"Em nghĩ em quan trọng lắm sao?"
Nhật ký Quân sự "Chẳng mong gương vỡ lại lành. Chỉ mong đi lính sẽ trưởng thành hơn"
Câu nói ấy từ khi nào cứ khắc sâu trong tâm trí tôi kể từ giây phút ấy kết thúc. Tôi tự hỏi "sự tồn tại của bản thân mình không đáng trân trọng như thế sao?". Có vẻ có phần đúng, bởi từ khi sinh ra người đàn ông cùng chung dòng huyết mạch chảy trong người tôi, người mà đáng ra tôi phải gọi là "ba" nhưng dường như chẳng màng đến sự tồn tại của tôi thì chẳng làm sao mà một con người chưa hiểu gì về những gì tôi từng trải, họ sẽ phải phán xét rằng:
"Em nghĩ em quan trọng lắm sao?".
Tôi chẳng phải là một đứa bé sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng chẳng phải cuộc sống của tôi cũng không tệ đến mức bản thân cho rằng mình "chẳng mấy quan trọng"? Người "ba" mà tôi thật sự gọi "ba", ông ấy vẫn yêu thương tôi, vẫn trân trọng sự tồn tại của bản thân tôi đấy sao? Ông ấy cho tôi cuộc sống của một đứa bé "chẳng thiếu thốn gì" về vật chất lẫn tinh thần. Những chiếc điện thoại dòng mới sản xuất, dòng laptop Macbook Air hay series Apple Watch mới xuất hiện ở Việt Nam, dường như chẳng có gì mà ông ấy không thể mua cho tôi. Nhưng cái tính ngang bướng được di truyền từ người mẹ thân yêu, tôi chẳng muốn làm phiền đến bất kì ai, mà phải chăng đó chẳng còn phải là bổn phận và nghĩa vụ của ông ấy. Vì vậy, "em nghĩ em quan trọng lắm sao?" thật sự cứ như từng chút một thấm thía vào tâm trí tôi. Tôi không quan trọng ư? Không quan trọng đến thế ư? Và đúng là bản thân tôi nhận rõ điều đó, có phải đó cũng là lí do thoả đáng từng chút một xây dựng bức tường "cảm xúc" ngăn không cho bất kì ai vượt qua nó trong tôi?
Cái cảm xúc trong tôi dường như đã trơ lì từ khi nào tôi chẳng nhớ, không có gì làm tôi đau lòng cũng chẳng còn gì khiến tôi phải khó chịu đến mức không thể không nói ra. Nhưng chính giây phút ấy, dường như "giọt nước đã tràn ly", cái gì đó "bóp nghẹt" làm cho tôi nhận ra cuộc sống này vốn không thể "chết lặng" mãi như vậy được. "Em nghĩ em quan trọng lắm sao?", câu nói đó thật sự đau lòng đến "nước mắt không thể tuôn trào mà như dòng thác chảy ào ào trong tâm hồn".
Nơi đó thật sự rất đẹp, thật yên bình. Và nơi đó thật sự "đẹp" đến lạ lùng. Từng người tôi gặp, những buổi trò chuyện tôi có đều đọng lại những cảm xúc khó quên. Và với tôi, "lắng" và "nghe" là một nghệ thuật, khi bản thân "lắng" thì mới "nghe" đọng lại những gì. Tuy nhiên, với con người đó, dường như chẳng có chút gì là "lắng" mà có thể "nghe" được cái chân thực của câu chuyện người khác kể. Bản chất con người đó thực sự không xấu nhưng tại sao lại cứ cho mình là "người xấu" để thốt ra những lời làm tổn thương người khác đến thế? Có vẻ vì điều đó, tại giây phút ấy, nên tôi chẳng có một lời giải thích hay sao? Rất khó chịu, khó chịu đến tận bây giờ.
Nếu giây phút ấy, tôi giải thích thì có thể cảm hoá được cái bản chất vốn lương thiện của con người "nhân tri sơ tính bổn thiện" (vốn sinh ra con người chẳng phải xấu xa). "Em nghĩ em quan trọng lắm sao?" Thật ra, em chẳng phải con người quan trọng trong cuộc đời bất kì ai, nhưng lại rất quan trọng trong cuộc đời của chính mình, đó là điều tôi muốn nói. Nếu năm hai tuổi, có phải chăng nếu em không có động lực vượt qua "cửa tử" dưới ánh đèn le lói của phòng mổ chỉ vì một vết sẹo nhỏ đầu sống mũi thì em đã không đứng đây để nghe những lời "đau lòng" này? Nếu năm lên chín, có phải chăng nếu em không tự lực vượt qua chứng "trầm cảm" của bản thân, tự vượt qua sự đau lòng vì bệnh tật liệt cơ quai hàm của mẹ, thì em đã không đứng đây để nghe những lời "đau lòng" này? Nếu bước ngoặt năm 18 tuổi không thành công ở cánh cửa đại học, thì em đã không đứng đây để nghe những lời "đau lòng" cho rằng những gì em đang trải là rèn luyện, là quan trọng, quan trọng như thế sao? Và nếu em không tự dành dụm heo đất bao nhiêu năm qua cùng với tự đi làm việc bán thời gian chứng tỏ bản thân "chẳng quan trọng" để ba mẹ, người thân phải nuôi mình học Đại học thì chẳng có tiền đứng đây để nghe những lời "đau lòng" cho rằng những gì em đang trải là rèn luyện, là quan trọng, quan trọng như thế sao?
Không! Với em, có nhiều thứ quan trọng hơn thế, đó là sức khoẻ của bản thân, đó là sự quan tâm của những người thân yêu, và còn nhiều thứ quan trọng hơn thế nữa. Còn việc quan trọng mà em đang nghe, chỉ là những thứ "cầm lên được, buông xuống được". Đại đội trưởng không sai, em cũng chẳng sai nhưng dường như cái nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi người chẳng có điểm chung. Điều đó có thể hiểu được, bởi lẽ "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".
Em trân trọng cái sự đánh giá cao, thiện cảm của Đại đội trưởng dành cho em nhưng việc giúp đỡ một người không phải chỉ là rèn luyện về mặt hình thức, mà đó thật sự là giúp đỡ chính bản thân em nhìn nhận lại về cái cảm xúc "lương thiện" của bản thân mình. Giúp đỡ người khác là một việc tốt, nhưng chẳng phải như thế mà cho rằng đó là trách nhiệm vốn dĩ phải có từ lúc nào? Phải chăng giúp đỡ một người lại đi làm phiền đến một người khác là một việc tốt chăng? "Trời đánh tránh bữa ăn" nhưng phải cơn buồn ngủ ập tới cũng không thể kìm nén nổi. Đánh thức người khác đang ngủ chỉ để hoàn thành nhiệm vụ mà Đại đội trưởng cho là rèn luyện, vậy chúng em có phải chăng quên đi câu nói của ông bà xưa "Ăn được ngủ được là tiên - Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo". Sự đánh giá cao của một người nào đó dành cho mình thật đáng trân quý, nhưng sự hi sinh "giấc ngủ" của mình để giúp đỡ người khác chẳng đáng trân quý sao? Không phải vì điểm rèn luyện, cũng chẳng phải vì được bất cứ cái danh dự "hảo" nào mà người khác nhìn nhận, mà chúng em chỉ đi giúp người đơn giản là bản thân thấy vui là được, thấy cuộc sống vẫn còn nhiều người bản chất "lương thiện" đơn giản vốn có.
Đau lòng làm sao trước câu nói đó, nhưng thật trước sự trân trọng sức khoẻ và tình yêu thương của những người thân yêu, đó chẳng là gì mà như một chất xúc tác thêm cuộc sống của em thêm nhiều dư vị. Em vốn vẫn thế, vẫn lương thiện như thế, vẫn còn lạc quan và tích cực, vẫn muốn lan toả giúp đỡ người cần giúp. Cảm ơn bạn Khánh Linh đã vẫn ở đó những lúc tôi cần, cùng tôi nghe những lời "đau lòng" đáng lẽ không cần nghe và tôi vô cùng trân quý cái câu nói "Tao đi giúp cũng là vì mày thôi đó, vì thấy mày có một mình nên tao mới đi chung. Hai người vẫn hơn". Cảm ơn đã thông cảm những lần tôi đã làm mất đi giấc ngủ trưa "đáng quý" của bạn. Cảm ơn bạn thật nhiều. Em cũng cảm ơn Thầy đã cho em nhìn nhận rõ hơn cái "quan trọng" trong cuộc đời em từ giây phút ấy. Cảm ơn Thầy.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên em gặp các Thầy, có lẽ Thầy chẳng nhớ, nhưng với em dù hay quên những gì từng nghe, từng trải thì tâm trí vẫn còn đọng lại một chút gì đó. Cái tên của Thầy càng có gì đó đặc biệt mà em phải nhớ? Đó chính là một lần đội ngũ Thầy Cô của Trường Quân sự Quân khu 7 đến Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hữu Thọ Quận 7 diễn thuyết về một chuyên đề gì đó cũng có vẻ hay và kêu gọi đóng góp tiền ủng hộ những người chiến sĩ. Lần đó, em đóng góp 20.000đ, đó là số tiền duy nhất trong túi em hiện có. Đó cũng không phải trách nhiệm của em, mà đơn giản xuất phát từ bản tính "thiện" của mình. Cảm ơn vì em có cơ hội một lần gặp được những con người tài giỏi, cống hiến cho Tổ quốc.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất