Thế nào là “Yêu bản thân” thực thụ?
Source: Unsplash Bài học về tình yêu thương dành cho bản thân (self-love) là một bài học có khi dành cả kiếp người cũng chưa học...
Bài học về tình yêu thương dành cho bản thân (self-love) là một bài học có khi dành cả kiếp người cũng chưa học hết, bởi mỗi khi bạn nghĩ bạn đã thực sự yêu thương bản thân rồi, thì lại có thêm những thách thức, góc nhìn mới khiến bạn nhận ra: Bạn còn chưa thực sự trân trọng, tin tưởng chính bạn. Để yêu thương được bản thân thực sự, là cả một hành trình tìm về chính mình, thấu hiểu bản thân – cả góc sáng và tối, chấp nhận mọi mặt của bản thân. Khi có tình yêu bản thân thực sự, người ta tự nhiên có được lòng từ bi, thấu hiểu cho những hành vi của chính mình, cũng như của người khác. Thế mới nói: “Tình yêu đích thực bắt đầu từ tình yêu bản thân” (True love begins with self-love). Bởi khi ta hiểu và chấp nhận bản thân – ta yêu và từ bi, kiên nhẫn với sự chậm chạp, thiếu hoàn hảo của chính ta, ta sẽ biết yêu người khác, một cách thật tự nhiên, không gượng ép.
Tình yêu bản thân khác với chứng “ái kỷ” (narcissism), hay “ích kỷ”. Những người ái kỷ và ích kỷ chỉ biết đến chính bản thân họ, luôn cố gắng phô trương bản thân, để đạt được lợi ích này hay lợi ích khác. Người ái kỷ, ích kỷ yêu một cái tôi ảo tưởng, phóng đại do họ tự vẽ ra cho chính bản thân – một cái tôi cao siêu, thần thánh hơn bất cứ người nào họ gặp. Cái tôi cao siêu, thần thánh đó được vẽ ra để che giấu những đau đớn, tổn thương sâu sắc bên trong – con người thực của họ đang gào thét từng lúc. Những người mang chứng ái kỷ, ích kỷ chèn ép mọi cảm xúc, suy nghĩ thực của họ, bám víu vào những hình ảnh, những suy nghĩ do cái tôi tạo ra, cố gắng chứng tỏ bản thân mình hơn người, bằng cách chèn ép người khác xuống, dẫm đạp lên người khác, để chứng tỏ bản thân. Sau cùng, đấy là điểm khác biệt cơ bản và lớn nhất của Tình yêu bản thân thực thụ và chứng ái kỷ, ích kỷ: Sự thấu hiểu, chấp nhận mọi mặt tối và sáng của bản thân – không chút phán xét, căm ghét, chỉ đơn thuần thấu hiểu.
Đọc thêm:
Ví dụ đơn giản để phân biệt một người thực sự có tình yêu bản thân lành mạnh, với một người mang chứng “ái kỷ”. Khi bạn chỉ trích một người “ái kỷ” vì hành động của họ, thì thái độ của họ sẽ luôn là đẩy lỗi đấy về lại phía bạn, đổ lỗi cho người này người kia, tất cả nhằm bảo vệ một hình ảnh cái tôi tuyệt mỹ, không sứt mẻ. Còn nếu bạn chỉ trích một người thực sự có tình yêu lành mạnh cho bản thân – thì người ta sẽ xem xét lại lời bạn nói có phản ánh đúng con người họ hay không? Nếu bạn chỉ trích sai, thì người ta sẽ không thèm chấp lời bạn nói, không bấu víu “cái tôi” của họ vào những lời phán xét của bạn; còn nếu bạn nói đúng, thì họ sẽ nhìn nhận những mặt tối đó của chính họ, thấu hiểu cho bản thân, và biến chuyển, thay đổi những mặt tối, phần tính cách chưa hoàn thiện đấy để trở nên lành mạnh hơn. Điều khác biệt ở đây, là một bên chỉ yêu hình ảnh hoàn mỹ của bản thân, còn bên kia – yêu thương và chấp nhận mọi góc khuất của chính mình. Người chỉ yêu sự hoàn mỹ của bản thân thì họ cũng sẽ không bao giờ chấp nhận sự không hoàn mỹ ở người khác – bởi sự thiếu hoàn hảo đấy phản chiếu lại sự thiếu sót ở chính họ – góc tối mà họ không yêu, không chấp nhận ở bản thân. Mặt tối mà họ không trân trọng đấy chính là một phần con người của họ, nếu họ không yêu nổi lấy chính mình, thì làm sao họ có thể yêu thương người khác? Bởi vậy, những người ích kỷ, ái kỷ mới có khả năng “dùng” người khác để làm lợi cho “mình” – cho cái tôi hoàn mỹ, sáng ngời, lấp lánh của họ, bởi họ không hiểu, và không yêu thương được người khác.
Như vậy, bài học đầu tiên về Tình yêu bản thân là Thấu hiểu, chấp nhận bản thân – không phán xét, không so sánh. Điều này thực sự khó khăn, bởi từ khi còn là một đứa trẻ, chúng ta đã được “lập trình” sẵn trong đầu để so sánh với người này người kia, tự trừng phạt bản thân, phán xét, chỉ trích bản thân – từ những hành động của những người xung quanh ta. Khi ta làm gì đó sai, sẽ có ai đó chỉ trích. Khi ta không đạt được điểm cao như mong đợi, điều chờ đợi ta là sự trách mắng. Và rồi lớn lên, khi cha mẹ ta, người nuôi dưỡng ta không còn xung quanh ta nữa, tiếng vọng của họ vẫn luôn ám ảnh trong đầu.
Đọc thêm:
Những ngày đầu mình tập viết bài, chia sẻ nó ra thế giới, là lúc mình đối diện với vô số thứ âm thanh gào thét trong đầu mình: chỉ trích, phán xét, cười nhạo. Chẳng ai cười nhạo mình cả, chỉ là thứ âm thanh trong đầu, nó cứ lặp đi lặp lại, mình quay cuồng trong vô vàn nỗi lo âu, ảo tưởng. May mắn thay, thời gian đấy mình đã học thiền được một thời gian, thấu hiểu rằng thứ thanh âm trong đầu đấy không hề có thực, chỉ là một thứ lập trình của não bộ. Mình đối diện với thanh âm ấy, bất chấp mọi sự cười nhạo hả hê của “nó”, mình làm những gì trái tim mình khao khát làm, những gì thâm tâm mình giục giã mình làm, dù thanh âm trong đầu phán xét, chỉ trích mình hàng ngàn lần. Những lần mình học cách lắng nghe mách bảo từ trái tim, thay vì vô vàn nỗi sợ của cái tôi, là một lần tiếng gào thét trong đầu nhỏ dần, nhỏ dần. Bây giờ, vẫn còn đôi lúc tiếng nói trong đầu lại hiện lên, cười nhạo, chỉ trích mình khi mình làm những gì mình muốn làm, nhưng thay vì quy phục trước nó, mình chỉ âm thầm quan sát nó, thấu hiểu rằng: những sự phán xét đấy xuất phát từ cái tôi đầy sợ hãi, đã được lập trình sẵn từ khi mình còn bé xíu, và những suy nghĩ, ám ảnh đó thậm chí còn có thể bắt nguồn từ nỗi đau, chấn thương của vô vàn kiếp trước. Mình không nhất thiết phải lắng nghe, để nó lôi kéo mình – mà chỉ cần quan sát nó, để nó đến và đi, cho đến khi tâm mình yên lặng lại, và thanh âm của trái tim bật ra trong sâu thẳm. Đấy là cách mình thấu hiểu bản thân: Mình quan sát những suy nghĩ gào thét trong đầu mình – những suy nghĩ của sự phán xét; Mình quan sát những hành động, phản ứng trong vô thức của mình – phản ứng của những nỗi đau. Mình quan sát, thấu hiểu, để tìm về chính mình, về con người thực của mình, khao khát của mình – đang bị che lấp sau lớp sương mờ của vô vàn suy nghĩ, tiếng nói, nỗi sợ, “lập trình” của xã hội.
Để yêu bản thân, thì bước đầu là chấp nhận bản thân, thấu hiểu cho bản thân – bất chấp mọi tiếng nói trong đầu. Thứ tiếng nói trong đầu này có ma lực rất mãnh liệt, với những người đang thấy tự ti, nếu bạn nghe theo những chỉ dẫn của tiếng nói này, bạn sẽ càng căm ghét bản thân. Nếu bạn chiến đấu, vật lộn với nó, bạn sẽ kiệt sức. Như ông anh của mình từng kể, ông ấy luôn cố gắng nói với bản thân mình rằng: “Mình thật tốt đẹp, mình tuyệt vời,…” để thấy tự tin hơn, nhưng mỗi lần như vậy, tiếng nói trong đầu lại hiện ra: “Không, mày tệ thực sự, có nhớ lần a b c mày làm chuyện xyz không? Mày có thứ này thứ kia chưa mà mày tự cho bản thân tuyệt vời?” Ông ấy vật lộn, phản bác lại thứ tiếng nói, và rồi tranh cãi loạn trong đầu, để rồi lại gục ngã. Bởi vậy, nếu bạn đang gặp phải vấn đề với thứ tiếng nói trong đầu này, mình rất khuyến khích các bạn bắt đầu học Thiền. Thời gian đầu, tiếng nói trong đầu rất loạn, nhưng điều quan trọng là bạn hãy cứ ngồi xuống, quan sát sự gào thét trong đầu, để tiếng nói tự đến tự đi – như đám mây trôi qua bầu trời xanh. Đám mây ở đây là những suy nghĩ đến rồi đi, dù mưa giông bão lũ, thì sau cùng, đám mây chỉ là hiện tượng thời tiết, nó cũng phải trôi đi, để lại bầu trời xanh không chút gợn mây – là sự bình yên thẳm sâu bên trong bạn. Quan sát suy nghĩ, để nhận ra, bạn không phải là những đám mây đấy, những suy nghĩ đấy, và tìm về sự cân bằng cho mình. Bạn có thể tự thực hành Thiền theo phương pháp trong bài viết này: Thiền: Phương pháp chữa lành cảm xúc
Đọc thêm:
Việc yêu thương, chấp nhận bản thân cần đi kèm với việc hiểu rõ bản thân: Cả mặt sáng và mặt tối. Với mình, trên con đường tìm hiểu về chính mình, “Shadow work” – làm việc với bóng tối hết sức quan trọng. “Bóng tối” ở đây là những mặt tính cách ở tiềm thức của bạn, không được những người xung quanh công nhận, nên bạn phải chèn ép nó xuống. Ví dụ, nếu lúc nhỏ bạn là đứa trẻ hay khóc nhè, nhưng cha mẹ bạn rất ghét tiếng khóc, nên đã quát nạt, buộc bạn không được khóc vì bạn là con trai, thì tính nhạy cảm của bạn sẽ dần dần bị kiềm chế lại, không còn được biểu lộ ra nữa. Tuy tính nhạy cảm của bạn bị kiềm chế, nhưng nó không bao giờ mất đi, và điều này đồng nghĩa với việc khi lớn lên, bạn không thể hiểu được cảm xúc của bạn, lúc bị người khác chọc vào, bạn sẽ giận dữ, gào thét trong lòng nhưng bạn kìm nén lại, không biểu hiện ra, cho đến một ngày những căm giận ấy gom lại thành một khối, và bạn nổ tung, giận dữ đến mức chính bạn cũng không hiểu – đấy là khi mặt tối của bạn hiện ra. Nếu bạn không dành thời gian để tự vấn, thấu hiểu những hành vi đấy của bản thân, tự hỏi chính mình: “tại sao mình lại hành xử như thế này?” – thì những mặt tối trong tiềm thức bạn vẫn sẽ luôn tồn tại ở đó, thao túng bạn hàng ngày.
Khi nhận ra những mặt tối của bản thân: như sự giận dữ, nhạy cảm, sự ghen tị,… thay vì phán xét chúng, căm ghét bản thân vì có những mặt tính cách này, bạn hãy tự hỏi bản thân: “Tại sao mình lại ghen tuông đến vậy? Tại sao mình lại khao khát kiểm soát cô ấy/anh ấy như vậy?”- không chút phán xét, chỉ đơn giản là tự vấn bản thân để thấu hiểu chính mình mà thôi. Nếu bạn chịu khó dành thời gian với bản thân để hiểu bản thân, thay vì bỏ qua những “mặt tối” này, tiếp tục để những mặt tối này thao túng bạn, hoặc tệ hơn là luôn dằn vặt, đau khổ mỗi khi những mặt tối này hiện ra – thì bạn sẽ có được những câu trả lời rất sâu sắc về chính tâm lý của bạn, nỗi đau của bạn, và học cách tự chữa lành, và yêu thương chính mình. Ví dụ, việc bạn luôn khao khát kiểm soát người yêu có thể xuất phát từ nỗi sợ bị bỏ rơi, nỗi sợ không được ai yêu thương – và để giải quyết, thì bạn cần học cách quay về tập trung cho chính mình, và nhận ra, mỗi người đều có sự tự do ý chí của họ, bạn chỉ thể điều khiển được hành vi, thái độ của mình, chứ không thể điều khiển người khác. Từng chút từng chút, thấu hiểu hơn về bản thân, về những căn nguyên cho mọi hành vi của bản thân, bạn sẽ thấu hiểu được hơn cho người khác – về việc tại sao họ hành xử như vậy. Tình yêu đến cùng sự thấu hiểu, cảm thông, từ bi.
Thế mới nói, hành trình yêu thương bản thân là cả một hành trình dài – tìm về bản thân, chữa lành cho bản thân – đặc biệt đối với những bạn luôn vật lộn với việc tự ti, lo âu. Mình thấy trên mạng nói khá nhiều về cách để yêu bản thân, như: Nghĩ tích cực về bản thân, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, v.v. Nhưng nếu các bạn không dành thời gian để tìm về chính mình, thấu hiểu chính mình, thì những hành động trên chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề, và sự tự ti, thiếu tôn trọng dành cho bản thân vẫn còn đấy mãi, bởi căn nguyên của vấn đề nằm sâu hơn thế.
Dĩ nhiên, trên hành trình tìm về bản thân và chữa lành cho chính mình, những hành động đơn giản mỗi ngày, như tập thể dục, chăm sóc bản thân, ăn uống lành mạnh vẫn là cần thiết, bởi có một nền tảng sức khoẻ vững vàng thì năng lượng của bạn sẽ ổn định, cân bằng hơn. Nhưng để có tình yêu bản thân thực sự, thì sau tất cả: Thấu hiểu bản thân, cả góc sáng và mặt tối; yêu thương mọi mặt của bản thân không chút phán xét, và không để những suy nghĩ phán xét, tiêu cực trong đầu ảnh hưởng tới sự bình yên của bản thân – là tối quan trọng. Khi bạn có tình yêu bản thân đích thực, bạn sẽ có được sự tự tin và bình yên thật sâu, từ tận bên trong tim mình, bất chấp người ngoài có nói gì đi nữa. Sự thấu hiểu, chấp nhận bản thân là một nền tảng vững chắc, để từ đó bạn có thể thực hành những phương pháp “yêu thương bản thân” khác, ví dụ:
- Xây dựng ranh giới cá nhân rõ ràng, vững chắc, tôn trọng những nhu cầu (need) của bản thân trong các mối quan hệ và đời sống thường ngày. Bạn có thể đọc thêm về cách xây dựng ranh giới cá nhân ở đây: Vạch rõ giới hạn
- Đối xử với bản thân như một người bạn thân thiết. Nếu bạn luôn yêu thương, tôn trọng, chấp nhận bạn bè thân thiết của mình như chính họ, thì tại sao bạn lại phải hạ thấp, coi thường bản thân mình đến vậy? Hãy nói chuyện, đối xử với bản thân như với đứa bạn thân thiết nhất của bạn, hoặc như với đứa con mà bạn hết mực yêu thương – thấu hiểu cho đứa con của mình, và rồi dẫn dắt, chỉ ra phương hướng để bản thân phát triển, thay vì chỉ trích, phán xét, trừng phạt chính mình. Hãy là người cha, người mẹ mà bạn luôn khao khát có được (nếu cha mẹ bạn không hành xử tốt với bạn lúc bạn còn nhỏ)
- Thực hành chăm sóc bản thân. Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, đáp ứng những nhu cầu của chính bạn, thay vì luôn “bóc lột”, ép bản thân quá sức. Dành thời gian để cười thật tươi mỗi ngày, làm những điều nho nhỏ mình thích, ví dụ như tận hưởng một ly trà, tận hưởng một bữa ăn thật ngon, chạy bộ buổi sáng để kết nối với thiên nhiên. Âm nhạc, thơ ca, hội hoạ – cũng là những phương thức tuyệt vời để bạn cảm thấy thư giãn, thêm yêu cuộc sống hơn.
- Giúp đỡ người khác: Việc cho đi tình yêu thương cũng là cách để nhận thêm tình yêu thương. Và khi bạn học cách cho đi, giúp đỡ một người lạ, và nhận được những nụ cười, lời cảm ơn từ họ, bạn sẽ tự khắc thấy cuộc sống lấp lánh hơn nhiều :’>
- Đặt mục tiêu: “Tốt hơn 1% mỗi ngày” – Và kiên nhẫn với chính mình. Thấy bản thân trở nên tốt đẹp hơn qua mỗi ngày cũng là một cách để bạn xây dựng sự tự tin, sự tôn trọng dành cho chính mình. Bạn chỉ cần cam kết là bản thân tốt hơn 1% mỗi ngày, ví dụ sáng nay dậy sớm hơn một chút để chạy bộ, thực hiện được những gì bản thân đã cam kết cần làm, thì bạn sẽ thấy bản thân đáng tin cậy hơn, thêm tôn trọng chính mình hơn. Chỉ cần tốt hơn 1% thôi bạn nhé, đừng đặt mục tiêu gì quá xa vời, để rồi lại tự “đấm vào mặt mình” vì không đạt được mục tiêu :)) Từng chút từng chút, bạn sẽ lại càng thêm yêu thương, tin tưởng, tôn trọng chính mình.
- Học cách tha thứ cho bản thân: Sẽ có những lúc bạn không được hoàn hảo, không thực hiện được cam kết với bản thân, có những khi bạn hành xử không được tuyệt vời, có khi bạn bị sa vào vô vàn cám dỗ. Đây là lúc bạn học cách thấu hiểu cho bản thân và tha thứ cho chính mình, bởi “Nhân vô thập toàn” – không có ai là hoàn hảo, quan trọng là bạn nhận ra lỗi sai để sửa chữa, hoàn thiện. Những sai lầm của bạn trong quá khứ hay vài giây phút trước đều đến từ việc bạn chưa đủ nhận thức để hiểu những gì bạn đã hiểu trong thời điểm hiện tại. Từ sự thấu hiểu cho chính mình, chấp nhận lỗi lầm trong quá khứ của bản thân (như cách người cha, người mẹ thực sự thì luôn bao dung, thấu hiểu cho đứa con của mình), bạn sẽ học được cách tha thứ cho bản thân, học hỏi bài học từ quá khứ, để có thể sống thật toàn vẹn trong hiện tại, và đi lên trong tương lai.
Còn nhiều nhiều phương pháp để chỉ dẫn cho người ta cách yêu bản thân, tuy nhiên, sau cùng, tình yêu thương, trân trọng bản thân thực sự phải đến từ việc sẵn sàng để tìm hiểu, thấu hiểu bản thân. Việc này cũng đòi hỏi bạn phải sẵn sàng vượt qua những giới hạn do chính mình đặt ra, sẵn sàng quan sát hành vi, suy nghĩ của mình, và dành thời gian ở một mình tự vấn. Sự thấu hiểu này tạo cho bạn một nền tảng thực sự vững chắc để bạn thực sự yêu thương bản thân, và tạo cho bạn sự tự tin thực sự từ sâu trong tâm, không phải một thứ tự tin giả tạo, bám víu vào những hình ảnh, vật chất vô định từ phía bên ngoài. Nên nếu hiện tại, bạn chưa thực sự yêu chính mình, thì cứ kiên nhẫn, cứ từ từ học cách thấu hiểu, không phán xét bản thân đã, rồi dần dần, tình yêu thương sẽ ngập tràn trong bạn. Tình yêu luôn ở đấy – trong tim bạn, nơi linh hồn bạn, chỉ là bạn có sẵn sàng đào sâu, để nhận ra: “Bạn chính là tình yêu” – “You are Love”, hay không thôi. Học cách yêu chính mình, để tình yêu trong tim bạn lan toả ra cả thế giới xung quanh, bạn nhé.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Mystic Cat Lady
—
Ghé thăm Blog của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady
Ghé thăm Blog của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady
---
NGUỒN TÀI LIỆU:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất