Mỗi mái nhà đều mang trong mình kỷ niệm. Những dịp trọng đại trong đời - đỉnh cao và vực sâu - lướt qua như làn khói chẳng vương lại chút gì. Những khoảnh khắc nhỏ còn đọng lại: Hốc trống góc cầu thang, vệt xước nơi lỗ khóa, hay vết lên nước trên tay nắm gỗ. "Cách ta sống hàng ngày đương nhiên là cách ta sống trọn ngày tháng cuộc đời," Annie Dillard viết, và chính những căn nhà ta sống ghi dấu tất cả.
Tất cả chúng ta cần xem xét lại mái nhà của chính mình giữa thời khắc chênh vênh này. Khi giãn cách xã hội, đại dịch đồng nghĩa chúng ta cần bố trí lại các căn phòng, bếp thành lớp học, còn phòng ngủ thành buồng làm việc; những căn phòng khách chìm vào quên lãng, lặng tiếng bạn bè thân hữu. Triết gia người Pháp Gaston Bachelard gọi ngôi nhà là chốn tâm linh, kết nối ý nghĩ, mơ mộng và kỷ niệm mà từ chúng cuộc sống của ta được bện nên. Với một số người, đó là nơi trú ẩn, một số khác lại coi là sự hành hạ, nhưng tất cả chúng ta đều phải đối mặt với nơi mình sống mỗi ngày.
Những tháng cuối năm 2020, những người thợ nề tháo dỡ vài bức tường nhà tôi. Phần sau nhà cần được chắn lại bằng gỗ suốt vài tuần. Mùa đông đang đến, và trong khi những người thợ đang thi công, gia đình chúng tôi co ro trong một căn phòng, với tủ lạnh sau cánh cửa và đồ hộp trên giá thay vì sách. Khi người ta bóc bỏ từng lớp vỏ tích tụ theo thời gian, căn nhà từ bỏ những kỷ niệm của mình: Poster mờ, những mảng giấy báo ố chứng nhân cho những biến đổi trong thời trang lẫn chính trị. Gạch lộ ra sau lớp vữa, rồi móng nhà hiện lên dưới nền.
Vào ngày mà những bức tường cũ cuối cùng bị hạ xuống, tôi và vợ lần đầu đặt chân vào căn bếp mới. Mặt sau nhà bị bóc tới tận xương, như một vách hang tối lạnh. Một khoảng trống mở toang ra vườn, nhưng chúng tôi háo hức nhìn vào khoảng trống ấy, hiện lên kỳ diệu như cách con thỏ được nhà ảo thuật lôi ra từ cái mũ. Chúng tôi đã sống chật chội quá lâu rồi, dường như chính căn nhà đang thở phào.
“Ngôi nhà, theo như tôi thấy, là một cấu trúc thanh thoát, di động theo hơi thở thời gian,” Bachelard đã viết. Nhưng những gì tôi cảm thấy trong phần lớn thời gian thợ xây làm việc khác rất xa cảm giác thanh thoát. Khi loạt xe đẩy được chất đầy đá vụn và cửa sổ vỡ, thứ cảm giác trước mắt tôi chẳng phải sự thanh thoát mà là sức nặng: vết hằn nặng nề của vật chất ấn chứng cho sự tồn tại của tôi trên trái đất. Tôi từng đọc về một nhóm các nhà khoa học trên tạp chí Nature đã ước tính rằng tới 2020, tổng khối lượng vật chất nhân tạo sẽ vượt quá khối lượng sinh khối toàn cầu: Tổng khối lượng bê tông, nhựa đường, chất độn, kim loại, kính và nhựa đã vượt quá một Tera tấn ( Một nghìn tỷ tấn) gộp từ thực vật, thú có vú, cá, vi khuẩn, nấm, cổ khuẩn, sinh vật nguyên sinh và virus. Theo khối lượng, hiện đang có nhiều nhà cửa và hạ tầng đường xá (1100 Giga tấn) hơn với cây cối (900 Giga tấn); nhiều nhựa (8 Giga tấn) hơn so với động vật trên cạn và dưới biển (4 Giga tấn).
Những mảnh vụn của căn nhà tôi ở góp vào một phần trong đó, khi đọc bài báo trên kia tôi đã thầm nghĩ  - rằng làn sóng vật liệu khổng lồ này sẽ đánh ập vào tương lai. Nhưng càng đọc, tôi mới nhận ra các nhà khoa học đã không tính gộp lượng chất thải, hay rác thải, cũng như tới vật liệu sử dụng trong  quá trình xây dựng hay khai mỏ. Nếu thêm phần này, tức chúng ta đã vượt ngưỡng chênh lệch kia từ rất lâu mà không hay biết, hay ghi chép lại.
Mỗi căn nhà là một chiếc đồng hồ, ghi dấu hành trình thời gian của ta trên mặt đất. Nguồn ảnh: Christian Science Monitor
Mỗi căn nhà là một chiếc đồng hồ, ghi dấu hành trình thời gian của ta trên mặt đất. Nguồn ảnh: Christian Science Monitor
Những ngày sau đấy, tôi không thể giũ bỏ ý nghĩ về lượng sản phẩm nhân tạo đã vượt quá lượng sinh vật. Thực tế dường như không thể nào lý giải được nổi, một sự thật vượt ra ngoài  nhận thức.
Năm 1603, Christoph Grienberger, một linh mục dòng Tên đã thiết kế một cổ máy không tưởng để nhấc cả Trái đất, sử dụng ròng rọc động và hệ thống 24 bánh răng. Gần 200 năm sau, Henry Cavendish nhận ra ông có thể đo độ đặc của Trái đất bằng những hòn chì nhỏ vừa lòng tay. Ông gắn hai hòn chì nặng 1,6 pound vào đầu một cần gỗ treo bởi một sợi dây, cho chuyển động như một con lắc. Cavendish cũng gắn hai quả cầu bằng chì nặng hơn - 348 pound - cách cái cần vài inch. Bằng cách đo mô men xoắn của sợi dây khi cần dao động (Ông quan sát thí nghiệm qua một kính viễn vọng, trong khi toàn bộ thí nghiệm được đặt trong một buồng gỗ kín thiết kế đặc biệt nhằm loại bỏ tất cả những tác động ngoại lai có thể làm ảnh hưởng tới kết quả đo lường), Cavendish có thể ước lượng được lực hấp dẫn của những quả cầu lớn lên những quả nhỏ, và từ đó đo khối lượng riêng của Trái đất.
Khi đối đầu với những cấp độ gây choáng ngợp, chúng ta thường tìm về những góc nhìn khác quen thuộc hơn. Năm 1992, William Rees, đương thời làm một giảng viên dạy quy hoạch vùng tại Đại học British Columbia, đưa ra nhận xét với một nghiên cứu sinh rằng ông thấy ưa những "vết chân nhỏ" của chiếc máy tính bàn mới của anh ta. Những chiếc máy tính bàn thời đó có ổ cứng nằm ngang, nhưng thiết kế mới này đặt dọc chúng như một tòa tháp. Lúc này, Rees đang nghiên cứu về cách tích toán tổng diện tích bắt buộc phải có để duy trì  cho một cộng đồng, điều ông gọi là "các viên nén địa phương". Nhưng ý tưởng bất ngờ đến với ông rằng "dấu chân sinh thái" lại là một mô tả ý tưởng chỉn chu hơn.
"Dấu chân", theo nghĩa ban đầu, là khái niệm có tính biến đổi. Giờ đây chúng ta đề cập tới nhiều tiêu chí "dấu chân khác nhau để chỉ thị các chỉ số sinh thái: thông dụng nhất, dấu chân là chỉ số cho lượng năng lượng và nước tiêu thụ, cùng với lượng carbon xả thải, nhưng nó cũng đo lường chi phí về đa dạng sinh học, hóa học và nhiệt động lực học. Chỉ số này hiệu quả vì nó thể hiện qua quy mô cơ thể, trình bày cụ thể các khái niệm trừu tượng, làm chúng dễ dàng nắm bắt đồng thời cũng khiến các chi phí có thể tăng tiến về quy mô. Có đủ loại máy tính trực tuyến sẵn sàng thông báo cho chúng ta về áp lực gây ra lên hệ sinh thái, không bởi toàn bộ xã hội hay nhân loại, mà bởi từng căn hộ hoặc thậm chí mỗi cá thể. Cụ thể, dấu chân carbon đã dần dần trở thành một chỉ dấu đạo đức đại diện cho sức chịu đựng của lương tri của chúng ta.
Đó chính là mục đích khởi đầu của chỉ dấu này. BP cho ra mắt “máy đo dấu chân carbon đầu tiên” như là một phần của chương trình tái nhận diện thương hiệu "Beyond Petroleum” được tán thưởng vào đầu những năm 2000 của họ. Trong mẫu quảng cáo ban đầu, một giọng nói - kèm theo hình ảnh các vũ công, vận động viên và bà mẹ sắp sinh - ngợi ca những đức tính đến từ nỗ lực cá nhân: "trên cả tập luyện, sự hoàn hảo... trên cả hiểm nguy, niềm phấn khích... trên cả khủng hoảng, một giải pháp."
Quả là một tuyên ngôn quyến rũ. Dấu chân carbon gợi ra rằng để giảm bớt áp lực, chỉ cần bước nhẹ hơn. Dường như: nhỏ là tiện, rằng ta đo lường trái đất qua những thước đo nho nhỏ, đong đếm chi phí và có khi còn giảm thiểu được nó. Nhưng nó đậy che đi sự thật rằng hành động cá nhân chẳng có chút ý nghĩa nào khi bàn về giảm thiểu phát thải carbon. 2008, chỉ vài năm sau khi BP công bố chương trình đo dấu chân carbon được cá nhân hoá, các nhà nghiên cứu tại MIT đã đo lượng carbon xả thải ra của một số người vô gia cư, chỉ ăn xúp và ngủ tại trung tâm cứu trợ. Họ nhận ra rằng, thay vì chỉ có tác động tối thiểu với xả thải carbon, những người này vẫn hòa trong một xã hội chìm ngập năng lượng hóa thạch, cho dù bản thân họ không sở hữu gì, vẫn xả thải gián tiếp một lượng CO2 gấp đôi mức trung bình toàn cầu mỗi năm.
*****
Mùa đông đến, nhưng việc xây cất vẫn dở dang. Bởi vì đại dịch, cho nên một số nguyên liệu thiết yếu bị thiếu hụt, và chúng tôi không tìm ra được một người thợ nước. Suốt vài tuần, mặt sau nhà vẫn là một khoảng không trống hoác, không có cả sàn. "Cứ như là sống ở hố bom vậy", chúng tôi hớn hở bảo họ hàng.
Tôi luôn thấy tội lỗi vì đùa như thế. Mớ hỗn độn này của chúng tôi là một sự lựa chọn, khác xa điều những người mất nhà do bom hay hỏa hoạn gánh chịu. Dẫu vậy, tôi vẫn băn khoăn liệu mất tất cả thì sẽ thế nào. Một ảo mộng trong tầm kiểm soát, với giả định người thân của tôi an toàn không bị đồ đạc rơi vào. Suy nghĩ ấy có chút gì đó khoái hoạt, mặc cho chính nó cũng làm tôi cảm thấy tội lỗi. "Cứ như một hố bom", tôi nhắc lại trên điện thoại, xuýt xoa nhẹ nhàng.
Vào ngày thứ hai của chiến dịch Blitz, bom bắt đầu rơi xuống quảng trường Mecklenburgh ở London. Nhà số 37 - ngôi nhà của Virginia Woolf - thoát nạn, nhưng khi tới quảng trường vào những hôm sau đó, Virginia nhớ lại rằng, một trong những căn nhà bị đổ “giống như một chiếc răng bị nhổ bật ra. Một mặt tường còn sót lại, với vải vụn quần áo và tấm gương trên tường, như sự giễu nhại với cuộc sống nội trợ đã bị quét đi. Căn nhà của Woolf cũng chẳng yên ổn được lâu. Một quả bom hẹn giờ thả cùng đợt tập kích phát nổ một tuần sau đó, thổi bay cửa sổ và đánh sập nóc căn nhà. Những tháng tiếp theo, căn nhà cũ của họ ở quảng trường Tavistock cũng bị phá hủy. (Vụn cao su ở nơi tôi từng viết thật là nhiều sách - Woolf ghi lại trong nhật ký - Nơi chúng tôi ngồi bên nhau hàng đêm nay trống toang hoang.) Vào tháng 11, một vụ nổ nữa phía sau nhà số 37 thổi bay nó hoàn toàn.
Không như nhiều người từng sống qua chiến dịch Blitz, Woolf không trở thành vô gia cư. Khi bom rơi, bà lúc ấy ngụ tại căn nhà ở Rodmell, một làng nhỏ ở Đông Sussex. Nhưng đứng trước đống đổ nát của cuộc đời cũ khiến lòng bà rối loạn. Những dòng rời rạc trong nhật kí lẫn lộn giữa tiếc nuối và phấn khích: "Thật phấn khích khi rũ bỏ sự sở hữu - Ngoại trừ nhiều lần tôi muốn lại chỗ sách vở, những chiếc ghế, thảm và giường. Bao nhiêu công sức mình làm lụng để mua chúng về -  từng chiếc một - cả những bức tranh. Nhưng tự do khỏi Meck, là một sự giải thoát... Tôi có thể làm lại cuộc đời, trong yên bình, gần như tự do tới bất kì đâu."
Woolf cho rằng, tự do khỏi của cải sở hữu là thoát khỏi gánh nặng của sự dính chấp. Ngày nay có nguyên cả một ngành công nghiệp thuyết phục chúng ta rằng của cải đang kéo chìm chúng ta, ít nhất là theo những cuốn sách, podcast và trang web về dọn dẹp nhà cửa. Nhiều người trả phí để có chỗ cất thêm đồ đạc. Hiệp hội Lưu trữ Tự quản chỉ ra rằng có đủ kho bãi để "cất" mỗi người Mỹ, với hơn 7 feet vuông mặt sàn cho mỗi người.
Năm 2000, nghệ sĩ người Anh Michael Landy đã dành ra mười hai tháng liệt kê lại toàn bộ những gì ông sở hữu, từ các ghi chép viết tay tới trà túi lọc PG tip. Bảng danh sách cuối cùng chứa 7227 món đồ, nặng 5,75 tấn. Trong vòng 2 tuần của tháng 2 năm 2001, Landy và các cộng sự hỗ trợ đã phá hủy toàn bộ số đồ đạc này trong một màn trình diễn sắp đặt mang tên Sụp đổ. Đồ nội thất bị đập phá, hộ chiếu và giấy khai sinh bị cắt vụn. Ô tô thì bị nghiền nát. Ngay cả những tác phẩm nghệ thuật lâu năm và tranh ảnh cũng bị tiêu hủy. Tất cả những gì ông từng sở hữu được gom lại đổ về một bãi rác ở Essex.
Quá trình phá hủy, vốn diễn ra bên trong một trung tâm mua sắm bỏ hoang tại phố Oxford ở London, được ghi hình lại. Landy và các viên trợ lý đều mặc đồ xanh. Tài sản của ông đi trên một băng chuyền lớn uốn quanh sàn trống. Từng món đồ được cân đo kỹ lưỡng và ghi vào sổ lưu ký trên máy tính, rồi được đập vỡ hay xén vụn. Tiếng nổ, tiếng rít và những âm thanh hủy diệt ầm ĩ khiến màn trình diễn giống như sự đảo ngược của dây chuyền lắp ráp - mà theo chính Landy mô tả là sự hoàn tác lại mọi đồ vật ông đã tích lũy suốt cuộc đời. Thế nhưng, khi nhìn thấy những thùng nhựa màu vàng chứa đầy quần áo và túi xách lừ đừ trôi dọc băng chuyền, tôi lại liên tưởng tới cảnh kiểm tra an ninh tại sân bay, khúc dạo đầu của cuộc chia ly. "Bằng cách này hay cách khác, tôi đang cố gắng rũ bỏ bản thân" Landy giải thích.
Giống Woolf, Landy nhận thấy rằng mọi thứ mình sở hữu thực chất là một cuộc thương lượng cùng ký ức. Tập hợp các tác phẩm nghệ thuật, tích lũy qua suốt quãng đời làm việc của ông -  bị phá nát vụn. Thứ khó buông bỏ nhất, mà ông giữ lại đến sau cùng là chiếc áo da cừu cha ông để lại. Dẫu vậy, trải nghiệm vẫn là “quá nhanh," Landy nhớ lại về sau. Và ngay bằng cách xóa sổ chứng cứ bằng vật chất suốt cuộc đời mình, ông cũng đang đảm bảo mình sẽ được nhớ tới theo một cách riêng khác. "Tôi biết sẽ là như thế, rằng tôi sẽ được biết tới là gã đã phá hủy toàn bộ của cải của mình" Landy nói. Và dù thế nào đi nữa "phá hủy" cũng chỉ là một uyển ngữ. Tàn dư những đồ đạc của Landy vẫn còn đó, bắt đầu một dạng tồn tại mới mẻ, kiên trì  giữa 16 triệu tấn rác thải sinh hoạt đổ ra bãi rác mỗi năm ở Anh.
"Biến mất đi" là lời nói dối, thứ khiến chúng ta mơ về những cuộc sống không mang vướng bận đồ dùng. Mọi thứ vẫn chảy đều về một nơi nào khác. Bộ sưu tập đĩa hát yêu thích của Landy là một trong những thứ bị phá hủy sau cùng. Anh ấy đã tạo một danh sách nhạc cho quá trình phá hủy, dùng luôn nó làm nhạc nền cho Break Down hai tuần trước. Bắt đầu với Breaking Glass của David Bowie và kết thúc với Love will tear us apart của Joy Division. Nhưng bằng cách nào đấy, bài hát lảng vảng trong đầu tôi khi xem phim lại không  trong danh sách phát:
Boy, you're gonna carry that weight, carry that weight a long time....
Kết thúc cuộc trình diễn, Landy hiện thân như một phép màu hiện đại: Một con người cắt rời hoàn toàn khỏi sở hữu vật chất, tách ra khỏi xã hội tiêu dùng. Nhưng điều đó chẳng tồn tại được lâu. Ngay trước khi ông rời khỏi tòa nhà, ai đó đã đưa vào tay ông một đĩa hát để làm lại bộ sưu tập. Ông ta không sở hữu đúng nghĩa không một thứ gì trong vỏn vẹn mười phút.
*****
Giáng sinh lại đến, và tốp thợ xây nghỉ lễ. Vài ngày sau, chính quyền Scotland ban hành đợt giãn cách xã hội mới, khiến công việc xây cất không tài nào tiếp tục. Suốt hàng tháng trời, các hoạt động đình trệ. Mừng là chúng tôi đã kịp có một căn bếp tử tế, nhưng căn nhà mới chỉ hoàn thành một nửa, với những tấm nhựa trên mái, những mảng gạch trần giữa nhà, và gỗ ép thay thế cho những bức tường. Một lớp bụi trắng phủ lên tất cả mọi thứ,như thể căn nhà đang ngụp lặn giữa việc cách tân và sụp đổ.
Ở chương giữa Thời gian Trôi qua (Time Passes) nổi tiếng của tác phẩm Tới ngọn Hải đăng (To the Lighthouse), Virginia Woolf hình dung về căn nhà nghỉ mát của các nhân vật chính - gia đình Ramsay -  chìm trong tĩnh lặng khi họ rời đi. Đầu tiên, căn nhà bình tĩnh đối diện sự từ bỏ. Khi cơn gió biển buốt giá chúi mũi vào, chất vấn, "Nhà ngươi sẽ tàn lụi? Sẽ sụp đổ chứ?" Chúng vẫn thờ ơ, “như thể các câu hỏi như thế chẳng đáng trả lời. Chúng ta vẫn ở đây.” Tuy nhiên, sự bền bỉ ấy phải được thử thách. Từng mùa trôi qua, theo đó là bão bùng cũng như thời tiết đẹp. Én sẻ làm tổ trong phòng khách. Hoa mọc lên nơi ô cửa vỡ. Dần dần, ngôi nhà mất dần những nét đặc trưng, ranh giới giữa trong và ngoài mờ dần, cho tới khi, Woolf nói: “Khi chỉ cần thêm một sợi lông nữa thôi, căn nhà sẽ đổ nát, sập xuống dòng cát lãng quên.” May thay căn nhà đã không sập. Những người thợ xây đã tới, chuẩn bị cho sự trở lại của gia đình Ramsay, cứu nó “ra khỏi dòng Thời gian đang dần nuốt chửng.”
Khi viết Tới ngọn Hải đăng, Woolf ghi chú trong nhật ký rằng bà muốn nó có tương đồng với "sự lưu chuyển của thời gian". Căn nhà gia đình Ramsay rời bỏ đã trở thành một thứ đồng hồ. (Triết gia Michel Serres nhấn mạnh rằng "để đo thời gian thì cần đồng hồ; bà ấy đã dùng căn nhà.") Nhưng có lẽ ở đây chẳng có gì bất thường cả. Mỗi căn nhà là một chiếc đồng hồ, đánh dấu thời gian của chúng ta trên mặt đất. Trung bình mỗi căn nhà một tầng - không đồ đạc ở Mỹ - nặng chừng 160 tấn, một nửa khối lượng đó là ở phần móng bê tông, phần còn lại chủ yếu gồm thép, gạch, gỗ và kính. Vào cuối vòng đời, phần lớn các vật liệu ấy sẽ ra bãi phế thải và bắt đầu tham gia tạo thành thứ mà nhà cổ sinh vật học Jan Zalasiewicz gọi là "hóa thạch công nghệ". Chúng là bất kỳ loại vật liệu nào do con người tạo ra có khả năng chống chịu đủ lâu để xét trở thành hóa thạch. Chúng có thể có kích cỡ từ vi nhựa cho tới thành phố khổng lồ, Khả năng hóa thạch chủ yếu là nhờ tính bền, nhưng đồng thời việc có quá nhiều những thứ này cũng đảm bảo rằng di sản, dấu vết của loài người sẽ được lưu lại đến một tương lai rất rất xa.
Năm 2010, sản lượng xi măng toàn cầu là 3,27 tỷ tấn và ước đạt tới 4,83 tỷ tấn vào năm 2030. 1,5 nghìn tỷ viên gạch được sản xuất mỗi năm, tiêu tốn 375 triệu tấn than. Sản lượng thép toàn cầu hàng năm đạt 158 triệu tấn, còn nhựa là 368 triệu. Tất nhiên, không phải toàn bộ lượng vật liệu này dùng để xây nhà, nhưng sự phổ dụng của chúng khiến mỗi căn nhà là một chỉ số về hóa thạch trong tương lai.
Cách Zalasiewicz mô tả sự hình thành ngầm của hóa thạch công nghệ giống một cách kỳ lạ sự bồi tụ tàn dư được mô tả trong tác phẩm của Woolf. Qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, nước có thể làm suy yếu cả những nguyên liệu dường như bền nhất như gạch và bê tông, còn lưu huỳnh và clo bào mòn kim loại nhóm sắt. Nhưng các bãi phế thải hiện đại được thiết kế ngăn chặn sự rò rỉ chất thải độc hại, bảo vệ các vật liệu như nhựa khỏi sự bào mòn của oxy và ánh sáng. Không có nơi nào để đi, theo thời gian (hàng vạn năm) dịch thải giàu canxi carbonate từ xi măng, bê tông và thạch cao có thể hòa tất thảy vào một khối. Hàng nghìn rồi hàng triệu năm, những phế thải này sẽ thành một tầng địa vật mới, với nét chấm phá từ của cải bỏ đi: bút bi hết mực, bánh xe đạp méo, ghế gãy và vòi nước hỏng.
*****
Thời tiết giá rét đã ngưng. Từ ngày mai, công việc sửa nhà của tôi sẽ bắt đầu trở lại, tuy chỉ ở bên ngoài. Quy định về giãn cách xã hội vẫn còn, và tôi tiếp tục có cơ hội ngẫm nghĩ về những mảng gạch hở lâu hơn một chút.
Sau sự phá hủy ở quảng trường số 37 Mecklenburgh, Virginia Woolf bắt tay viết tiểu thuyết cuối cùng giữa đống sách vở và đồ nội thất ngổn ngang: “Ồ, giờ ta trống rỗng, trắng tay và chẳng còn gì," bà thốt lên trong tuyệt vọng về sự hỗn loạn của cuộc sống bị tước đoạt đi của cải. Vật sở hữu có thể chiếm hữu ta nếu không cẩn thận, khi ấy sở hữu tự thân nó trở thành lý lẽ và phần thưởng, và chúng ta đánh mất bản thân. Ấy thế mà mọi thứ, những căn nhà -  chúng không quên. Một căn nhà không là gì hơn, như Bachelard từng viết, ngoài tự thân quá trình hóa thạch”. “Chúng ta sống giữa lòng đồ vật,” một nhân vật của Woolf trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của bà từng nói, và chúng ta sẽ hằng sống giữa chúng ngay cả sau khi ta chết đi rất lâu.
-----------------------------------
Tác giả: David Farrier
Dịch: Thiệu
Biên tập bản dịch: K.