Rửa tiền: Hệ lụy nghiêm trọng và thực trạng tại Việt Nam
Nếu phải liệt kê các loại tội phạm nguy hiểm, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến những tập đoàn mafia tại Ý, tổ chức khủng bố tại Pakistan...
Nếu phải liệt kê các loại tội phạm nguy hiểm, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến những tập đoàn mafia tại Ý, tổ chức khủng bố tại Pakistan hay các đường dây buôn lậu chất cấm lớn ở đặc khu Tam giác vàng. Tuy nhiên, còn 1 loại tội phạm tinh vi, khó bị điều tra hơn rất nhiều, bạn sẽ rất ít nghe được thông tin về hoạt động của chúng nhưng chúng lại có liên quan đến tất cả các loại tội phạm nguy hiểm kể trên. Đó chính là tội phạm rửa tiền.
2.2 - 5.5 nghìn tỷ USD là khối lượng rửa tiền hàng năm trên toàn cầu, được Văn phòng Liên hợp quốc về Tội phạm ước tính vào năm 2024. Đây là 1 quy mô cực kỳ lớn vì nó tương đương tới 2 - 5% lượng GDP toàn thế giới hàng năm.
Tại Việt Nam, hoạt động rửa tiền không quá mới, đã ghi nhận những vụ án lớn như Vạn Thịnh Phát hay đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu. Tuy nhiên những quy định về xử lý hay phòng chống hoạt động này của chúng ta vẫn còn khá lỏng lẻo. Đó chính là lý do mà trong năm 2023, Việt Nam đã bị đưa vào vào danh sách giám sát tăng cường về hoạt động rửa tiền (Danh sách Xám) của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền (FATF).
Vậy thì, rửa tiền là gì, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng thế nào cho nền kinh tế và thực trạng rửa tiền tại Việt Nam hiện tại ra sao? Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết bên dưới nhé.
1, “Rửa” tiền là gì?
- Định nghĩa
Trước tiên, cần phải hiểu “tiền bẩn” phải mang đi rửa là những nguồn thu nhập phạm pháp (như: buôn bán chất cấm, ăn cướp, lừa đảo, tham nhũng) mà các tổ chức tội phạm hay cá nhân tham nhũng không muốn bị các cơ quan chức năng phát hiện, để tránh tội cũng như tránh cả thuế luôn.
Tuy nhiên các khoản tiền đó sẽ không thể thoải mái sử dụng được (Ví dụ bạn làm việc văn phòng lương 10 triệu mà tự nhiên có vài chục tỷ gửi ngân hàng hay mua đất thì sẽ bị cơ quan chức năng nghi ngờ nguồn gốc số tiền ngay). Do đó cần phải có cách biến những khoản tiền bẩn đó thành tiền sạch. Và các hoạt động “làm sạch” như vậy được gọi là rửa tiền.
Bạn có thể hiểu đơn giản rằng, rửa tiền gồm 2 mục đích chính: (1) xóa dấu vết về nguồn gốc số tiền bẩn và (2) hợp lý hóa số tiền đã rửa sạch để chảy về túi chủ nhân của chúng.
- Lịch sử
Hoạt động che dấu tiền bẩn thực chất đã tồn tại từ thời kỳ cổ xưa, gắn liền với sự lâu đời của chính hệ thống tiền tệ. Ở Trung Quốc, các thương gia từ 2000 năm trước đã có nhiều hoạt động nhằm che giấu tài sản của họ không để vua biết được, để tránh nguy cơ bị tịch thu tài sản và bị trục xuất ra khỏi vương quốc.
Tuy nhiên thuật ngữ “rửa tiền” chỉ chính thức được phổ biến rộng rãi nhờ Al Capone, một trùm mafia lớn ở Chicago, khi mà ông ta lập ra các tiệm giặt ủi khắp thành phố để che giấu nguồn gốc của số tiền kiếm được từ việc bán rượu lậu. Tiền bẩn thông qua tiệm giặt ủi biến thành tiền sạch nên người ta mới gọi nó là rửa tiền.
Đến thế kỷ 20, để phòng chống việc rửa tiền, các chính phủ bắt đầu áp dụng phổ biến việc tịch thu tài sản. Đây là 1 cách tư duy ngược khá hay: Tức là thay vì việc điều tra viên phải chứng minh 1 nguồn tài sản là phi pháp, thì giờ họ sẽ tịch thu tài sản bị nghi ngờ đó, và nghi phạm sẽ phải tự chứng minh số tài sản đó là hợp pháp thì mới được nhận lại chúng =))
- Các bước thực hiện rửa tiền:
+ Bước 1 (Sắp xếp - Placement): tội phạm bắt đầu chọn 1 địa điểm an toàn và phù hợp để gửi tiền bẩn vào, đây cũng là giai đoạn dễ bị phát hiện nhất, vì chỉ cần số tiền gửi vào cao bất thường thì các ngân hàng và cơ quan chức năng sẽ nghi ngờ ngay lập tức.
+ Bước 2 (Xếp lớp - Layering): các khoản tiền được đưa vào hệ thống tài chính hợp pháp bằng cách thực hiện rất nhiều các giao dịch (các lớp - layer), ví dụ như chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản ngân hàng, các quốc gia, đầu tư dự án, mua đi bán lại các tài sản,... nhằm để số tiền bẩn đi càng xa khỏi nguồn gốc của nó càng tốt. Do đó, kể cả khi bị phát hiện thì cũng rất khó để tra soát lại đủ bằng chứng kết tội cũng như thu hồi đủ số tiền đã được rửa.
Vụ án Vạn Thịnh Phát có thể miêu tả rõ hoạt động này, khi mà 420.000 tỉ đồng tham nhũng từ SCB được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo chuyển qua lại giữa các tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân, cuối cùng rút tiền mặt ra để cắt đứt dòng tiền.
+ Bước 3 (Hợp thức hóa - Integration): từ đầu ra của chuỗi xếp lớp ở bước 2, các khoản tiền đã được “làm sạch” và chính thức thâm nhập vào nền kinh tế 1 cách hợp pháp. Đến bước này, mọi thứ đã đã trở nên rất khó trong việc xác định sai phạm và điều tra nguồn gốc dòng tiền.
2, Các phương pháp rửa tiền
Với 3 bước cơ bản kể trên, tội phạm có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế để rửa sạch lượng tiền bẩn, và dưới đây là các phương pháp phổ biến, mình sẽ sắp xếp theo mức độ phức tạp từ thấp đến cao:
- Mua bán tài sản
Việc mua tài sản gái trị cao (trang sức, bất động sản, xe sang,...) và để người thân đứng tên là cách phổ biến nhất để cất giấu tiền bẩn.
Điển hình như với ngành bất động sản, mức độ ẩn danh và riêng tư cao giúp tội phạm dễ dàng che giấu quyền sở hữu và quyền kiểm soát tài sản. Hệ lụy của việc này là 1 lượng lớn tiền sẽ đổ vào thị trường bất động sản khiến giá nhà tăng mạnh như ở các thành phố: Dubai, Singapore, Hong Kong,...
Các loại tài sản khác để tiêu thụ tiền bẩn như trang sức, tác phẩm nghệ thuật thì có lợi hơn ở tính cơ động. Bạn có thể mang 1 bức tranh, 1 cái đồng hồ hoặc 1 cái nhẫn kim cương trị giá vài chục tỷ lên máy bay thì tất nhiên sẽ ít bị chú ý hơn là 1 vali tiền mặt đúng không. Và nhờ đó có thể thành công vận chuyển 1 lượng tiền lớn rồi.
Vụ án Mr.Pip gần đây là ví dụ điển hình của hoạt động này, khi mà số tiền bẩn của kẻ chủ mưu vụ án hơn 5200 tỷ được đầu tư vào nhiều tài sản có giá như: 125 bất động sản, 31 siêu xe, 890 miếng vàng sjc, 246 kg vàng, cùng 1 cơ số đồng hồ, túi xách hàng hiệu các loại.
- Thành lập doanh nghiệp
1 cách phổ biến khác ngoài để tiền vào các tài sản giá trị cao thì bạn có thể tiến hành thành lập 1 công ty ma. Công ty ma là công ty không có hoạt động kinh doanh thực, chủ yếu dùng để hợp thức hóa dòng tiền đã rửa sạch thành 1 nguồn thu nhập hợp pháp, và thường được đặt tại các thiên đường trốn thuế như: Thụy Sĩ, quần đảo Bermuda hay Panama.
