Quá trình tìm hiểu bản thân, hiểu chính mình đôi khi mâu thuẫn với những “Định nghĩa”, những “Khuôn mẫu” mà ta mặc nhiên chấp nhận, cho đến khi ta suy nghĩ nghiêm túc về nó. Khi đó, ta lựa chọn chấp nhận những Định nghĩa, Khuôn mẫu mới ta cho là đúng, hay quay về chấp nhận những Định nghĩa, Khuôn mẫu cũ “Cho an tâm”?
Nếu những định nghĩa của ta về “Sự đầy đủ”, “Sự viên mãn”, “Thành công”, đột nhiên khác hẳn (Hoặc trái ngược) với những định nghĩa mà ta thường tiếp xúc:
- Chuẩn mực về một nền tảng kinh tế vững chắc: Thu nhập khủng Nhưng phần lớn người ta không tiêu tiền nhiều như vậy, họ so sánh thu nhập với nhau để tự xoa dịu bản thân kiểu “Ít ra xét về kinh tế, cuộc đời tôi ý nghĩa hơn cô ấy/ anh ấy”. Vậy phần kinh tế dư ra sau khi hoàn thành việc Mưu sinh, nó có ý nghĩa gì nhỉ? Có thể nó dùng để dự phòng những bất trắc xảy ra trong tương lai, nhưng một số người lại để nó nhiều một cách vô lý.
- Chuẩn mực về danh vọng: Khao khát được càng nhiều người biết đến càng tốt. Thế nhưng khía cạnh này cũng đầy đau khổ: Nếu tôi muốn được càng nhiều người biết đến, gần như tôi – trong vô thức – sẽ phải sống theo các kỳ vọng đó: Tôi phải luôn hào nhoáng nơi công cộng, tôi phải kiểm tra xem xã hội thích gì/ không thích gì để quyết định cư xử đúng mực với các kỳ vọng đó. Danh vọng đi kèm với sự mất tự do: Tôi sống mà không được lựa chọn cách sống theo ý tôi, mà các lựa chọn đó bị áp lực và tác động bởi cộng đồng.
- Chuẩn mực về Ý nghĩa: Tôi phải để lại một “Dấu vết” cho hậu thế nhớ mãi đến tôi. Nhưng “Dấu vết” này tôi nghĩ là mãi mãi, lưu danh muôn thuở? Một trăm năm, hay một ngàn năm? Liệu “Dấu vết” mà tôi muốn để lại, nó có đậm hơn dấu vết của các Pharaon, hay Đức Phật đã để lại? Dấu vết nào rồi cũng sẽ về cát bụi.
Khi đó, liệu ta có thật sự Dũng cảm gạt bỏ tất cả những định nghĩa, khuôn mẫu trên mà Xã hội áp đặt và ngầm hiểu, về các Định nghĩa và Chuẩn mực, để theo đuổi và tự kiểm chứng lại những Định nghĩa, mà ta cho là đúng đắn (với cá nhân ta)?
Lấy ví dụ về khía cạnh Kinh tế: nếu ta chọn một lối sống cân bằng và tự chấp nhận việc giới hạn thời gian lao động, dẫn đến thu nhập giới hạn và không thể cao mãi (Không quá thấp, nhưng chắc chắn không quá cao một cách nổi bật so với người khác).
Thu nhập giới hạn vừa đủ, tức là ta phải chấp nhận học cách tiết kiệm và sử dụng tiền hợp lý, đề phòng những rủi ro bất ngờ. “Người ta giàu có vì tiết kiệm, không phải vì kiếm được nhiều”.
Tiết kiệm và sử dụng tiền hợp lý, tức là ta phải thiết kế một lối sống không dựa trên việc tiêu thụ, mà khá thiên về Tối giản, tự phản tư liên tục khi ta muốn sắm sửa một món đồ nào đó.
Liệu khi đó, ta có dũng cảm để thay đổi như ta vẫn hay nghĩ? Tiêu thụ thì lúc nào cũng dễ dàng, thoải mái hơn, trong khi Tối giản và phản tư cần sự tự trị, nhất quán, khó chịu và đầy nghiêm khắc với bản thân: “Tôi tự do vì chính tôi lựa chọn cách sống đó, không phải do người khác áp đặt”.
Sự dũng cảm, yêu cầu việc tái định nghĩa lại những thứ mà ta từng coi là hiển nhiên, để Định nghĩa đó phù hợp hơn với bản thân ta, dù việc tái định nghĩa này có đi ngược lại với Thế giới hay không.
Khi đó, ta không được ai công nhận và biết đến.
Khi đó, ta bị quay lưng, xem như một kẻ lập dị.
Khi đó, ta cô độc.
Liệu khi đó ta có Dũng cảm ? Câu trả lời không rõ ràng và tùy thuộc vào cá nhân mỗi người. hoặc ta trở nên “Ngoan”, hoặc ta trở nên “Gàn”, và với mỗi hướng đi, ta đều sẽ phải trả một cái giá để theo đuổi đến tận cùng.
Hướng đi nào cũng phải trả giá, người ta chỉ tự mâu thuẫn khi vừa muốn lựa chọn một lối sống “Có vẻ hay ho”, lại vừa không chịu trả giá sao cho hợp lý.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất