Tài liệu: Zurndorfer HT. Prostitutes and Courtesans in the Confucian Moral Universe of Late Ming China (1550–1644). International Review of Social History. 2011;56(S19):197-216. doi:10.1017/S0020859011000411
Tiêu đề: Gái mại dâm và kỹ nữ trong không gian đạo đức Khổng giáo thời Minh mạt (1550-1644)
Ghi chú: Trong bài đăng này, người viết sử dụng từ ‘nhai xướng’ – một từ trong tiếng Nhật – thay cho từ ‘gái mại dâm’, với ý định giúp người đọc dễ theo dõi và cũng để tiết ước thời gian gõ phím.

Khái lược (TL;DR):

Nghiên cứu này tìm hiểu về cuộc sống và địa vị xã hội của gái mại dâm và kỹ nữ trong xã hội Nho giáo cuối thời nhà Minh (1550-1644). Nghiên cứu đặt ra ba mục tiêu chính:
(1) làm sáng tỏ các điều kiện kinh tế-xã hội đã đẩy phụ nữ vào con đường mại dâm và nghề kỹ nữ;
(2) phân tích địa vị của họ trong xã hội Trung Quốc;
(3) những chuyển biến xã hội-chính trị xảy ra trước và sau khi nhà Minh sụp đổ đã ảnh hưởng đến hình tượng của họ như thế nào.
Theo pháp luật đương thời, nhai xướng và kỹ nữ đều được xếp vào loại tiện dân và bị xã hội ruồng bỏ. Tuy vậy, ngoài điểm chung là chào bán tình dục, kỹ nữ có giao tiếp với tầng lớp thượng lưu của xã hội, và ở một giai đoạn nhất định thời Minh mạt, địa vị của họ cũng ngang hàng với địa vị của những phụ nữ thượng lưu và quý tộc. Hơn thế, kỹ nữ còn trở thành một hình tượng tiêu biểu trong văn chương và kịch nói. Sự thay đổi trong cách nhìn nhận của xã hội với kỹ nữ nói riêng và tầng lớp dưới đáy xã hội nói chung cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng Vương Dương Minh, vốn đã rất thịnh hành thời Minh trung-mạt kỳ.
Thời Minh mạt chứng kiến nỗi lo ngại lan rộng về việc sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự dư giả trong đời sống vật chất đang làm tổn hại đến cấu trúc đạo đức của xã hội; và đối với tình huống đó, một số học giả Nho giáo tìm kiếm cách thức và phương tiện để sửa chữa và cải thiện đạo đức và trật tự xã hội. Trong giới tinh hoa này, có nhiều người đã liên kết chủ đề chính trị-trí tuệ đương thời với địa vị ngoài lề của kỹ nữ - giả dụ như hình tượng người kỹ nữ được đối chiếu với nhà Minh ở thời điểm cực thịnh, tượng trưng cho cái đẹp, tài nghệ, tình yêu và tự do; đến khi nhà Minh sụp đổ, hình tượng người kỹ nữ lại được liên kết với nỗi hoài niệm về một quá khứ đã trôi xa, về một thế giới cũ đầy thanh tao, quý phái và viên mãn. Cuối cùng, các Nho gia đã đưa những người phụ nữ này vào không gian đạo đức Nho giáo, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. (Và ở đây cũng là một suy nghĩ của người viết: hình tượng Thúy Kiều càng thêm dễ hiểu và sâu sắc khi mà người viết đã đọc xong nghiên cứu này, và đã đối chiếu thế giới trong Truyện Kiều đối với hình tượng kỹ nữ và cả xã hội Minh mạt luôn.)
Sau khi nhà Minh sụp đổ và nhà Thanh lên nắm quyền, hình tượng của kỹ nữ đã thay đổi từ thanh tao và hoài niệm sang thô tục và đáng thương. Sự hồi sinh của chủ nghĩa cổ điển dưới thời nhà Thanh (dẫn đến sự tái khẳng định tầm quan trọng-chính thống của học sĩ-trí thức nam giới), sự kiểm duyệt gắt gao với sách vở và trong in ấn – xuất bản, sự nghiêm khắc trong pháp chế đối với nghệ thuật (rằng nghệ thuật nào mới là đáng xem, người biểu diễn như nào mới là đáng quý,…), và sự suy đồi trong kinh tế dẫn đến sự tích lũy của cải của dân chúng như cuối thời nhà Minh là không thể nữa – tất cả những điều này đã khiến cho văn hóa kỹ nữ suy đồi và biến mất.
Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest

Bài chính

Định nghĩa: Theo luật pháp nhà Minh, nhai xướng và kỹ nữ đều được xếp vào loại ‘tiện dân’. Các kỹ nữ còn được gọi là ‘danh kỹ’ 名妓, còn nhai xướng thông thường được gọi là ‘ngoại kỹ’ 外妓. Ngoài ra còn có một loại nhai xướng đặc biệt khác là ‘quan kỹ’ 官妓, có xuất thân là hậu duệ của những người Mông Cổ đã ở lại Trung Quốc sau khi nhà Nguyên sụp đổ, hoặc là hậu duệ của những quan chức Trung Quốc đã bị kết án. Khác với gái mại dâm, kỹ nữ biết chữ và thường được đào tạo bài bản về văn chương, mỹ thuật, âm nhạc và thơ ca, phục vụ nhu cầu giải trí của giới thượng lưu. Mặt khác, nhai xướng công khai bán dâm trên đường phố vào buổi tối, tiếp xúc ở tầng lớp thấp hơn của xã hội.
Kết hôn: Trong khi luật pháp thời Minh không cấm thường dân nam giới kết hôn với kỹ nữ hay nhai xướng, thì học sĩ-quan lại bị cấm chỉ, nhưng luật đó cũng không thể cản họ cưới kỹ nữ và nhai xướng làm thê thiếp. Hơn nữa, theo pháp luật, đàn ông chỉ có thể cưới một vợ, nhưng việc đàn ông giàu có lấy thêm vài người làm thê thiếp để tăng thanh thế của mình cũng chẳng phải là hiếm. Người đàn ông nào chưa có hậu duệ ở tuổi 40 sẽ được khuyến khích lấy thêm một cô vợ bé.
Kỹ nữ có thể, và đã, cưới người bảo hộ (ma cô; hoặc như của Việt Nam thì là Mã Giám Sinh) hoặc khách hàng của mình (như Từ Hải) bất kể luật pháp thời Minh; và nhai xướng thì có thể làm vợ hai trong một gia đình sung túc. Tuy vậy, kỹ nữ và nhai xướng cũng chia sẻ số phận bập bềnh với nhiều phụ nữ thời đó. Người cha có thể bán con gái mình đi, và kể cả chồng cũng có thể bán vợ (với điều kiện là người vợ đã hỗn láo); và có vẻ là việc buôn người này xảy ra khá thường xuyên trong bối cảnh xã hội Minh mạt.
Và ở đây, chúng ta thấy một sự mơ hồ trong đạo đức: Theo góc nhìn Nho giáo, việc các gia đình hạ lưu buôn bán con gái nhà mình là một điều đáng khinh bỉ; nhưng xã hội lại cho rằng việc một cô gái bị bán đi làm hầu gái hay nhai xướng cho gánh hát để cứu gia đình khỏi cảnh nghèo đói lại là một điều đáng khen ngợi. Chính cô gái này có thể coi rằng đây là môi trường tốt hơn để phát triển vẻ đẹp, tài năng và thành tựu của mình – những giá trị mang tính vật chất. Hơn nữa, chính các gia đình thượng lưu lại là đối tượng mua lấy những cô gái này làm thê thiếp hay làm hầu.
Vậy giá trị của những cô gái này và điều kiện kinh tế của nhà Minh đương thời là ra sao?
• Dưới thời Chính Đức (1506-1521) ở Nam Kinh, một gia đình bình thường có 5 thành viên đã có thể ăn đủ rau và thịt với khoản tiền 20-30 văn tiền mỗi ngày (giá thịt lợn là 8 văn/cân). Tuy vậy, khoảng 100 năm sau, khi mà giá thực phẩm tăng đến chóng mặt (giá thịt lợn thành 40 văn/cân), cuộc sống của dân chúng càng trở nên khó khăn; và lợi nhuận 100-200 nén bạc cho một phụ nữ đủ để cho cuộc sống của các thành viên còn lại đỡ bị bí bách.
• Theo một nghiên cứu khác (Ko, Teacher of the Inner Chambers – từ đây xin độc giả tự tra khảo), bằng việc khảo sát các tiểu thuyết văn học (?), tác giả kết luận rằng tiền bán con gái làm hầu còn nhiều hơn tiền lương 6 thangs làm shop assistant (không hiểu nghề gì); và với một gia đình thường dân, tiền bán đó có thể đủ để mua gạo ăn cho cả một năm.
Tiểu kết: Cùng với những điểm sáng trong văn hóa và kinh tế, nhà nước Minh mạt cũng không tránh khỏi sự chia rẽ sâu đậm về mặt kinh tế-xã hội giữa các tầng lớp giàu-nghèo, thương nhân-nông dân, quan chức-dân thường; và các chuyển biến trong xã hội này đã được quan sát và ghi chép bởi rất nhiều trí thức và quan lại-học sĩ (một tác phẩm mà người viết rất thích là Confusions of Pleasure bởi Timothy Brook). Và cho dù tùy góc nhìn thì các thay đổi này có thể là tích cực hay tiêu cực, ta có thể chắc chắn một điều rằng những thay đổi xã hội và kinh tế đã tạo điều kiện cho các cách suy nghĩ hoặc tiếp cận mới về đạo đức của xã hội Minh, cũng như khả năng của các cá nhân trong việc tiếp cận và hấp thụ các lý tưởng Nho giáo.
Các tác phẩm của giới trí thức từ thời Minh mạt phơi bày sự căng thẳng bởi xung đột giữa các nguyên tắc, lý tưởng đạo đức, và cảm xúc cá nhân của họ. Nỗi thương cảm truyền thống dành cho người kỹ nữ bạc mệnh (hoặc thậm chí là những nhai xướng bị đọa đày) vẫn tồn tại, nhưng giai đoạn này cũng chứng kiến sự phát triển trong một góc nhìn khác về những người phụ nữ này, làm thay đổi cả địa vị và vị trí của họ trong không gian đạo đức Nho giáo.

Về kỹ nữ thời Minh mạt

Hình tượng kỹ nữ theo góc nhìn Nho giáo

Các trí thức thời Minh mạt không coi số phận của kỹ nữ (hay nhai xướng) là tội lỗi hay xấu xa, mà coi đời họ là một điều bất hạnh. Việc các danh kỹ hay nhai xướng vô danh bán thân xác để đổi lấy tiền là đáng thương, và thậm chí có thể coi là định mệnh, nhưng không thực sự là một hoàn cảnh cần được cứu rỗi. Mặc dù một số văn nhân chọn cuộc sống xa hoa và khốn khổ của kỹ nữ làm đề tài cho các vở kịch và tiểu thuyết, nhưng ít người trong số muốn, hay thậm chí là nghĩ đến, sự giải thoát những người phụ nữ này khỏi cuộc đời nô lệ.
Góc nhìn như vậy khác hẳn với quan điểm trước đó về tầng lớp phụ nữ này khoảng 500 năm trước, khi vào thời Nam Tống (1127–1279), nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra giữa các văn nhân và quan lại về vị trí thích hợp của kỹ nữ trong xã hội chuẩn mực. Khi Nho gia thời Tống cố gắng hồi sinh Nho giáo, họ coi kỹ nữ là một tầng lớp đáng lo ngại và gây tranh cãi, và là mối đe dọa đối với sự ổn định của chế độ. Họ tin rằng sự tồn tại của y là mối đe dọa đối với “sự thanh khiết về đạo đức-xã hội của giới thượng lưu nam giới”. Và đối với các quan chức có qua lại với kỹ nữ, họ bị coi là “sa đọa”, và là “biểu tượng của sự bất lương và vô trách nhiệm”. Những thái độ như vậy bắt nguồn từ sự cải cách trong truyền thống và văn hóa nổi lên vào đầu thời Tống, chuyển trọng tâm học tập từ truyền thống văn học-lịch sử sang việc trau dồi hành vi đạo đức; họ đã tạo ra một tập hợp các tác phẩm, học thuyết và thực hành mới, với trọng tâm là các tư tưởng và quy phạm đạo đức-triết học.
Theo thời gian, thái độ tiêu cực đối với kỹ nữ này ngày càng khắc nghiệt, và ngay từ thời Nguyên (1279–1368) và Minh sơ đều cố gắng hạn chế sự hiện diện của họ trong các buổi văn nghệ hay yến tiệc của triều đình. Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương (trị vì từ năm 1368 đến năm 1398) đã ban hành một điều luật đe dọa trừng phạt nghiêm khắc đối với các quan lại bị phát hiện có quan hệ tình dục với các ả đào/con hát (nguyên văn: female entertainers). Nhưng trong suốt thời Minh trung, và đặc biệt là vào giữa thế kỷ XVI, kỹ nữ không còn bị xem thường như này nữa, và đến thời Minh mạt, họ trở thành một nhân vật lý tưởng, một biểu tượng văn hóa.

Về tư tưởng của Vương Dương Minh và kỹ nữ

Sự phục hưng Nho giáo của thời Nam Tống bị chi phối bởi ‘lí học’, coi trọng sự hoàn thiện về đạo đức của cá nhân thông qua sự thông hiểu các tác phẩm Nho học kinh điển được quy định. Học giả tiêu biểu nhất của thời này là Chu Hi (1130–1200), người đã tuyên bố rằng một cá nhân có thể hiểu được Đạo thông qua sự thông hiểu về các phạm trù đạo đức. Vào thời Minh sơ, học thuyết của Chu Hi về Nho giáo, hay còn gọi là Tân Nho giáo chính thống (Orthodox Neo-Confucianism) đã trở thành kiến thức cơ bản cho các cử sĩ học tập.
Nhưng từ thế kỷ XVI, một trường phái tư tưởng mới do chính khách và triết gia Vương Dương Minh (1472–1529) đại diện, đã thách thức quan điểm cho rằng ‘lí’ chỉ có thể tìm thấy trong các kinh điển Nho giáo. Vương, khi đề cập đến câu nói của Mạnh Tử - ‘nhân chi sơ tính bản thiện”, đã diễn giải rằng tính bản thiện của con người cho phép họ hiểu Đạo từ lúc ra đời; và ‘lương tri’ có thể được tìm thấy trong tâm trí của mỗi cá nhân, bất kể địa vị xã hội của người đó.
Khi học thuyết của Chu Hi bị phê bình và dần dần được bãi bỏ, các học giả đã đã tìm cách áp dụng tư tưởng của Vương Dương Minh đối với những vấn đề xã hội đương thời. Niềm tin của Vương rằng ý thức đạo đức của chính cá nhân là nền tảng của đạo đức và đời sống xã hội đã truyền cảm hứng cho các nhà tư tưởng phê phán các phong tục thường ngày và tìm cách để “khôi phục” các giá trị Nho giáo. Họ đã cố gắng tái định nghĩa các giá trị Tân Nho giáo bằng các thuật ngữ nhân văn hơn và viện dẫn khái niệm ‘tình’ 情. Trái ngược với ‘lí’, “đại diện cho tư tưởng cũ kỹ, giáo điều cứng nhắc và phạm trù nhân tạo, ‘tình’ biểu thị sự thể hiện đơn giản của những cảm xúc tươi mới, tự nhiên, lãng mạn và dễ hiểu hơn”.
Khái niệm ‘tình’ trở nên cực kỳ phổ biến thời Minh mạt, và là phương tiện để nam giới và phụ nữ khám phá sự giao thoa giữa đạo đức và văn hóa. Kỹ nữ trở thành tâm điểm của cuộc khảo sát này. Mặt nhục dục trong sự tồn tại của cô ấy được coi là hiện thân của ‘tình’, được thể hiện một cách đa dạng như tự do và độc lập về tinh thần, lòng dũng cảm và hành động anh hùng, sự xa lánh và thông cảm,… Mối liên hệ giữa vị trí mập mờ và địa vị xã hội bấp bênh của kỹ nữ thời Minh mạt và sự thăng tiến của y như một biểu tượng của sự tinh tế, thanh tao và tự do đã được những người ngưỡng mộ nam giới quan sát, coi cô ấy là hiện thân của ‘tình’. Kỹ nữ xuất hiện trong văn học như những hình mẫu về lòng trung thành, đức hạnh và lòng dũng cảm, và đôi khi còn nhiều hơn so với các nhân vật nam.
Bên cạnh góc nhìn của nam giới, nữ giới đương thời cũng có nhiều phản ứng tích cực về hiện tượng này. Theo như Dorothy Ko, học thuyết mới này đã tạo ra một hình ảnh mới và tích cực đối với văn nhân nữ giới. Bây giờ, phụ nữ có thể sáng tác văn học để thỏa mãn nhu cầu thể hiện bản thân; và nó đã mở ra những cánh cửa mới cho cả kỹ nữ và phụ nữ thượng lưu. Quy phạm đạo đức chuẩn mực cho rằng vai trò của người vợ là sinh sản, trong trắng và đoan trang – nhưng giờ đây, vào thời Minh mạt, một “chủ nghĩa bình đẳng lãng mạn” (nguyên văn: romantic equalitarianism) đã len lỏi vào các diễn ngôn chính thống, và thậm chí cả hôn nhân truyền thống cũng có thể được lãng mạn hóa.
Như vậy, trong khi những người vợ trở nên lãng mạn hơn, kỹ nữ trở nên hợp pháp-chính thống hơn. Trong lĩnh vực giải trí, danh tiếng và tài nghệ của kỹ nữ càng được coi trọng hơn. Vào đầu thế kỷ XVII, ngày càng có nhiều kỹ nữ được rước về nhà và điền trang của những gia đình có quyền thế, cả với tư cách là thiếp và là “vợ cả”. Các cặp đôi văn nhân-kỹ nữ thời Minh mạt tin rằng định mệnh của họ không chỉ là kết hôn mà còn là “một câu chuyện lãng mạn sẽ tồn tại đến nghìn thu”. Điều quan trọng nữa là trong công chúng và tư nhân, các kỹ nữ đã nhấn mạnh phẩm chất đạo đức của họ hơn là tài nghệ - tức coi bản thân như những người phụ nữ đức hạnh; và để đối chọi với điều này, phụ nữ thượng lưu thời Minh mạt đã gây dựng hình ảnh bản thân như những ‘tài nữ’ 才女. Hơn nữa, phu nhân và kỹ nữ làm bạn qua trao đổi thơ ca và tranh vẽ; các kỹ nữ cũng được mời bởi các phu nhân để đến biểu diễn cho những yến tiệc tổ chức tại gia

Sự suy tàn của hình tượng kỹ nữ

Sau khi nhà Minh sụp đổ, người Mãn Châu thành lập triều đại nhà Thanh (1644-1911), nhưng đến tận năm 1683 thì triều đình nhà Thanh mới kiểm soát được toàn bộ Trung Quốc; và do đó hậu quả của các tranh chấp chính trị và các cuộc chiến tranh liên miên đã có ảnh hưởng sâu đậm tới xã hội Trung Quốc trong gần bốn thập kỷ. Cả đàn ông và phụ nữ đã kinh ngạc trước sự sụp đổ đột ngột của nhà Minh, suy ngẫm về nguyên nhân của sự sụp đổ của triều đại, và bắt đầu tìm kiếm lời giải thích nào khác ngoài sức mạnh quân sự của người Mãn Châu. Rốt cuộc, họ đã đi đến kết luận rằng chủ nghĩa tự do và "đạo đức lỏng lẻo" của nửa sau triều đại nhà Minh là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ.
Nhưng trước đó, trong thời kỳ nội chiến đầy hỗn loạn, các phong trào thể hiện lòng trung đối với nhà Minh đã lan rộng khắp đất nước; và kỹ nữ là những nhân tố quan trọng trong phong trào kháng chiến này. Theo Kang-i Sun Chang, "sau khi nhà Minh sụp đổ, các nhà thơ trung thành đã tự nhìn nhận mình với hình ảnh ẩn dụ là người kỹ nữ". Hoàn cảnh của những vị trung quân và kỹ nữ thật giống nhau: họ bị mắc kẹt trong nỗi hoài niệm về một thế giới đã lụi tàn, và họ luôn tìm cách khôi phục và bảo toàn khát vọng sống còn của mình.
Trên phương diện thực tế, kỹ nữ - với mạng lưới xã hội rộng lớn và lối sống nay đây mai đó – đã có thể đóng vai trò là trinh sát, tình báo và gây quỹ cho quân khởi nghĩa; theo thời gian, họ đã tạo dựng được danh tiếng "người truyền cảm hứng" nhờ lập trường kiên định đánh đuổi quân xâm lược. Nhiều kỹ nữ đã tự sát công khai để phản đối và kết thúc cuộc đời như những kẻ tử vì đạo. Tuy nhiên, dần dần, vị thế biểu tượng của kỹ nữ đã thay đổi - từ đại diện cho lý tưởng tự do, tài nghệ và anh hùng sang hình ảnh ẩn dụ cho một thế giới đã mất vốn đầy sang trọng, hoa lệ và yêu kiều.
Sự thay đổi trong cách nhìn đối với kỹ nữ, từ văn hóa và hoài niệm sang sự thô tục và thương hại vào thế kỷ 19, có thể được quy cho một số yếu tố. Đầu tiên, trong những năm sau sự sụp đổ của nhà Minh, giới học giả và trí thức nam Trung Quốc đã quay trở lại với Tân Nho giáo chính thống (thời Tống), trong đó lễ tiết-nghi thức trở nên quan trọng hơn cả. Sự hồi sinh của Nho giáo cổ điển trong thời nhà Thanh đã củng cố ranh giới giữa Nho học chính thống và Nho học phi chính thống, khiến các học giả khó có thể lãng mạn hóa mối quan hệ của họ với kỹ nữ. Thứ hai, việc nhà Thanh tiếp quản đã phá hủy nhiều gia sản lớn của vùng dưới của sông Dương Tử và những thay đổi trong cơ cấu thuế đã ngăn cản sự tích lũy tài sản của gia đình và cá nhân được dồi dào như thời Minh mạt.
Cớ đó, từ những năm 1680, các nhà xuất bản không còn đổ xô in ấn các đầu sách mới phục vụ cho sự giải trí của tầng lớp thượng lưu nữa. Tuyển tập lớn cuối cùng về văn học phụ nữ được in vào năm 1690, và tuyển tập tiếp theo phải đến năm 1773 mới xuất hiện. Sự kiểm soát ngày càng gắt gao của chế độ mới đối với các tài liệu in, khiến các nhà xuất bản chuộng việc tái bản các tác phẩm cũ và nổi tiếng, hơn là chọn in các ấn bản mới hơn.
Một yếu tố khác góp phần vào sự suy đồi của hình tượng kỹ nữ là luật mới của chính phủ liên quan đến giải trí trong cung đình. Triều đình nhà Thanh đã cấm các nghệ sĩ nữ biểu diễn trong các sự kiện chính thức; và về lâu dài, điều này đã tước bỏ sự bảo đảm về mặt địa vị của kỹ nữ và dẫn đến sự mở rộng của ngành giải trí tư nhân, tạo điều kiện mới cho thị trường tình dục khiêu dâm. Đồng thời, phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu và có học thức đã chiếm lĩnh thể loại thơ, vốn là một lĩnh vực không thể thiếu trong văn học kỹ nữ. Vợ và con gái của giới tinh hoa-trí thức đã phân biệt học vấn của riêng họ với tài năng của kỹ nữ, mà giờ đây họ xem là tầm thường.
Xét đến giai đoạn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, các học giả văn học hiện đại cho rằng thơ của các Nho sĩ và kỹ nữ thời này tập trung ít hơn vào tình yêu, tài năng, vẻ đẹp hay hoài niệm, mà tập trung nhiều hơn vào những đau khổ của kỹ nữ do bị bóc lột tình dục, bị đọa đày và sỉ nhục.
2025/01/12. 10:45 PM.