Bỗng dưng đời ném vào mình cả ngàn lựa chọn rồi hỏi “mày sẽ làm gì với đời mày?”.
- Chỉ tập trung học để lấy học bổng, cầm tấm bằng giỏi trên tay rồi ra trường, xin việc?
- Tham gia các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi, dự án mô phỏng thực tế?
- Tích lũy kiến thức, đọc sách, học các khóa học MOOCS, ngoại ngữ?
- Phát triển nội dung, viết blog, làm podcast?
- Làm part-time, thực tập tại một công ty nào đó để có kinh nghiệm - thứ ghi được vào CV?
- Dành thời gian cho các mối quan hệ: gia đình, bạn bè?
- Sống hết mình với tuổi trẻ, khám phá từng ngõ ngách Sài Gòn và những thành phố khác?
- Bảo lưu kết quả học rồi lên đường “tìm hiểu bản thân và khám phá thế giới” hay thậm chí ngừng hẳn việc học chính quy?
- Di chuyển sang một môi trường, thành phố, đất nước khác?
Bước chân vào giảng đường Đại học, ít nhiều gì thì chúng ta cũng sẽ có những suy nghĩ về tương lai, về việc lựa chọn sử dụng thời gian như thế nào để đem lại kết quả tốt nhất. Vì vào Đại học, nghĩa là đã đến cái tuổi mà xã hội cho rằng ta đã lớn, đã đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm với đời mình, với những quyết định ta đã chọn. Lớn, ta phải nghĩ về cơm áo gạo tiền, về các mối quan hệ, và về cuộc sống này. Những lựa chọn của ta không còn nằm trong cái khung có nên đi chơi hay không, chọn đáp án A, B, C, D hay tải game gì để chơi cho đến giờ ngủ. Mà càng lớn, càng tự do, càng khám phá thì ta càng tìm ra nhiều thứ hơn để chọn, và không chọn. Trước quá nhiều ngã rẽ như vậy, mà đi về hướng nào thì cũng ảnh hưởng đến đời ta, thì ta phải làm gì?

I. LÝ THUYẾT

Thật ra thì mình cũng không biết nữa, cũng đang từng ngày tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Nhưng sau khi nghiên cứu các khái niệm, mô hình ra quyết định, viết một bài blog thật khó hiểu rồi xóa nó đi thì câu trả lời của mình, một cách đoán chừng, là “Go with the flow”. Nôm na là “Cứ làm đi”, gồm 5 ý tưởng chính:

1. Không có lựa chọn nào là hoàn hảo

Khác với khi ngồi trên ghế nhà trường, những tình huống được đặt ra trong cuộc sống ít khi nào có một đáp án chính xác. Ta không thể dự đoán việc ta làm hôm nay sẽ đem đến kết quả gì trong ngày mai, nên càng không thể lượng hóa hay so sánh chúng một cách duy lý. Vì vậy, chẳng có lựa chọn nào là tốt nhất nên mang tâm lý phải tối ưu hóa mọi thứ một cách cực đoan là điều không cần thiết. Bạn có thể xem thêm bài TED Talks “How to make hard choices” của Ruth Chang để hiểu thêm về vấn đề này.

2. Tôn trọng sự đa dạng

“Ai cũng có 24 giờ một ngày và sử dụng nó như thế nào sẽ quyết định bạn trở thành người như thế nào”? Nhưng chúng ta đâu giống nhau đến vậy. Mỗi người có một mã gene độc nhất đã là một khác biệt không thể phủ nhận. Chúng ta đều mang trong mình những câu chuyện, hình hài riêng, lớn lên ở những nơi khác nhau, sở hữu những thứ khác nhau và suy nghĩ chắc chắn cũng không giống nhau. Hà cớ gì mà ta phải so sánh bản thân với người khác để rồi thấy áp lực hay thỏa mãn.
Họ không sống cuộc sống của mình và mình cũng chẳng trải qua tất cả những gì họ cảm nhận. Một đứa trẻ trong gia đình khá giả được học ngoại ngữ với người bản xứ, đàn hát, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ thì làm sao so sánh với một đứa trẻ trong gia đình khó khăn, phải luôn tay luôn chân phụ giúp cha mẹ, không biết tối nay liệu có được chợp mắt với hàng xóm vẫn đang karaoke ầm ĩ. Cũng với 24 giờ một ngày, nhưng có người sở hữu nhiều đặc quyền để sử dụng thời gian đó hiệu quả hơn. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Những lựa chọn chúng ta đưa ra chỉ nên để bản thân tiến thêm một bước trên đường đua với chính mình.

3. “The secret to happiness is low expectations” - Barry Schwartz in “The Paradox of Choice”

Hạ thấp mong đợi sẽ giúp ta quyết định dễ dàng hơn khi không phải đắn đo quá nhiều, và cũng bớt tiếc nuối nếu không đạt được thứ chỉ có trong suy tưởng. Kỳ vọng thì không có giới hạn, mà thực tế lại chẳng mộng mơ đến vậy. Sẽ luôn có một khoảng trống giữa cái ta đạt được và cái ta muốn đạt được. Việc này nhiều lúc làm ta tự trách bản thân rằng đáng lẽ đã có thể chọn một phương án khác để cho ra kết quả tốt hơn. Sẽ chẳng ngạc nhiên gì với kiểu suy nghĩ này khi xung quanh ta đầy những câu như “Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình” mà không xét tới bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị,... của từng cá nhân trong đó.
Đến giờ, vấn đề lại quay trở về câu chuyện động lực hay áp lực, đặt kỳ vọng thấp để giữ một tâm lý thoải mái hay tự cho mình một kỳ vọng lớn để “áp lực mới tạo thành kim cương”. Như thế nào là thấp, như thế nào là cao và “tốt nhất” có hình hài ra sao? Mình không muốn và cũng không thể chỉ ra đâu sẽ là một ngưỡng phù hợp cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, đây là điều mà mình vẫn đang cố áp dụng:

4. Làm điều giúp bạn trở thành người mà bạn muốn

Biết được mình là ai, tồn tại vì mục đích gì và muốn trở thành người như thế nào là một điều không hề dễ dàng. Nếu bạn vẫn còn đang loay hoay với những câu hỏi đó thì cứ chọn đại một thứ trong danh sách có sẵn như trên và thực hiện nó thôi. Như Alice trong Alice in Wonderland khi hỏi chú mèo Cheshire về con đường nên đi nhưng lại không biết muốn đi tới đâu thì nhận được câu trả lời: "Nếu không biết bạn muốn đi đâu thì con đường nào cũng sẽ dẫn bạn đến đó”. Chọn một con đường và bước đi, trên con đường ấy bạn sẽ nhận ra bản thân mình là ai, lẽ sống của mình là gì và dần dần rẽ sang con đường phù hợp hơn. Tốt nhất là chọn ngã rẽ đầu tiên để không phải quay lại vòng suy nghĩ luẩn quẩn.
Còn nếu bạn đã biết mình muốn trở thành người như thế nào, sống vì điều gì nhưng vẫn chưa thể quyết định nên đi theo con đường nào vì có thể chúng đều dẫn đến cái đích bạn mong đợi thì hãy nghe theo cảm tính. Đơn giản mà nhỉ. Mọi quyết định của chúng ta đều được hình thành bởi cả lý tính và cảm tính (Elliot psychology case). Nếu đã phân tích tỉ mỉ, dùng tất cả kiến thức của mình để cân đo đong đếm các quyết định mà vẫn không thấy một lựa chọn nào nổi bật lên thì hãy làm điều mà “Nếu không làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?” - Phạm Lữ Ân.
Ta muốn gì, ta được thôi thúc bởi điều gì, chỉ có bản thân ta biết và phải đối mặt với chúng. Ta chỉ có thể thanh thản khi chọn và theo đuổi thứ mình muốn, hay chí ít là trải nghiệm và nhận ra là mình không thích nó đến vậy. Vì thế, nếu may mắn biết được động lực của mình là gì thì hãy chọn phương án phù hợp với động lực ấy và đừng đặt vào đó quá nhiều kỳ vọng. Để rồi cuối cùng, dù cho có đến được cái đích ta tự đặt ra hay không, thì cũng sẽ chẳng có chỗ cho những niềm tiếc nuối.

5. Ra quyết định và đừng nghĩ về nó nữa

Sau khi đã chọn được một kế hoạch hành động, hãy bám theo nó mà làm và đừng nghĩ về tính đúng đắn của quyết định đó trong một khoảng thời gian. “Khoảng thời gian” này tồn tại là để hạn chế vấn đề “cả thèm chóng chán”, thiếu kiên trì với một mục tiêu đã chọn. Nó có thể kéo dài 1 tuần, 1 tháng hay 3 tháng, thậm chí 1 năm, tùy thuộc vào bạn. Vì nếu cứ chọn một con đường bất kỳ mà chỉ đi vài bước rồi lại quay về vạch xuất phát, tìm một con đường khác thì sẽ mãi mãi không đến được đâu cả.
“Do what you love and you'll never work a day”? Chơi thì cũng tốn sức và nhiều lúc không thiếu phần thử thách. Tình yêu thì cũng có những khoảng lặng chứ không phải chỉ toàn màu hồng vu vơ. Không kiên trì thì làm sao hái được trái ngọt.
Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng nên gạt hết mọi thứ qua một bên, nghe theo trực giác và đặt một kỳ vọng thấp với những việc mình làm. Nghe có vẻ hơi “huề vốn” sau một hồi dông dài, nhưng việc lựa chọn gì luôn là một điều hết sức cá nhân, dù vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố như môi trường, nguồn lực. Cũng giống việc theo đuổi đam mê vậy. Có người thì tìm ra nó từ sớm rồi nhất nhất đi theo con đường ấy, có người phải vòng vèo vài đoạn rồi mới nhận ra đâu là điều phù hợp cho mình và có người vẫn đang mò mẫm bước đi. Mình là dạng thứ ba, và đang kể cho bạn hành trình tìm hiểu bản thân và khám phá thế giới nhiều màu sắc này, “Hành trình người không biết kể cho người không biết” - Đạo diễn Trần Anh Hùng.

II. THỰC HÀNH

1. Xây dựng nền tảng

Sau phần “lý thuyết” khô khan rồi thì giờ sẽ là phần “thực hành”, áp dụng những ý tưởng trên vào việc ra quyết định cho cuộc sống ở Đại học. Mình không mong rằng những chia sẻ này có thể giúp bạn đưa ra phương án cho bản thân, mà chỉ đơn giản là có thêm một góc nhìn mới và biết cách áp dụng 5 ý tưởng “Go with the flow” mình đã đề cập phía trên. Ngắn gọn mà nói thì mình chọn dành nhiều thời gian hơn cho việc tạo dựng một lối sống phù hợp, thử những điều mới thay vì chỉ tập trung vào việc học và chia sẻ nội dung. Dài dòng hơn một chút thì phải phân tích từng lựa chọn ban đầu trong hoàn cảnh của mình, dựa trên 5 ý tưởng cốt lõi.
Trước hết, với 3 ý tưởng đầu tiên, mình hiểu là:
1. Không có lựa chọn nào là hoàn hảo
2. Sự đa dạng cần được tôn trọng
3. Mức kỳ vọng thấp = Mức hạnh phúc cao
Vậy nên, áp lực phải chọn đúng không còn là thứ mà mình bị ảnh hưởng quá nhiều nữa. Thay vào đó mình tìm kiếm những lựa chọn mà mình cho là “phù hợp”. Phù hợp với đa dạng của cả môi trường bên ngoài và bên trong suy nghĩ của chính mình. Phù hợp với mức độ kỳ vọng, với các nguồn lực mình đang sở hữu. Để bước đi trên con đường dẫn đến phiên bản mình muốn trở thành (ý tưởng số 4).
Về phiên bản đó, thứ mà mình hay ngừng lại mỗi khi có người hỏi “vì sao mày lại cố gắng như vậy?” thì câu trả lời là mình muốn trở thành một người đầy đủ về cả đời sống vật chất và tinh thần, có sức khỏe tốt và đóng góp được những giá trị cho xã hội, một bức tranh khá “đại trà”. Nhưng cũng chẳng có gì sai khi “đại trà” như vậy. Mình không có thôi thúc phải sống khác, ít nhất là trong khoảnh khắc này. Có một đoạn thơ mình nghĩ khá phù hợp để miêu tả điều mà mình đang hướng đến, trong bài “Với con” của Thạch Quỳ:
“Vì thế nên, lời cha dặn dò Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất Cha mong con lớn lên chân thật Yêu mọi người như cha đã yêu con.”
“Chân thật” và “yêu mọi người” chứ không phải “tối ưu” hay “vĩ đại”. Từ đó, mình cho phép bản thân thử nhiều hơn, sai nhiều hơn, và ở một góc độ nào đó là thiếu ổn định. Mình là một đứa tham lam. Ngoài những điều bị cấm hay trái với đạo đức, hầu hết mọi thứ với mình đều thuộc dạng “Nếu không làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?”. Mỗi phương án, trong giai đoạn phát triển này, mình đều muốn thử và trải nghiệm. Mình gọi đây là khoảng “chạy đà”, như tiêu đề của một tập Weekly Story nào đó, để có thể chuẩn bị cho cả chặng marathon thật dài phía trước.

2. Xem xét các phương án

Vậy là mình đã xây được “nền tảng” phù hợp với mình và các yếu tố xung quanh để đưa ra quyết định. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét từng phương án mình đã đề ra từ đầu bài đăng.
Chỉ tập trung học để lấy học bổng, cầm tấm bằng giỏi trên tay rồi ra trường, xin việc?
Sau một thời gian thử dồn hết sự tập trung vào việc học chính quy, mình nhận ra là mình không thể thỏa mãn với những gì được dạy và kết quả đạt được. Dù có cố gắng đến mấy, mình vẫn có cảm giác mơ hồ về tính ứng dụng của những gì được in trong giáo trình. Không biết có phải đó là do mình không thích cảm giác cứng nhắc trước một giáo trình được soạn sẵn, hay là những gì mình đang học trong năm 1 chưa thực sự liên quan trực tiếp đến công việc sau này. Vì khi tham khảo lại giáo trình, những năm học sau dường như có nhiều thứ hay ho hơn.
Mặt khác, mình cũng không quen với việc chỉ học trong lớp từ những năm cấp 3. Mình thích có một hoạt động bên lề nào đó để cảm thấy năng động và “hustle” hơn, một cái gì đó để nhìn lại và nhớ. Vì vậy, mình sẽ áp dụng nguyên tắc 80/20 vào việc học, tập trung vào những môn quan trọng và chỉ nỗ lực vừa đủ cho những môn “xém quan trọng” để dành thời gian cho những “side project” của mình. Tất nhiên, mình cũng sẽ không trở thành gánh nặng cho nhóm trong mỗi đợt teamwork rồi. Yên tâm nhé.
Tham gia các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi, dự án mô phỏng thực tế?
Đến giờ thì mình vẫn nghĩ là vì sao chúng ta phải tham gia những thứ “mô phỏng” thực tế khi thực tế thì luôn “thực tế” hơn. Nghe có vẻ hơi vòng vèo nhưng thực sự nó là như vậy. Tuy nhiên, có vài lý do để mình cân nhắc tham gia những hoạt động mô phỏng này: vì điểm rèn luyện, vì yêu thích và vì chưa có cơ hội dấn thân vào “thực tế”, hay nói rõ ràng hơn là thị trường lao động.
Với mình, điểm rèn luyện là thứ dùng để xét học bổng và các danh hiệu sinh viên khác. Tuy nhiên, vì mình đã chọn con đường học theo năng lực và tập trung vào các môn quan trọng nên điểm số và danh hiệu (kéo theo học bổng) không còn là thứ mình quá đặt nặng. Một chi tiết khác cũng cần nói rõ là mình chưa phải lo về vấn đề tài chính nên có học bổng hay không cũng chỉ như một phần thưởng, chứ không phải tiền lương trả hóa hơn.
Về phần yêu thích, mình giữ thái độ lập với các hoạt động ngoại khóa, có cái mình thích và có cái mình cảm thấy không phù hợp để tham gia, chủ yếu là những phong trào chỉ nhìn nhận và truyền thông trên bề nổi mà không nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề tận gốc. Mà để nói cụ thể thì là phong trào Zero Waste ở UEH, vẫn với câu chuyện thùng rác, phân loại và tái chế.
Về cơ hội tham gia “thực tế”, dù chẳng có chứng cứ nào, mình vẫn cho rằng “1 năm kinh nghiệm ở vị trí A” vẫn có giá trị hơn tấm bằng giỏi và danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” đi kèm. Hè này mình sẽ thử tìm một việc gì đó liên quan đến ngành học và xin vào làm, trước mắt là để có một cái nhìn rõ ràng hơn về vai trò của mình sau khi ra trường. Nếu chưa thể được nhận vì lý do nào đó, có thể mình sẽ quan tâm hơn đến những cuộc thi hay dự án mô phỏng để có thêm cái mà “ghi vào CV”.
Tích lũy kiến thức, đọc sách, học các khóa học MOOCS, ngoại ngữ?
Mình vẫn đang từng ngày tích lũy kiến thức qua podcast cả tiếng Anh và tiếng Việt. Ngoài ra mình cũng bắt đầu học thêm tiếng Trung nữa. Ngoại ngữ thực sự đã mở ra cho mình rất nhiều cơ hội mới.
Đối với việc đọc sách, mình cũng cố gắng để đọc mỗi ngày một ít. Tuy vậy, có vẻ mình cần nhiều động lực và sự kỷ luật hơn nữa để thực sự biến việc đọc sách giấy trở thành một thói quen cứng. Trước những nội dung dễ nghe dễ tiêu, sách có vẻ là một cái gì đó yêu cầu hơi nhiều sự tập trung và thời gian hơn.
Còn về các khóa MOOCs, mình sẽ dừng lại ở việc hoàn thành khóa UX của Google trên Coursera. Việc có một xấp giấy chứng nhận không đồng nghĩa với việc nắm chắc một công việc nào đó trong tay, nhưng sẽ là một minh chứng cho khả năng tự học, tự tìm hiểu và kiên trì với mục tiêu của bạn. Những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm mình nhận được từ các khóa học online thực sự rất hay ho. Nhưng chúng cũng như những loại tri thức khác, để lâu không dùng thì sẽ quên mất một phần, ít nhất là khi gặp chuyện ta cũng nhớ vài khái niệm liên quan để Google tham khảo lại.
Phát triển nội dung, viết blog, làm podcast?
Chắc chắn rồi, nhưng chỉ ở mức duy trì thôi. Mình muốn dành thời gian nhiều hơn cho việc tích lũy trải nghiệm rồi câu từ sẽ theo sau. Một vấn đề khác nữa là viết không phải cách để mình có thể cải thiện tình trạng tài chính của bản thân một cách ổn định và chắc chắn. Về podcast, mình sẽ dừng thu cho đến khi có một môi trường yên tĩnh hơn, có lẽ là đến tháng 8 này thôi.
Làm part-time, thực tập tại một công ty nào đó để có kinh nghiệm?
Như mình đã nói ở phương án thứ hai, mình sẽ cố gắng tìm một công việc nào đó liên quan đến ngành đang học từ mùa hè này. Chắc chắn sẽ có những lúc đối mặt với burnout vì không sắp xếp được sức lực và thời gian cho cả việc học và làm. Nhưng không thử, không đẩy mình ra khỏi vùng an toàn thì mình cũng không cảm thấy thoải mái được.
Dành thời gian cho các mối quan hệ: gia đình, bạn bè?
Mình lại nhớ đến thử thách “Mỗi ngày làm quen một người mới” của mình lúc trước (mà bây giờ đổi tần suất thành “mỗi tuần”). Đến lúc này thì mình tập trung vào những quan hệ sẵn có, với một tâm thế tỉ mỉ hơn. Rằng thời gian của mình sẽ chỉ dành cho những người có hệ giá trị thực sự phù hợp mà mình cảm thấy thoải mái và được truyền động lực khi ở cùng. Những thứ mình dùng để củng cố và làm mới các mối quan hệ này là việc trao đổi sách và hệ thống gợi nhớ 5+50+100 mình vẫn thường sử dụng.
Tuy vậy, mình vẫn đang cố gắng để tốc độ phát triển chính bản thân mình không chậm hơn tốc độ mở rộng của mạng lưới quan hệ này. Ngoài ra, mình vẫn luôn giữ quan điểm là dù có nhiều bạn đến đâu thì gia đình vẫn là nơi để về, cho đến giờ.
Sống hết mình với tuổi trẻ, khám phá từng ngõ ngách Sài Gòn và những thành phố khác?Bảo lưu kết quả học rồi lên đường “tìm hiểu bản thân và khám phá thế giới” hay thậm chí ngừng hẳn việc học chính quy?Di chuyển sang một môi trường, thành phố, đất nước khác?
Mình không phải là một người thích xê dịch hay đánh đổi quá nhiều. Vì vậy, sẽ không có chuyện bạn thấy mình hòa nhịp với nightlife, lân la khắp quán xá hay bảo lưu kết quả học. Về khoản này thì mình cực kỳ chắc chắn mình muốn gì để có thể nói “không”.
Riêng với việc di chuyển sang một môi trường khác, có vẻ đó là một trong những điều mình dự định làm khi không thể chịu được việc hằng ngày phải đối mặt với khói bụi và làn xe chen nhau đặc cứng. Đây cũng là một trong những thứ thuộc dạng “Nếu không làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?”. Sẽ luôn ở đó cái cảm giác tiếc nuối vu vơ, mong mỏi chẳng biết từ đâu nếu không có những dòng chữ này ghi lại. Tuy vậy, để làm được điều này thì mình phải có đủ khả năng tài chính và sự cam kết khá lớn. Đó sẽ là một câu chuyện khác, thật dài, mà mình mong một ngày nào đó có thể kể với bạn.

3. Ra quyết định

Sau khi xem xét các phương án dựa trên 5 ý tưởng nền tảng, mình quyết định rằng sẽ chỉ tập trung học những môn cốt lõi, dành ít nỗ lực hơn cho các môn khác; tìm việc làm liên quan đến ngành học từ mùa hè này; và giữ những hoạt động khác ở mức cân bằng hoặc duy trì tối thiểu. “Khoảng kiểm định” (ý tưởng thứ 5) của mình sẽ là từ giờ cho đến khi hết tháng 9 - mình sẽ cập nhật các phát hiện và điều chỉnh về lựa chọn này trong một bài blog định kỳ.

4. Thực hiện và điều chỉnh khi cần thiết

Action plan của mình bây giờ theo thứ tự ưu tiên sẽ là
1. Hoàn thành bài tập môn Nguyên lý kế toán và chuẩn bị thi Kết thúc học phần (vì nghe nói môn này khá quan trọng với ngành mình)
2. Hoàn thành khóa học UX của Google trên Coursera
3. Đồng hành với CLB hoàn thành dự án còn đang dở dang
4. Tìm việc
Vì đây chỉ là những lựa chọn cho tương lai, với các thông tin và nền tảng từ hiện tại nên dù ít dù nhiều, chắc chắn không thể tránh khỏi những thay đổi về sau. Nếu những thử thách đến với sự kiệt sức, trăn trở mà không mang theo chút thỏa mãn nào, và điều này lặp lại vài lần, bạn sẽ biết lúc nào cần điều chỉnh và điều chỉnh ở đâu. Đến đây, sẽ có những trường hợp kế hoạch cần thay đổi trước cả “khoảng điểm định” hết hạn. Như mọi thứ khác ở bài viết này, bạn vẫn là nhân tố quan trọng nhất để đưa ra quyết định hay sửa đổi nó. Những điều còn lại đều chỉ mang tính tham khảo.

III. KẾT

Đối điện với các lựa chọn khi bước chân vào giảng đường Đại học, mình có 5 ý tưởng để xây dựng tư duy “Go with the flow”:
1. Không có lựa chọn nào là hoàn hảo
2. Sự đa dạng cần được tôn trọng
3. Mức kỳ vọng thấp = Mức hạnh phúc cao
4. Làm điều giúp bạn trở thành người mà bạn muốn
5. Ra quyết định và đừng nghĩ về nó nữa
Cùng với 4 bước để áp dụng lý thuyết vào thực tế:
1. Xây dựng nền tảng
2. Xem xét các phương án
3. Ra quyết định
4. Thực hiện và điều chỉnh khi cần thiết
Nói cho cùng thì đây cũng chỉ là những thứ mình lượm lặt được mỗi nơi một ít, chắp vá lại thành một hệ thống riêng cho bản thân. Vài lúc nó là động lực để cố gắng, vài lúc nó lại là chỗ dựa để mình an tâm dừng lại. Chẳng phải một mô hình với các nghiên cứu chuyên sâu nào đó, đây chỉ là một cách nghĩ, cách làm đơn giản mà mình mong rằng có thể giúp bạn có thêm người đồng hành nếu cũng đang bị cuộc đời ném vào người quá nhiều lựa chọn.
Gửi bạn năm 18 tuổi,
Bài viết số 25
Ngày 11 tháng 05 năm 2022