Nhà làm phim Nhật Bản từng đoạt giải Oscar Ryûsuke Hamaguchi nổi tiếng với phong cách kể chuyện chậm rãi, giàu tính nội tâm đã mang đến một sự chiêm nghiệm sâu sắc về sự giao thoa giữa tham vọng của con người và sự cân bằng tự nhiên trong tác phẩm mới nhất mang tên Evil Does Not Exist (2023) – tựa Việt: Cái Ác Không Tồn Tại. Được thấm nhuần biểu tượng phong phú và những chi tiết tinh tế trong cách kể chuyện, bộ phim vượt xa những câu chuyện cảnh báo về sinh thái thông thường để phản ánh tội ác của nhân loại gây ra sự suy thoái môi trường và mâu thuẫn cố hữu giữa nhu cầu mở rộng của con người và sự bảo tồn thiên nhiên. Ở trung tâm của bộ phim, Hamaguchi đặt ra câu hỏi về điều gì thực sự tạo nên cái ác và cách nó tồn tại trong lối sống ký sinh của loài người trong thế giới tự nhiên.
Được thấm nhuần biểu tượng phong phú và những chi tiết tinh tế trong cách kể chuyện, bộ phim vượt xa những câu chuyện cảnh báo về sinh thái thông thường để phản ánh tội ác của nhân loại gây ra sự suy thoái môi trường và mâu thuẫn cố hữu giữa nhu cầu mở rộng của con người và sự bảo tồn thiên nhiên. Ở trung tâm của bộ phim, Hamaguchi đặt ra câu hỏi về điều gì thực sự tạo nên cái ác và cách nó tồn tại trong lối sống ký sinh của loài người trong thế giới tự nhiên.
Tuy nhiên, lối sống hòa hợp với Mẹ thiên nhiên này bị đe dọa bởi một những vị khách không mời – lối sống hiện đại của chủ nghĩa tư bản giai đoạn cuối và sự tàn phá hệ sinh thái tự nhiên. Một công ty có trụ sở tại Tokyo mang tên Playmode lên kế hoạch phát triển khu cắm trại sang trọng tại thị trấn nguyên sơ này. Họ cử hai đại diện là Takahashi (Ryûji Kosaka) và Mayuzumi (Ayaka Shibutani) đến giới thiệu dự án và thu thập ý kiến từ cộng đồng địa phương. Tại cuộc họp này, dự án đối mặt với hàng tá câu hỏi và lời chỉ trích của người dân Mizubiki khi bản kế hoạch xây dựng và vận hành của khu cắm trại có đầy lỗ hổng và thiếu tính bền vững. Thực chất, Playmode chỉ là một công ty giải trí và mục đích duy nhất họ vội vàng triển khai dự án này là để nhận trợ cấp của chính phủ dành cho công cuộc cải tạo tình hình kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Phân cảnh cuộc họp trong phim là lúc bộ phim được đẩy lên cao trào nhất với số lượng câu thoại nhiều hơn hẳn phần còn lại của bộ phim. Sự trao đổi qua lại của hai bên bộc lộ những lo ngại thực tế của dân làng: ô nhiễm nguồn nước, nguy cơ cháy rừng, và sự phá vỡ hệ sinh thái tự cung tự cấp của họ. Những cuộc đối thoại ở đây thấm đẫm sự lo lắng sâu sắc của một cộng đồng hiểu rõ rằng sự can thiệp của con người, dù là nhỏ nhất, đều có thể gây ra những hệ quả khôn lường đến thiên nhiên. Lời phê bình sắc bén về tác hại của lối sống hiện đại đến hệ sinh thái của đạo diễn Hamaguchi được trình bày thông qua những nhân vật được khắc họa sống động cùng những lập luận xác đáng của họ. Trong đó, lời nhắc nhở đau đáu nhưng đanh thép nhất đến từ vị trưởng làng điềm đạm, thông thái: “Những gì các người làm ở thượng nguồn rồi sẽ ảnh hưởng đến những người sống ở hạ nguồn.”
Trong sự đối đầu giữa bảo tồn và tiến bộ, Evil Does Not Exist khám phá bản chất kép của sự tổn hại. Đạo diễn Hamaguchi phân chia hai loại “tội ác” rõ ràng. Loại đầu tiên, hữu hình và dễ nhận thấy hơn, được thể hiện qua tham vọng tham lam và sự xem thường hệ sinh thái tự nhiên của dự án cắm trại ăn xổi ở thì. Đây là loại ác quỷ dễ nhận ra trong xã hội, xuất phát từ lợi nhuận và có thể bị ngăn chặn bởi sự chống cự của tập thể. Sự phản đối yên lặng và kiên định của dân làng minh chứng cho khả năng nhận diện và chống lại cái ác này. Người dân nơi đây thông minh hơn so với tưởng tượng của những tên tư bản trên thành phố khi họ nhận thức rằng các lực lượng ngoại lai có thể làm rối loạn sự cân bằng tinh tế của vùng đất Mizubiki – một hậu quả tồi tệ sẽ xảy ra nếu họ mù quáng đi theo lời dụ dỗ của đồng tiền.
Loại tội ác thứ hai, và cũng là điểm khám phá sâu sắc hơn của bộ phim, là cái ác có từ trước khi xã hội con người xuất hiện. Đó là cái ác của sự lấn chiếm – hành động thầm lặng và dai dẳng của việc tái định hình tự nhiên để phục vụ mục đích con người. Hành động săn bắn gợi lên qua âm thanh của tiếng súng vang vọng trong rừng đã gói gọn sự lưỡng nghĩa này. Takumi nhận thức sự hiện diện của những thợ săn, anh không lên án cũng không tán thưởng họ, mà chấp nhận sự có mặt của họ như một phần trong chu kỳ của hệ sinh thái. Tuy nhiên, tiếng súng vang lên ở đầu và cuối phim ám chỉ nhiều hơn việc săn bắn; đó là sự lấn át của ý chí con người lên trật tự tự nhiên khách quan.
Trong Evil Does Not Exist, hình ảnh loài nai đại diện cho sự đối tính của loài người: không ai hoàn toàn thiện hoặc ác, hành vi của người đó sẽ được phán xét theo tiêu chuẩn đạo đức của xã hội nơi họ sống. Lời khuyên của Takumi dành cho con gái về sự nguy hiểm tiềm tàng của loài vật vốn lành tính nhưng sẵn sàng tấn công loài người nếu chúng bị bắn. Việc loài nai tấn công loài người để tự vệ không phải là một tội ác vì đây là bản năng của nó; còn hành vi săn bắn có kiểm soát của con người đối với các loài động vật khác cũng không nhất thiết là một loại tội lỗi vì đây là cách một hệ sinh thái vận hành – cá lớn ăn cá bé. Anh là hiện thân của sự cân bằng mong manh này. Khi người xem lặng lẽ theo chân Takumi làm việc trong rừng, ta cảm nhận được một nhịp điệu vừa bình yên vừa đáng âu lo vì chúng ta biết rằng sự yên tĩnh này sẽ sớm bị phá vỡ.
Ngay cả những người đại diện của công ty với mong muốn thoát khỏi cuộc sống đô thị tẻ nhạt và sự trân trọng chân thành đối với vẻ đẹp tự nhiên của ngôi làng cũng nhận lại cái kết bi thảm. Dù có ý định tốt đến đâu, họ không thể thay đổi kết cục tồi tệ được định sẵn của sự xâm phạm lãnh thổ này. Hình ảnh cô bé Hana lang thang trong rừng và kiếm tìm niềm vui từ thiên nhiên càng nhấn mạnh thêm sự dễ tổn thương của vạn vật khi đứng trước lòng tham của loài người; như những con nai bị cuốn vào vòng xoáy của câu chuyện, cô bé cũng phải chứng kiến sự đứt gãy của dòng chảy hài hòa trong hệ sinh thái đã kéo dài từ thuở sơ khai.
Tiêu đề Evil Does Not Exist - Cái Ác Không Tồn Tại của đạo diễn Hamaguchi không chỉ là một tuyên bố mà còn là một thử thách triết học. Bộ phim đưa ra quan điểm rằng trong thiên nhiên không tồn tại cái ác như định nghĩa của con người. Thiên nhiên hành động, phản ứng và tồn tại. Tổn hại không đến từ bản chất của tự nhiên mà từ sự hiểu lầm của con người về vị trí của mình trong đó. Bằng cách đối chiếu hai hình thái của tội ác, vị đạo diễn ám chỉ rằng dù cái ác đầu tiên có thể được giảm thiểu thông qua nỗ lực cộng đồng, song, cái ác thứ hai đòi hỏi sự thay đổi căn bản trong nhận thức của con người: đó là từ bỏ ý nghĩ rằng chúng ta đứng tách biệt, hay thượng đẳng trên vạn vật.
Kết thúc u ám của bộ phim với những câu hỏi bỏ ngỏ và hình ảnh siêu thực mộng mị để lại khán giả trong một trạng thái bất an chiêm nghiệm. Sự kháng cự của ngôi làng, dù mãnh liệt đến đâu, có lẽ cũng không đủ để chống lại lối phát triển dựa vào khai thác môi trường quá mức của đời sống hiện đại. Nhưng trong bộ phim kinh dị sinh thái này vẫn có một tia hy vọng: rằng sự chăm sóc thực sự đối với thiên nhiên không chỉ đòi hỏi tình yêu và hiểu biết mà còn là sự thừa nhận giới hạn của chúng ta và sự hiện diện thầm lặng, dửng dưng của một thế giới tồn tại ngoài phạm vi đạo đức con người.
Theo lời của đạo diễn Hamaguchi, ý tưởng về một doanh nghiệp đuổi theo lợi ích trước mắt của bộ phim lại vô tình khớp với tình hình hiện tại không chỉ của riêng nền điện ảnh Nhật mà còn của nhiều lĩnh vực kinh tế khác của đất nước này. Ông cho biết: “Tại nền công nghiệp phim ảnh của chúng tôi, bạn khó có thể phát triển những cốt truyện gốc bởi vì xu hướng bây giờ là dồn nguồn lực để sản xuất phim chuyển thể cho các tác phẩm truyện tranh và hoạt hình.” Song, phim ảnh do người thật đóng khác một trởi một vực so với hoạt họa, thế nên phần lớn những bộ phim này bị thất bại nặng nề. Dù vậy, họ vẫn có đấm ăn xôi đi theo con đường phim chuyển thể trong tuyệt vọng, còn những người hâm mộ tác phẩm gốc dần mất niềm tin vào điện ảnh nước nhà.
Lòng tốt có tồn tại, tình yêu có tồn tại, lòng vị tha có tồn tại, nhưng cái ác lại không tồn tại. Evil Does Not Exist không phải là một bộ phim tàn nhẫn. Nó là một sự phản chiếu đầy cảm thông về những con người đã mắc sai lầm nhưng vẫn mang một bản chất chân thành tốt bụng, nơi mà những vấp ngã và đức hạnh của các nhân vật đều làm tăng thêm sự thấm thía cho số phận của họ. Bộ phim lặng lẽ khẳng định sự tồn tại của lòng tốt và tính nhân văn, ngay cả khi bộ phim thách thức những bản tính này của loài người bằng một câu chuyện đầy mơ hồ và đa tầng nghĩa. Đạo diễn Hamaguchi bắt người xem suy ngẫm về sự đồng lõa của mình trong sự suy thoái môi trường và tự hỏi bản chất thực sự của cái ác—liệu nó nằm trong lòng tham dễ thấy của các tập đoàn hay trong niềm tin kiêu ngạo rằng chúng ta có thể chinh phục thiên nhiên mà không phải gánh chịu bất kì hậu quả nào?