Ví dụ bạn có 1 dòng tiền phạm pháp ở Mỹ và thành lập 1 công ty ma X tại Panama để rửa dòng tiền đó. Công ty X có thể làm về lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử, có 1 vài nhân viên và thậm chí chỉ cần văn phòng ảo cũng được. Sau đó bạn ký hợp đồng mua bán với công ty X và trả tiền vào tài khoản công ty tại Panama. Vậy là số tiền bẩn đã dễ dàng được rửa sạch thành lợi nhuận của công ty X, còn lô hàng điện từ kia thì có giao hay không cũng chả ai quan tâm. Cuối cùng mục đích đặt trụ sở ở các thiên đường thuế là để khi dòng tiền đã rửa sạch được rút ra như 1 khoản lợi nhuận của công ty thì hoàn toàn không phải chịu thuế, hoặc thuế cực thấp.
Trong vụ án rửa tiền lớn nhất lịch sử - Hồ sơ Panama, nhân vật chính là Mossack Fonseca, 1 công ty luật chuyên rửa tiền có trụ sở tại Panama, đã thành lập hơn 200 nghìn công ty ma để có thể hỗ trợ trốn thuế và rửa tiền cho 140 khách hàng của mình. Và trong danh sách khách hàng đó cũng có những cái tên Việt Nam quen thuộc như: Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric (chính là tên của chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chồng).
- Chuyển tiền ra nước ngoài
Theo Luật chống rửa tiền tại Việt Nam, các khoản tiền chuyển ra nước ngoài có giá trị lớn hơn 300 triệu VND sẽ phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên những kẻ phạm tội vẫn có thể tìm ra nhiều cách để lách luật này.
Giống như trong vụ Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan có thể chuyển cả trăm nghìn tỷ VND ra nước ngoài mà không bị phát hiện nhờ lập khống các hợp đồng chuyển nhượng và góp vốn cho các công ty ma ở nước ngoài.
Hoặc tội phạm có thể sử dụng sòng bạc casino online hoặc các quỹ đầu tư làm công cụ trung gian. Chúng sẽ chuyển tiền bẩn vào casino, đánh linh tinh vài ván rồi rút tiền ra và số tiền đó coi như là tiền thắng bạc. Tương tự vậy với quỹ đầu tư, cũng chuyển tiền bẩn vào sau đó rút ra coi như đó là tiền đầu tư lãi.
Hay 1 sản phẩm đầu tư mới và đang phát triển cực nhanh hiện nay là Tiền ảo cũng có thể trở thành 1 công cụ để chuyển tiền bẩn ra nước ngoài nhờ việc thiếu các chính sách quản lý và tính ẩn danh của sản phẩm này. Ví dụ, nếu như muốn chuyển tiền giá trị lớn hơn 300 triệu đồng ra nước ngoài mà không muốn phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước, tội phạm có thể mua tiền ảo qua ứng dụng Binance theo hình thức P2P (cá nhân với cá nhân), thì sẽ không ai xác minh và kiểm soát. Số tiền ảo sau khi chuyển đổi được có thể tùy ý bán trên thị trường, chuyển cho người khác hoặc đổi sang 1 ngoại tệ khác mà không bị 1 tổ chức tài chính hay cơ quan chức năng nào giám sát.
Trong vụ án Mr.Pip, số tài sản 5200 tỷ VND bị tịch thủ của thủ phạm đều là tài sản vật lý và các tài khoản trong nước, các loại tài sản khác như tiền ảo, ngoại hối nếu như thủ phạm không tự giác khai ra thì cơ quan chức năng cũng rất khó xác minh được.
3, Hệ lụy
Mặc dù có nhiều phương pháp rửa tiền nhưng điểm giống nhau của chúng là đều sẽ ảnh hưởng đa chiều lên toàn bộ nền kinh tế cũng như từng cá nhân trong nền kinh tế đó. Các tác động có thể kể đến như:
- Mất uy tín quốc gia và hạn chế đầu tư nước ngoài.
Giống như điểm tín dụng của cá nhân, nếu 1 đất nước có điểm tín dụng thấp, tức rủi ro rửa tiền cao thì sẽ dẫn đến hạn chế các khoản đầu tư và hợp tác làm ăn từ các đối tác nước ngoài. Nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng thế giới cũng sẽ khó khăn và mất nhiều chi phí để kiểm duyệt hơn.
Điều này ko chỉ áp dụng với quốc gia mà còn là tất cả các doanh nghiệp nằm trong quốc gia đó. Từ đó ta có hệ lụy tiếp theo.
- Làm suy yếu nền kinh tế
Các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh sẽ bị hạn chế các khoản đầu tư nước ngoài do rủi ro chung về rửa tiền trên toàn quốc gia. Ngoài ra họ cũng không thể cạnh tranh với các công ty ma lập nên để rửa tiền. Vì các công ty ma phần lớn không cần lợi nhuận nên có thể bán hàng hóa siêu rẻ chỉ để hợp thức hóa hoạt động kinh doanh.
Thêm vào đó, nếu dòng tiền bẩn chảy vào các loại tài sản đầu tư (Bất động sản, Chứng khoán) sẽ làm tăng giá ảo, gây ra lạm phát, tăng chi phí và gia tăng sự bất bình đẳng. Từ đó sẽ khiến việc đầu tư, kinh doanh của các cá nhân khác trở nên khó khăn hơn và kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chung.
- Bất ổn hệ thống tài chính
Các nguồn tiền bẩn nằm ngoài quy định pháp luật và ko đóng thuế sẽ gây thất thoát 1 lượng lớn ngân sách, từ đó gây khó khăn cho Nhà nước trong việc kiểm soát lượng tiền lưu thông trong thị trường và đưa ra các chính sách kinh tế hiệu quả.
- Gia tăng tội phạm và tham nhũng (An sinh xã hội).
Việc rửa tiền thành công đồng nghĩa với tư duy rằng các hoạt động phạm tội có thể thành công và mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ. 1 đất nước còn được xem là nơi trú ẩn an toàn cho hoạt động rửa tiền thì khi đó vẫn còn có nhiều khả năng nước đó có sức lôi cuốn tội phạm và thúc đẩy tham nhũng.
Điều này cũng làm gia tăng tình trạng sử dụng hối lộ để mở ra những cửa ngõ quan trọng cho tội phạm rửa tiền, cùng với đó là suy giảm niềm tin của người dân về hệ thống pháp luật và quản lý của các cấp chính quyền.
** Thực trạng tại Việt Nam:
Theo báo cáo từ NHNN mỗi năm ước tính có trên 11000 vụ án liên quan đến hoạt động rửa tiền. Tuy nhiên số vụ được xét xử thì vẫn là rất ít so với con số trên. Lý do là bởi, tại nhiều nước trên thế giới, hình thức xử lý nghi phạm sẽ giống cách tư duy ngược phía đầu bài mình có đề cập, tức là nếu cá nhân không chứng minh được tài sản là hợp pháp thì sẽ nghiễm nhiên bị tịch thu, do đó việc kết tội sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, ở nước ta, quy định lại giống tư duy xuôi, tức là cơ quan chức năng phải tìm được đủ bằng chứng mới có thể kết luận tài sản đó là phi pháp hay không. Cộng hưởng với các phương pháp rửa tiền ngày càng tinh vi khiến cho việc khép tội rửa tiền rất khó và tốn nhiều thời gian.
4, Thay lời kết
Có thể nói, rửa tiền là 1 trong những hoạt động phi pháp khó điều tra và xử lý nhất, vì tội phạm rửa tiền lại được bảo vệ bởi chính những quy định về bảo mật thông tin khách hàng của các hệ thống tài chính. Cùng với đó, chúng còn liên tục phát triển nhờ sự phát triển của công nghệ và các phương thức thanh toán mới.
Hệ lụy mà rửa tiền gây ra không chỉ có tác động đến nền kinh tế nói chung (giảm uy tín quốc gia, suy yếu nền kinh tế) mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến từng cá nhân trong nền kinh tế đó nói riêng (tăng tội phạm, tham nhũng, bùng nổ giá tài sản, gia tăng bất bình đẳng). Do đó, hiểu rõ các thủ đoạn của đối tượng phạm tội là bước đầu giúp chúng ta chủ động phòng ngừa và tránh trở thành nạn nhân xấu số của chúng.
----------------------------------------------------
Trang cá nhân tác giả: Facebook
Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất