Bố mẹ tôi có ba người con trai. Tôi là Aracano - mẹ tôi sinh tôi ra đầu tiên. Khi lên bảy tuổi, tôi bắt đầu có em trai, nó tên là Latecano. Latecano sinh ra đúng ngày sinh nhật tôi, nên từ đó đến nay tôi không còn phải đón sinh nhật một mình nữa. Tôi vui lắm, vì tôi đã có em, tôi được làm anh và tôi cảm thấy mình " trưởng thành hơn" - đấy là bố mẹ tôi bảo tôi phải thế. Khi còn bé, Late trông như một bé gái, mọi người trong nhà hay mặc váy cho nó để chụp ảnh cho nó. Có những bức ảnh mà tới tận bây giờ, thỉnh thoảng nó vẫn đem ra khoe với một vẻ rất tự hào. Ngoài việc coi những bức ảnh mặc váy là một ký ức đáng tự hào, nó còn hay kể về những ngày nó mới trúng tuyển vào trường mẫu giáo làng tôi - ngôi trường nhỏ nằm ở giữa làng với vài dãy nhà cấp 4 lợp ngói đất nung đã rêu xanh, lấp ló dưới những tán cây xà cừ già. Cách đó vài năm, hồi tôi còn học lớp bốn, thì đó vẫn là trường Tiểu học. Một năm sau, chúng tôi được học trường mới, nhà cấp bốn thay bằng nhà hai tầng, mái ngói rêu xanh thay bằng mái tôn sáng loáng, những tán xà cừ gia thay bằng những cái cây trọc lốc trọc lơ không cành không lá, nhường lại ngôi trường cũ kỹ nhưng thân thương cho bọn con nít. Ngoài giờ tới trường, tôi chỉ biết làm bạn với quả bóng nhựa, mấy cuốn truyện tranh. Từ khi Late đến tuổi đi mẫu giáo, tôi cũng vui hơn vì nó đã biết chơi cùng tôi. Nhưng nhiều lúc tôi cũng cảm thấy phiền vì cứ chiều chiều là tôi phải canh giờ để đi đón nó, không còn nhiều thời gian để đi đá bóng với lũ bạn trong xóm nữa. Chiều nào tôi cũng mướt mải mồ hôi, đạp xe ra cổng trường mẫu giáo đứng chờ nó, vì nó chưa biết tự ngồi một mình nên tôi để nó ngồi phía trước, tôi ngồi trên gác-ba-ga phía sau, tay trái tôi ôm nó, tay phải tôi lái xe. Lúc đầu, hai chúng tôi hay bị ngã, vì tôi chưa quen với cách đi xe kiểu này, nhưng dần dần rồi quen, tôi lại thích đi kiểu đấy vì tôi thấy không ai đi giống tôi cả. Thế là từ đó, chiều nào tôi đèo Late đi vòng quanh làng, tôi hay đèo nó lên trên bờ đê để đứng xem mấy thằng lớn hơn đã bóng dưới ruộng, hôm nào cũng nhá nhem tối chúng tôi mới đưa nhau về. Về tới nhà, tôi để mặc Late nghịch ngoài sân, tôi quẳng cái xe đạp xuống, nằm ngửa trên hiên nhà, tôi nhìn lên mái hiên - nơi mà bố tôi cài chiếc roi để đánh tôi mỗi khi mắc lỗi. Hồi đó tôi chưa biết nấu cơm, nên hôm nào hai thằng cũng phải ôm cái bụng đói nằm chờ mẹ đi chợ về.
Bên nhà thằng Mocalito lạch cạch tiếng bát đĩa, tiếng trẻ con khóc, mẹ nó đang mắng nó vì để em ngã. Con bé Lilalita dễ khóc lắm, hễ anh nó nói to thôi là nó đã mếu máo chỉ đợi nước mắt rơi là thằng Mocalito sẽ bị mẹ mắng, có hôm nó còn ăn cả mấy cái roi vào mông chỉ vì không cho con bé Lita đi theo sang nhà tôi. Nó ghét con bé Lita lắm.
Bên nhà bà Namita có mùi cá kho thơm quá, làm tôi cứ nuốt nước miếng ừng ực. Tôi nhìn thằng Late, nó không còn nghịch dưới sân nữa, nó ngồi cạnh tôi, mặt nó tiu nhìu, chắc là nó cũng đói. Cái mùi cá kho từ bên nhà bà Namita càng làm tôi thêm đói.
Tôi ngồi dựa vào cọc hè, thằng Late nằm hẳn ra, đầu nó gối lên chân tôi, hai thằng đờ đẫn nhìn về phía cánh cổng gỗ. Trời lúc này đã tối hẳn, mấy ánh đèn từ bên nhà bà Namita hắt sang, tôi thấy thằng Late đã thiu thiu ngủ. Thỉnh thoảng có vài tiếng cho sủa làm nó giật mình, nó ngẩng đầu lên nhìn tôi, nhìn ra cổng rồi lại tiu ngỉu ngủ tiếp.
Hôm nay mẹ tôi về muộn hơn mọi hôm. Nghe có tiếng xe đạp vọng từ xa, thằng Late bật dậy, mắt nó nhìn ra cổng tỏ vẻ chăm chú nghe. Tiếng xe đạp càng đến cổng nhà tôi càng chậm lại, thằng Late ngày xuống sân, chạy ra mở cổng. Tôi cũng nhanh chân chạy theo nó. Chưa đợi mẹ tôi xuống xe, hai thằng lục lọi cái giỏ xe để tìm quà. Lục lọi một lúc không thấy gì ăn, thằng Late ngồi bệt xuống đường khóc, mẹ tôi dỗ và bế nó lên, tôi dắt chiếc xe đạp đi theo vào nhà.
. . .