Như chuyện muôn thuở, công ty nào ở Việt Nam cũng có trò ép rượu. Càng lắm yếu tố Việt Nam thì càng ép. Càng dính líu tới Nhà nước thì càng ép. Tỷ lệ đàn ông/phụ nữ càng lớn thì càng ép. Tỷ lệ nhân viên gạo cội (hơn 5, 10 năm)/nhân viên trẻ càng lớn thì càng ép. Độ mạnh của rượu thì trượt từ miền Bắc vào Nam còn độ ngoại của rượu thì trượt từ miền Nam ra Bắc. Trên dải đất chữ S tươi đẹp 4000 năm, ép rượu đã thành một tập tục chẳng mấy văn hiến.
Ép rượu chả có gì tốt đẹp. Đài báo nói nhan nhản. Báo Tàu Nhanh hồi 2020 đưa tin, ép uống bia rượu có thể bị phạt từ một tới ba triệu đồng. Nhưng làm thế nào để tố cáo người khác ép rượu mình? Nhẽ phải quay phim, ghi âm lại mỗi bữa tiệc mình đến? “Ồ không”, một cao nhân mục Ý kiến trên tờ báo cùng tên nói, ‘đây không phải là việc phạt được hay không phạt được. Dĩ nhiên chẳng ai rỗi hơi mà đi trình báo với phạt tội ép rượu, mà muốn phạt cũng không được. Cái này là để’, và anh nhấn mạnh, ‘để bảo vệ những người không uống rượu khỏi bị ép!’. Luật pháp sinh ra trước hết là để bảo vệ chứ không phải trừng phạt, chuyện vốn đã muôn thuở.
Tuy nhiên, có những cái uẩn khúc ở việc ép rượu mà dường như những nhà lập pháp chưa được vi tế trải qua nhiều. Dẫu cũng phải: Ở một đẳng cấp cao như những ông bà ngồi Quốc hội hoặc những phó vụ trưởng, những giám đốc… nếu họ không ép rượu thì thôi, chứ nhân viên mời họ không uống thì bố nó cũng không dám ép. Do đó, họ không biết cái khó của những kẻ bị ép.
Những thế hệ trẻ cũng hiểu rõ sự xấu xí trong tập tục này, nên nhiều post trên Facebook dõng dạc: “Người ta mời rượu, tôi không uống! Kể cả sếp!”. Hoặc, “tôi không uống, đuổi việc thì đuổi!”. Thật là đáng mừng cho GenZ (và trộm nghĩ, hơi lo lắng vì tỷ lệ thất nghiệp).
Tuy nhiên, bị ép rượu không phải thứ thường thấy trong những bộ phim: Một ông sếp mặt đo đỏ bì ổi, thường thường được NSND Quốc Anh vào vai, hoặc một ông sếp bụng phệ mặt đê tiện, tỉ dụ như Chí Trung sẽ rất hợp chẳng hạn, mời những nhân viên nữ e dè mặc áp sơ mi hồng xắn tay đến khuỷu mấy chục lần, mời đến lúc uống mới thôi. Lão vừa mời vừa cười khè khè, đe dọa những yêu sách văn phòng hoặc cắt lương thưởng. Cô nhân viên e sợ nhắm mắt uống ực. Mặt cô đỏ dần, người cô lảo đảo. Anh người yêu ở cảnh sau sốt ruột nhìn đồng hồ chờ. Ồ, nhưng đấy là trong phim.
Thảng hoặc những chuyện kiểu vậy cũng có. Nhưng thường thường, khi đi uống rượu cùng cả phòng/công ty, không ai lại mời kiểu cá nhân và lộ liễu như vậy. Kể cả trong quân đội họ cũng tránh mời ác ý kiểu thế. Không phải vì họ không có ác ý. Cái đó khó nói. Mà là vì họ có cách mời dễ hơn, và có cách xử lý hiệu quả hơn.
Đầu tiên, họ sẽ mời cả phòng rồi đứng lên cụng ly. Ai không uống họ sẽ mời lại, tỏ ra hơi ngạc nhiên một chút, rồi hỏi tại sao. Uống một hai ly thôi thì họ cũng chỉ mời như vậy, không thành vấn đề. Họ không… ép. Không làm người khác cảm thấy khó xử từ bên ngoài.
Cái khó xử của đám nhân viên phải đứng từ bên trong. Ấy là việc sau khi sếp bỏ đi, sếp cũng không bao giờ quay lại nhìn mình nữa. Đối tác mời uống, mình không uống, đối tác cũng chẳng có chuyện gì để nói. Họ chỉ không nói chuyện nữa thôi, và hậu quả của việc đó thì còn tệ hơn bị ép. Ấy là một kiểu “excommunication”, mày không tồn tại.
Lấy một ví dụ bản thân. Tôi là một người trẻ không uống được rượu. Nhưng làm trong ngành truyền thông, tôi cũng phải ngồi ở bàn nhậu nhiều, dù thường là ngồi cùng sếp. Bị ai mời rượu, tôi thường đon đả: “Thôi anh, em bị dị ứng cồn, uống vào em chết ngay cho anh xem!”. Thế là họ cũng không mời. Chị sếp nhìn thì cũng cười cười thôi, nhưng từ đó cũng không bao giờ rủ tôi đi uống rượu nữa. Vì uống rượu là cả một chiến thuật, và chị kèm tôi theo từ đầu cũng chỉ vì chân… uống rượu hộ! Mỗi tội chân này là chân gỗ. Mất khả năng uống rượu là mất luôn cả quan hệ với sếp.
Không được mời đi uống cùng tức là mất các đối tác, những loại đối tác chỉ có thể mở lòng (và mở ví) trên bàn rượu. Ừ thì, chúng ta có thể cự nạnh, những loại đối tác làm việc trên bàn nhậu toàn lũ rẻ rách. Có thể ở nước ngoài thì vậy, nhưng ở các nền văn hóa Đồng văn xinh đẹp, những văn bản ký kết trên bàn tiệc còn nhiều hơn trong phòng họp.
Việc bị ép rượu, đại loại như vậy, hoàn toàn không rõ ràng chỗ “bị ép”. Mà thay vì một hành vi ép buộc, họ chỉ đơn giản là cắt đi những lợi ích của việc đồng thuận. Họ không hề “ép”, nhưng nếu bạn không uống, bạn còn ở một vị trí tệ hơn bị ép. Trên bàn nhậu, bạn mất đi giá trị. Trong văn phòng, bạn không thể nói chuyện cùng sếp. Bạn bị cho ra rìa trước những cuộc ăn nhậu nghiêm túc (mà từ đầu bạn đã chả muốn nhận).
Có cơ sự này, và việc các nhà lập pháp không thể nghĩ ra những sự buồn cười của việc ép rượu, là bởi ép rượu luôn là một trò chơi về quyền lực và vui sướng. Những yếu tố như chỉ sếp mới ép được nhân viên, chỉ ma cũ mới ép được ma mới, kẻ có tiền ép người cần tiền… hoàn toàn không ngẫu nhiên. Việc uống rượu, trước hết phải hiểu là việc “để say”, mà say thì “để vui”. Uống rượu là để vui, còn ép rượu là ép vui. Ăn cắp từ của nhà xã hội học Marcel Mauss, việc mời rượu giống như là việc trao đổi một món quà, nhưng sự đê tiện (obscene) của việc ép rượu hay tặng quà này là bạn không có quyền trao lại. Bạn nhận ra sự thấp kém của mình trước một quyền lực lớn hơn, một quyền lực có thể áp sự vui sướng lên bạn nhưng bạn lại hoàn toàn không có khả năng hoàn trả. Việc áp đặt sự vui sướng là biểu hiện rõ ràng nhất của quyền lực, một quyền lực không những có thể khiến bạn buồn (bị cắt lương chẳng hạn) mà còn có thể bắt bạn phải vui (phải say). Bạn bị mời rượu từ phía các sếp, nhưng bản thân bạn đó vừa là một món quà vừa là một món nợ, vì bạn phải chịu sự gia ân của các sếp và bị rơi vào một sự trao đổi không hề cân bằng.
Lấy một ví dụ tương đương thì nó giống như việc bố của con gái thường thường sẽ trả tiền bữa đầu tiên mà con gái ra mắt bạn trai. Việc trả tiền hộ bạn trai của ông bố nhằm thể hiện khả năng “tao có quyền hạn lớn hơn mày”, và khả năng “mày không thể làm gì tương tự như thế”, từ đó áp đặt quyền lực lên ông con rể hờ. Một món quà được nhận nhưng không thể tặng lại là một sự (ít nhất là) xấu hổ vì nhận ra sự yếu thế về quyền lực của mình.
Những mối quan hệ quyền lực không cân bằng này là lý do mọi sự xử phạt trên bàn nhậu đều ít nhiều vô nghĩa. Chẳng có ai tự bảo vệ mình vì một điều luật hoàn toàn không thực tiễn cả. Giống như điều luật “cấm ăn thịt mèo” từ năm 1998 đến năm 2000 của Việt Nam được ban ra nhưng không ai quan tâm, điều luật cấm ép rượu chắc chắn rồi cũng đi vào quên lãng. Việc uống rượu nơi công sở phức tạp hơn nhiều việc thẳng thắn lộ liễu ép hoặc không ép. Cho đến lúc nào chúng ta chưa nhận ra những bất công ở chỗ làm việc, sự yếu thế/đứng về quyền lực của tổ chức lao động hoặc sự bất bình đẳng trong phát ngôn của nhân viên với sếp, thì những loại quy luật như thế chỉ trở thành câu chuyện tám trong giờ làm.
Nói như thế không phải để bảo vệ việc mời rượu và những chiêu trò “excommunication” sau chén rượu. Nói như thế để hiểu được những nỗi niềm dạng “chả biết nói thế nào” của những ông công sở chân đút gậm bàn. Việc cứ từ chối thẳng thừng là hoàn toàn có, nhưng hệ lụy của nó cũng vô cùng thật.
Đây cũng không phải cái nhìn tiêu cực. Việc uống rượu hiện đại còn có nhiều chiến thuật. Ví dụ người ta sẽ đưa ra một anh chiến mã đầu đàn, uống rượu vô cùng khỏe, đi mời hết một lượt trước. Qua dăm ba tuần rượu, anh vẫn vui vẻ nói nhưng bỗng nhiên sau lưng anh lại có một hai bạn nữa. Ba người sẽ cùng nói, hai bạn kia sẽ đi mời rồi trong lúc đó ông anh rút về giải lao, đi đái hoặc đi hút thuốc. Cứ luân xa chiến thay vì mặt đối mặt, sử dụng thế mạnh ít người để đối đầu với nhiều người mời như vậy thì khả năng bám trụ trên bàn nhậu cũng tốt hơn nhiều. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Trong tương lai, với các GenZ đang lớn dần, các mô hình kinh doanh mới tân tiến hơn, những quan hệ quyền lực như vậy cũng đang mờ dần đi. Dĩ nhiên nó sẽ bị thay thế bởi nền chính trị bản sắc, nơi người ta còn cảnh sát nhau nhiều hơn. Nhưng từ giờ cho đến lúc đó, tôi đành bị từ chối một cách lặng thầm bởi những cuộc vui công sở.