Nhiều người trong chúng ta thường hay thích đưa ra dự đoán về tương lai của một đứa trẻ. Đôi khi, chúng ta dựa vào một đôi tai to, khi thì là sự lanh lợi của một cặp mắt sáng, lúc là vầng trán rộng. Nhiều khi, ta dựa vào sự thông minh thiên bẩm thể hiện qua khả năng nhận diện chữ cái năm hai, ba tuổi hay khả năng làm toán, tính nhẩm của đứa trẻ chưa từng tới trường. Lúc khác, ta lại dựa vào sự chăm chỉ, siêng năng của đứa bé để đoán rằng nó sẽ thành đạt trong tương lai.
Những phán đoán ấy có lẽ cũng không phải vô cớ, nhưng lại hoàn toàn mặc định rằng thành công sẽ đến với đứa trẻ vì tự bản thân nó chứ chẳng phải vì điều gì khác. Đứa trẻ thành công vì nhân tướng của nó, sự thông minh bẩm sinh của nó, hay sự kiên trì của nó….chứ không phải vì một điều gì khác. Khi viết bài này, tôi đã lên google cụm từ khoá “what makes a successful person”. Trong vài chục giây, Google cho hơn một triệu kết quả, và lướt qua một hồi, tôi thấy chúng tương đối giống nhau: “X đặc điểm/ tính cách của những người thành công” – trong đó, X là bất cứ con số nào – 8, 9, 12, 20… tôi cũng không rõ vì sao lại là chúng. Ngoài ra, Google còn cho hiện ra một loạt chân dung của những người được coi là điển hình cho sự thành đạt: Bill Gates, Jeff Bezos, Elon Musk, v…v…Bài viết về những người này cũng ngợi ca sự thông minh, sắc bén, và hơn hết là sự đam mê với công việc của họ. Có vẻ như khi chúng ta nói về thành công của ai đó, ta sẽ nói về những đặc điểm con người và nỗ lực tự thân của họ. Có vẻ như khi ai đó nói về thành công của họ, họ cũng nói về những gì bản thân họ tự cố gắng đạt được.

Đọc thêm:

Hẳn nhiên, sẽ thật kì quặc nếu chúng ta bỏ qua nỗ lực và khả năng tự thân của một ai đó trong sự thành công của họ, nhưng quy hết thành công cho cố gắng và năng lực tự thân là chưa đủ, thậm chí có thể là một thiếu sót để lại nhiều hậu quả, cho xã hội, cho những đứa trẻ.
Khắp các sách vở và các trang mạng đều lan truyền câu chuyện Bill Gates say mê lập trình từ khi còn là một cậu bé học lớp 8, đã dành hàng ngàn giờ mày mò lập trình trên chiếc máy tính đời cũ cồng kềnh, đã phải lẻn vào dùng trộm máy tính ở một trường đại học gần nhà vào lúc mọi người đang say giấc, đạt 1590/1600 SAT vào Đại Học Harvard rồi bỏ học để theo đuổi đam mê. Ai cũng từng nghe những câu chuyện như vậy và ngưỡng mộ Bill vì tài năng, đam mê bền bỉ, và cả sự táo bạo của ông. Nhưng có lẽ không nhiều người để ý Bill sinh ra trong một gia tộc giàu có với bố là luật sư danh tiếng, mẹ làm trong ban giám đốc của hai tổ chức tài chính, và ông ngoại làm thống đốc ngân hàng liên bang. Bill được đi học tại những ngôi trường danh gía tại nước Mỹ dành cho con nhà giàu. Và vào năm Bill học lớp 8, tức là năm 1968, việc được sử dụng một chiếc máy tính cồng kềnh như Bill đã là một đặc quyền chỉ ít người trên thế giới có được. Tôi nhớ tôi cũng bắt đầu dùng máy tính vào tầm khoảng những năm 2000 và đó vẫn là một chiếc máy tính để bàn cực kì cồng kềnh, chậm chạp. Chỉ có điều, tôi dùng nó sau thời của Bill ở trường Lakeside tới tận hơn 30 năm.
Câu chuyện về Elon Musk hay Oprah Winfrey có phần nhiều bi kịch hơn khi một người nhận sự ghẻ lạnh của người cha “giống như quỷ dữ”, còn một người thì bị lạm dụng từ khi còn 9 tuổi bởi những người họ hàng của mình tới mức có thai năm 14 tuổi. Tuy nhiên, dễ dàng thấy được câu chuyện về họ thường chỉ nhấn mạnh xem những người này đã vượt qua những tấn bi kịch thời thơ ấu thế nào để vươn lên thành những biểu tượng thành đạt và truyền cảm hứng. Chúng ta ít khi nhớ đến rằng Elon cũng sinh ra trong một gia đình có học thức cao, và vào năm 1981 khi Elon Musk bắt đầu sử dụng máy tính để lập trình, ông đã là một trong những người rất may mắn được làm điều đó. Oprah Winfrey có thể đã chịu nhiều cay đắng lúc bé thơ, nhưng bà may mắn có được một người cha nghiêm khắc rèn giũa bà ở tuổi ngỗ nghịch và đặt việc học của bà lên ưu tiên hàng đầu.

Đọc thêm:

Bill, Elon, Oprah và bất cứ người thành đạt nào khác, đương nhiên, là những cá nhân rất ưu tú, đầy nhiệt huyết với công việc, rất có chiều sâu, rất bền bỉ, và rất dũng cảm. Nhưng có một điều cũng rất quan trọng trong sự thành công của họ mà hơn một triệu kết quả tìm kiếm trên Google thường bỏ qua: họ đều là những người được trao cơ hội. Cơ hội để lớn lên thành công.
Bill sẽ khó trở thành Bill của ngày hôm nay nếu cách đây 53 năm, hội phụ huynh tại trường Lakeside nơi ông học không dùng quỹ phụ huynh để mua một chiếc máy tính cho học sinh trong trường. Elon sẽ không phải Elon của ngày hôm nay nếu mẹ ông không phải người Canada, nếu ông không thể dễ dàng sang Mỹ học trường kinh doanh hàng đầu thế giới Wharton. Oprah sẽ khó có được vị trí như bây giờ nếu bà không được dạy dỗ bởi một người cha biết đưa bà vào khuôn khổ cũng như ưu tiên việc học của bà dù kinh tế eo hẹp tới đâu.
Nếu chúng ta tiếp tục kể một nửa câu chuyện của sự thành công, nếu chúng ta tiếp tục quy toàn bộ khả năng thành đạt của một ai đó cho chính họ và chỉ họ, tôi cho rằng sẽ có hai điều xảy ra.
Một là, bất cứ ai cũng cảm thấy vô cùng áp lực về bản thân mình, đôi khi còn tự ti và mặc cảm: “có lẽ mình không thông minh, không có tài năng, không chăm chỉ đủ, không có đầu óc nhạy bén…nên mình không thành công”. Ở chiều ngược lại, một số cá nhân có thể luôn quy kết việc mình đã thành công là do mình, tự mình cả mà không nhận ra được năng lực thực sự của mình đóng góp mấy phần trong thành công ấy. Viết đến đây tôi lại nhớ đến chính mình: từng có lúc tôi tự hào lắm khi thấy mình cũng tự thân vượt lên hết bao nhiêu khó khăn để đạt được các giải thưởng, chẳng học ở Tây mà cũng được 9.0 IELTS, được học bổng chính phủ..v…v… mà quên rằng để có được những thứ đó, ngoài nỗ lực bản thân, tôi đã được hưởng hàng ngàn cơ hội quý giá so với những người khác. Tôi được mẹ cho đi học tiếng Anh nâng cao, thi thoảng có cả người nước ngoài tới dạy từ khi những đứa trẻ trong trường tiểu học của tôi chỉ biết “what’s your name?”, được học ở lớp chuyên lớp chọn từ bé đến lớn, được các thầy cô ở trường trao nhiều cơ hội tham gia các cuộc thi, được gặp những người giám khảo đủ thích và hợp với tôi để chọn tôi - gặp một hội đồng giám khảo khác, chưa chắc tôi đã được nhận học bổng… Một nửa của câu chuyện thành công có thể khiến vài người trong chúng ta thu mình trong vỏ ốc giày vò bản thân, lại có thể khiến vài người khác tự mãn quá sớm về nỗ lực của mình.
Hai là, mỗi người trong xã hội và những người làm công tác quản trị sẽ không cảm nhận được sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc trao cơ hội. Bằng chứng là chúng ta lâu nay vẫn coi chế độ nhân tài là điều hiển nhiên: ai giỏi thì sẽ nhận được những điều xứng đáng hơn. Vài năm trước còn có dư luận mạnh mẽ phản đối việc cộng điểm thi tốt nghiệp cho học sinh vùng sâu vùng xa và con em thương binh, liệt sĩ. Chúng ta không hiểu rằng chế độ nhân tài, nếu đó là tất cả những gì chúng ta theo đuổi, sẽ tước đi rất nhiều cơ hội của những người có xuất phát điểm ít lợi thế hơn. Mà suy cho cùng, chế độ nhân tài có phải là công bằng không? Thử lấy một ví dụ: một em học sinh là con nhà khá giả, được bố mẹ đầu tư tổ chức đêm nhạc, triển lãm tranh và cho đi học rất nhiều trường lớp tốt so với một em học sinh ở vùng núi, gia đình là nông dân, không học giỏi bằng và cũng không có thành tích mở triển lãm tranh hay chơi trong dàn nhạc. Nếu em nhà khó khăn được cộng thêm điểm cho xuất phát yếu thế của mình để từ đây em được tiếp cận với một cơ hội học tập tốt hơn, đó là công bằng cho em hay bất công cho em học sinh còn lại?
Tôi sẽ không trả lời câu hỏi này mà để các bạn tự có suy nghĩ cho riêng mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng cùng với những phẩm chất đáng quý, những người thành công trước hết là những người đã gặp được những cơ hội mở ra trong cuộc đời họ. Nếu chúng ta trao đi càng nhiều cơ hội, xã hội của chúng ta sẽ càng có nhiều người có tiềm năng trở nên thành công hơn. Nếu chúng ta có nhiều đứa trẻ được tiếp xúc với máy tính và được trao cơ hội khám phá, tìm tòi như Bill Gates, chúng ta sẽ có thể có nhiều Bill Gates hơn. Nếu chúng ta có nhiều người cha quan tâm tới con và đặt việc học của con lên trên hết, bất chấp những thử thách tài chính, chúng ta sẽ có nhiều những đứa trẻ vượt lên số phận như Oprah Winfrey. Nếu chúng ta có nhiều học bổng hơn, có nhiều chương trình và chính sách cho những đứa trẻ như Oprah hay Obama ngày nào, chúng ta cũng nhiều khả năng có người dẫn chương trình truyền hình và chính trị gia có năng lực như Oprah và Obama ngày nay.
Và nếu bạn đang đọc đến tận dòng này, tôi hi vọng bạn hiểu rằng, hơn cả một đôi tai Phật, hơn cả một vầng trán rộng, hơn cả khả năng tính nhẩm năm 4 tuổi, những cơ hội mỗi đứa bé nhận được mới là chỉ dấu rõ ràng nhất xem nó có lớn lên thành công hay không. Nếu bạn đang là cha mẹ, hãy trao cho con mình cơ hội được sống hạnh phúc và học tập hiệu quả: khi bạn đọc sách cùng con, bạn đang trao cho con cơ hội; khi bạn dạy con đạo đức, kỷ luật, bạn cũng cho con cơ hội…Nếu bạn đang là thầy cô, hãy trao cơ hội được học tập say mê cho học trò của mình và cố nhìn xem bạn có cần trao thêm chút cơ hội được sẻ chia, tâm sự cho em nào đặc biệt không…Nếu bạn đang thành công, hãy hiểu rằng ngoài tài năng của bản thân, bạn đã có rất nhiều cơ hội mà người khác không có, cơ hội này kéo theo cơ hội khác, hãy lên báo kể hai nửa của câu chuyện thành công và đem may mắn chia sẻ cho mọi người…
Nếu bạn đang ở quanh một đứa trẻ, hãy hiểu rằng nó cần cơ hội để lớn lên, thành công.
***********************
Nếu bạn yêu thích bài viết của tôi, tôi tin rằng bạn cũng sẽ yêu thích cuốn sách Outliers của tác giả Malcolm Gladwell. Tôi đã viết bài này sau khi đọc và rất đồng cảm với nội dung cuốn sách.