Nữ quyền hay quyền nữ? Bạn nghĩ hai cách nói này khác nhau ở chỗ nào nhỉ? Giống như phần đông bạn trẻ hiện nay, tôi cũng là một fan cứng của Rap Việt và nhất là HLV Suboi. Khi nghe chị nói về “quyền nữ” trong tập chung kết, tôi thật sự đã bị ấn tượng và phải ấn pause mà suy nghĩ hồi lâu: nữ quyền và quyền nữ, rốt cuộc điểm gì đã làm nên sự khác biệt giữa hai cách nói này. Cuối cùng tôi đã nhận ra, cái hay của cách dịch Feminism - “quyền nữ” nằm ở việc nó nói lên chính xác ý nghĩa của danh từ này: quyền của giới nữ, trong khi đó “nữ quyền” lại thường làm nhiều người liên tưởng tới những người phụ nữ độc lập, quyền lực. Mà bạn biết đấy, nó vốn đâu phải như thế!
Tôi cũng hiểu chủ đề Feminism đã quá phổ biến, hay thậm chí nhiều người còn ngán ngẩm than rằng: “Feminism giờ trend cũng chẳng phải nữa, sắp thành *cliché luôn rồi!”. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng ta có quyền muốn hiểu nó thế nào thì hiểu và bỏ qua ý nghĩa thực sự cùng tầm quan trọng to lớn của danh từ ấy đối với thế giới. Cũng trong chương trình Rap Việt hôm đó, ngoài câu nói của chị Suboi, tôi còn rất bất ngờ trước phát ngôn của MC Trần Thành: “Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền”. Thực sự câu nói này có quá nhiều điểm gây tranh cãi, và tôi cũng không muốn đi sâu phân tích nó làm gì mà đơn giản chỉ muốn chứng minh rằng: ngay cả một người thông thái, khôn khéo như Trấn Thành còn mắc những sai lầm cơ bản khi nhắc tới Feminism thì điều gì đảm bảo phần đông nam giới và có thể là nữ giới nữa không hiểu sai khái niệm này? Tôi rất biết ơn và hạnh phúc khi ngày càng nhiều tổ chức, dự án về quyền nữ và bình đẳng giới được thành lập, phát triển trong những năm qua, chính những bài viết tuyên truyền của họ đã giải đáp được những lầm tưởng cơ bản nhất về hai vấn đề này: “Nữ quyền thì tức là phụ nữ có giá trị hơn đàn ông?” hay “Bình đẳng giới nghĩa là phụ nữ phải biến thành đàn ông?”,... Giống như trong một bài viết trước tôi từng bày tỏ quan điểm, điều mà con người chúng ta luôn hướng tới chưa bao giờ là một xã hội nơi phụ nữ được đánh giá cao và có quyền lực hơn đàn ông mà là một thế giới nơi dù ta ở bất cứ giới tính nào cũng đều có được cơ hội như nhau để trở thành bất cứ ai ta muốn.
Nhưng có lẽ khi xã hội càng phát triển, càng nhiều người nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết của việc tôn trọng quyền lợi cho giới nữ thì chủ nghĩa nữ quyền lại càng lên ngôi. Tất nhiên đó là một điều vô cùng tốt, một tín hiệu tuyệt vời cho sự văn minh của xã hội hiện đại, song các nhà làm phim Hollywood thì lại nhìn Feminism dưới một con mắt khác - một ý tưởng “câu view”, một con gà đẻ trứng vàng đích thực! Tôi không hề có ý đánh đồng tất cả những bộ phim Hollywood có yếu tố nữ quyền đều sai lệch và chỉ mang tính “câu view” không hơn nhưng bạn cũng phải công nhận rằng các yếu tố nữ quyền trong kha khá phim Mỹ đều mang lại một trải nghiệm xem phim không hề thoải mái hay thậm chí khiến người xem cảm thấy khó chịu. Điển hình có lẽ sẽ là hai cái tên vô cùng quen thuộc: “Mulan” live action và “Wonder Woman 1984”. Điểm chung của hai bộ phim này chính là chúng đều mang một tư tưởng nữ quyền cực đoan và vô cùng độc hại, bởi dường như thế giới trong Mulan hay WW84, phụ nữ đều thù ghét đàn ông một cách quá đáng, còn phe đàn ông trong phim thì ấu trĩ, luôn luôn body shaming và bắt nạt phái nữ nếu không thì lại tỏ ra quá yếu kém, lép vế hơn hẳn so với nữ giới. Dường như các đạo diễn ấy cho rằng nhân vật nữ cứ phải thật khỏe mạnh, thật mạnh mẽ, phải đè đầu cưỡi cổ đàn ông thì mới là Feminism, mới là tôn vinh phái nữ vậy! Chính cái thông điệp đó đang gieo rắc những tư tưởng nữ quyền hoàn toàn sai lệch cho rất nhiều khán giả nữ, nhất là những bạn gái nhỏ tuổi.
Nhân tiện đang nói về phim và câu chuyện về Feminism, tôi thật lòng muốn recommend các bạn bộ phim “Little Women”, một trong những tác phẩm về nữ quyền hay nhất mà tôi từng được biết tới. Nhân vật chính của câu chuyện cũng là nữ nhưng thay vì được trao cho sức mạnh phi thường hay có quyền lực áp đảo người khác giới thì những cô gái này lại thể hiện sự mạnh mẽ, độc lập của bản thân qua sự quyết đoán cùng tinh thần dám sống, dám yêu hết mình được khắc họa tinh tế và tuyệt vời đến khó tả. Nhân vật nam trong bộ phim này cũng được miêu tả rất thực tế và khéo léo: họ lịch lãm, tôn trọng phụ nữ và nhất là họ ủng hộ sự lựa chọn của người phụ nữ mình yêu thương dù cho điều đó có thể thay đổi cả thế giới (tình huống trong phim là: một cuốn tiểu thuyết được viết bởi tác giả nữ ở Mỹ vào thế kỷ 19). Với tôi câu thoại tuyệt vời và đáng nhớ nhất trong “Little women” chính là: “ Con chỉ thấy rằng phụ nữ họ có đầu óc và tâm hồn cũng như trái tim, và họ có tham vọng, họ có tài năng cũng như sắc đẹp. Và con phát ngán vì mọi người nói rằng tình yêu là đã đủ cho phụ nữ. Con phát ngán rồi!”. 
Tranh cãi về cách dịch “Nữ quyền” hay “Quyền nữ” thực ra sẽ không còn quan trọng miễn là bạn đủ hiểu và đủ sự tôn trọng cho cụm từ ấy. Vẫn còn rất nhiều tồn tại xoay quanh vấn đề này, chặng đường để cho Feminism được hiểu đúng phía trước hãy còn dài, nhưng tôi tin rằng người trẻ chúng ta sẽ thay đổi được định kiến xã hội, chỉ cần bạn hiểu đúng và giúp những người xung quanh mình hiểu đúng, chẳng phải vấn đề đã được giải quyết phần nào hay sao?
*Cliché: một biểu hiện, một ý tưởng hoặc một yếu tố nghệ thuật bị lạm dụng đến mức mất đi ý nghĩa hay hoặc hiệu quả ban đầu, thậm chí còn tạo ra cảm giác khó chịu, dù trước đó nó có thể rất đột phá (Nguồn: Phê Phim)