Nằm án ngữ tại vị trí kết nối giữa 3 Châu và 2 Biển, Đông Nam Á sừng sững khơi lên ý nghĩa địa chính trị đầy màu sắc bức tranh tự do Mỹ và bàn cờ phục hưng Trung Quốc. Không đơn thuần là địa lý khô cứng mà ngay từ bên trong, sự vận động nhịp nhàng của các nước ASEAN với nhiều thế mạnh khác bắt đầu mở rộng. Trong những năm gần đây, Đông Nam Á đang được thế giới không ngừng hy vọng cho viễn cảnh sáng lạn về khu vực không chỉ trở thành tương lai của Châu Á mà còn của thế giới hậu hiện đại
Tuy nhiên, Đông Nam Á tự thân chưa đủ quan trọng mà nó phải nằm trong sự rằng buộc lợi ích của Mỹ và Trung Quốc. Hai quốc gia mặc dù là kẻ thù của nhau nhưng sau những nỗ lực nối lại quan hệ ngoại giao từ năm 1979 thì khoảng cách hận thù cũng dần xóa bỏ. Song, về bản chất, một rào chắn tư tưởng chính trị hoặc đơn giản là mong muốn trở thành "số 1" thế giới về tham vọng quyền lực đã thôi thúc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh với nhau gay gắt. Để tiến hành chèn ép đối thủ, Mỹ lựa chọn Đông Nam Á để kìm chế vì nơi đó Trung Quốc đang tìm cách mở rộng. Theo một lẽ tự nhiên như vậy, Đông Nam Á trở thành cửa ngõ chốt chặn quyền lực trọng yếu của cả Mỹ và Trung Quốc mà nếu đánh mất địa bàn này, một trong hai sẽ sa lầy sâu vào vũng bùn của trò chơi quyền lực có tổng bằng không.
Để có thể hiểu rõ hơn về Đông Nam Á trong toan tính của Mỹ và Trung Quốc, bài viết sẽ cố gắng diễn giải từ nhận thức chung nhất về khu vực Đông Nam Á sau đó đến từng lợi ích riêng biệt của hai nước lớn này.
Đông Nam Á - quá khứ của Châu Âu nhưng tương lai của Châu Á
Đông Nam Á (Southeast Asia) là một cấu trúc địa lý khu vực nằm ở phía Đông - Nam của Châu Á. Nơi đây là khu vực tiếp giáp với hai đại dương lớn trên thế giới đó là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời là nơi trung chuyển kết nối giữa lục địa Á –Phi và Mỹ, lục địa Úc. Về cấu trúc địa lý bên trong khu vực này, Đông Nam Á bao gồm hai bộ phận tiểu khu vực: Đông Nam Á lục địa và hải đảo gồm 11 nước. Ngoại trừ Timor-Leste, các nước cùng nhau góp mặt trong tổ chức quốc tế liên quốc gia của khu vực này là ASEAN. Đối với khu vực Đông Nam Á lục địa, lịch sử thường gọi là bán đảo Đông Dương bao gồm 6 quốc gia là Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia, Việt Nam, bán đảo Malaysia. Về khu vực hải đảo của Đông Nam Á là tập hợp chung của Brunei, Đông Malaysia, Đông Timor, Indonesia, Philippine, Singapore. Với tổng diện tích toàn khu vực hơn 4,5 triệu km2 và đến năm 2022 dân số ước tính khoảng 678,1 triệu người, không gian này được xem là một khu vực rộng lớn, có nhiều tiềm năng phát triển nhờ vị trí, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi và có nguồn nhân lực dồi dào.
Trong quá khứ, khu vực Đông Nam Á đã có đóng góp to lớn về sự phát triển mạnh mẽ vào nền văn minh nhân loại từ đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ XII, XIII. Theo các nhà sử học đánh giá “ [khu vực Đông Nam Á] thực sự xứng đáng được coi là ở vị trí đứng hàng đầu thế giới về sự phát triển trình độ văn hóa, giá trị tinh thần, đạo đức” nhưng đồng thời khu vực này cũng gặp nhiều thách thức đó là “bị cắt nhỏ, manh mũn, khó phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu; chế độ phong kiến chuyên quyền đan xen chế độ thủ lĩnh bộ tộc – bộ lạc cũng kìm hãm sự phát triển xã hội”.[1] Cột mốc đánh dấu hình thành địa chính trị quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong chiến lược quốc tế và đồng thời chấm dứt chế độ phong kiến các quốc gia phải nhắc đến khoảng từ năm 1511, khi mà chủ nghĩa thực dân mở rộng xâm lước hướng đến Châu Á. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, các phong trào cách mạng giải phóng thuộc địa tại Đông Nam Á đã trở thành điểm nút mở màn nâng cấp địa chính trị khu vực với số lượng các quốc gia độc lập bắt đầu trỗi dậy. Các nước lớn bắt đầu thực hiện gây ảnh hưởng đối với các nước này ở Đông Nam Á buộc họ phải trải quả giai đoạn cam go về xác định, lựa chọn, tìm kiếm thể chế chính trị và hệ tư tưởng xây dựng đất nước. Tuy bằng những con đường khác nhau, cũng như xuất phát điểm không đồng đều nhưng chúng vẫn đã tạo nên một bức tranh đa dạng, tổng hòa của các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình liên kết khu vực được khởi động với việc thành lập ASEAN vào năm 1967. Chính sự đa dạng này cũng tạo ra một lỗ hổng lớn trong vấn đề đoàn kết khu vực, khối tổ chức liên quốc gia trong quá khứ khi nhìn lại sự việc phân hóa bởi Chiến tranh lạnh đã làm các quốc gia Đông Nam Á bị chia rẽ hai dạng thể chế chính trị rõ rệt.
Nhìn lại vào nửa trước thế kỷ XX, tên gọi khu vực Đông Nam Á thường không thống nhất và thậm chí không có tên gọi riêng. Bởi vì, khu vực này vốn chỉ được điền tên trong chiến lược của các quốc gia khác nhau trên thế giới với tư cách đặc thù tùy theo từng cách gọi thuận tiện riêng theo chiến lược của từng nước. Nước Pháp thời thực dân chủ yếu sử dụng “Viễn Đông thuộc Pháp” là cách gọi phổ biến. Đặc biệt, theo các gọi các nhà hàng hải biển thời đó, khu vực này được gọi là “Châu Á gió mùa”. Nhìn chung, vào giai đoạn này, các học giả Âu – Mỹ thường sử dụng thuật ngữ Southeast of Asia, l’Asie de Sud – Est, hàm ý Đông Nam Á là bổ ngữ của Châu Á. Mãi cho đến khi Chiến tranh lạnh căng thẳng nhất, các tài liệu học thuật bắt đầu để tâm đến khu vực và đặt vấn đề về vai trò khu vực Đông Nam Á thành một chỉnh thể hoàn bị làm tiền đề cho các tài liệu nguồn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của nước lớn. Như công trình “Một lịch sử Đông Nam Á” của D. G. Hall (A history of South- East Asian, London, 1960) là công trình đầu tiên gọi riêng với tên gọi tương ứng ngày nay là Đông Nam Á. Tương tự vậy, quyển “Đông Nam Á – một nhập đề lịch sử” của Milton Osborne, Australia, 1979 cũng bắt đầu kế thừa việc xác định tên gọi khu vực Đông Nam Á cho đối tượng nghiên cứu của mình.
Hậu Chiến tranh lạnh, Đông Nam Á bước vào một thời kỳ phát triển mới. Một trong những nhân tố chủ đạo vẽ nên bức tranh toàn cảnh của Đông Nam Á thời kỳ này là tiến trình liên kết khu vực. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, các nước Đông Nam Á đã hoàn tất quá trình khu vực hóa, được bắt đầu từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, đưa ASEAN trở thành một tổ chức toàn khu vực, “một trung tâm quyền lực mới” ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với tính thích nghi cao, sự năng động và sức sống mạnh mẽ.[2] Vai trò Đông Nam Á duy trì ảnh hưởng lớn mạnh và thậm chí trở thành trung tâm cốt yếu trong chiến lược đối ngoại của các nước lớn trong các mục tiêu khác nhau. Điển hình là ASEAN đã trở thành đối tác kinh tế - thương mại, văn hóa – giáo dục với nhiều nước, tổ chức trên khắp thế giới và đồng thời những khu vực vùng biển tại Đông Nam Á như biển Đông trở thành điểm nóng địa chính trị xung đột, tranh chấp chính yếu trong bàn cờ các nước lớn trên thế giới.
Tựu trung lại, Đông Nam Á là khu vực rộng lớn trong lục địa Châu Á được liên kết bởi tổ chức ASEAN không những sở hữu vị trí đắc địa trong con mắt đối ngoại của các quốc gia trên thế giới mà từ lâu nó đã khảm trong mình những giá trị, lợi ích chiến lược mang tính lịch sử truyền thống. Có thể nói, khu vực Đông Nam Á trở nên đa dạng từ trong yêu cầu thống nhất của các quốc gia bên trong và đồng thời sự vận động của thế giới bên ngoài khiến khu vực này luôn tồn tại những diễn biến phức tạp và nóng bỏng vừa là tâm điểm hợp tác vừa là không gian cốt lõi về cạnh tranh, xung đột.
Lợi ích Mỹ và Đông Nam Á
Đại lượng thời gian là tương đối và luôn chuyển hóa, vận động liên tục ảnh hưởng đến chất lượng quyền lực của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Tính từ giai đoạn Chiến tranh lạnh đến khoảng hai thập niên đầu thế kỷ XXI hiện nay, thời gian đã chuyển biến quyền lực Mỹ theo nhiều cung bậc lúc thì đứng đầu lúc thì ngang hàng, phát triển và suy giảm. Sự tăng hoặc giảm quyền lực này cũng gắn theo sự thay đổi chiến lược của nước Mỹ nhằm đảm bảo an toàn, giữ vững lợi ích quốc gia – dân tộc. Trong đó, khu vực Đông Nam Á là một khía cạnh điển hình trong chiến lược trong những năm gần đây giúp nước Mỹ mở rộng quyền lực lãnh đạo và cân bằng cạnh tranh quyền ảnh hưởng với kình địch gây phương hại đến lợi ích Mỹ đó là Trung Quốc.
Từ sau Chiến tranh lạnh, Đông Nam Á không chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách đối với khu vực Đông Á của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, sự kiện khủng bố 11/9/2001, Mỹ phát động cuộc chiến ở Trung Đông, Chính quyền Bush đã khai màn “mặt trận thứ hai” trong chiến dịch chống khủng bố toàn cầu tại Đông Nam Á. Dù đã có mặt ở Đông Nam Á nhưng Mỹ chưa có chính sách, hành động nào cụ thể, sâu sắc trong vai trò tìm kiếm lợi ích. Cho đến khi, Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu trỗi dậy một cách manh nha bằng các hành động quân sự tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là vùng biển Đông, thì lúc đó, Mỹ đã có sự can thiệp và chuyển đổi chiến lược đối ngoại với khu vực này bằng việc “xoay trục” thời kỳ Tổng thống Obama. Tháng 7-2009, khi đặt bút ký vào văn kiện xác nhận Mỹ tham gia “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông-Nam Á” (TAC), ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: “Chúng tôi đang quay trở lại Đông Nam Á”[3]. Nhưng phải đến 6 năm sau tức ngày 21/11/2015, Mỹ và ASEAN mớichính thức tiếp tục nâng cấp mối quan hệ song phương lên mức độ đối tác chiến lược,mở ra một tầm nhìn chiến lược mới trong khu vực này phơi bày một mệnh đềthách thức đối đấu, cạnh tranh trong tương lai với Trung Quốc.
Nhìn chung, lợi ích chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ của Trung Quốc. Đối với Mỹ, Trung Quốc trở thành nhân tố thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó lên khu vực Thái Bình Dương là nguyên ngân chính khiến Chính quyền Obama chú trọng đến mối quan hệ với ASEAN ngay khi nắm quyền. Chính quyền Obama một mặt nỗ lực tăng cường phổ biến hợp tác an ninh quân sự với tổ chức ASEAN nhằm kiến tạo khung cấu trúc bền vững phản kháng hành động quân sự của Trung Quốc ở biển Đông, mặt khác tích cực hợp tác kinh tế nhằm cân bằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Theo nhận định của giới phân tích quốc tế, Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN tại Sunnylands, một dấu ấn đặc biệt của quan hệ Mỹ - ASEAN vào tháng 2/2016, nguyên nhân hội nghị được tổ chức cho thấy có một phần tác động từ những hành động quyết liệt của quân đội Trung Quốc trên biển Đông, bao gồm những hành động khiêu khích, ngăn chặn quân đội Mỹ thực hiện các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải trên biển Đông.[4]
Lợi ích của Mỹ mở rộng thêm tầm nhìn mới khi tổng thống Donal Trump lên cầm quyền vào năm 2016. Trong Hội nghị APEC 2017, Chính sách “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và Rộng mở” của Tổng thống Donald Trump đã được chính sách đề cập vào thực tiễn. Về cơ bản, FOIP là sự tiếp nối của chính sách “xoay trục” của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, thay vì tiếp cận bằng biện pháp ôn hòa và nhấn mạnh việc hợp tác (xen lẫn cạnh tranh) với Trung Quốc, Tổng thống D.Trump lại trực tiếp xác định Bắc Kinh chính là đối thủ cạnh tranh đe dọa đến lợi ích của Mỹ nhất là về kinh tế thương mại. Chính sách FOIP của Tổng thống Trump đề cao sức mạnh quân sự, quan hệ kinh tế song phương chiến lược nhằm đảm bảo những lợi ích quốc gia hướng đến mục tiêu duy trì trật tự khu vực do Mỹ lãnh đạo. Chính sách này nhắm vào Trung Quốc một cách trực diện nhất.[5] Thậm chí, sau cuộc bầu cử 2020, tân Tổng thống J.Biden đảng Dân chủ tuy có cách thức dẫn dắt đất nước khác D.Trump song về hành xử cạnh tranh với Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vững, kiên định quan điểm cạnh tranh về kinh tế và chính trị - an ninh. Qua đó, điểm chung về lợi ích của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á được phơi bày gắn liền với vai trò kiểm soát quyền lực Trung Quốc và đang hướng đến hợp tác kinh tế - thương mại sâu rộng. Mặc dù, trong chiến lược FOIP hướng đến một phạm vi khu vực chiến lược rộng lớn nhưng trụ cột chính là Đông Nam Á. Bởi vì, các hành động chính trị hóa của Trung Quốc tại khu vực này, vô hình trung, lợi ích Mỹ tại đây gia tăng đáng kể trong góc độ của Chính quyền Mỹ trong việc duy trì ổn định trên cương vị “lãnh đạo thế giới”, hơn nữa là đảm bảo lợi ích tuyệt đối của nước Mỹ.
Có thể thấy, Mỹ trước tiên hiện diện tại khu vực Đông Nam Á một cách nổi bật qua nhân tố Trung Quốc trong việc đảm bảo lợi ích chính trị hơn là kiểm soát thị trường kinh tế mới. Thế nhưng, mối quan hệ chính trị và kinh tế luôn biện chứng, do đó lợi ích của Mỹ tại khu vực này luôn gắn kết bởi hai nguyên nhân này mà Mỹ muốn cân bằng chúng để tiện chuyển đổi chiến lược kịp thời. Nhìn rộng hơn nữa, bằng việc ngăn chặn Trung Quốc, Mỹ vừa có lợi ích gây sức ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á và trong tương lai với chiến thắng quân sự tại biển Đông thuộc về Mỹ thì nhiệm vụ xây dựng cường quốc biển, tham vọng kinh tế của Mỹ sẽ trở thành hiện thực.
