Dịch từ bài chia sẻ của nhà văn Tettyo Saito được đăng lại bằng tiếng Anh trên website Archyde. Người dịch có sửa lại văn phong ở một số chỗ để cho phù hợp với độc giả Việt Nam. Tiêu đề bài viết do người dịch đặt.
Tettyo Saiko. Ảnh từ Facebook tác giả.
Tettyo Saiko. Ảnh từ Facebook tác giả.
Năm năm trước, tâm hồn tôi là một hố sâu tăm tối vô tận. Không có công ăn việc làm, không có tiền, không có bạn. Không có gì cả. Không có gì cả. Trong con người tôi chỉ còn căn bệnh trầm cảm và hội chứng tự kỷ. Sống như một hikikomori trong tăm tối, mẹ và ba tôi ghét tôi cứ như tôi là một con bọ cánh cứng đẻ trứng trong nhà. Nhưng tôi không thể đi nơi khác được, do đó tôi cứ ở trong phòng giết thời gian, một vòng xoáy vô tận đến buồn nôn.
Chỉ có phim ảnh mới chữa lành cho tâm hồn tôi. Chỉ khi tôi xem phim thì tôi mới có thể quên được những nỗi buồn đang bùng nổ, những sự lo âu có sức tàn phá nặng nề và những cơn giận giữ trong thầm lặng mà tôi dành cho thế giới. Và mỗi lần tôi viết review về một bộ phim tôi xem qua, tôi đều giả vờ mình là một chuyên gia phê bình phim, và tôi luôn cố gắng dìm lòng tự trọng của mình.
Và rồi tôi xem một bộ phim của Romania tên là Policeman (Người cảnh sát), của đạo diễn Corneliu Porumboiu. Phim này là về một anh cảnh sát phải chịu khổ vì những xung đột với đạo đức nghề nghiệp xảy ra lúc Romania sắp gia nhập Liên minh châu Âu (EU), nhưng tôi rất ngạc nhiên bởi sự khác biệt của những cảnh quay trong phim này so với các phim tôi từng xem. Phim có những cảnh hài hước tăm tối, những sự chỉ trích nặng nề dành cho nỗi khổ mà quốc gia của ông phải gánh chịu trong thực tế, và trên hết ngạc nhiên nhất là những chi tiết theo chủ nghĩa hiện thực mà đạo diễn đã tạo ra, những thứ có một chút tinh tế giống như văn hóa Zen. Trong phim có nhiều khoảnh khắc hư ảo đối nghịch nhau, chủ nghĩa hiện thực vượt lên các hiện tượng sinh lý như lúc chớp mắt. Lòng tôi đã tràn đầy sự kính phục.
Kể từ đó tôi bắt đầu xem rất nhiều phim Romania. Từ phim của các đạo diễn đương đại như phim của Porumboiu (Was it or was it not? Treasure), của Cristi Puiu (Goods and money Aurora) hoặc là của Radu Muntean (Boogie) cho đến phim của các bậc thầy, ví dụ một vài bộ của Lucian Pintilie (Reconstruction, Libra The afternoon of a torturer), của Malvina Ursianu (Mona Lisa without a smile A light on the tenth floor) và của Mircea Daneliuc (Cruise Marital bed). Và tôi nghĩ rằng tôi nên học ngôn ngữ Romania nếu tôi muốn hiểu sâu hơn về phim Romania cũng như văn hóa của đất nước đó.
Để học ngôn ngữ này, tôi dùng ba quyển sách giáo khoa bởi vì chỉ có duy nhất ba quyển sách giáo khoa tiếng Romania được viết ở Nhật Bản. Và trong khi tôi vẫn đọc các bài phê bình phim viết bởi Flavia Dima, Victor Morozov, Calin Boto và Andrei Gorzo, tôi cũng bắt đầu đọc báo trên tạp chí VICE ấn bản tiếng Romania. Tôi học ngữ pháp Romania và từ vựng bằng cách so sánh bản dịch trên báo VICE Romania so với bản gốc tiếng Anh trên báo VICE US và UK. Nhưng tôi cũng đọc rất nhiều bài viết về tình dục và khiêu dâm, cho nên số lượng từ vựng tục tĩu của tôi cũng tăng lên.
