"Ký sinh trùng" là từ dùng để chỉ những sinh vật muốn tồn tại phải sống nhờ vào sinh vật đang sống khác, đây đồng thời cũng là tựa đề của bộ phim do Bong Joon-ho làm đạo diễn đã làm nên lịch sử tại giải Oscar 2020. Đáng nói, từ ngữ mang nhiều sắc thái tiêu cực này vừa được một biên tập viên sử dụng để gọi những gánh hàng rong, trong bản tin Tài chính - kinh doanh phát sóng trên kênh VTV1.
Gánh hàng rong từ lâu đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là cư dân ở các thành phố lớn. Những gánh hàng rong này là nơi mọi người có thể mua đồ với mức giá tương đối rẻ, ở bất cứ đâu và gần như ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Không chỉ vậy, nó cũng là công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều người dân lao động. Với việc làn sóng dịch Covid-19 trở lại Việt Nam, nhiều người bán hàng rong tại các thành phố lớn – vốn là các lao động đến từ tỉnh lẻ, cũng rơi vào cảnh khốn đốn.
Chị Nga làm mẹ đơn thân, xuống Hà Nội bán hàng rong cũng được hơn một năm nay. Thời khó khăn, ít người ra đường nên gánh hàng của chị ế thường xuyên, bán gì cũng khó từ rau củ đến hoa quả.
“Nếu không có dịch cũng kiếm được hôm 100.000 đồng, nhiều thì được 150.000 đồng. Giờ dịch quay lại đường phố không có người nên khó kiếm ăn lắm. Khéo tháng này không đủ tiền trọ. Cuộc sống vất vả lắm, giàu có chả ai sống cảnh này”, chị Nga buồn bã nói.
Chị Nga cho biết, ở quê chị còn hai đứa con gửi cho ông bà, mỗi tháng dành dụm tiền để lo cho con học hành. Nếu không có tiền, chị cố vay mượn rồi trả sau vì không gửi về các con không có tiền tiêu. Đứa con đầu của chị năm nay học lớp 8, chị cũng cố cho con lấy được bằng cấp 2 còn học thêm nữa thì hơi khó với chị.
Thế nhưng, cũng chính ở những gánh hàng rong mà chúng ta thường xuyên bắt gặp nạn chèo kéo, chặt chém, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Đây cũng là đối tượng thường xuyên bị nhắm đến bởi lực lượng chức năng khi xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị ở các thành phố lớn. Không ít người trong chúng ta từng có những trải nghiệm xấu với những gánh hàng rong, cá nhân người viết đã từng một lần phải trả hơn 100.000 đồng cho một túi xoài dầm trên phố cổ Hà Nội. Thậm chí, tại đây còn có một “đường dây” chèo kéo, lừa đảo khách du lịch với tổ chức bài bản và quy mô nhằm qua mắt lực lượng chức năng:
“Tôi và bạn trai đang ngồi nghỉ chân ở ghế đá thì có một người đội nón bê thúng bánh rán đến mời mỗi người một chiếc. Chúng tôi ăn xong, thấy không hợp khẩu vị nên không đồng ý mua. Người này vẫn tiếp tục nài nỉ với giá 10.000 đồng một chiếc và đòi tiền 2 chiếc bánh rán chúng tôi vừa ăn xong. Bạn trai tôi rút từ ví tờ 200.000 đồng, đưa cho người bán hàng, bà ta cầm tiền, nói: “Ok”, rồi bỏ đi. Chúng tôi cảm thấy như mình bị lừa và bị ăn cướp trắng trợn.” 
- Một du khách Ireland chia sẻ với báo Kinh tế và Đô thị.
Vậy theo ý kiến của bạn, liệu hàng rong có phải là một dạng “ký sinh trùng” trên đường phố cần phải loại bỏ? Nếu có, chúng ta cần những biện pháp gì để đảm bảo công ăn việc làm cho những người đang sống dựa vào nó? Nếu không, chúng ta cần quản lý hàng rong theo cách nào?

Xem thêm các số 9totalk khác: