Cảnh báo: đây có thể là một bài viết phiến diện – bởi bài viết này được viết bởi mình – một người trải nghiệm hôn nhân bằng 0, trải nghiệm yêu đương chắc là 0,1 – và là đứa mệt mỏi mỗi ngày vì bị bạn thân giục đi trữ trứng :v
Vài tuần qua, giang cư mận dậy sóng khi chính phủ đề nghị kết hôn sớm trước 30 tuổi với một loạt các chế độ và chính sách ưu đãi cho những người kết hôn và sinh con sớm. Đối với một bạn nữ dành cả thanh xuân để học hành, vừa mới ra trường, còn thất nghiệp và chưa màng tới chuyện con cái như mình thì quả này như một cú tát bốp bốp. Nhưng mà một đứa có nguy cơ phải đóng thuế ế trong tương lai thì mình vẫn ủng hộ chính sách này.
Vì sao? Bởi vì sự thật là dân số VN – những năm trước có tỷ lệ dân số vàng – nhưng tốc độ lão hoá dân số đang rất nhanh. Sự lão hoá dân số này theo mình là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cường quốc Tây Âu như Pháp, Ý hay châu Á thì Nga rơi vào bế tắc, dần dần tụt hậu và mất vị trí so với các quốc giá khác. Lão hoá dân số, tỷ lệ người cao tuổi tăng kèm với giảm tỷ lệ người trẻ, người trong độ tuổi lao động tức là giảm nguồn lực và nguồn sáng tạo cũng như động lực phát triển của quốc gia.  
Theo Wikipedia, hai nguyên nhân chính dẫn đến lão hoá dân số là gia tăng tuổi thọ và giảm thiểu năng lực sinh sản. Không bàn tới những nguyên nhân khác (vì đối với mình thì những nguyên nhân này không/khó thay đổi) rõ ràng giảm thiểu năng lực sinh sản chẳng phải là do người ta ngày càng kết hôn trễ, hoặc, nếu có kết hôn thì sinh con trễ, đúng không?
Ngày xưa ông bà bố mẹ mình có quan niệm “trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng” hay “an cư lập nghiệp”, vv..vv cứ đến tuổi đấy là lấy nhau thôi. Mà cái thời ấy, ai cũng khó khăn như ai cả, người ta có thể cùng nhau gầy dựng cả cơ ngơi từ hai bàn tay trắng. Còn bây giờ, điều gì đã khiến rất nhiều người nghĩ rằng “lương chưa đến xx triệu một tháng thì đừng mơ mà lấy vợ/lấy chồng…” rồi thì “chưa có nhà chưa có xe thì đừng yêu ai…” blah blah…
Tại sao người trẻ lại ngại chuyện kết hôn?  
Tâm lý chung của khá nhiều người trẻ bây giờ là mục tiêu trước nhất là phải ổn định công việc, ổn định tài chính, có thể tự nuôi bản thân và lo cho gia đình trước, sau đó cảm thấy mình có thể gánh vác thêm 1 người hoặc 2 người, thì họ mới nghĩ đến chuyện kết hôn. Bản thân mình cũng là người bị ảnh hưởng bởi cái xu hướng tâm lý này.
Và thừa nhận đi, hàng ngàn bài viết self-help hay bao nhiêu cuốn sách làm giàu, có thực sự khiến đa số chúng ta giàu lên hay kiếm được nhiều tiền ở giai đoạn 20s – 30s không? Không, chỉ một số ít thôi, đa phần các bạn trẻ, học đại xong (22 – 23 tuổi), lăn lộn trong vài công ty đến 25 – 27 tuổi thì tạm gọi ổn định,  rồi lên thăng chức lúc 29 – 30 tuổi và lương khi đấy mới khá khẩm hơn một chút. Khi mà ổn định cuộc sống rồi, phần dư ra đem đi đầu tư này kia, lúc đấy mới nghĩ đến chuyện dư giả một tẹo. Thực sự những cái gọi là “tư duy làm giàu” đã bơm vào đầu người trẻ về một cái cột mốc, hay là một cái mức gì đấy để ai ai cũng phải đạt được. Nếu chưa đạt được thì chưa thành công, mà chưa thành công thì chưa kết hôn.
Nhiều năm sau khi ra trường, làm việc quần quật, ai may mắn thì giữ được một bạn đồng cam cộng khổ đến khi hai người cùng ổn định thì tiến tới hôn nhân. Ai không may mắn hơn, chớm bước qua 30 mà vẫn một mình. Khi ấy, bị gắn mác nào là ế, nào là già, rồi chẳng ai thèm,… Lúc ấy nhìn bọn trẻ con yêu đương thắm thiết lại cảm thấy mình quá già, không phù hợp với chuyện thả thính, qua vài lần xem mắt lại chẳng hợp với ai… Hoặc đến khi đạt được cái gọi là ổn định tài chính, thì tư tưởng lại là “mây tầng nào thì với gió tầng ấy”. Đàn ông thì phải chọn một người phụ nữ có địa vị, xã hội tương đương với mình, kén chọn mãi chạm tới mốc 40s. Phụ nữ thành đạt độc thân lâu, thì cảm thấy cái gì cũng tự làm được, tư tưởng độc lập đến đáng sợ đấy thì làm gì còn cần đàn ông nữa. Sau đó, làm gì có sau đó nữa :v  
Một phần cũng do sự yêu bản thân, tập trung phát triển kĩ năng, nhận ra nhiều điều tốt đẹp trong giá trị sống, khiến người ta cảm thấy ngày càng hạnh phúc mà chả cần bố con thằng nào. Một người độc lập, tự do mà vẫn hạnh phúc, làm điều mình thích, ăn món mình muốn, đi du lịch chỗ mình ưng,… vui thế thì tự nhiên kết hôn làm gì :v Khi mà người ta không còn nhu cầu chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, không còn cần nhờ vả ai nữa, có bạn bè là đủ, thì chuyện kết hôn thực sự trở nên quá xa vời.
Một lí do mình nghĩ cũng khá quan trọng là tâm lý sợ hôn nhân. “Mọi cuộc ly hôn đều có nguyên nhân là kết hôn” – ai đó nói. Những câu chuyện xấu thường được đẩy đi quá xa, trong khi những điều tốt đẹp thường không tạo hiệu ứng được như vậy. Drama lúc nào mà chả thú vị, nhiều người vẫn thích hóng chuyện giựt chồng – đánh vợ để rồi chép miệng “đấy lấy nhau làm gì cho khổ” hơn là xem đầy người lấy nhau vẫn hạnh phúc. Chuyện cảm thấy hôn nhân là một gánh nặng, một điều trói buộc dường như cũng làm cho người ta sợ kết hôn nữa.
Sương sương vậy thôi vì dài quá rồi, mình thấy tựu chung là người ta sống quá lý trí, cái gì cũng tính này tính nọ, rào trước đón sau, đong đi cân về. Cái gì cũng muốn cái thành ra chẳng được cái gì. Yêu nhau lấy nhau đại đi, đừng ngại =)))