Nó thích đi đến những nơi ít người, có rừng, có núi, có biển càng tốt; vậy mà ngày nào cũng phải thòi mặt chen chân ra đường tắc.
Nó thích được thư nhàn đọc sách, nghe nhạc, một tay ôm con, một tay ôm chồng; vậy mà hôm nào mấy mẹ con vật nhau xong với đống sách giáo khoa cũng đã 10 giờ tối.
Nó thích đi học, học ở nước ngoài càng tốt, càng học nó lại càng thích học; thế mà cả năm nay rồi chưa được đi đâu, có chuyến đi A-rập thì chồng không cho đi, sợ giai A-rập nó thấy xấu quá, ảnh hưởng tới mỹ quan thành phố mà bắt nhốt ngoài sa mạc.
Cuộc sống của người đàn bà hai con, một chồng, ba công, bốn việc cứ xoay vòng vòng như chong chóng. Nó ăn nhanh đến mức không còn biết vị. Nó đi nhanh đến nỗi không biết có người bên cạnh đang gằn chạy mà chẳng đuổi kịp. Nó quên mất, hạnh phúc không phải là đích đến mà là chặng đường đi.
Nhìn lại mình, nó không còn là nó nữa mà chỉ còn là “i-1”- cái tôi mòn mõi, bạc phếch, xộc xệch và mệt mỏi. Nó chợt nhớ ra rằng, ta chỉ trẻ khi ta còn thấy mình đang trẻ và chỉ hạnh phúc khi trong lòng ta mãn nguyện với cuộc đời.
Và nó quyết tâm thay cái “i-1” xốc xếch xộc xệch, bu-lông ốc vít long xòng xọc kia bằng cái “i+1” mới toanh là chính nó.
Nó bắt đầu bằng việc thi thoảng lượn phố, mua sách, chọn đĩa nhạc thay vì đâm nháo đâm nhào về nhà sau giờ tan sở, để bố con nhà kia phải tự quản lấy nhau. Nó thu xếp để thi thoảng cả nhà đi ăn ngoài một bữa thay vì hì hục nấu cơm rửa bát. Nó làm mọi việc chậm hơn và chịu nhìn mình nhiều hơn trước gương mỗi ngày. Nó không thanh lý tủ quần áo bằng những đồ mới tinh tình tỉnh, nhưng nghĩ kỹ hơn một chút mỗi khi chọn đồ để mặc.
Ảnh mình chụp trong một khu rừng Tây Bắc
Và quan trọng nhất, nó bắt đầu những chuyến đi xa.
Đi xa, là đi công tác ở tỉnh xa. Nó nhảy xe khách về Hải Dương dạy học. Cơm bụi ở trường nghề và xe khách 45 chỗ lèn 70 khách nồng nặc mùi mồ hôi và nước ói, làm nó thấm cái vất vả của những người ngược xuôi kiếm cho đủ sống hàng ngày. Nói chuyện với những người mẹ bỏ chồng con lên thành phố kiếm ăn, nó biết mình thật may mắn vì được quàng tay ôm chồng mỗi tối, được ở bên con những lúc vui –buồn-khỏe-ốm trong ngôi nhà của chính mình. Dạy cho những đứa trẻ đạp xe 15 cây số đến lớp rồi lại đạp về, cặp sách tòng teng cặp lồng nhựa đỏ lèn chặt cơm và đu đủ xanh xào mỡ lợn, nó thấy mình sao tham lam khi đi làm xe đưa người đón, cơm trưa 50 nghìn một suất vẫn còn chê.
Đi xa, là đi học thêm dăm ba khóa tập huấn ở xa nhà, thấy mình tự tin hơn vì không quá già nua cũ kỹ. Thấy đời vui hơn vì học thêm được điều gì đó mới, phát hiện thêm một sai lầm. Mà học là phụ, lượn lờ mới là phần chính. Nó sẽ lượn quanh những nơi nó đến, trò chuyện với những người mới tinh, ăn những món ăn lạ lùng bản địa, và gạt phắt những mối lo cơm nước, dầu đèn, con cái ra khỏi đầu trong vài ngày ngắn ngủi. Kỳ lạ là nó bắt đầu thấy nhớ. Nó nhớ hơi con thở khẽ, nhớ má chồng ấm, nhớ tay chồng nắm và tiếng dép khua lẹp xẹp ngoài hè của mẹ. Kỳ lạ là nó không ngủ yên những đêm nằm khách sạn, bởi nó thấy trống trải chỗ nằm và lênh đênh thèm hơi con rúc. Thế là nó lại mong, lại hối hả trở về.
Đi xa, là thi thoảng vác ba lô nhẹ bỗng lên rừng xuống biển. Đơn giản là được ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây, lãng đãng thấy mình giữa lưng trời hay vỡ ào vào biển, thấy mình gần với mình hơn, thân mình hơn, thật thà ngớ ngẩn, hồn nhiên. Đơn giản là thấy mình đang được làm điều mình muốn, chỉ riêng mình với mình.  Đơn giản là được trải nghiệm điều gì đó khác, nằm đọc sách bên khung cửa rộng nhìn xuống ruộng lúa non.  Thế mà có những lúc đang như cánh chim bay bổng, bỗng thèm có chồng bên cạnh, thèm được hôn giữa lưng trời mây phủ hay trên bãi biển sóng gào, hay bỗng bâng quơ thầm hỏi: con mình sẽ chơi trò gì trên bãi cát trắng thế này.  Nó tự cho mình chút cuộc đời riêng ở nơi xa lạ, và tự hứa sẽ đem những người mình yêu đến đó.
Bình minh trên sông Sài Gòn-từ chỗ mình hay ở khi vào công tác
Mà kỳ lạ, là sau mỗi chuyến đi, bọn trẻ như lớn hẳn. Chúng nhớ mẹ- đã đành, nhưng chúng cũng ngoan hơn. Chúng biết quý hơn những lúc mẹ hối hả lạch cạch mở cửa đón con. Chúng thèm bữa cơm nóng có canh cá chua mẹ nấu. Chúng nhớ mùi tóc mẹ, áo mẹ và vòng tay mẹ ôm ngang. Chúng giống như người đã quen no quen đủ, giờ biết thế nào là đói khát, nên biết quý những lúc no đủ hơn nhiều. Thằng anh biết đón em ở trường về hộ mẹ, và ông chồng vốn vô tư bóng bánh mỗi chiều, bỗng đảm đang tháo vát chăm con.
Sau mỗi lần đi xa, chồng thương vợ những lúc sớm chiều bận bịu cơm nước, nhà cửa con cái. Chỉ lúc phải làm việc vợ, hắn mới biết việc ấy cần rất lắm yêu thương và rất nhiều kiên nhẫn. Cả hai bỗng biết nhớ nhau những lúc trời bảng lảng, chim về tổ và thú về hang. Hắn bỗng thấy cái giường sao trống trải và bếp sao lạnh hơi người, mới phát hiện ra rằng vợ mình vốn như một phần cơ thể, ngày thường không thấy thừa cũng không thấy thiếu, nhưng vắng đi rồi sao nhớ quắt nhớ quay.
Thế nên, nó sẽ đi xa mỗi khi thấy mình bắt đầu thành “i-1”, để trút đi phần bon chen, ngột ngạt đã mài mòn chính nó, và khi trở về là “i+ 1” : mới tinh khôi và biết ơn cuộc sống tuyệt đẹp này.
Bài gốc:
Tháng 11 năm 2011
Phạm Việt Hà
Cùng tác giả: