Quầy hình chữ U cho buổi sáng kiểu này năm ngoái có làm rồi, sau đó ngựa ngựa thế nào lại không sắp xếp như vậy nữa.
Thế rồi năm mới, đồ đạc nhiều lên, cộng với việc khó khăn trong thao tác, tốc độ ra ly chậm hẳn so với hồi xưa, lại làm quầy chữ U lại, sau vài lần thay đổi bất thành. Tốc độ lại khá nhanh, và mấy bạn nhỏ khá hài lòng, nhìn sạch sẽ và chuyên nghiệp.
Chợt nhớ lại câu chuyện mà Mentor (Cũ) của mình có nói, về một món Cocktail tên là "Tom Collins", nó có một lịch sử đàng hoàng. Chuyện kể rằng hai thầy trò làm món Tom Collins này tranh cãi với nhau, người học trò quả quyết rằng sẽ có công thức ngon, tốt hơn cho món Tom Collins này so với công thức của ông thầy. Thế rồi bẵng đi một thời gian, anh học trò phải thừa nhận công thức của người thầy là tuyệt đỉnh.
Khi kể câu chuyện này, có lẽ Mentor của mình có ý muốn trích dẫn tư tưởng "Cãi thầy núi đè", hàm ý đừng thử thách những tư tưởng, công thức đã được chứng minh là hiệu quả trong quá khứ. Thế là mình với Mentor mâu thuẫn ngay chỗ này. Việc làm theo một lối mòn mà người khác (Kể cả là những người ta cực kỳ tôn trọng như Mentor chẳng hạn) cho là hiển nhiên đúng, hàm chứa nhiều rủi ro hơn là sự hài lòng:
- Lỡ như còn cách nào tốt hơn thì sao? Nếu cậu học trò không tìm đủ cách để rồi xác tín rằng công thức của người thầy là tuyệt hảo nhất, thì làm sao mọi người biết được công thức đó tuyệt nhất? Công thức hay kế hoạch kinh doanh, nó không giống Toán học hay Vật lý, nó bất định và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
- Giả như bắt chước và đạt được những thành tựu, thì xét về mặt nào đó trong tâm lý, ta không thật sự thỏa mãn, vì cái ta đạt được chỉ là "Bắt chước", "Lặp lại" tư tưởng của người khác, mà không để lại bất cứ một bản sắc cá nhân nào. Khi thử nghiệm, ta đâu chỉ muốn kiếm tiền, đúng không? Ta thử nghiệm và quan sát, vui vẻ khi thấy nó hoạt động đúng như quá trình tư duy của cá nhân ta.
Vì thế, có lẽ một Tinh thần tự lực, và Chủ nghĩa thực nghiệm sẽ tạo nên ý nghĩa và sự thỏa mãn cho những công việc ta làm. Sẽ có rủi ro ta bị cho là "Dở hơi", "Gàn", "Làm màu", đó là cái giá phải trả. Thế nhưng như thế thì có sao? Ta có nhất thiết phải tuân theo ý kiến của người khác, hay chỉ đơn thuần dùng những ý kiến đó như những nguồn tham khảo là đủ?
Ai rồi cũng phải sống, ra quyết định và tự chịu trách nhiệm cho những quyết định đó.