Và nhờ vào cách học này, tôi bắt đầu có thể dịch các bài phê bình phim và các câu chuyện mà tôi đã viết trước đó khi đang học đại học. Tất nhiên là bản dịch của tôi lúc đó dở tệ, nhưng nó giúp tạo ra cho tôi cảm giác tôi đã đạt được thành tựu nào đó. Và rồi nhen nhóm trong lòng tôi sau đó là ham muốn được thấy người Romania đọc truyện của tôi được viết bằng tiếng Romania, ham muốn ấy cứ lớn lên ngày qua ngày.
Cũng vào khoảng thời gian này, tôi đọc quyển tiểu thuyết A hourse in a sea of swans viết bởi Raluca Nagy, viết về một du học sinh quốc tế sống ở Tokyo, quê hương của tôi. Và tôi biết rằng quyển tiểu thuyết này lấy cảm hứng từ một shishosetsu, một loại tiểu thuyết Nhật Bản mà tôi từng nghiên cứu ở trường đại học. Vô cùng hứng thú với một quyển sách có văn phong như văn học Nhật Bản mà lại được viết bằng tiếng Romania, tôi gửi anh tác giả một tin nhắn: "Quyển tiểu thuyết anh viết là quyển tiểu thuyết Romania đầu tiên tôi đọc bằng ngôn ngữ Romania."
Vài tháng sau, tôi gặp Raluca-san (tôi luôn gọi anh ấy như vậy) ở Roppongi, Tokyo. Ở trong phòng ăn với nhau, chúng tôi nói về phim ảnh và văn học Romania. Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm trò chuyện với một người Romania ngoài đời thật, do đó với tôi cái trải nghiệm thật phi thường. Nhưng còn phi thường hơn thế là sau khi Raluca-san đọc truyện của tôi viết bằng tiếng Romania, anh ấy nói: "Thật tươi mới!".
Tôi sau đó đã dịch thêm một vài truyện với sự tự tin to lớn mà Raluca-san đã tạo ra cho tôi. Và trở nên liều lĩnh hơn, tôi viết một dòng tin lên Facebook: "Tôi, một người Nhật Bản, đang dự định viết một câu chuyện về mặt tối ở Nhật Bản bằng tiếng Romania, mọi người có hứng thú đọc không?".
Có rất nhiều người trả lời, nhưng một trong số đó đến từ Mihail Victus, một nhà văn và là biên tập của tạp chí văn học LiterNautica (tạp chí văn học của Romania - ND). Thật sự lúc đó tim tôi như nổ tung khi nhận được tin nhắn: "Xin chào! Anh có thể cho tôi đọc một trong số những truyện về 'Mặt tối của Nhậ Bản' được không?". Và ông nói rằng nếu truyện đó viết hay, ông sẽ xuất bản nó trên LiterNautica. Ôi đệch, DM. Sau đó tôi gửi truyện cho ông ấy, rồi tôi chờ đợi trong sự mơ hồ pha trộn giữa niềm vui và âu lo, tôi cứ chờ và chờ và chờ...
"Hey, tôi thích những truyện anh viết đấy. Tôi sẽ đăng nó lên LiterNautica."
Và thế là truyện của tôi được đăng với tiêu đề "An Ordinary Japanese" (Một người Nhật bình thường) và tôi trở thành người Nhật đầu tiên viết truyện bằng tiếng Romania. Sự kiện đó còn rơi cả vào ngày 01/04, ngày cá tháng Tư, bạn tin nổi không? Tôi thật sự khi đó cứ như chìm đắm trong giấc mơ hoang đường của một gã say.
Một năm sáu tháng đã trôi qua kể từ khoảnh khắc định mệnh đó và tôi đã trải qua nhiều chuyện. Tôi đã có hai mươi truyện được xuất bản bởi các tạp chí văn học khác nhau, ví dụ như LiterNautica, EgoPhobia, A Thousand Signs và Ithaca. Tôi trở thành bạn với những nhà văn Romania như Radu Gavan, Cornel Balan và Teodor Bordeianu. Tôi nhận được những lời khen tươi đẹp từ các độc giả Romania: "Tuyệt vời!", "Đáng hoan nghênh! Đoạn này viết rất tốt". "Chúc mừng, đây là một đoạn văn đầy sức sống và những hình ảnh sống động", "Tiếng Romania của mày thật giả tạo. Đi chết đi!", "Mày khiến tiếng Romania trở thành ngôn ngữ đồi bại. Mày là nỗi xấu hổ cho Romania" và "Fă harakiri!" (Mày đi chết đi - ND).
(Người dịch đoán Tettyo viết truyện khiêu dâm hoặc bạo lực hơi nhiều).
Nhưng sự kiện gây bất ngờ nhất lại xảy ra ở Nhật Bản, một vài tháng sau khi tôi đã trở thành nhà văn viết bằng tiếng Romania, khi một quyển sách được dịch qua tiếng Nhật. Quyển có tựa đề là Squaring the circle,, viết bởi Gheorghe Sasarman. Người dịch quyển đó là Haruya Sumiya, là một thiên sứ cho những tín đồ Nhật Bản yêu văn học Romania. Nếu ông ấy không sống trên cõi đời này, chúng ta sẽ không bao giờ được đọc các tiểu thuyết của Mircea Eliade, Zaharia Stancu hoặc Liviu Rebreanu bằng tiếng Nhật.
Vào thời điểm đó, một biên tập viên của Nhà xuất bản Tokyo Sougen, nơi đã xuất bản quyển Squaring the circle, đã gửi cho tôi một tin nhắn rất tuyệt vời: Ông Sumiya đã đọc truyện viết bằng tiếng Romania của tôi. Tôi khi đó đã vô cùng cảm kích. Sau đó vài tháng, ông ta (Sumiya) gửi lời yêu cầu kết bạn trên Facebook cho tôi và tôi khi đó cảm thấy não mình tràn ngập niềm hân hoan điên dại. Và, may mắn cho tôi, ông Sumiya đã đọc truyện "Japanese Lives Matter" được tôi phát hành trên LiterNautica và đưa ra lời ngợi khen lớn: "Một lần nữa, tôi đã rất ấn tượng với tài năng xuất chúng của anh." Cuộc trao đổi này thực sự quá vinh dự cho tôi, và do đó tôi quyết định mình phải trở thành một nhà văn lỗi lạc trong văn học Romania.
Tình huống này thì khó hơn. Tôi có kế hoạch xuất bản một bộ truyện tên gọi là "An Ordinary Japanese and Other Animos." Nhưng tôi bị nhà xuất bản từ chối không chỉ vì truyện của tôi "quá kinh hãi và bạo lực" mà còn là vì các nhà xuất bản ở Romania không thể hoạt động vì vi-rút corona. Sự nghiệp văn học tiếng Romania của tôi khi đó đã rơi tình thế khó khăn! (Vì vậy nếu bạn có hứng thú đọc những quyển sách tôi đã nêu trong bài viết này, cứ thoải mái nhắn cho tôi trên Facebook.)
Trong khi tôi đang mắc kẹt và tức giận thì tôi nhận được lời mời từ VICE Romania. Tôi cảm thấy khá là vinh dự bởi vì tôi đọc các bài viết trên VICE Romania khi tôi học tiếng Romania, do đó tôi đã chấp nhận. Đừng lo lắng, tôi sẽ không dùng ngôn từ tục tĩu trong các bài viết của mình.
Vào ngày 8 tháng 10 vừa rồi, người ta bắt đầu dự đoán về giải Nobel Văn Học, thì chuyên gia phê bình văn học Romania Luise Gluck đã đặt ra câu hỏi rằng ai xứng đáng với giải này. Và một người đã trả lời, "Tettyo Saito." Đúng, đúng. Tôi biết đây chỉ là nói đùa nhưng là câu nói đùa tốt nhất tôi từng được nghe. Tôi có giấc mơ mình sẽ đạt giải Nobel Văn Học dưới tư cách một nhà văn Romania, chứ không phải nhà văn Nhật Bản.
-----------------------------------
Tettyo Saito sinh năm 1992. Anh là một nhà văn, và là nhà phê bình văn học và điện ảnh. Anh viết văn bằng ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Romania. Tác phẩm của anh đang dừng ở truyện ngắn và các bài viết phê bình văn học, điện ảnh.
Anh vẫn đang sinh sống ở Tokyo. Tính đến thời điểm bài viết được đăng, anh chưa đến Romania bao giờ.
Văn phong tiếng Anh trên bài viết gốc khá rối, mình đã cố gắng dịch cho dễ đọc hơn. Nếu có điểm nào cần cải thiện các bạn cứ thoải mái ghi trong phần bình luận.