Đông Nam Á và "láng giềng" Trung Quốc
Trong các kế hoạch nhằm đạt được tham vọng “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc đã thực hiện những nhiệm vụ cụ thể tương thích cho từng khu vực với từng chiến lược thích hợp. Hướng tới Đông Nam Á, có ba bước phát triển bao trùm quan trọng đối với việc thực thi chính sách, thể hiện rõ ràng lợi ích của Trung Quốc, đó là: quyết tâm giành lại chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là biển Đông), tăng cường ảnh hưởng trong khu vực thông qua công cụ chủ yếu là hội nhập kinh tế và phân định sức mạnh cũng như vị thế của Hoa Kỳ ở châu Á.[6]
Với tham vọng xây dựng cường quốc biển tại Đông Nam Á, nhiệm vụ này là yếu tố quan trọng để bổ sung vàhoàn thành, cũng như ngày càng hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”. Vào năm 2012, tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức xác định kế hoạch và mục tiêu cụ thể xây dựng quốc gia này thành cường quốc biển. Về ý nghĩa chiến lược, Trung Quốc nhận thấy vùng biển Đông Nam Á là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. Bởi vì,cổng chốt chặt của Nga với cường quốc mạnh và rộnglớn bao vây ở phía bắc Trung Quốc. Phía đông của Trung Quốc là khối đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Phía tây nam là Ấn Độ và Myanmar, hai nước mà Mỹ tăng cường cải thiện mối quan hệ. Do vậy, con đường Nam tiến là nơi thuận lợi nhất để Trung Quốc vươn ra biển.[7] Chính vì lẽ đó, các hành động quân sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ biển với các quốc gia ở Đông Nam Á trong tuyên bố “đường 9 đoạn” cho thấy rõ lợi ích của Trung Quốc tại đây. Điều Trung Quốc muốn là mở rộng lãnh thổ biển bằng việc đẩy mạnh quân sự hóa nếu đạt được thành công thì quốc gia này dễ bề kiểm soát chủ thể Đài Loan tránh khỏi sự ly khai vừa thu thập thêm lãnh thổ phát triển kinh tế biển.
            Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn khôi phục lại vị thế trung tâm kinh tế thế giới từ dấu ấn lịch sử vẻ vang của dân tộc vào thời kỳ nhà Đường với “con đường tơ lụa” hiện nay được cải biên thành chiến lược OBOR. Chiến lược này được xem là bước tiến quan trọng trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng của Trung Quốc bởi OBOR tuy không chỉ dành riêng cho các nước cậnkề biên giới, nhưng xét cho cùng đối tượng chủ yếu vẫn tập trung vào các nước láng giềng của Trung quốc (khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á và Đông Bắc Á) nhằm thiếp lập một khu vực chịu ảnh hưởng của quốc gia này trong phạm vi “đại chu biên”.Qua đó, điều này chắc chắn giúp Trung Quốc tạo đà phát triển bao gồm thế và lực cho chiến lược “trỗi dậy” toàn cầu vừa thiết lập môi trường lân cận hòa bình dễ kiểm soát vừa đẩy lùi ảnh hưởng phương Tây nhất là vai trò của Mỹ. Do vậy, chiến lược OBOR là một chiến lược ngoại giao kinh tế dưới lợi ích nhằm thâu tóm và phân định vùng ảnh hưởng sống còn của Trung Quốc với các chủ thể quốc gia khác, trước hết là trong khu vực xung quanh.[8] Xét về bản chất, quy mô về lợi ích kinh tế trong chiến lược này của Trung Quốc được thể hiện rõ qua các hành động và ứng xử đối với Đông Nam Á. Rõ ràng, chiến lược này phơi bày các lợi ích của Trung Quốc về mối quan hệ lợi ích chính trị đan xen với kinh tế trong tham vọng làm trung tâm kinh tế khu vực.
            Ngoài ra, đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với Trung Quốc khi mà Hoa Kỳ đang có những hành động can dự sâu sắc tại Đông Nam Á. Vai trò của Mỹ kích thích các hành động gia tăng quyền lực và mở rộng lợi ích cốt lõi tại khu vực này. Trung Quốc đã áp dụng cácchính sách quyết đoán, đặc biệt liên quan đến các yêu sách lãnh thổ với các nước Đông Nam Á và các nước láng giềng khác cũng như Hoa Kỳ nhằm đánh bại hoàn toàn vai trò phản kháng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng, các hành động của Trung Quốc đôi khi lại cho kết quả đi ngược lại các lợi ích quan trọng của Trung Quốc vì họ đã giúp củng cố nền tảng chung ngày càng tăng giữa các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc liên kết lại với Đông Nam Á và các nỗ lực của Đông Nam Á nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trước tình trạng Trung Quốc được nhận thức là ngày càng hung hãn trong khoản gia tăng quân sự.[9] Bởi vậy, Trung Quốc càng cảm tưởng bản thân an ninh quốc gia bị đe dọa khi sự liên minh không chính thức giữa các nước Đông Nam Á với Hoa Kỳ đang dần hình thành. Hay nói cách khác, nước này bị rơi vào vòng xoáy nghịch đảo của chính sách đổi ngoại nảy sinh ra chiều cạnh lợi ích mới xuất phát từ các hành động quyết liệt của mình. Do vậy, Trung Quốc phải duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa tại Đông Nam Á nhằm đề phòng mối nguy hiểm vô hình và quan trọng hơn là đẩy lùi vai trò của Mỹ khi đang hiện diện một cách mạnh mẽ.
            Tóm lại, lợi ích chiến lược ở khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc đang được định hình rõ nét với việc trở thành một bộ phận quan trọng nhằm hiện thực hóa tham vọng “giấc mộng Trung Hoa”. Tại đó, các lợi ích rõ ràng nhất là mong muốn trở thành cường quốc biển bằng cách tiến hành chậm rãi quân sự hóa vùng biển và tìm kiếm lợi ích kinh tế khôn kéo đan cài thủ đoạn chính trị linh hoạt để kiểm soát khu vực này và đặc biệt là đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ.
Tựu trung lại, khu vực Đông Nam Á ngày nay đang là tâm điểm cốt lõi trong lợi ích chiến lược của Mỹ và Trung Quốc. Vì tại đây, lợi ích của hai nước tương phản nhau mà chính lợi ích không tìm ra điểm chung sẽ khiến các hành động cạnh tranh trở nên quyết liệt hơn. Các nhà khoa học chính trị ngày nay đang cùng nhau thảo luận, lý giải và lại giải thích xem có mấu nối lợi ích nào tại Đông Nam Á có thể trung hòa được mâu thuẫn hay không? Nhưng rút cuộc, câu trả lời phải đến từ nỗ lực chung của thế giới cùng nhau kiến tạo hòa bình, chung sức can thiệp vì lợi ích toàn cầu chứ không vì bất cứ quốc gia đơn lẻ nào. Về phần mình, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động khôn lường từ Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á nên điều cốt yếu là phải tin tưởng vào mình nhiều hơn, tôn trọng, đề cao các giải pháp hữu hiệu của quốc tế bằng cách giải quyết trên cơ chế hợp tác đa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Hùng Sơn, “Lịch sử Đông Nam Á”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4 (2006), tr.68 – 69.
[2] Lương Ninh – Đỗ Thanh Bình – Trần Thị Vinh: Lịch sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục, 2005, Hà Nội, tr.602 – 603.
[3] Yên Ba, (2014), “Bình luận “xoay trục””, https://nhandan.vn/tin-quoc-te/binh-luan-xoay-truc-194125
[4] Vũ Thị Hưng, “Nhìn lại sự kiện nâng cấp quan hệ Mỹ - ASEAN lên tầm đối tác chiến lược”, tạp chí Châu Mỹ Ngày nay, số 11/2017, tr.25.
[5] Nguyễn Đăng Khoa, “Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Châu á - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama và Donal Trump: những điểm tương đồng và khác biệt”, tạp chí Khoa học & Công nghệ ĐHTN, 225(15), tr.29 – 30.
[6] Bates Gill – Evelyn Goh – Chin Hao Huang: The Dynamics of US-China – Southeast Asia Relations, published by United States Studies Centre – The University of Sydney NSW, 2016, p.17.
[7] Nguyễn Thùy Trang, “Đông Nam Á trong điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc”, tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 10 – 2017, tr.103.
[8]Trần Việt Thái, ““Vành đai, con đường” hướng tới “giấc mộng Trung Hoa”, tạp chí Cộng sản số 895/(2017), tr.100 - 101.
[9]Robert Sutter, “China – Southeast Asia Relations: Toughness in the South China Sea and implications”, China plus Quarterly, POSCO Research Institute, winter 2019, vol.13, p.90