Dẫn nhâp
“CHÚA ĐÃ CHẾT”, một câu tuyên ngôn hùng hồn giữa thời đại đạo Kitô đang đỉnh cao của sự hưng thịnh. Tuyên ngôn ấy được thốt lên bởi một kẻ mệnh danh “kẻ phản Kitô”, Friedrich Nietzsche. Ông là một triết gia với triết lý nổi danh nhất mọi thời đại, triết lý đảo hoán mọi giá trị. Nó như một chiếc búa của thời đại mới đập tan mọi giá trị xưa cũ, nhằm tôn vinh tính sáng tạo và tự do. Qua bài viết sau sẽ giúp chúng ta biết được con người, cuộc đời của Nietzsche đồng thời thấu hiểu được vẻ đẹp đằng sau thứ triết học mang tính tàn phá, hủy diệt kia.
A. Sơ lược cuộc đời của Friedrich Nietzsche
Friedrich Nietzsche sinh ngày 15 tháng 10 năm 1844, sinh ra tại Phổ. Khi Nietzsche được 5 tuổi thì người cha của ông – một mục sư phái Luther qua đời. Vài năm sau đó gia đình ông dọn về Naumburg. Vào tuổi này, Nietzsche đã tỏ ra là một cậu bé mộ đạo, thông minh, trịnh trọng và đã được người ta đặt cho biệt danh là “Ông mục sư con”. Ngay từ lúc còn nhỏ và suốt thời niên thiếu, Nietzsche đã làm thơ và sáng tác nhạc, những vũ khúc, những giai khúc ca ngợi tổ tiên gốc Ba Lan của mình.
Mãi suốt đến năm Nietzsche 21 tuổi, biến cố lớn, quan trọng nhất cuộc đời ông là khi ông tình cờ đọc được một tác phẩm của Schopenhauer trong một tiệm sách cũ. Như Malebranche khám phá ra Descartes, nhu Kant khám phá ra Hume, Nietzsche bàng hoàng ngây ngất như đã tìm ra ánh sáng chân lý của cuộc đời mình. Ông mua ngay một số sách mang về nhà đọc, đọc liên miên không ngừng nghỉ trong suốt hai tuần lễ liền. Nietzsche đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi triết học của Schopenhauer – người mà ông gọi là “triết gia đầu tiên của mình”.
Đến năm 1869, Nietzsche nhận được một vị trí tốt để trở thành giáo sư về ngữ văn cổ điển (Hy Lạp) tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ khi chỉ mới 25 tuổi, dù ông chưa trình luận án tiến sĩ. Giảng dạy được một năm, Nietzsche được mời làm giáo sư thực thụ. Tháng 5 năm 1869, Nietzsche đến Tribschen thăm nhà Wagner theo lời mời. Nhạc sĩ thiên tài tuổi bảy mươi đang sống cùng Cosima, con gái nhạc sĩ Liszt và vợ cũ của nhạc trưởng Haus von Bulow. Nietzsche bị hấp dẫn bởi người phụ nữ trẻ xinh đẹp, thông minh và quý phái, nhưng không dám thổ lộ tình cảm mãnh liệt của mình.
Andler viết rằng: “Từ đây khởi đầu một thiên tình sử cao đẹp nhất của thế kỷ XIX, thiên tình sử câm lặng và đau xót mà mãi đến ngày nay vẫn chưa một ai biết rõ”
Năm 28 tuổi (1872), Nietzsche cho ra mắt tác phẩm đầu tay: Khởi nguyên bi kịch Hy Lạp từ tinh thần âm nhạc. Năm sau, ông tiếp tục xuất bản hai phần đầu tiên của Quan điểm phi thời và David Strauss, Kẻ tín ngưỡng và Nhà văn … Do tình trạng sức khỏe yếu, Nietzsche đã phải nộp đơn từ chức giáo sư đại học. Trong khoảng thời gian mùa hè 1882, ông gặp Lou Salomé thông qua Paul Rée, hai người cùng trải qua mùa hè ở Tautenburg trong vùng Thuringia. Ông đem lòng yêu cô ta và theo đuổi cô mặc cho người bạn chung của họ là Rée. Khi ông hỏi cưới cô, Salomé từ chối. Quan hệ của Nietzsche với Rée và Salomé tan vỡ vào mùa đông 1882/1883. Từ đây về sau, trong mười năm liên tiếp từ 1879 đến 1889, năm nào Nietzsche cũng cho ra đời một tác phẩm mới.
Hằng ngày Nietzsche đối phó với những bộc phát mới của bệnh tật, và gần như là trong trạng thái cô đơn sau mâu thuẫn với mẹ và chị trong quan hệ với Salomé, và tràn đầy những ý nghĩ muốn tự vẫn, Nietzsche bỏ trốn đến Rapallo, nơi chỉ trong mười ngày ông viết phần đầu tiên của “Zarathustra đã nói như thế”. Vào ngày 25 tháng 8 năm 1900 tại Weimar, Đức, Nietzsche đã chết sau một thời gian dài bị bệnh tâm thần.
B. Trọng tâm triết học của Friedrich Nietzsche
I. Khái niệm “siêu nhân” và ba lần hóa thân của đời người
Nietzsche đã viết một câu như thế này “Điều gì mà ai cũng có thể làm? Ca ngợi và oán trách. Đây là đức hạnh của con người, đây là sự điên rồ của con người”. Theo Nietzsche, con người bấy lâu nay phải mang vác quá nhiều gánh nặng, đau khổ mà những thứ họ phải gánh chịu đó chính là đạo đức, tôn giá, truyền thống. Những khái niệm, giá trị đó đã giam cầm lý trí tự do của con người, nó biến con người thành nô lệ của những giáo điều, những phong tục cổ hủ. Những kẻ nô lệ này được “chúa” dạy rằng cuộc sống trên trần gian là bể khổ, thiên đường sau khi chết là nơi duy nhất đem hạnh phúc đến các ngươi, mà để đến được đó các người phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc cứng nhắc, cổ hủ mà “ngài ấy” giao giảng. Nếu không thì các người sẽ bị đày xuống địa ngục. Đối với Nietzsche những kẻ suốt ngày rao giảng về lời dạy của chúa, về thế giới bên kia chả khác nào “những kẻ rao giao giảng về sự chết”. Là người mộ đạo từ nhỏ, Nietzsche thấu hiểu cảm giác cầm tù đó đến nhường nào. Ông căm ghét chính mình trong quá khứ, căm ghét thứ đã giam giữ mình trong suốt hai mươi năm cuộc đời. Toàn bộ sự căm phẫn của Nietzsche được dồn nén để thốt lên “CHÚA ĐÃ CHẾT” và đồng thời ông đã tạo nên một thứ đã cứu rỗi con người và toàn bộ những kẻ nô lệ đang chị sự áp bức của những khái niệm và giá trị cứng nhắc kia. Đó chính là “siêu nhân”.
“Tất cả các Thượng Đế đều đã chết, giờ đây chúng ta muốn rằng tồn tại một siêu nhân.... Ta dạy cho các người về siêu nhân. Con người là thứ gì đó sẽ bị vượt qua. Các người đã làm gì để vượt qua con người?... Điều vĩ đại ở con người là việc anh ta là cây cầu chứ không phải là mục tiêu: điều mà người ta có thể yêu quý ở con người là việc anh ta là sự chuyển tiếp và một sự hủy diệt. Ta yêu quý những người không biết làm thế nào để sống ngoại trừ biến mất, bởi vì họ là những người vượt qua được ranh giới. Ta yêu những người khinh miệt vĩ đại, bởi vì họ là những người hâm mộ vĩ đại, họ là những mũi tên mong mỏi được sang bờ bên kia. Ta yêu những người nào không tìm kiếm, ở bên ngoài giới hạn của những vì sao, một lý do để biến mất và để hy sinh, mà hy sinh chính mình cho mặt đất để mặt đất một ngày nào đó trở thành mặt đất của siêu nhân.... Đã đến lúc con người đánh dấu mục tiêu của mình. Đã đến lúc con người gieo mầm mống của niềm hy vọng cao quý nhất của anh ta.”            -Zarathustra đã nói như thế-
Trước khi bước tới khái niệm siêu nhân của Nietzsche, ta cần tìm hiểu ba giai đoạn mà con người phải hóa thân là gì.
1, Lạc đà (Kamel)
Để trở thành một siêu nhân, theo Nietzsche con người chúng ta đều đã từng trở thanh những con “lạc đà”. Ở giai đoạn này, con người tuân theo các giá trị truyền thống, các quy tắc đạo đức, các lệnh cấm và các nghĩa vụ mà xã hội, tôn giáo và văn hóa đặt ra cho họ. Con người ở giai đoạn này có tâm hồn nặng nề, họ muốn đặt trên lưng mình những điều khó khăn nhất, những điều đáng kính trọng nhất, những điều đáng sợ nhất; họ muốn có trên mình những giá trị cổ điển của nhân loại. Con người ở giai đoạn này là những người có trách nhiệm, có kỷ luật, có lòng tôn trọng và có lòng trung thành. Họ là những người biết chịu đựng, biết hy sinh và biết tuân phục. Nhưng chính những hành trang của cuộc đời ấy lại quá nặng nhọc đến nỗi mà mỗi bước chân họ đi đều lún sâu xuống tầng tầng, lớp lớp cát của sa mạc họ đi qua. Đó là sa mạc của tội lỗi, sa mạc của đau khổ và bất hạnh. Ở giai đoạn này, Nietzsche phê phán cách con người quy phục số phận, mặc cho nó bị áp đặt vô lý bởi kẻ khác không phải bản thân mình. Trong đó, ông đặc biệt chỉ trích triết học của Kant. Ông cho rằng triết học của Kant là thứ nhu nhược, cứng nhắc, đi ngược với sự phát triển của con người. Nó đã giết chết ý chí sáng tạo và tự do của con người.
Chẳng phải bấy lâu nay con người chúng ta hầu hết chỉ là những con lạc đà chịu quy phục trước đạo đức và truyền thống sao? Thực vây, theo Nietzsche, con người chỉ thực sự tiến hóa về mặt nhận thức khi chịu rũ bỏ trách nghiệm với đạo đức và truyền thống, chỉ như vậy con người mới thoát khỏi vũng lầy của sự đau khổ, rồi hóa thân thành sư tử mưu cầu ý chí tự do.
2, Sư tử (Löwe)
Con người nào dám khước từ thân phận lạc đà của mình rồi biến thành sư tử, dám từ chối điều “phải làm” và dám chấp nhận điều “ta muốn”. Những con người ấy đã bước những bước đi đầu tiên trên con đường tìm ý chí tự do và giá trị mới. Con người trong giai đoạn này liên tục phải gồng mình chống chọi với định kiến về đạo đức và truyền thống. Họ đã đạt được ý chí tự do nhưng họ phải chấp nhận sự cô độc mà họ tự chuốc lấy. Họ không gần như mất đi mục đích sống khi chống lại chúa và cả xã hội – một bầy cừu nhu nhược căm ghét những con sói cô độc. Họ vẫn còn chưa sáng tạo, họ chỉ có thể gầm rú giữa bầy cừu, mưu cầu về sự tự do nhưng chưa thể chinh phục được ý chí riêng của mình. Đấy chính là điều mà hiện giờ tinh thần mãnh sư ấy mong muốn thế giới riêng của chính mình, đấy là điều mà kẻ đã đánh mất thể giới muốn chiếm được.
“Ta muốn chung quanh ta có những yêu ma quỷ quái, vì ta là người can đảm. Lòng can đảm đuổi xa những ma quỷ và tự tạo cho mình những yêu ma quỷ quái, - lòng can đảm ước muốn được cười.”                                                                                -Zarathustra đã nói như thế-
3, Đứa trẻ (kind)
Để con mãnh sư ấy có thể đánh bại hoàn toàn được “con rồng” biểu trưng cho truyền thống và đạo đức, thì nó cần phải hóa thân thành một đứa trẻ. Con người mang sức mạnh tinh thần của đứa trẻ là biểu tượng của sự sáng tạo, bởi nó đại diện cho khả năng bắt đầu lại từ đầu, không bị ràng buộc bởi những giá trị và quy tắc của quá khứ. Đứa trẻ không có những định kiến, không có những nỗi sợ hãi, và không có những lo lắng về tương lai. Nó chỉ biết sống với hiện tại và tận hưởng những điều mới mẻ. Đứa trẻ cũng là biểu tượng của tự do, bởi nó không bị ràng buộc bởi những quy tắc và chuẩn mực của xã hội. Đứa trẻ có thể tự do khám phá thế giới, tự do thể hiện bản thân, và tự do theo đuổi những ước mơ của mình. Khi còn là một đứa trẻ, nó không biết sự hiện diện của chúa, mà chính nó tự tạo ra “chúa” của riêng mình. Những thứ mà đứa trẻ sáng tạo ra mang ý trí riêng của nó và mang lại hạnh phúc cho bản thân nó. Đứa trẻ ấy chỉ chịu sự ràng buộc, bất hạnh khi nó biết quá nhiều về thế giới, những giáo điều và những luật lệ của xã hội. Khi đó chính nó lại trở thành một con lạc đà lang thang giữa sa mạc rộng lớn. Đó là một vòng luân hồi mà chỉ khi con người trỗi dậy, biến thành đứa trẻ từ hiện thân cả sư tử trước đó thì con người mới chính thức chấm dứt hoàn toàn khổ hạnh và trở thành thực thể hoàn thiện nhất của chính họ.
“Xưa kia, ta bước trên những con đường lạc phúc như một người mù: lúc bấy giờ bọn mi liền vứt những đồ nhơ bẩn trên đường đi của kẻ mù; giờ đây kẻ đó đã kinh tởm gớm ghét con đường mù lòa cũ.” -Zarathustra đã nói như thế-
4, Siêu nhân (Übermensch)
Nietzsche tuyên bố “CHÚA ĐÃ CHẾT”, đó không có ý rằng Chúa đã qua đời. Mà rằng đức tin vào Chúa đã không còn thích hợp với thời đại. Xưa kia con người tạo ra Chúa để Ngài giúp con người đúng trên con đường của đức hạnh, con đường dẫn tới hạnh phúc. Thì giờ đây dưới danh Chúa, “những kẻ rao giảng về sự chết” đã biến điều răn ấy thành xiềng xích trói chân con người thành nô lệ của sự cuồng tín, ngu dốt và vô minh. Từ đó Nietzsche đã tạo ra siêu nhân, một loài người mới, là người đại diện cho tinh thần tự do lý trí, tinh thần vượt qua bản thân sáng tạo những giá trị mới và không bị ràng buộc bởi các giá trị cũ. Chính siêu nhân đã giết Chúa và chính siêu nhân là đại diện cho vị Chúa mới của thời đại mới.
 Theo Nietzsche, người trở thành siêu nhân phải sở hữu ý chí hùng cường. Đó là đặt mình vào trung tâm và làm quan điểm để nhìn nhận xã hội. Ý chí đó là ý chí thống trị, tự mình đặt ra cho vạn vật một giá trị chứ không theo bất cứ thang giá trị nào. Nhưng việc tách khỏi đám đông “ti tiện” đó có khi làm cho nó phải đau đớn “Mi vượt bỏ bọn họ: nhưng mi càng phóng lên cao, thì con mắt của những kẻ đố kỵ lại càng thấy mi nhỏ bé. Thế mà, chính kẻ bay vút lên cao tít là kẻ bị thù ghét nhiều nhất”. Ý chí hùng cường của siêu nhân giúp con người dám sống hết mình, dám ưỡn ngực đương đầu với mọi khó khăn thử thách, với những đau khổ để rồi vươn lên sống mãnh liệt hơn, sống ý nghĩa hơn và cũng sáng tạo hơn. Con người phải tự nắm lấy vận mệnh của mình chứ không đặt vào tay tha nhân, tổ chức, hay thần thánh nữa.
Trong mỗi siên nhân, phải tồn tại trong đó một tinh thần đứng bên ngoài thiện, ác, đứng bên ngoài cái được gọi là chân lý. Suốt lịch sử loài người, các triết gia luôn coi chân lý và khát vọng chân lý là mục đích, động cơ cơ bản nhất của mọi nỗ lực triết học từ trước đến nay. Cái khát vọng chân lý ấy đã kìm hãm sự phát triển của cả con người và triết học rất lâu cho đến khi siêu nhân được ra đời. Chân lý mà Nietzsche nhắc đến ở đây là thứ mà những đám đông ngu dốt, yếu đuối khao khát tìm ra một luật chơi mà nơi đó ngay cả những kẻ mạnh mẽ nhất cũng phải quy hàng nếu chơi trò chơi chân lý ấy. Thay vào đó siêu nhân phải phủ nhận hoàn toàn những chân lý xưa cũ ấy, không có phải – trái, đúng – sai, thiện – ác. Mọi thứ tồn tại đều khách quan và tương đối. Những siêu nhân phải tự tạo cho mình chân lý riêng của bản thân, nhìn nhận thế giới từ trên cao. Dưới góc nhìn của Chúa siêu nhân là người tự đưa ra câu trả lời của riêng mình không chịu phụ thuộc bởi bất kỳ ngoại lực nào.
“Tất cả những tên gọi của thiện, ác đều là những ẩn dụ: những tên gọi không biểu thị cái gì cả, chúng chỉ gợi ý ám chỉ mà thôi. Kẻ nào điên cuồng mới muốn có tri thức về chúng!” -Zarathustra đã nói như thế-
II. Ý chí quyền lực
Mạnh Tử cho rằng bản tính của con người lúc ban đầu là Thiện, Đức của một người là quà tặng của thiên thượng (Trời), và được liên thông với thiên thượng. Ông tin rằng bản chất của con người là tốt, và nếu một người thủ đức và nỗ lực tu thân, anh ta có thể trở thành người giống như các vị vua Nghiêu, vua Thuấn. Augustine lại cho rằng, Chúa là nguồn gốc và mục đích của mọi sự vật, và Chúa đã biết trước và sắp đặt mọi sự kiện trong lịch sử. Con người không có quyền tự do thực sự, mà chỉ có quyền lựa chọn giữa thiện và ác, nhưng lựa chọn đó cũng đã được Chúa định sẵn. Nhưng đối với Nietzsche mọi hoạt động của con người không do thần thánh siêu nhiên nào chi phối, ấn định hay an bài, mà do chính bản thân con người tự tạo. Cuộc đời con người, tuy có đau khổ, bất hạnh nhưng không vì đó mà bi quan, ủy mị, yếm thế. Muộn phiền hay than thở là biểu hiện của lối sống vô vị, vô bổ của thành phần người quen sống dựa dẫm vào những thế lực bên ngoài. Ngược lại, chính trong sự kém may mắn, nhiều bất hạnh, con người không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt thoát, nhắm đến thiết lập giá trị cho bản thân mình. Đấy chính là biểu hiện của “ý chí quyền lực” nội tại trong mỗi con người mà Nietzsche nhấn mạnh: “chỉ nơi nào có đời sống, nơi đó mới có ý chỉ: không phải ý chỉ khao khát sự sống, nhưng là ý chí quyền lực”.
“Các ngươi nhìn lên cao khi các ngươi khát vọng sự thăng tiến. Còn ta, ta cúi nhìn xuống thấp bởi vì ta đã lên đến chốn cao vời mù tuyệt.                                                                       -Zarathustra đã nói như thế-
Lý thuyết về bản chất con người là ý chí quyền lực của Nietzsche giúp chúng ta dễ dàng khái quát cách con người đạt được hạnh phúc chỉ đơn giản là lỗ lực để bản thân chiếm đoạt được quyền lực và áp đặt lên người khác. Đó chính là ý chí quyền lực, nhưng con người chúng ta muốn quyền lực hơn những kẻ khác ở chỗ nào? Theo Nietzsche, mong muốn hơn người khác không bị giới hạn bởi trí óc của con người, nó không cố định là hơn về mặt tri thức hay sức mạnh. Mà nó chỉ đơn giản là một dòng suy nghĩ đơn giản trong đầu được chính chủ thể sắp xếp câu chữ để tạo thành một ý chí quyền lực vượt trội hơn kẻ khác mà thôi. Giả sử một một nhà vua đang ngồi trên ngai vàng, ông ấy sẽ luôn sung sướng với ý nghĩ “ta có quyền lực hơn người khác vì ta được sinh ra trong dòng máu hoàng tộc, tất cả kẻ thấp kém phải phục tùng”. Nhưng một tên nô tỳ bên dưới lại luôn thấy hạnh phúc vì cô ấy nghĩ rằng: “mình không bao giờ phải chịu áp lực triều chính và khôn phải lo sợ một ngày có kẻ ám sát mình”. Dù là những ông vua hay cô nô tỳ cũng có thể tự tìm kiếm hạnh phúc của mình dựa trên suy nghĩ hơn thua với kẻ khác trong cái ý chí quyền lực ấy. Ngay cả những tên khốn cùng nhất của xã hội không thể tự nghĩ ra lợi thế của bản thân hơn so bì với kẻ khác cũng có thể tự suy nghĩ rằng: “ta là nhất bởi vì ta là chính ta, cả thế giới này là rác rưởi nếu không phải là chính ta”. Có phải trong những lúc bế tắc nhất của cuộc đời con người sẽ tự an ủi mình như vậy sao? Lý thuyết về ý chí quyền lực của Nietzsche cũng đã giải thích lý do tại sao con người liên tục phấn đấu về mọi mặt để đại được cái hơn người khác dù nó có tiêu cực đến đâu. Như một tên giang hồ muốn thể hiện ý chí hơn người khác bằng chuyện đua xe và đâm chém người vô tội hay một đại gia kiếm nhiều tiền để áp đặt quyền lực tài chính lên người khác.
 Như vậy, tư tưởng “ý chí quyền lực" của Nietzsche chính là khát vọng quyền lực của mỗi cá nhân vì hạnh phúc của chính họ. Đây chính là quá trình cơ bản bên trong tinh thần con người, là điều kiện cần thiết để con người thiết lập đời sống tự làm chủ nhân của chính mình, cho mình và vì minh. Con người không ngừng chiến đấu với chính bản thân để được giải phóng, để được tự do, để được thoát ra khỏi những giá trị cổ hủ mà tự con người đã tạo lập nên. Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp và hạnh phúc chỉ khi mỗi người tự sáng tạo ra niềm vui cho chính mình và luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua nghịch cảnh, Với ý chí quyền lực", Nietzsche đã khẳng định quyền tự quyết định đời sống của mỗi cá nhân. Hạnh phúc hay đau khổ, bình an hay bất an, tự tại hay trói buộc đều do chính mỗi người tự quyết định.
C. Những quan điểm phê phán xoay quanh triết học Nietzsche
Nietzsche là một triết gia với triết lý mang tính đối kháng cao nên triết học của ông gặp rất nhiều chỉ trích và phản đối kịch liệt. Thực vậy, triết học của Nietzsche luôn bị bị ghẻ lạnh trong mắt nhìn của các triết gia đương thời. Bởi họ không coi ông làm một triết gia thực sự, triết học của Nietzsche không được hệ thống rõ ràng, thiếu các phương pháp lý luận truyền thống. Thêm vào đó, ông còn bị chỉ trích bởi lối văn chương hoa mỹ, dễ dàng bị đa góc nhìn hóa tùy từng người đọc, mà không có sự thống nhất rõ ràng.
Không chỉ vậy, triết học của Nietzsche còn bị lên án mạnh mẽ bởi triết lý của ông mang tính ủng hộ thuyết “vô chính phủ”, “chủ nghĩa hư vô”, bài trừ tôn giáo. Đặc biệt tư tưởng của ông được cho là nguồn gốc gây ra chế độ Phát – Xít do những triết lý của ông mang nhiều hình ảnh một con người thượng đẳng tính khí đầy hung hăng bạo động, muốn đập phá tất cả những giá trị cổ truyền, những chuẩn mực luân lý, quy tắc đạo đức, muốn đi ngược lại với tất cả mọi người. Quả thật, Nietzsche đề cao xung đột và mâu thuẫn để tạo ra sự phát triển, đổi mới và sáng tạo.
Là một độc giả hiện đại tiếp xúc và thực hành triết học Nietzsche, ta dễ dàng thấy, ông dạy chúng ta cách tư duy độc lập, phê phán và loại bỏ các giá trị cũ (đạo đức, truyền thống, …). Triết học Nietzsche rao giảng về siêu nhân, một người tự do, tự tách mình ra khỏi xã hội, không phụ thuộc và bất kỳ ai và tự tạo cho một vị chúa cho riêng mình. Nhưng bản chất của xã hội là quan hệ giữa người với người. Lợi ích cá nhân cũng từ mối quan hệ đó mà ra. Nietzsche phê phán tư duy đám đông theo truyền thống nhưng nếu không có quan hệ từ xã hội liệu về mặt vật chất, chúng ta có đủ ăn no, mặc ấm nếu từ chối tiếp thu giá trị đạo đức và truyền thống để ngoại giao và kiếm lợi nhuận từ việc ấy. Do vậy theo tôi, cái thiếu sói của ông là sự hòa hợp giữa truyền thống và ý trí quyền lực của siêu nhân.
D. Những quan điểm ủng hộ xoay quanh triết học Nietzsche
Với lý tưởng của người hùng, Nietzsche đã ở ra con đường tươi sáng của thời đại về ý chí tự do và sáng tạo. Triết lý cả ông đã giúp chúng ta thấy được không tồn tại đúng – sai tuyệt đối, thiện – ác tuyệt đối, mọi thứ chỉ mang tính chất tương đối tùy theo góc nhìn của mỗi cá nhân. Từ đó giá trị cá nhân được đặt lên hàng đầu, con người biết cách tự tìm và tạo ra hạnh phúc của bản thân khi đánh bại được ý chí “ta phải” và dành lấy ý chí “ta muốn”. Dưới góc nhìn triết học của Nietzsche, con người có nhiều sự lựa chọn về ước mơ, giá trị mới hơn. Nó không còn bị bó buộc trong khuôn khổ của đạo đức và truyền thống. Từ đó, kỷ nguyên của những con người trở thành siêu nhân, họ sống và trân quý hiện tại hơn. Bên cạnh đó, lý thuyết ý chí quyền lực của Nietzsche, dưới góc độ tâm lý học đã khái quát toàn bộ động cơ và mục đích sống của con người. Tất cả chúng đều chỉ phục vụ cho một và chỉ một đó là ý chí quyền lực. Mặc dù triết học của Nietzsche có chứa nhiều triết lý mang tính đối kháng, tiêu cực, tưởng hư vô mà lại rất hiện sinh, tưởng Phát-Xít nhưng lại rất phản Phát-Xít. Thứ triết học đó là một cột mốc tiến hóa của lịch sử đưa con người thoát khỏi vũng lầy trật trội của đạo đức, tôn giáo và truyền thống. Là một độc giá của Nietzsche, tôi khuyên các bạn trẻ nên đọc và hiểu triết học của Nietzsche một lần trong đời, các bạn đừng vì để cái nhìn truyền thống giết chết các bạn từ quá sớm. Các bạn hãy để con lạc đà trong tâm hồn được gầm lên ý chí khát khao tự do để rồi cho phép nó quay trở lại thành một đứa trẻ của tự do, sáng tạo và vượt lên chính mình.
“Cách chắc chắn nhất để làm hỏng người trẻ tuổi là hướng dẫn anh ta coi trọng những ai suy nghĩ giống nhau hơn là những ai tư duy khác biệt.” -Ecce Homo-
Kết
Chúng ta thường sống thuận theo tự nhiên, sống theo hiện tại, nhưng quên mất rằng thực tại ta đang sống thực chất rất nhỏ bé và cứng nhắc. Chúng ta sợ phải vi phạm đạo đức và truyền thống nhưng quên mất rằng chính những cái phi đạo đức bây giờ đã chính là đạo đức của một thời đại trước, đạo đức của nơi này khác với đạo đức nơi khác. Mọi thứ đều mang tính tương đối. Vậy nên chúng ta cần một cái nhìn khách quan và độc lập của triết học Nietzsche, bước mình ra khỏi ranh giới của thời đại để tìm chân lý riêng của bản thân. Và trên hết, hạnh phúc và đau khổ là do bản thân ta nắm giữ đừng để bất kỳ thế lực nào kiểm soát nó.