- Fred, đừng đốt. Trong đó đã có lửa rồi!
Trưa hôm qua xem chuyển động 24h, mình ấn tượng với lời thoại của bộ phim này quá nên đã tìm phim để xem. Và “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh dựa trên “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” đã không khiến mình thất vọng. Tác phẩm đưa mình về một thời bom đạn chiến tranh, từ đó đồng điệu với những xúc cảm tinh tế của một thiếu nữ đất Hà thành.
Trước tiên, bộ phim đã chuyển tải được thế giới nội tâm tràn đầy trăn trở, mong ngóng của Thùy - một cô gái có trái tim nhạy cảm, lòng yêu đời với tiếng hát lạc quan và tâm hồn tha thiết sống. Bác sĩ ấy tham gia chiến tranh bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng ngọn lửa của tình yêu và khát khao dâng hiến. Bệnh xá bị bỏ quên, Thùy và những thương binh nặng hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với máy bay trên đầu, với sự thiếu thốn về vật chất và cả những khốc liệt của thời tiết,... Trong sự cô đơn đến cùng cực, Thùy vẫn là chỗ dựa tinh thần cho tất cả thương binh nặng còn lại trong bệnh xá, nơi mà “cái chết dễ hơn ăn một bữa cơm". Cô gái ấy còn mang trong mình những mong ước rất đỗi giản đơn, đó là được trở về nhà, và vì thế nỗi nhớ nhà nhớ quê cứ thế trào dâng trong tâm trí: “Nhớ miền Bắc vô vàn, nhớ những cây bàng, cây sấu lá xanh sau những cơn mưa, nhớ con đường nhựa sạch sẽ vào những buổi sáng, nhớ một căn phòng đơn sơ nhưng đầm ấm, râm ran tiếng cười nói xen lẫn tiếng đài phát thanh từ chiếc radio để giữa nhà…”. Mình ấn tượng với cảnh quay Thùy trúng đạn, đôi mắt cô mở to nhìn lên rừng xanh và bầu trời cao vợi, đôi môi cô khẽ mỉm cười tưởng tượng ra cảnh mình đang đạp xe về nhà, từng vòng quay xe đạp cứ thế chuyển động chầm chậm và dừng lại khi cô ngã xuống, trên mắt cô đọng lại giọt nước mắt của bao mong ước còn dang dở… “Mẹ ơi, trong ngày khải hoàn sẽ không có con của mẹ đâu..”. Chiến tranh là thế, niềm vui của kẻ này sẽ là sự mất mát của người khác, tham vọng của một đế quốc sẽ cướp đi vô số sinh mệnh vô tội. Nó lấy đi tuổi xuân, mạng sống, nhưng vĩnh viễn nó không thể đốt cháy tâm hồn của một con người.
Sự khác biệt của bộ phim này so với “Mùi cỏ cháy” hay “Ngã ba Đồng Lộc” đó chính là nó không chỉ ca ngợi vẻ đẹp và khắc họa nỗi đau của dân tộc ta, mà nó còn miêu tả những tổn thương tinh thần, sang chấn tâm lí của những người lính bên tham chiến. Fred là một sĩ quan Mĩ và được Huân – một trung úy quân đội Sài Gòn trao lại quyển nhật kí của Thùy. Từ đó trở đi, cả cuộc đời ông chìm trong những giày vò giằng xé, đúng như lời mẹ ông: “Quyển nhật kí này sẽ thiêu đốt cuộc đời con”. Bao nhiêu năm sau chiến trận, những giấc mơ của Fred luôn chập chờn hình bóng của Thùy cùng những người vô tội bị ông giết hại. Ông trở về lành lặn về thể xác nhưng tâm hồn thì không, vĩnh viễn không thể…
Sau tất cả, cái còn lại của chiến tranh chính là bài học về tình yêu thương!