Ngày 20 tháng 11, ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam.

Đây luôn là một ngày thật đặc biệt, là dịp để tôi được tri ân với những người đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho tôi, cũng như những người đứng bên cuộc đời tôi, truyền đạt những bài học về cuộc sống.

*Bài viết này Ếch béo gửi đến tất cả những người đã, đang, và sẽ để lại dấu chân trong cuộc đời của Ếch béo lời tri ân, không có nội dung phê phán châm biếm nào cả*

“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.

Gia đình với ba mẹ và em gái chính là ngôi trường danh giá nhất mà tôi từng được học và tôi không bao giờ mong ngày tốt nghiệp. Thật may mắn khi được là học sinh nơi đây. Bài giảng đầu tiên khi vấp ngã không phải là “chết cái ghế này, dám làm đau em này!” mà là đứng dậy bước tiếp. Bài giảng về sự tử tế đầu tiên không phải là dùng thân hình to cao vạm cỡ để cầm đầu băng đảng hùng mạnh trong lớp, mà là nâng đỡ những bạn khác yếu hơn về thể chất. Bài giảng về sự chia sẻ đầu tiên, thật may mắn, đã không phải là bài toán cộng trừ nhân chia, mà là bài giảng về cách đem ít kẹo bánh ở quê vào san sẻ với các bạn. Và bài giảng đầu tiên về tình yêu thì không phải cách thức tán tỉnh cô này cô nọ, mà là đến nhà ông bà nội ngoại chúc Tết mỗi sáng mùng 1 Tết.

Học sinh Ếch béo này, ngoài béo, còn hơi kì dị, tính tình hơi khác người. Nhưng luôn vững tin bước ra nhìn ngắm Thế giới, vì nó biết, những giá trị cốt lõi, những điều tốt đẹp nhất đã ăn sâu vào nó. Không gì làm nó biến chất được.Nhân ngày này, xin được tri ân đến ngôi trường đầu đời, Gia Đình.

“Tiên học lễ, hậu học văn”

Đó là dòng chữ mãi đến khi tốt nghiệp Tiểu học, tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm. Lớp có con bạn tên Tiên, ngày đó cứ thắc mắc mãi, nó làm gì mà được in tên lên kia hoành tráng thế.

Ếch vẫn nhớ lúc đi mẫu giáo, đang ngủ trưa thì cô Mai vào khều khều, kêu Khoa ơi đi với cô. Cô chở về nhà cô, có đám giỗ, ăn buổi trưa. Bánh mì với cà ri gà là món tôi nhớ duy nhất. Món ăn có thể quên, nhưng cô Mai thì không bao giờ.

Đi học Tiểu học vui ơi là vui, vui tới nỗi mấy đứa bạn đó chơi với tôi đến bây giờ, dù mỗi đứa đã mỗi nơi. Tụi nó dạy cho tôi quá nhiều những bài học mà có lẽ, mình cũng nên nói lời cảm ơn với bọn nó. Bữa qua Hòa Lan gặp thằng bạn thân từ hồi lớp 3, hai thằng kéo đi nhậu xỉn say bí tỉ, vừa xỉn vừa kể chuyện ngày xưa.

Mình nhớ cô Thu bảo mẫu của mình hồi lớp 4, sao hồi đó mình ghét cô dữ vậy không biết. Tô cơm mình lúc nào cũng nhiều hơn mấy đứa xung quanh, dù cô thừa biết kiểu gì tôi và đồng bọn cũng sẽ đi xúc cơm của bọn ăn ít vào tô mình để ăn thêm. Bàn chải đánh răng của mình kem lúc nào cũng dầy cui, cô sợ thằng Ếch béo sâu răng. Vậy mà tới giờ vẫn hổng hiểu sao, chắc tại trước mặt mình cô hay tỏ vẻ nghiêm khắc, mà càng nghiêm càng khiến mình khoái bày trò trêu chọc.

Đi cấp 2 học cũng vui lắm. Tôi nhớ ông thầy Chi dạy văn, ngày nào cũng đi cái xe đạp cũ thật cũ đi dạy. Bữa đó quậy phá với đám trong lớp, mỗi thằng bị 2 roi vào đít. Tôi cắn răng chịu đau, tối về lén coi gương, má ơi 2 đường đỏ lè. Thương ông thầy ghê.

Nhớ ông thầy Phú lớp 9 nữa chứ. Sao mà tự dưng hôm đó lại chỉ định mình làm lớp trưởng lớp 9/3. Mình thi chuyển cấp đạt phong độ thấp lắm, thi về mình bí mật gọi điện cho thầy, nói thầy ơi chắc con rớt rồi. Bữa đó chưa tới 10h sáng điện thoại bàn reo, thầy Phú hỏi Khoa hả, thầy mới họp ra, điểm con vừa đủ vô LQĐ cấp 3 đó nhe! Điểm mình cộng vào phẩy phết tá lả, vậy mà nhớ chính xác nói cho mình. Dù đã cảm ơn thầy, nhưng còn nợ thầy điều gì đó.

Cấp 3 thì vui banh chành luôn. Kể ra chắc tới sớm mơi. Có những người thầy, người cô, thật sự đã làm mình thay đổi hoàn toàn cái nhìn về người giáo. Gọi cô, gọi thầy, chứ nhiều khi tưởng đâu bạn không. Kể lễ tâm sự tá lả hết. Bữa biết tin năm sau bị qua lớp D1, mình gọi điện thầy Đức, tưởng sắp khóc tới nơi. Thầy nói thầy tin con, thầy xin đưa con vào D1, con yên tâm, bạn bè ở D5 vẫn luôn là bạn của con, không mất đi đâu. Cú ngoặc lịch sử đó khiến mình thành đứa thật đặc biệt. Mình có được tất cả những kỷ niệm đẹp nhất ở cả 2 nơi. Những trải nghiệm đó, chưa bao giờ mình dám quên.

Từ cấp 3, mình đã thu nạp thêm được nhiều cô bạn thân thân, có vài cô tới giờ vẫn đeo mình. Mình về chơi mình chở đi khắp nơi hết. Mình đã đẹp trai, gặp nó đang ế đi với mình, bởi vậy, ế hoài.

“Con trai về nước, sang nhà bố ăn bữa cơm với bố”

Có một người luôn lặng lẽ, nhưng luôn đầy ngọt ngào và tâm lý, đó là bố thằng Duy. Mình gọi ba mình là “ba”, tại mình ở Sì Phố mà. Nhưng mình gọi bố nó là bố luôn, từ hồi nào thì hổng nhớ. Mình hay qua nhà nó chơi, lúc bố nó dạy nó, mình cũng coi như đang dạy mình. Bữa về chơi, tranh thủ ghé ăn cơm với bố một bữa, ngồi tám đủ thứ trên đời. Ông già lạ thiệt, hơn mình mấy con giáp mà nhiều khi tưởng bạn không chứ. Mốt về, chắc phải nhậu với bố mới đã.

20/11 cách đây 3 năm, ổng có ghi trên Facebook, đại loại là: Buồn cho một nền giáo dục tạo ra những con người tư duy y hệt nhau. "Chúc thầy vui vẻ, mạnh khỏe", "Chúc thầy ngày 20/11 nhiều hạnh phúc". Làm thầy, có thật sự đó là điều tôi muốn nhận hay không? Xin hãy nói với tôi là các em đang hạnh phúc, đang vui vẻ, đang sống tử tế!

Dài dòng văn tự, ghi lại, mốt nhớ cái mà đọc, mà nhớ về. Vậy thôi à. Ếch béo tin rằng, khi mình tập sống tử tế, sống có ích cho xã hội, thì đó chính là lời tri ân giá trị và được mong đợi nhất từ những người quanh cuộc sống mình!