dòng sách về tâm lý. Quyển sách sẽ khơi gợi nhiều điều thú vị nho nhỏ cho bạn, như vì sao xem tử vi, chòm sao, tarot,… lúc nào bạn cũng thấy đúng? và hàng loạt những hiện tượng phổ biến khác trong cuộc sống.
Tuy nhiên sách sẽ khá kén với những bạn đã quen đọc sâu, đang theo đuổi chuyên ngành tâm lý, hoặc ưa chuộng tính khoa học tuyệt đối vì mọi thứ trông có vẻ khá “self-help”. Do đó, nếu quá chấp vào câu chữ, nguồn gốc quy luật,... là đúng hay sai thì sẽ làm bạn lãng phí sức lực và có cảm giác khó chịu.
Thêm vào đó, đây là một quyển sách tâm lý học ứng dụng, nhưng câu hỏi đặt ra là ứng dụng cho ai và trong hoàn cảnh nào. Sách dành phần lớn dung lượng để đề cập đến các định luật hỗ trợ người đọc áp dụng trong công việc, kinh doanh, cách tạo ấn tượng với người khác,… và chỉ dành chương cuối để nói về hạnh phúc. Do đó, sách sẽ phù hợp hơn với những ai đang rất muốn xông pha ứng dụng tâm lý học để có thể thành công trong giao tiếp xã hội và công việc nhưng sẽ không phù hợp lắm với những tâm hồn đang tìm kiếm sự bình an.
6- Kết:
Có vẻ đây không phải là một quyển sách hoàn hảo và đáp ứng được tất cả đối tượng quan tâm đến tâm lý học. Nhưng một cách tổng quan, chúng ta có thể xem đây là một quyển sách giúp ta có thể thực hành tư duy phản biện và là một hạt giống sẽ nảy mầm cho đam mê, sự tìm hiểu tiếp tục của bạn về tâm lý con người. Với góc độ đó, “Định luật Murphy” vẫn rất thú vị như tựa đề của nó.
Người thực hiện:
Chloe Châu với kiến thức cá nhân và tổng hợp
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất