"Làm tình" với kẻ không yêu
Đã nhiều lần, tôi buộc phải có "phản ứng hóa học" với những thứ mình không hề thích.
Hôm nay, tôi tình cờ nhặt được bài làm văn của một em học sinh cấp 2. Đề yêu cầu tả dòng sông quê em và kể những kỷ niệm tuổi thơ gắn với dòng sông ấy. Em học sinh này đã viết được 3 trang giấy.
Hồi nhỏ, tôi là một đứa sợ nước, vì có lần về quê nội bị té sông, may lúc đó có ba tôi nhảy xuống sông lôi tôi lên kịp. Sau đó, suốt thời ấu thơ của mình, tôi không dám bén mảng tới bờ sông. Đó là cái kỷ niệm duy nhất của tôi về con sông quê thời thơ ấu. Nếu bây giờ gặp cái đề văn như trên thì tôi viết tối đa được 3-4 câu là cùng.
Tôi không nhớ lần đầu tiên mình nói dối là khi nào, nhưng tôi chắc chắn một điều: tôi được rèn luyện kỹ năng nói dối qua môn văn. Cái khủng khiếp của môn văn là nó bắt ta phải có cảm xúc với một điều gì đó mà ta không hề có cảm xúc. Ví dụ, đây là một đề văn mà tôi từng làm trong giờ kiểm tra (khi còn ngồi trên ghế nhà trường):
Hãy chọn một khổ thơ mà em thích nhất trong bài thơ X, và trình bày lý do vì sao em thích khổ thơ ấy.
Vấn đề là tôi không thích bài thơ X nên chẳng có khổ thơ nào trong bài ấy làm tôi ưa. Vậy mà tôi nhớ… đến cuối giờ kiểm tra, mình vẫn viết hết một đôi giấy để nộp.
Tôi không nhớ bài văn đó được mấy điểm, nhưng tôi chắc chắn rằng những gì mình viết trong tờ giấy kiểm tra kia là dối trá (ngôn ngữ chợ búa gọi là “xạo lờ”).
Môn văn không dạy tôi viết cho chính mình, mà dạy tôi viết cho duy nhất một người đọc: giáo viên dạy văn của tôi. Môn văn không dạy tôi viết ra những suy nghĩ thật sự của mình, mà dạy tôi viết sao cho hài lòng duy nhất một người: giáo viên dạy văn của tôi. Giáo viên thường cho điểm cao những học sinh có ý kiến giống họ nhất.
Khi một thứ mà ta thấy nó không hay ho, không thú vị, nhưng bắt buộc phải khen thì ta đang xây dựng trong mình một cái tôi giả tạo, trong khi cái tôi thật của mình thì dần dần lặn mất. Đến một lúc, ta không tìm thấy cái tôi thật của mình nữa. Vì cái tôi ấy như một đứa trẻ mồ côi, nó lang thang, đói khát và có thể đã chết rục ở đầu đường xó chợ từ lúc nào rồi. Trong ta bị khuyết một khoảng rất lớn. Lý do ta không thể hiểu nổi mình chính là đây; ta đã giết dần con người thật của mình qua những lần dối trá; ta như cái cây mà phần lõi đã mục ruỗng từ lâu…
Thế giới ngày nay đầy rẫy những con người không hiểu nổi mình, bất mãn với chính mình, không biết làm gì với đời mình, loay hoay đi tìm ý nghĩa cuộc đời… Và họ dễ dàng bị đủ thứ chủ nghĩa, tôn giáo, trào lưu tâm linh… lôi kéo, với cái hy vọng rằng chúng sẽ “làm đầy” mình, sẽ “chữa lành” cho chính mình!
Có dạo, tôi viết một loạt bài review sách. Một công ty sách đã xin copy vài bài của tôi để đăng lên fanpage của họ. Đồng thời, họ cũng gửi tặng tôi vài cuốn sách mà họ mới xuất bản. Họ gợi ý tôi thể viết review về những cuốn sách ấy, nếu bài viết được chọn đăng lên fanpage, tôi còn nhận được nhuận bút nữa…
Tôi đã làm họ thất vọng. Vì từ khi rời khỏi ghế nhà trường, tôi chỉ viết những gì mình thích, và vật vã tìm cách gỡ bỏ cái tôi giả tạo ra khỏi những gì mình viết. Tôi không viết theo đặt hàng. Tôi không viết theo yêu cầu. Vì việc đó giống như làm tình với những người mà mình không yêu. Điều kinh khủng là tôi đã làm điều này rất nhiều lần khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ôi, đừng hiểu lầm! Không phải là làm tình trên ghế nhà trường đâu, mà là bị ép phải có cảm xúc với những thứ mình không thích.
Cũng tội cho giáo viên, vì họ phải đọc những thứ “xạo…” của tôi, và có thể là của rất rất nhiều thế hệ học sinh khác.
PS: Tâm trạng của tôi có chút không vui khi nhặt được bài làm văn trên, và tôi muốn lan tỏa thứ năng lượng tiêu cực này đến tất cả mọi người.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất