Dù nghiện mạng xã hội nhiều hay ít, tôi vẫn cảm thấy cô đơn
Tôi cảm thấy có một nghịch lí trong việc sử dụng smartphone của bản thân. Tôi vừa cần phải sử dụng nó, vừa phải cố gắng dừng việc dùng...
Tôi cảm thấy có một nghịch lí trong việc sử dụng smartphone của bản thân. Tôi vừa cần phải sử dụng nó, vừa phải cố gắng dừng việc dùng nó sớm nhất có thể. Tôi chẳng hiểu nó là phương tiện cho mình hay điều ngược lại mới đúng. Có lẽ, cả hai đều đúng, chỉ là vào những thời điểm khác nhau thì vế trước chiếm tỉ lệ lớn hơn hay nhỏ hơn vế sau mà thôi.
Hai ngày gần đây, tôi cố gắng hạn chế dùng điện thoại nhất có thể. Nhưng bạn biết không, dù đã hạn chế nhưng thời gian sử dụng vẫn trên 2 tiếng/ngày. Tôi hầu như chẳng nhắn tin qua các nền tảng mạng xã hội. Trước mỗi buổi học tại lớp thì tôi có mở Zalo lên xem có thông báo gì đột xuất không, và 95% là chẳng có gì, và cũng có trên 70% là chẳng ai nhắn gì cho tôi - một điều tạo nên và duy trì một nghịch lí khác trong tôi - vừa muốn ai đó nhắn cho mình để được thỏa mãn cái cảm giác được quan tâm, vừa không muốn có tin nhắn mới để khỏi phải trả lời và có cơ hội được offline sớm.
Có lẽ bạn nghĩ rằng tôi ghét việc nhắn tin. Nhưng tôi thì cho rằng bản thân rất thích việc nhắn tin. Chỉ là với tôi, nhắn tin đôi khi không chỉ là phương tiện mà nó còn là mục đích nữa. Mục đích gì nhỉ? Tôi nghĩ chắc là để tránh các giao tiếp ngoài đời thực.
Tôi không dám nhận mình là người tối giản công nghệ số, dù bản thân cũng có những nỗ lực nhất định để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của smartphone và các thiết bị điện tử khác lên bản thân.
Thường khi bước ra khỏi trọ, khi va chạm trực tiếp vào thế giới của loài người, tôi ý thức tốt hơn hẳn về việc sử dụng smartphone của bản thân. Tôi hầu như chỉ dùng nó để ghi lại chi tiêu trên app Budget, ghi chú trên Samsung Notes, Reminder; còn lại thì cố gắng hạn chế dùng điện thoại.
Khi không ở một mình, tôi muốn bắt chuyện với nhiều người bạn mới mà tôi gặp tại giảng đường. Nhưng đập vào mắt tôi là những cái vuốt lia lịa, những cái chạm mân mê của những con người khác nhau. Tôi thật chẳng nỡ ngắt mạch tập trung ấy của họ. Mỗi khi phải chứng kiến cảnh đó, tôi lại cảm thấy cô đơn. Hóa ra, chúng ta gần nhau về khoảng cách địa lí nhưng lại không gần lắm về mặt tâm trí.
Nhiều khi, cùng là một nhóm, cùng có mặt, cùng ngồi gần, chỉ là chuyện nhỏ như chia tiền in bài để nộp mà cũng phải nhắn lên nhóm Zalo thay vì mở miệng nói trực tiếp cho cả nhóm nghe. Tôi không dám phán đây là bệnh sợ giao tiếp. Nhưng tôi thầm nghĩ, có lẽ trong tương lai, giao tiếp ngoài đời thực sẽ ngày càng khan hiếm hơn với sự phát triển không ngừng của công nghệ.
Bạn biết không. Tôi thích nhìn những bạn trẻ hoặc người trưởng thành ngồi làm gì đó mà không bấm, vuốt, lướt smartphone. Tôi thích nhìn cảnh tượng đó không hẳn vì tôi ghét những người đang chăm chú vào màn hình, mà có lẽ bởi vì đó là cảnh tượng hiếm gặp trong đời sống, ít nhất là với tôi.
Chiếc điện thoại thông minh không chỉ nhỏ nhắn, xinh xắn mà còn đa năng. Chỉ chiếm dụng một lượng không gian nhỏ trong túi quần của bạn nhưng nó lại giúp bạn thực hiện được rất nhiều hoạt động: từ ghi chú, đọc sách, tìm kiếm thông tin, chụp ảnh, ghi âm cho tới chơi game, nghe nhạc, nhắn tin, gọi điện... Có lẽ ai đó đã đúng khi cho rằng, sự tiện lợi cũng chính là sự phụ thuộc. Tôi không cho rằng chuyện này tốt hay xấu. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu bạn nhận thức được sự phụ thuộc của bạn vào nó và đảm bảo sự phụ thuộc đó nằm trong một ngưỡng cho phép do bạn đặt ra thì sẽ ổn hơn cho bạn, có lẽ thế.
Sau nhiều năm là một thanh niên nghiện game, nghiện mạng xã hội thì hiện giờ tôi khá cảnh giác với sự thao túng từ các mạng xã hội nói riêng và sự lệ thuộc vào các thiết bị điện tử nói chung. Tôi biết rằng chẳng thể quay ngược trở lại thời chưa có smartphone để hi vọng vào một thế giới tốt hơn. Nhưng tôi sẽ tự tạo ra những qui tắc, những cách thức riêng để bị lệ thuộc và bị thao túng trong một ngưỡng phù hợp với tôi.
Nếu bạn cảm thấy ổn với việc sử dụng smartphone liên tục, tôi nghĩ rằng bạn không cần thay đổi. Nhưng nếu bạn cảm thấy mâu thuẫn nội tâm, thấy hối hận vì cứ lướt và vuốt màn hình dù đa phần là muốn đi làm việc khác thì hi vọng bài viết này giúp bạn phần nào nhìn nhận lại vấn đề và tìm cách thay đổi nếu bạn không muốn dằn vặt bản thân mãi.
Trước đây khi nghiện mạng xã hội, tôi thường xuyên cảm thấy cô đơn. Hiện giờ khi ít nghiện mạng xã hội hơn hẳn so với trước đây thì tôi vẫn hay cảm thấy cô đơn - theo một cách khác, khi mà tôi cảm thấy lạc lõng giữa nhiều tập thể nghiện smartphone như vậy. Dù như thế, tôi vẫn hi vọng bản thân sẽ ngày càng nhận được nhiều cảm giác cô đơn thứ hai hơn thay vì kiểu thứ nhất.
Có thể bài viết này sẽ khiến bạn cảm thấy được "gãi" đúng chỗ, nhưng tôi mong muốn bạn hãy dùng tư duy phản biện khi đọc, bạn nhé.

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này