Điều gì khiến cho ta vui vẻ, hài lòng một cách mạnh mẽ khi lao động, học tập, trải nghiệm nhỉ?
Tức là khi làm tất cả những điều đó, ta quan sát tâm trí và thấy rằng:
Có điều gì đó khiến ta chưa thỏa mãn. Điều gì đó ta muốn lấp đầy.
“Điều gì đó” là gì nhỉ?
Có lẽ là sự “Thấu hiểu bản thân” chăng?
Không chỉ đơn thuần là kiếm đủ tiền (Điều hiển nhiên phải có), mà còn là việc tìm kiếm Bản dạng, cá tính độc nhất của ta so với Xã hội, tìm kiếm sự khác biệt.
Làm thế nào để tìm kiếm nó nhỉ? Đa phần mọi người sẽ trả lời ngay mà không do dự: “Hãy trải nghiệm mọi thứ và kiểm tra xem bản thân mình phù hợp với điều gì nhất”.
Nói cách khác, đây là sự kết hợp giữa Chủ nghĩa tiêu thụ (Tiêu dùng càng nhiều càng tốt) và Chủ nghĩa lãng mạn (Trải nghiệm càng nhiều càng tốt): Nó nói rằng để hiểu bản thân, ta phải tích cực trải nghiệm, học tập, sáng tạo, dành toàn thời gian để trải nghiệm. Người nào tỏ ra “Lười biếng” trong việc trải nghiệm bị xem là người không cố gắng hiểu mình. Việc buôn bán kinh doanh, hoặc làm việc cũng vậy. Người nào tỏ ra không sáng tạo nhiều, đột phá, sẽ bị coi là không có chí tiến thủ.
Chẳng trách mà khách hàng luôn đòi hỏi những người chủ quán phải “Tạo ra món mới, dịch vụ mới, trải nghiệm mới liên tục”, những người sếp thì thúc ép nhân viên “Sáng tạo, thăng tiến liên tục”.
Có vấn đề nào ở đây nhỉ? Có chứ, câu trả lời đầy tính mâu thuẫn và nghịch lý: Nếu muốn thật sự hiểu bản thân trong một thời gian dài, ta nên định kỳ lười biếng, bớt ham trải nghiệm đi một chút, chính bởi vì ta muốn hiểu bản thân nhiều hơn nữa.
Vì sao vậy nhỉ? Đáng lẽ ta phải dành thêm thời gian để trải nghiệm, chính bởi vì ta muốn hiểu rõ bản thân hơn. Vì sao câu trả lời lại là “Bớt đi?”
Có hai người đưa ra giải thích cho việc tại sao ta không nên quá lạm dụng sự kết hợp của Chủ nghĩa tiêu thụ và Chủ nghĩa lãng mạn này:
Đầu tiên là Chrysippus với định nghĩa “Thích nghi với khoái lạc”: Khi trải nghiệm liên tục, ta đòi hỏi bản thân phải “Mới hơn nữa, hay hơn nữa”. Điều này dẫn đến việc ta không thể hài lòng với những thứ đơn giản quen thuộc (Khi ăn nhà hàng liên tục, ít nhiều người ta sẽ mất niềm ham thích khi ăn ở nhà, hoặc quán cóc, vì miệng lưỡi người ta quá “Cao cấp”).
Thứ hai là J.Krishnamurti khi ông lý giải về vấn để “Kiệt quệ trong việc trải nghiệm”: Việc trải nghiệm liên tục khiến Tâm trí căng thẳng, và đến một giai đoạn nào đó, Tâm trí chán nản, và người ta không còn ham thích bất cứ thứ nào nữa.
Ta tự hỏi bản thân xem có đúng không. Có một giai đoạn nào đó mà ta cực kỳ chán nản, hầu như không muốn làm gì, cả những thứ ngày thường ta cảm thấy vui vẻ và hài lòng nhất? Krisnamurti trả lời khi đó, giống những khối cơ bắp mệt mỏi, Tâm trí ta kiệt quệ và muốn nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian dài, vì ta đã vắt kiệt nó, hết bằng thú vui này lẫn thú vui khác.
Vậy, nếu chỉ xét riêng về logic, có một nghịch lý mà ta nên nghiêm túc nhìn nhận: Nếu ta thật sự yêu quý, ham thích một điều gì (Một quán cà phê, một người bạn, người yêu, công việc, hoặc bất cứ thứ gì khác), ta nên bớt trải nghiệm nó lại. Nó không có nghĩa là ngưng trải nghiệm và khám phá, mà là đôi khi ta dùng ý chí, dằn lòng lại, và không trải nghiệm nó trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này, theo Chrysippus và Krisnamurti, giải thoát cho ta khỏi sự chán nản, kiệt quệ về Tâm trí, và kéo dài giai đoạn “Thích nghi với khoái lạc”.
Ta tưởng tượng việc Sáng tạo, hoặc thăng tiến, hoặc trải nghiệm điều gì đó mới mẻ, như câu chuyện quả tim đập: Có pha đập, và pha nghỉ. Ta phải có một khoảng thời gian “Không làm gì”, xem kẽ với những khoảng thời gian sáng tạo, chính bởi vì ta muốn sáng tạo liên tục, bảo vệ tâm trí ta khỏi sự kiệt quệ, chán nản vì liên tục chạy theo một điều gì đó mới mẻ.
Điều này, có lẽ dẫn ta đến một lối sống cân bằng, hơn là việc cống hiến cho một chuyện nào đó liên tục không ngừng nghỉ. Thoát khỏi Sự kiệt quệ, ta mới có đủ động lực và sức mạnh để Sáng tạo, hoặc thăng tiến trong một khoảng thời gian dài, mà không gặp những khủng hoảng.
Suy nghĩ này sẽ tạo nên một cuộc trò chuyện với khách hàng khá kỳ cục (Có phần hài hước), đại loại như sau:
Khách: “Ồ nước của em tuyệt vời luôn, chị uống mãi mà không chán, ngày nào cũng phải hai, ba cữ mới đã thèm”.
Chủ quán: “Ô, cảm ơn chị, nhưng uống ít ít thôi nhé, uống nhiều quá không ổn đâu, một tuần hãy uống một lần nè!”
Khách: “?!?”.
Q: Nhưng nếu làm vậy thì doanh số chắc chắn sẽ giảm (Vì có ai làm vậy đâu?), hóa ra bạn đang khuyên khách bớt uống lại để giảm doanh số?
A: Đúng rồi, nhưng tại sao lại phải tăng doanh số nhỉ? (Mời đọc bài “Ý nghĩa”).